Kami
-
Hôm 01/9, là trước một ngày Quốc khánh của Việt nam, không hiểu vô tình hay hữu ý mà nhật báo Granma, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Cuba anh em, có bài viết với nội dung "Liệt tham nhũng vào diện “phản cách mạng”, bài báo xác định rằng Nhà nước Cu ba xem nạn tham nhũng như một “nhân tố phản cách mạng” và kêu gọi phải “kiên quyết” chống lại tệ nạn này. Chuyện này, tin rằng chắc cũng sẽ làm nhiều người phải suy nghĩ, đặc biệt là đối với các vị lãnh đạo đảng Cộng sản và chính quyền của họ ở Việt nam.
Về chuyện tham nhũng thì nước nào cũng có, chỉ có ít hay nhiều mà thôi, nhưng nói chung nó thường được người ta gọi dưới cái tên là kẻ thù nội xâm. Nguy cơ của giặc nội xâm nó không đe dọa sự tồn vong của đất nước nhiều như khi có kẻ thù ngoại xâm, vì có giặc ngoại xâm thì có nguy cơ mất nước, nhưng lũ giặc nội xâm thì cũng nguy hiểm không kém. Bởi vì chính nó sẽ ảnh hưởng tới sự an toàn và tồn vong của chế độ. Ở Việt nam ta hiện nay nó đã và đang đích thực là một trong các thế lực thù địch đang góp phần xói mòn lòng tin của dân chúng đối với chính quyền, làm ảnh hưởng tới sự ổn định của chế độ. Cái thế lực thù địch này hiện hữu ngang nhiên trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân, đó là các đảng viên là quan chức nắm các trọng trách và số đông trong hệ thống viên chức trong bộ máy chính quyền. Điều nguy hiểm là việc tham nhũng ở Việt nam nay đã được coi là sự đương nhiên phải có, mà nguy hiểm hơn là nó được mọi người coi như một tiền lệ đương nhiên phải có, vì không có nó thì khó mà xong việc.
Nếu hiểu tham nhũng là hành động lợi dụng quyền hành để tham ô và nhũng nhiễu dân, thì
ở Việt nam sự tham nhũng nó tồn tại ở mọi cấp, từ trung ương tới địa phương, ở mọi ngành, kể cả các cơ quan đảng, chính quyền kể cả khu vực kinh tế tư nhân cũng vậy. Đối tượng tham nhũng thì từ ông viên chức lớn (lãnh đạo) đến ông viên chức bé (nhân viên) làm việc gì cũng tìm cách xoay tiền để đút túi, đến mức mỗi khi người dân muốn được giải quyết một việc gì, lớn hay nhỏ là phải nghĩ tới vấn đề "đầu tiên" là tiền đâu. Dù là việc dính dáng đén pháp luật hay thưa kiện, khám chữa bệnh hay giải quyết các thủ tục hành chính v.v... cái gì cũng có giá chung chi của nó, ở cấp nào giá là bao nhiêu đã trở thành những cái luật bất thành văn quái quỷ. Một bộ phận những kẻ nằm trong cái vòng luẩn quẩn, tham nhũng để "nuôi bọn tham nhũng" nhằm đổi lại sự thuận tiện cho cá nhân và gia đình mình.
Vậy thử hỏi số đông là những người lao động chân chính, không có chức, không có quyền, là công nhân, nông dân họ lấy đâu ra tiền để phong bì, đút lót? Đây là một vấn đề bất cập lớn nhất đang chờ biện pháp xử lý và câu trả lời từ phía chính quyền nhà nước.
Chính vì từ cái đó, tự nhiên trong xã hội hình thành một tầng lớp có hai nguồn thu nhập công khai, đó là lương và lậu, lương ít nhưng lậu thì vô cùng nhiều. Đó là điều dễ hiểu vì sao gần đây ông Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã công khai phát biểu "Lương Bộ trưởng 40 năm mới mua được nhà thu nhập thấp", trong khi hầu hết bọn họ ai ai cũng 5-7 căn hộ, biệt thự, xe hơi đắt tiền, con cái đi du học nước ngoài v.v... Như thế đấy, cỡ kiều bào ta ở hải ngoại chăm chỉ làm ăn mà còn có nhiều người mơ cũng không thể có được những cái như thế của họ đang có.
