Kami
-
Hôm nay ngày 2-9 là Tết Độc lập của người Việt nam chúng ta và cũng là ngày CT Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra Nước Việt nam DCCH. Trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập có đoạn ghi rõ: “‘Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc’. Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Nhưng điều đó đã bị các thế lực thù địch xuyên tạc, khi Tạp chí Nhân quyền Việt Nam, trong bài trên số đầu tiên, 10/2010, Hãy hiểu đúng về Nhân quyền VN của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, khi đó là Ủy viên BCHTƯ ĐCSVN, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng: “Họ không thể mang quan điểm nhân quyền của nước họ áp đặt thành tiêu chuẩn cho Việt Nam. Mỗi quốc gia có bản sắc văn hóa riêng, có luật pháp riêng vì thế không thể lấy hình mẫu ‘nhân quyền’ của nước này đem sang nước khác được”.
Về vấn đề này, khi đó Kami đã có một bài phân tích cho đ/c Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, khi đó là Ủy viên BCHTƯ ĐCSVN, Thứ trưởng Bộ Công an nghe dưới dạng Bức thư ngỏ .
Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
*
Vừa qua tin nhà nước Việt nam xuất bản Tạp chí Nhân quyền đã gây chấn động dư luận trong và ngoài nước, bởi hai chữ nhân quyền vốn được coi là chiêu bài của các thế lực thù địch và phản động thường lợi dụng để tiến hành diễn biến hòa bình, lật đổ chế độ. Hôm nay tôi có được đọc bài viết ” Hãy hiểu đúng về Nhân quyền ở Việt nam” của đồng chí Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, Ủy viên BCHTƯ Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an đăng trên Tạp chí nhân quyền Việt nam.
Bài viết của đồng chí Thượng tướng có thể tóm tắt các nội dung là muốn truyền tới bạn đọc vấn đề nhân quyền ở Việt nam khác với nhân quyền ở phương Tây và nhân quyền của người Việt nam chỉ gói gọn trong những nhu cầu tối thiểu của con người là mọi người dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hưởng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Công an huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Được biết dưới con mắt của cán bộ chiến sĩ trong ngành công an thì đồng chí Nguyễn Văn Hưởng là một trong bảy thứ trưởng của Bộ Công an thuộc dạng có học, có sự hiểu biết, được mọi người tin tưởng và tôn trọng. Tôi cũng là một trong những số đó, xong bản thân tôi sau khi đọc bài viết của đồng chí trên Tạp chí Nhân quyền Việt nam số đầu tiên, thì thú thực hơi thất vọng với sự tin tưởng của tôi đối với đồng chí Thượng tướng đã có từ rất lâu. Nhất là khi đọc tới đoạn viết dưới đây của đồng chí Thượng tướng, đã buộc tôi phải cầm bút viết vài dòng góp ý để đồng chí Thượng tướng rút kinh nghiệm (không viết thì sợ có lớp trẻ họ biết họ cười đồng chí Thượng tướng) trích “Vậy, thực chất vấn đề nhân quyền ở Việt Nam là như thế nào? Nhân quyền ở Việt Nam khác với nhân quyền phương Tây ở điểm gì? Và phải hiểu nhân quyền ở Việt Nam như thế nào cho đúng?”.
