Kami
-
Vừa rồi được đọc bài "Yêu nhau như thế bằng mười hại nhau!" của cụ Bùi Tín, nói về tin một loạt con ông cháu cha của các quan chức cấp cao nhất ở Việt nam được nhận những chức vị rất cao, quyền hạn rộng lớn trong bộ máy đảng và chính quyền nhà nước của họ. Mà theo cụ Bùi Tín cho rằng "Nếu những nhân vật trẻ ấy quả thật là có tài năng, có bản lĩnh, do tự phấn đấu qua ganh đua công bằng và cạnh tranh ngay thật để được tập thể và xã hội công nhận đàng hoàng, thì không có gì phải nói, lại còn là điều tốt, rất tốt nữa'". Nhưng nếu ngược lại thì "... đây là những việc làm quá đáng, rất tai hại cho đất nước, đi ngược lại những nghị quyết của đảng, lời hứa với nhân dân, làm hại cả ngay những người kém năng lực bị giao những chức trách quá sức không sao kham nổi.Họ tưởng như thế là yêu con cái, là phục vụ tốt cho chế độ, nhưng yêu như thế bằng mười hại nhau."
Vấn đề này dư luận trong nước thời gian qua người ta cũng bàn đến nhiều, vì mỗi sự kiện con anh Sáu cháu anh Năm sẽ được bế đặt vào cái ghế béo bở nào, trước khi trở thành thực tế thì tin vỉa hè đã lao xao bàn tán. Và rồi với kết cục cả mười lần như cả chục là những cái chặc lưỡi của mỗi người, đại loại “Thôi thì con ông cháu cha mà”, không thì lại chuyện con Vua con Sãi… Có kẻ ác khẩu thì rằng:
“Cả đời vì cháu vì kon.
Đe’o ai vì nước vì non bây chừ?”
Nghe câu thơ trên buồn cười, nhưng nghĩ quả là cũng không sai, thật ra lòng mỗi người thì chỉ lăn tăn thắc mắc, không hiểu vì lý do gì mà dạo này công tác tổ chức cán bộ của Ban Tổ chức Trung ương đảng CSVN sao họ vội vãi ra nhiều hạt giống còn non lại lép như thế? Không biết có phải điều này chứng tỏ bố con chúng nó vội lắm rồi, khi mà cái cây to nó cũng đang lo không biết còn đủ khả năng tồn tại nổi cho đến lúc hạt nảy mầm lên cao tí hẵng mang đi trồng, đi cấy thì khả năng sống sót sẽ cao hơn hay sao?
Bất kể chế độ hay thể chế chính trị ở mọi quốc gia nào, dẫu là quân chủ, cộng hòa hay cộng sản… cũng thế việc quy hoạch đào tạo lực lượng lãnh đạo quốc gia kế cận cũng là công chuyện quan trọng hàng đầu. Nói một cách tự nhiên nó cũng như việc chọn lựa hạt giống trong canh tác, bởi lẽ nhân nào thì quả ấy. Kể cả việc con nối nghiệp cha trong chính trị thì ở bất kỳ chế độ hay thể chế chính trị nào cũng đều có như nhau, chỉ khác những người con nối nghiệp cha trong việc nắm quyền lực chính trị đó có được xã hội, quần chúng chấp nhận và tâm phục hay không mà thôi. Như trường hợp gia đình tổng thống G. Bus (Hoa kỳ), gia đình ông Lý Quang Diệu (Singapore), gia đình ông Thackshin (Thái lan)… không ai có quyền cấm họ trong việc con nối nghiệp cha, quan trọng là nếu như họ thực sự có tài năng, kinh nghiệm và đức độ để nối nghiệp chính trị của cha mẹ thì không có gì phải bàn. Còn nếu như dùng quyền uy, thế lực của cha mẹ, người thân hay dùng tiền bạc để chạy chức chạy quyền như ở Việt nam hiện nay thì đó là hành động vô đạo đức, vì có thể coi nó là hành động ăn cướp cơ hội của người khác. Điều đó là không thể chấp nhận được.
Trong chiến tranh những người đồng đội của chúng tôi ngã xuống để bây giờ cho con cháu các cụ hưởng hay sao?