Nhiều người hay nói kiểu bao biện, tham nhũng thì ở đâu, thời nào mà chẳng có đâu có phải riêng gì Việt nam. Cái đó thì cũng đúng, nhưng chỉ đúng một nửa, nếu nói cho hết ý thì tham nhũng cũng là hệ quả của nền kinh tế thị trường mang lại, khi có yếu tố cạnh tranh xuất hiện và nó càng nở rộ trong một cơ chế độc quyền mang nặng tính chất xin - cho. Theo công thức "Anh xin - Tôi cho - và Anh phải biết điều". Bởi khi đó giữa các đối tượng, thay vì cạnh tranh về hiệu quả kinh tế, chất lượng và giá thành sản phẩm v.v... thông qua việc đấu thầu công khai, minh bạch thì những cái đó không hiệu quả bằng % lại quả hay phong bì lót tay cho các quan chức có quyền và trách nhiệm quyết định. Khi đó thì các đối tượng yếu kém, không đủ điều kiện thì cũng giành phần chiến thắng đối thủ của mình một cách dễ dàng.
Trở lại tuyên bố về quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng của lãnh đạo Cuba là ông Raoul Castro, khi cho rằng "Tham nhũng ngày nay là một kẻ thù mới của đất nước… phải thẳng tay diệt trừ từng trường hợp một, một cách minh bạch và kiên quyết ngay từ những dấu hiệu đầu tiên". Đó là những lời tuyên bố mang nặng cảm tính của một nhà lãnh đạo một nhà nước cộng sản, khi mà nền kinh tế của họ mới đang bắt đầu được chuyển từ Kinh tế bao cấp sang nền Kinh tế thị trường. Cũng là một điều dễ hiểu, vì bây giờ ở Cu ba người ta có thể nói thì rất dễ nhưng khi thực sự bắt tay vào làm thì là điều vô cùng khó, nhất là khi bắt đầu mở cửa để bước vào nền kinh tế thị trường mang tính cạnh tranh.
Ở Việt nam trước đổi mới cũng vậy, khi ấy nhu cầu của các quan chức cao cấp hay người dân thường không khác nhau là mấy, nó chỉ xoay quanh chuyện cái ăn, cái mặc theo kiểu cơm no áo ấm. Quan chức cao cấp thì cũng được đãi ngộ hơn cán bộ trung cấp hay người dân bình thường về mặt tiêu chuẩn cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm ở các cửa hàng cung cấp khác nhau như ở phố Tông đản, phố Nhà thờ hay các cửa hàng mậu dịch quốc doanh khác. Khi đó, chính vì đòi hỏi nhu cầu của đời sống dân chúng thấp, có gì ăn nấy, có gì mặc nấy, đói một chút, mặc quần áo vá cũng chẳng sao, vì cả xã hội là như thế, ai cũng như ai nên mọi người cũng tự hài lòng. Hơn nữa trong lúc ấy, ai mà giàu có sẽ bị xã hội lên án coi đó là một sự đáng xấu hổ, chính vì vậy nên cũng ít buộc mọi người tìm cách xoay xỏa kiếm tiền như bây giờ, nên tham nhũng không có điều kiện thúc đẩy cho phát triển.
Nhưng quan trọng hơn cả, ở những nước còn duy trì thể chế chính trị theo kiểu cộng sản, quản lý nhà nước theo trục dọc mà đảng cộng sản đứng trên tất cả, lãnh đạo toàn diện cả nhà nước và xã hội, nhưng kinh tế thì đi theo nền kinh tế thị trường TBCN, thì một nhược điểm lớn nhất của nó là thiếu một cơ chế giám sát và điều chỉnh (check and balances). Chính vì vậy nên chuyện tham nhũng, biến của công thành của tư dưới mọi hình thức và không từ thủ đoạn nào của các quan chức là chuyện phổ biến, công khai. Trong cơ chế đó thì chuyện không tham nhũng mới là lạ và đặc biệt hơn người ta biết tham nhũng nhưng cũng không thể có biện pháp xử lý được. Vì kẻ tham nhũng, người chống tham nhũng cùng chịu sự điều khiển và chỉ đạo của một vài con sâu to, theo cách nói của ông Trương Tấn Sang, đó là lỗi của cả một hệ thống.