-
Trước hết về cơ bản thì tôi đồng ý với đồng chí Thượng tướng khi viết (“trích) Nói về nhân quyền ở Việt Nam, có lẽ không gì rõ ràng, đầy đủ và ngắn gọn hơn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi trả lời các nhà báo nước ngoài vào tháng 1 năm 1946 : “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành…” Và lời khẳng định của Bác “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Nhưng trong toàn bộ đoạn trích trên đây của đồng chí Thượng tướng thì không hiểu đồng chí quên hay cố tình quên hai chữ tự do, mà đồng chí đã viết nhắc lại tới hai lần mà không hề phân tích, vì cái đó (tự do)theo tôi nó mới là cái quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
-
Hai chữ tự do ấy nó có giá trị gấp ngàn lần việc có cơm ăn, có áo mặc và được học hành như đồng chí hiểu, cái ăn, cái mặc là lẽ tự nhiên để con người sống và tồn tại, nó cũng như khí trời vậy thôi, mà bất kể động vật nào cũng phải có. Đó là lẽ tự nhiên, đối với con người có nhân cách và phẩm giá thì hai chữ tự do là niềm khát khao thiêng liêng mà cả nhân loại đấu tranh hàng ngàn năm nay mới có được, cái đó là mới là cái lớn nhất. Đó chính là lý do vì sao Hồ Chủ tịch khi sinh thời đã nói “Không có gì quý hơn Độc lập – Tự do”, điều đó đã được khẳng định dưới dòng chữ tên quốc hiệu đối với các văn bản hành chính và trong tập Ngục trung nhật ký, Hồ Chủ tịch đã viết “Đau khổ chi bằng mất tự do?” chứ Hồ Chủ tịch không nói đau khổ chi bằng không có cơm ăn, áo mặc, không được học hành…
-
Nếu còn chưa tin, xin mời đồng chí Thượng tướng bớt chút thời gian vàng ngọc để đọc bài Khám phá nhà tù “thiên đường” ở Na Uy , xem tù nhân của họ cũng có cơm ăn, có áo mặc, được học hành đầy đủ đàng hoàng, nhưng hạn chế duy nhất là học không có quyền tự do như những công dân bình thường. Đó là cái mà pháp luật dùng để trừng phạt những tội phạm.
-
Chúng ta cùng ngược lại thời gian trước khi Hồ Chủ tịch trả lời các nhà báo nước ngoài vào tháng 1 năn 1946, đó là ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba đình lịch sử, Hồ Chủ tịch đã đọc những dòng sau đây trong bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa (trích): “Hỡi đồng bào cả nước,
Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”
Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.
-
Theo quan điểm của Hồ Chủ tịch thì con người ta sinh ra đều phải bình đẳng, mọi dân tộc đều có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau, không phân biệt mầu da và tiếng nói. Vậy xin hỏi đồng chí Thượng tướng rằng đồng chí căn cứ vào đâu để cho rằng nhân quyền của các nước phương Tây không giống như nhân quyền của Việt nam, khi đồng chí Thượng tướng viết(trích) “Bản chất của vấn đề nhân quyền mà họ đưa ra là gì? Nếu xét về thể chế chính trị đó là một xã hội có nền chính trị đa nguyên, đa đảng. Và họ luôn luôn đề cao tự do cá nhân, nhân quyền là quyền không có biên giới, không bị phụ thuộc bởi chính trị, địa lý hay chủ quyền quốc gia…”.
Và khi đồng chí Thượng tướng đặt các câu hỏi “Vậy, thực chất vấn đề nhân quyền ở Việt Nam là như thế nào? Nhân quyền ở Việt Nam khác với nhân quyền phương Tây ở điểm gì? Và phải hiểu nhân quyền ở Việt Nam như thế nào cho đúng?” Điều đó cho thấy đồng chí Thượng tướng đã sai ngay từ khi đặt vấn đề của bài viết, cách đặt vấn đề như thế khác nào đồng chí cãi lại lời của Hồ Chủ tịch đã ghi trong Tuyên ngôn độc lập (trích) “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. (Vậy mà Bác Hồ nói đến hôm nay chúng nó còn cãi đấy!)
Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 – 1969)
Xin lưu ý đồng chí Thượng tướng đừng quên rằng không phải vô tình mà trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945, Hồ Chủ tịch đã trích dẫn từ Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791. Chúng ta có quyền hỏi rằng tại sao Hồ Chủ tịch không trích dẫn từ Tuyên ngôn của Quốc tế Cộng sản hay Tuyên ngôn của nhà nước Liên xô? Câu trả lời cho đồng chí và bạn đọc hiểu rằng sau chữ “Tự do – Bình Đẳng và Bác ái” chính là động lực thúc đẩy Hồ Chủ tịch đi tìm đường cứu nước để giải phóng dân tộc Việt nam thoát khỏi ách nô lệ của Thực dân Pháp. Đó chính là tư tưởng cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đuổi hết cả cuộc đời để mang lại. Vì sao bây giờ đồng chí Thượng tướng lại quên nhanh như vậy? Đảng và nhà nước ta luôn phát động các phong trào học tập tư tưởng Hồ Chí Minh với những chi phí hết sức tốn kém, mà những người hô hào nhiều nhất kêu gọi mọi người tham gia học tập là những người như đồng chí Thượng tướng. Vậy mà tiếc rằng ở cương vị lãnh đạo thứ trưởng cấp Bộ mà điều tối thiểu trong tư tưởng của Hồ Chủ tịch sao đồng chí vẫn không hay?