Chuyện các vị lãnh đạo cao cấp ở Việt nam dùng mọi thủ đoạn như thỏa thuận ngầm, ra điều kiện mặc cả theo kiểu phe nhóm cánh hẩu và kể cả xin xỏ lẫn nhau, rồi lợi dụng chức vụ để bổ nhiệm, đề cử, ứng cử người thân của họ cũng chỉ mới xuất hiện một cách công khai và phổ biến trong thời gian gần đây. Đặc biệt là trong thời gian ông Nông Đức Mạnh giữ chức vụ Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam các khóa khoá IX và X (từ năm 1997). Để bắt đầu từ đó tệ nạn các con ông cháu cha của các quan chức cấp cao nhất được nhận những chức vị rất cao, quyền hạn rộng lớn trong bộ máy chính trị, bộ máy kinh tế của nhà nước trở nên phổ biến hơn lúc nào hết. Người tranh thủ và hưởng lợi được nhiều nhất không ai khác ngoài ông TTg Ba D. Đó là người tiêu biểu cho chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa gia đình và chủ nghĩa cơ hội mà không hoặc rất ít thấy ở các vị lãnh đạo cộng sản tiền nhiệm trước đổi mới (1986).
Ở Việt nam trước đây những người được chọn để bồi dưỡng đào tạo thành các nhà lãnh đạo trong tương lai này được gọi là “Hạt giống đỏ”, và bây giờ thì họ gọi mỉa mai là “Hạt dống… Red”. Ngày xưa chuyện “Hạt giống đỏ” này đã được đảng Lao động Việt nam ngay trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp đã từng làm, họ đã đặt vấn đề với Trung ương các Đảng Cộng sản Trung Quốc, Liên xô. Khi đó con em các cán bộ kháng chiến trong toàn quốc không kể là con em cán bộ lãnh đạo hay cán bộ bình thường, nếu học giỏi hạnh kiểm tốt sẽ được chọn lựa cho sang đào tạo ở Trung Quốc, Liên xô để sau khi tốt nghiệp trở về phục vụ tổ quốc. Có 2 bộ phận, một là đào tạo như cán bộ trung cấp bây giờ ở Nam Ninh gồm ngành sư phạm và phiên dịch tiếng Trung. Nhưng con cán bộ loại bình thường thì đi học ở Nam ninh, Trung Quốc, con em cán bộ lãnh đạo cấp cao thì đi sang học tại Liên xô và còn lại một bộ phận là con cán bộ nhưng còn nhỏ tuổi thì sang học phổ thông ở Quế Lâm, Trung Quốc.
Nhưng đáng kể phải là 100 Hạt giống đỏ, những thiếu nhi 9-16 tuổi được gửi sang Liên Xô năm 1954 học tập tại Trường Thiếu nhi Việt Nam Internat số nhà 28, phố Kachalov Matxcơva. Họ là con của những người cộng sản đầu tiên, con của những chiến sỹ cách mạng và chỉ huy quân đội đã hy sinh, con của những nhà chỉ huy quân sự, những lãnh đạo đang nắm vận mệnh đất nước lúc bấy giờ và sau này như Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Chu Huy Mân, Đặng Việt Châu,Văn Tiến Dũng, Lê Trọng Tấn, Trần Huy Liệu, Nguyễn Xiển, Trần Duy Hưng, Lê Khắc… Trong số họ có một số người như Trịnh Tô Hợp (con ông Trịnh Đình Cửu, 1 trong 7 người cộng sản đầu tiên), Trần Tam Ngạn (con ông Trần Văn Cung), Vương Minh Tường (con Trung tướng Vương Thừa Vũ), Hoàng Đạo Kính (con ông Hoàng Đạo Thúy), Nguyễn Bích Hà (con Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên), Trần Nguyệt Hồng (con Nhà sử học Trần Huy Liệu), Võ Hồng Anh (con Đại tướng Võ Nguyên Giáp), Văn Tiến Tình (con Đại tướng Văn Tiến Dũng), Lê Đông Hải (con Đại tướng Lê Trọng Tấn) v.v… Nhưng rồi những hạt giống đỏ ấy cũng chỉ có một vài vị thành đạt trên con đường chính trị như các ông Hoàng Đức Nghi, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề dân tộc; Hồ Anh Dũng, Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam. Số còn lại là các nhà khoa học, các sĩ quan quân đội hay hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội nhưng họ giống nhau ở một điểm là tất cả họ đã có những đóng góp quan trọng cho đất nước nhưng không chấp nhận trở thành người lãnh đạo, quản lý dựa vào quyền lực của cha mẹ hay chạy chức, chạy quyền.