Do vậy vấn đề tham nhũng và chống tham nhũng là vấn đề của thể chế chính trị, là vấn đề của cơ chế giám sát, minh bạch, công khai và tự điều chỉnh. Thể chế chính trị độc đảng toàn trị như ở Việt nam hiện nay, không có khả năng chống hay giảm thiểu việc tham nhũng. Vì theo Giáo sư triết học, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Bình, một trong những nhà lý luận chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị khóa VII, VIII, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khi nhận xét về thể chế chính trị ở Việt nam hiện nay và cho rằng "Ta đang ở thời kỳ quá độ, vậy trong thành phần xã hội của đảng viên cũng có sự quá độ. Nói thế khác gì quan điểm cho rằng kinh tế nhiều thành phần thì chính trị tất yếu phải đa đảng và tư tưởng trong Đảng tất yếu cũng phải đa nguyên”.
Điều đó cho thấy đã đến lúc cần phải có sự nhìn nhận nghiêm túc về thể chế chính trị ở Việt nam hiện nay cho phù hợp với cái gọi là nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN của "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011)" sau Đại hội Đảng toàn quốc lầ thứ 11. Với quan điểm mới là "Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp", thay cho dự thảo ban đầu là: "Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu. Điều đó cho thấy sự thay đổi về đường lối kinh tế, đồng nghĩa với việc từ bỏ luận thuyết kinh tế của Chủ nghĩa Maxr - Lenin là công hữu hóa toàn bộ tư liệu sản xuất thuộc sở hữu toàn dân.
Từ trước tới nay, đảng CSVN luôn tự coi mình là một lực lượng cách mạng và họ đã thành công trong việc tạo nên sự biến đổi lớn, căn bản về xã hội và chính trị, thông qua việc thực hiện việc đánh đổ một chế độ xã hội mà họ cho là lỗi thời, để thiết lập nên một chế độ xã hội mới, tiến bộ hơn. Nhưng thực tế mấy chục năm qua, nhất là kể từ năm 1986 (bắt đầu đổi mới) cho đến nay đã bộc lộ rõ những bất cập của đường lối chính trị của đảng CS Việt nam trong việc nắm vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội, đặc biệt là trong vấn đề quản lý kinh tế. Với các vụ tham nhũng nổi cộm với giá trị thất thoát vô cùng lớn như PMU 18, Dự án Đông- Tây và điển hình gần đây nhất là vụ thất thoát tới khoảng 4,5 tỷ USD của Tập đoàn Vinashin đã để kéo dài, không ai chịu trách nhiệm và hầu như không có sự sử lý triệt để. Nguyên nhân chính cũng vì cái cảnh cha chung không ai khóc, kẻ tham nhũng, người chống tham nhũng cùng chịu sự điều khiển và chỉ đạo của người đứng đầu chính phủ. Thiệt hại cuối cùng lại đổ lên đầu những người dân đóng thuế nuôi bộ máy nhà nước.
Ngày nay thì ngược lại, ở Việt nam cũng thế, hành động tham nhũng nói theo kiểu ông Raoul Castro thì nó là yếu tố thực sự phản cách mạng, đã và đang làm cản trở sự phát triển của đất nước. Bởi cái đó, nó không chỉ có tác hại lớn đến nền kinh tế mà còn làm tha hóa đạo đức của xã hội, nguy hiểm hơn vì trong thể chế chính trị độc đảng như ở Việt nam hiện nay cái tham nhũng nó lại là đặc quyền của đảng Cộng sản Việt nam và nó nằm ngay trong lòng chính quyền và guồng máy nhà nước. Nhất là khi hệ thống quyền lực thứ tư, đó là hệ thống truyền thông báo chí cũng bị độc quyền và chịu sự quản lý của đảng và khi kẻ cắp đồng thời cũng là quan tòa thì làm sao có thể phòng, chống và triệt hạ tham nhũng một cách hiệu quả được?