Từ bình đẳng trong tiếng Việt là một tính từ để chỉ sự ngang hàng nhau về mặt nào đó trong xã hội, vậy tại sao đồng chí Thượng tướng nghĩ rằng người phương Tây khác người Việt nam, chủng tộc da trắng mắt xanh mũi lõ phương Tây có quyền cao hơn người phương Đông tóc đen, mũi tẹt da vàng? Tại sao đất nước ta đã độc lập tròn 65 năm mà tư tưởng nô lệ “sợ thằng Tây” vẫn còn rơi rớt trong đầu óc những người lãnh đạo nhà nước Việt nam như đồng chí Thượng tướng vậy?
Trở về vấn đề nhân quyền, hai chữ nhân quyền ở Việt nam hiện nay đã và đang bị nhà nước ta xuyên tạc, bóp méo và làm xấu đi rất nhiều trong suy nghĩ của người dân. Nhân quyền nói một cách đơn giản đó chính là những quyền tự nhiên của con người và không bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thể nào. Mọi con người được sinh ra đều bình đẳng và được tạo hóa ban cho một số quyền không thể tước bỏ, như quyền sống, quyền tự do, quyền được mưu cầu hạnh phúc. Con người sinh ra hơn con vật ở chỗ con người có quyền của mình đã được khẳng định tại Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.
Bản Tuyên ngôn này đã được Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua và công bố vào ngày 10 tháng 12 năm 1948 và nước Cộng hòa XHCN Việt nam đã phê chuẩn và là thành viên từ năm 1982. Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc là tuyên ngôn đưa ra một quan điểm về các quyền con người cơ bản như quyền sống, quyền tự do và an ninh thân thể, quyền tự do lập hội, quyền tự do tôn giáo, quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm,…
Theo bản Tuyên ngôn này thì Nhân quyền là một khuôn mẫu chung cần đạt tới của mọi dân tộc và quốc gia, nhằm giúp cho mọi cá nhân và thành phần của xã hội luôn luôn theo sát tinh thần của Bản tuyên ngôn, dùng sự truyền đạt và giáo dục, để nỗ lực phát huy sự tôn trọng các quyền tự do này.
Điều khoản cuối cùng của bản Tuyên ngôn có viết “Không được phép diễn giải bất kỳ điều khoản nào trong Bản tuyên ngôn này theo hướng ngầm ý cho phép bất kỳ quốc gia, nhóm người hay cá nhân nào được quyền tham gia vào bất kỳ hoạt động nào hay thực hiện bất kỳ hành vi nào nhằm phá hoại bất kỳ quyền và tự do nào nêu trong Bản tuyên ngôn này”.
Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền chính là quy định chung của các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, mỗi quốc gia khi đã đặt bút ký tham gia vào Công ước đó thì phải có trách nhiệm tuân thủ nghiêm túc và đầy đủ, bởi vì nó như một thứ luật quy định của một trò chơi cho bất kể quốc gia nào đã tham gia với tư cách thành viên. Khi Việt nam không tuân thủ đúng và đủ các điều khoản quy định của Công ước quốc tế này thì các quốc gia khác với tư cách thành viên đương nhiên họ phải có quyền nhắc nhở và buộc Việt nam phải thực hiện cho đúng và đầy đủ các điều khoản đã cam kết thì đó là chuyện quá đỗi bình thường.
Những điều kể trên phải chăng đồng chí Thượng tướng, Ủy viên BCHTƯ Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an không biết và không hiểu? Xong bản thân tôi không tin là như vậy!