Chuyện tài năng, hạnh kiểm hay sức khỏe của những người trong nhóm “Hạt giống đỏ” nói trên thì khỏi phải bàn, nhiều người khác đã tỏ ra có tư chất làm lãnh đạo ngay từ thời còn đi học và đặc biệt họ đã được chuẩn bị khá kỹ càng, sẵn sàng đảm trách cương vị lãnh đạo quan trọng. Vậy tại sao họ không trở thành những nhà lãnh đạo nắm giữ những chức vụ quan trọng hàng đầ trong bộ máy đảng và chính quyền? Theo nhà báo Hồ Bất Khuất cho rằng “Có một loại ý kiến cho rằng, khi họ trưởng thành, có học vị và tri thức thì Cụ Hồ – Người chủ trương gửi họ đi và có kế hoạch sử dụng họ, đã không còn nữa. Do vậy, họ không còn được quan tâm đúng mực nữa, họ không là trung tâm của sự chú ý nữa. Quan điểm này ít có sức thuyết phục, vì tuy Bác Hồ không còn nữa, nhưng những cộng sự của Bác, những học trò xuất sắc của Bác vẫn tiếp tục sự nghiệp của Người. Mà họ lại là những người cha ruột của những “hạt giống đỏ”. Đó là các ông Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Chu Huy Mân, Văn Tiến Dũng, Lê Trọng Tấn, Nguyễn Văn Huyên, Trần Duy Hưng… Uy tín và quyền lực của những con người này sau năm 1975 là rất lớn. Và hơn ai hết, họ hiểu năng lực của các con mình. Vậy tại sao họ không đưa ra kế hoạch bố trí những người ruột thịt, tin cậy, xứng đáng cả về đức và tài vào những vị trí quan trọng của đất nước?”
Vấn đề là ở chỗ cụm từ “con ông, cháu cha” được xã hội miền Bắc Việt nam thời đó nhìn nhận nó với nghĩa tiêu cực, do vậy đã phần nào tác động đến cha mẹ họ. Người ta ghét cái câu “con vua lại làm vua”, vì vậy vào thời điểm đó những ông bố mặc dù có chức, có quyền, nhưng luôn luôn chí công, vô tư, không muốn và không dám trơ trẽn khi dùng ảnh hưởng của mình để buộc tập thể, tổ chức sắp xếp có lợi cho con của mình như lãnh đạo đảng CSVN thời bây giờ. Thậm chí thời ấy những cán bộ lãnh đạo cao cấp họ còn hy sinh quyền lợi của con để bảo vệ uy tín của mình, của đảng. Chính vì vậy một phần tư thế kỷ về trước, con cái của những cán bộ lãnh đạo cao cấp hầu như không ai được nối nghiệp cha.
Trước đây trên 20 năm các vị lãnh đạo đạo đảng CSVN và chính quyền của họ dù sao cũng không vô liêm sỉ như lớp lãnh đạo đạo đảng CSVN và chính quyền hiện nay, chính ông Nông Đức Mạnh là kẻ đầu têu trong việc hình thành tập quán gia đình trị trong ban lãnh đạo đảng CSVN. Bắt đầu từ đấy để rồi hàng loạt các công tử, ái nữ của các vị lãnh đạo trong Bộ Chính Trị thi nhau tìm cách đưa con cái vào các chức vụ lãnh đạo quan trong. Đó là các trường hợp ông Nông Quốc Tuấn 48 tuổi, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, con trai Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam khoá IX và X Nông Đức Mạnh. Hay cô Nguyễn Thanh Phượng, 32 tuổi được cử làm chủ tịch hội đồng quản trị một cụm ngân hàng thương mại cổ phần lớn Bản Việt,có vốn hàng trăm triệu đôla, ông Nguyễn Thanh Nghị 35 tuổi con trai đương kim Ủy Viên Bộ Chính Trị, Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, ông Nguyễn Xuân Anh con trai Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kiểm tra Trung Ương khoá 10 Nguyễn Văn Chi và Ông Trần Sỹ Thanh, sinh năm 1972, là Phó Bí Thư Tỉnh Ủy Đắk Lắk, cháu ông Nguyễn Sinh Hùng, Ủy Viên Bộ Chính Trị, Chủ Tịch Quốc Hôi thì cơ cấu vào Ban chấp hành TƯ để làm bàn đạp tiếp tục leo cao vào các chức vụ quan trọng.