Hiện nay, chúng ta thường thấy báo chí và truyền thông của nhà nước Việt nam thường hay nhắc tới cụm từ Diễn biến hòa bình (DBHB), theo đó thì DBHB là chiến lược của Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế, được thực hiện dưới một phương thức, thủ đoạn mới để chống phá, đẩy lùi và đi đến xoá bỏ cái gọi là Chủ nghĩa xã hội(!?). Đối tượng của chiến lược DBHB là các nước có khuynh hướng phát triển phi tư bản chủ nghĩa, bản chất của chiến lược DBHB là chống Chủ nghĩa xã hội với nội dung cơ bản là phá hoại các nước xã hội chủ nghĩa về các mặt chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hoá, xã hội, v.v... Phương thức và thủ đoạn của DBHB chủ yếu là tạo dựng và thúc đẩy những nhân tố phản động, chống đối từ bên trong, đẩy đối phương vào khủng hoảng toàn diện, từng bước chuyển hoá chế độ chính trị theo con đường phát triển tư bản chủ nghĩa hoặc bị chính các thế lực chống đối dùng bạo lực lật đổ mà không thấy họ nói gì đến hành động tham nhũng của chính các cán bộ đảng viên đảng Cộng sản Việt nam ở mọi cấp, mọi ngành trên mọi lĩnh vực đang diễn ra hàng ngày hàng giờ trong xã hội Việt nam hiện nay?
Không hiểu những người lãnh đạo đảng và chính quyền Việt nam sao không hiểu, biết và nhìn thấy mối nguy cơ này, mà như ông Raoul Castro người lãnh đạo nhà nước Cu ba, quốc gia có cùng ý thức hệ cộng sản như Việt nam xem nạn tham nhũng như một “nhân tố phản cách mạng” đồng thời cho rằng cái đó đang làm chính quyền La Habana thật sự lo ngại cho sự ổn định của đất nước và sự nghiệp của cách mạng Cuba.
Theo suy nghĩ của tôi việc nhà nước Cu ba xem nạn tham nhũng như một “nhân tố phản cách mạng” ảnh hưởng tới sự tồn vong của chế độ là hoàn toàn chính xác chứ chẳng có cái gọi là các thế lực thù địch như chính quyền Việt nam thường rêu rao. Mấy ông tuyên giáo của nhà nước này thì không thể tin được, cỡ những người yêu nước biểu tình chống Trung quốc như Nhà văn Nguyên Ngọc, GS. Nguyễn Huệ Chi, TS. Nguyễn Quang A ... còn bị họ coi là bọn phản động bị các thế lực thù địch giật dây nữa là.
Này ông Raoul Castro người lãnh đạo nhà nước Cu ba XHCN ở bên kia tây bán cầu, xin khuyên ông hãy cẩn thận, tại sao ông lại nói tham nhũng là phản cách mạng? Ông nói thế khác gì ông bảo Đảng Cộng sản hiện nay là một đảng phản cách mạng, đang chống lại nhân dân?
Rồi có lúc nhà nước Việt nam họ sẽ quy cho ông thuộc diện các thế lực phản động quốc tế đang thực hiện DBHB đấy nhé?
Hà nội, ngày 04 tháng 9 năm 2011
------------------
*Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
Bài bình luận
Có giống nhau ?
Cũng dzậy thui !
Hāy coi chu'ng tên kami vi xi !
Dân Nam (Hải ngoại)
nguoi chan that usa vn
Sai
Sai hơn nữa,
Dân Nam (Hải ngoại)
Bravo to Kami va Dan Nam'hai ngoai'
Dân Nam (Hải ngoại)