Cũng xin được nhắc thêm đồng chí Thượng tướng cần xem lại bản Hiến pháp, nước CHXHCN Việt nam trong Chương V từ điều 49 đến điều 82 đã ghi rõ quyền và nghĩa vụ của công dân.
Xin trích ví dụ:
” Điều 69: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.
Điều 70: Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”.
Hiến pháp là Luật pháp cao nhất của một quốc gia, Hiến pháp nước CHXHCN Việt nam cũng vậy. Để tránh dài dòng xin để đồng chí Thượng tướng tự nhận xét đánh giá rằng nhà nước ta dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN đã thực thi đúng và đủ những điều Hiến pháp quy định về quyền công dân (con người) hay chưa?
Chắc vì do quen thói thông tin một chiều, chỉ quen nói và không bao giờ có các thông tin phản biện ngược chiều nên có lẽ vì vậy mà đồng chí Thượng tướng hơi quá đà khi viết (trích) ” Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã tập trung sức lực của cải, tiền bạc bằng những chế độ chính sách cụ thể lo cơm ăn, áo mặc, nhà ở, trường học, bệnh viện, đầu tư trang bị cho mọi nhu cầu đời sống văn minh ti vi, rađiô, sách báo… tạo điều kiện cho bà con hòa nhập với cuộc sống cộng đồng quốc gia và quốc tế. Có lẽ trên thế giới chưa có chính phủ nào làm được việc này. Cách mạng là thế đấy.”
Chắc có suy nghĩ như vậy bởi đồng chí Thượng tướng mỗi lần đi ra nước ngoài đều ngồi trong xe hơi bọc thép, nên đồng chí không hiểu được cuộc sống của người dân ở các nước tự do dân chủ kể cả nhóm các dân tộc thiểu số họ được nhà nước quan tâm tới mức nào? Xin đồng chí Thượng tướng đừng quên rằng với GDP bình quân đầu người ở Việt nam mới xấp xỉ 1.000 USD/người xếp hạng 169/208 và sự chênh lệch giàu nghèo ở Việt nam khoảng cách quá lớn thì làm sao mà có chuyện (trích) “Có lẽ trên thế giới chưa có chính phủ nào làm được việc này. Cách mạng là thế đấy”. Câu này cho thấy đồng chí Thượng tướng thuộc dạng những người thích đùa không thì là lạc quan tếu.
Nói tóm lại khi đồng chí Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng với tư cách là một cán bộ lãnh cao cấp của đảng và nhà nước trong ngành Công an, đã làm cho tôi hơi bất ngờ trước bài viết của đồng chí. Toàn bộ bài viết trên của đồng chí Thượng tướng cho thấy 2 vấn đề cần suy nghĩ:
Hy vọng một số trao đổi ngắn gọn của tôi góp ý cùng đồng chí sẽ giúp đồng chí hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà đảng và nhà nước trao cho trong giai đoạn cách mạng mới.
Chúc đồng chí khỏe, để đảm nhận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng trách được giao.
Xin gửi tới đồng chí lời chào Cộng sản.
Hà nội, ngày19/7/2010
-------------------------
*Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
Bài bình luận
Thơ của Hưởng
CSMATUDO
Dân Nam (Hải ngoại)
HỒI XUA NHỮNG NGƯỜI BẮC DI CƯ
Bỏ đi tám !
Còn dân Nam thì sao?
Dan Nam hai ngoai viet qua
Ti'nh dây di Em
Tòa ĐS Mỹ đánh giá Lão Hưởng
Đọc lại “Trại Súc Vật” của George Orwell để tiến lên XHCN,
Dân Nam (Hải ngoại)
Gởi tư Đía biệt danh " dân nam hải ngoại "
Dân Nam (Hải ngoại)
Ừ , thôi bỏ đi tám !
chỉ thấy @dân Nam hải ngoại
Hãy nhìn lại chính mình
Ủa ! sao kì dậy cà,
Dân Nam (Hải ngoại)
Bắc hay Nam đều cùng con Rồng
Gởi ông "Bắc hay Nam đều cùng con Rồng"