Chưa hết gần đây nhất là cô Tô Linh Hương sinh năm 1988, con gái của ông Tô Huy Rứa Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức TƯ được cử làm chủ tịch HĐQT của Tổng công ty cổ phần đầu tư xây dựng lớn Vinaconex (PVV), nghĩa là không liên quan gì đến ngành học. Công ty quốc doanh này có trách nhiệm xây dựng hàng loạt công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi, còn đầu tư kinh doanh bất động sản… mỗi năm doanh thu lên đến 1 ngàn tỷ đồng. Lời giải thích của dân gian về trường hợp này là “Công ty cần người giỏi để làm việc nhưng cũng cần những đứa vào làm để nó đem việc về cho công ty mà làm – thế nên có thấy những đứa nó vào Công ty chỉ chơi thôi thì cũng đừng “ấm ức”. Bọn nó có những cái mà ở người thường không có có!”. Kể ra cũng có lý của nó.
Nhiều người cực đoan từng bảo tôi rằng, Ban lãnh đạo đảng CSVN và chính quyền của họ từ ngày cướp được chính quyền (1945 – nay) chưa bao giờ họ hành động vì tổ quốc vì dân tộc Việt nam. Điều này cũng tương tự như họ nói 100% đảng viên cộng sản là người xấu, đây là những suy nghĩ rất ấu trĩ mang nặng lòng hận thù có tác dụng xấu trong việc đoàn kết tập hợp lực lượng. Với suy nghĩ mang tính chất chia rẽ đối với những đối tượng không nhỏ đã và đang là đảng viên cộng sản chân chính. Nên hiểu những đảng viên cộng sản chân chính, dẫu một thời họ bị ngộ nhận một thứ chủ thuyết cộng sản sai lầm, nhưng chắc chắn họ là những con người tốt, khác với lũ khoác danh cộng sản hiện nay để bòn rút tài nguyên, tiền bạc của đất nước bằng mọi thủ đoạn. Chính vì thế đã làm cho đa số quần chúng nhân dân thất vọng và cảm nhận thấy rằng các nhà lãnh đạo quốc gia bây giờ không không có lòng yêu nước, thương dân. Mà bọn họ bây giờ chỉ nhăm nhăm cắn xé quốc gia, vắt cho cùng kiêt để làm giàu cho bản thân gia đình và nhóm lợi ích của riêng họ.
Nếu Ban lãnh đạo đảng CSVN và chính quyền của họ từ ngày cướp được chính quyền chưa bao giờ họ hành động vì tổ quốc vì dân tộc Việt nam, thì chắc chắn sẽ không có chuyện trong cuộc chiến tranh kháng Pháp hay chống Mỹ người dân quyên góp cả tấn vàng cho nhà nước, phá nhà lấy gỗ làm đường cho xe ra tiền tuyến hay chuyện cán bộ đảng viên bị địch bắt dùng mọi thủ đoạn, mọi cực hình kể cả lấy kìm nhổ răng cũng không khai một lòng trung kiên vì sự nghiệp giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Hoặc không thể có chuyện, không ít các bà, các má miền Nam đào hầm nuôi cán bộ cộng sản hay một số không nhỏ các thanh niên miền Nam chạy vô R, đặt mìn, phá cầu gây ách tắc giao thông v.v…
Chuyện bình thường có cha mẹ nào không thương con cái, không làm hết sức mình vì sự nghiệp và cuộc đời của con cái mình trong tương lai, nhưng điều đó chỉ được giới hạn trong phạm vi của mỗi gia đình. Các nhà lãnh đạo quốc gia không được coi việc nước, việc đại sự quốc gia cũng như việc gia đình mà phải thể hiện bản lĩnh đạo đức chí công, vô tư của các lãnh tụ hay đơn giản là cần có liêm sỉ để quần chúng nhân dân họ phục.
Không hiểu các vị lãnh tụ khả kính và con cái của họ có biết rằng, bây giờ ngoài xã hội chuyện vỉa hè họ đang nói tới một vị cán bộ lãnh đạo cao cấp mới nghỉ hưu. Vậy mà còn đang lo vận động dọn đường cho cậu con trai quý tử nhảy bằng được vào Bộ Chính trị trong kỳ Đại hội đảng tới và không chỉ thế ông ta còn lo cho thằng cu út sắp chào đời làm suất lớp trưởng lớp mẫu giáo bằng mọi giá (!?).
Trên đời cái gì cũng có giới hạn của nó, quyền lực cũng vậy đừng tham lam quá mức để leo cao rồi sẽ ngã đau. Bài học của gia đình Gadaffi còn sờ sờ ra đấy, quên rồi sao?
Hà nội, ngày 18 tháng 5 năm 2012
© Kami
————————
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
Bài bình luận
HAY !
Minh Toàn
Nac danh