You are here

Đại hội XI ĐCSVN-quan tâm để làm gì!

Ảnh của songchi

Song Chi.

Quang cảnh lễ khai mạc đại hội Đảng XI. Ảnh: AFP.
Song Chi.
Từ trước đại hội lần thứ XI của Đảng cộng sản Việt Nam hàng mấy tháng trời cho đến khi đang diễn ra đại hội, đã có hàng loạt bài viết, ý kiến… đăng trên các tờ báo trong và ngoài nước, các diễn đàn độc lập, các trang blog cá nhân…xung quanh sự kiện này, dưới những góc nhìn khác nhau. Nếu chỉ nhìn vào đó, chúng ta sẽ có cảm giác người Việt Nam, dù đang sống ở đâu, đều rất quan tâm đến tình hình chính trị và tương lai vận mệnh của đất nước, của dân tộc, thông qua tình hình đại hội và hướng đi trong nhiệm kỳ sắp tới của Đảng cộng sản-bởi dù muốn dù không, cái đảng này đã và đang lèo lái con thuyền Việt Nam. Nhưng thực tế với số đông người dân đang sống trong nước, lại không hoàn toàn như vậy. Nếu có ai đó bỏ thời gian làm một cuộc điều tra “bỏ túi”, đi suốt từ Nam ra Bắc, phỏng vấn những người dân thuộc các tầng lớp khác nhau, rằng họ có quan tâm đến đại hội Đảng cộng sản đang diễn ra hay không, họ có suy nghĩ gì, mong đợi gì …Tôi tin rằng người đó sẽ rất thất vọng khi nhận được kết quả! Phần lớn những câu trả lời của dân chúng đại loại sẽ là: “Đại hội Đảng hả, không quan tâm, chúng tôi còn đang phải chạy ăn từng ngày, còn nhiều việc khác phải lo đây”, “Nhà báo hỏi về nhân sự sau đại hội Đảng à, ối giào, ông nào lên ông nào xuống cũng vậy thôi, chả có thay đổi gì đâu, dân vẫn khổ thế thôi”, “Mong đợi gì ư, cũng đã mong mãi rồi, bây giờ chả mong gì nữa, bao nhiêu người cũng lên tiếng mãi rồi mà có ăn thua gì đâu” v.v…
Cũng như vậy, nếu có một người Việt Nam đang sống ở nước ngoài, nhiều năm không về nước và chỉ theo dõi tình hình Việt Nam qua báo chí, nhất là báo chí “lề trái”, blog …sẽ vui mừng mà nghĩ rằng người Việt Nam bây giờ rất quan tâm, am hiểu những vấn đề chính trị xã hội của đất nước và mong muốn một sự thay đổi về thể chế, đều khát khao tự do, dân chủ… Thật ra người Việt ở trong nước bây giờ đa số cũng đầy bức xúc, từ ông xe ôm, người lái taxi, chị bán hàng rong vĩa hè cho đến giới văn nghệ, trí thức…đều có thể chửi um lên về mọi thứ chuyện xảy ra trong đời sống hàng ngày mà họ đang phải chịu đựng, từ vật giá leo thang, đồng lương không đủ sống, môi trường ô nhiễm, tai nạn giao thông ngày càng tăng cho đến nạn hối lộ, tham nhũng, nạn chạy trường chạy chức, nạn đạo văn , sự dối trá, vô cảm v. v…và v.v… Nhưng nếu đi xa hơn đến những vấn đề như nguyên nhân tận gốc rễ dẫn đến thực trạng kinh tế, xã hội Việt Nam như hiện nay, mô hình thể chế chính trị hiện tại có phù hợp chăng với sự phát triển của đất nước và giải phóng tối đa sức mạnh trong nhân dân; hay chuyện mất đất mất biển, sự lệ thuộc nặng nề từ kinh tế cho đến chính trị của nhà nước Việt Nam đối với Trung Quốc và mối nguy tiềm ẩn từ đó v.v…thì số đông hoặc là không biết, không nắm được tình hình hoặc là… “né” ngay lập tức những chủ đề như vậy. Nhất là giới trẻ, thuộc thế hệ 8x, 9x! Câu nói thường gặp sẽ là: “Thôi đừng nói ba chuyện “nhạy cảm” đó”, hoặc “Tôi không quan tâm đến chuyện chính trị”!
Tôi không phải là người bi quan. Đó là sự thật.
Vì sao phần lớn người Việt Nam đang sống ở trong nước hiện nay lại trở nên “phi chính trị”, trở nên hờ hững, né tránh trước những vấn đề liên quan sống còn đến vận mệnh của đất nước, dân tộc nói chung và bản thân mình, gia đình mình đến thế?
Lịch sử tồn tại của bất cứ chế độ độc tài nào trên thế giới cũng dựa trên sự dối trá, bưng bít thông tin và bạo lực, đàn áp nhằm gây ra sự sợ hãi trong người dân.
Lịch sử tồn tại của Đảng cộng sản Việt Nam cho đến ngày hôm nay cũng không khác. Nên nếu số đông người dân không nắm được đầy đủ tình hình, thực trạng đất nước thì cũng không có gì là khó hiểu. Mặc dù thời đại ngày hôm nay đã khác, không thể hoàn toàn bưng bít thông tin như trước nhưng trong số 86 triệu dân Việt Nam, có bao nhiêu phần trăm vào mạng internet hay hiểu được một thứ ngôn ngữ khác như tiếng Anh để có thể đọc được những thông tin khác với thông tin do báo đài của nhà nước cung cấp?
Với hoàn cảnh của Việt Nam, còn có thêm những nguyên nhân khác.
Những năm tháng chiến tranh quá dài cùng với ký ức về một thời kỳ bao cấp đói kém, khổ sở suốt mấy chục năm ở miền Bắc và hơn một thập kỷ sau 1975 trên cả nước, khiến người dân sợ hãi mọi sự xáo trộn, và không muốn quan tâm đến cái gì ngoài việc kiếm tiền để thoát khỏi cái nghèo đói bằng mọi giá. Đi qua những năm tháng ăn độn sắn, bột mì, bo bo, cao lương, xếp hàng cả buổi để mua được hai trăm gam mỡ lợn hay ba người bốc thăm để được mua một cái quần đùi, có ai đó đã nhận xét, đến thời "đổi mới" cả dân tộc lao vào kiếm tiền như người đói “ăn trả bữa”!  Và cái tâm lý “ăn trả bữa” ấy đến tận bây giờ, hai mươi lăm năm sau, vẫn còn. Từ thế hệ 8x, 9x trở đi nếu có nghe người lớn kể lại chuyện thời bao cấp chắc chỉ cho là chuyện bịa, do “bọn phản động” bịa ra để nói xấu "Đảng ta", nếu như người đó không phải là ông bà, cha mẹ họ, còn nếu không, thì cũng chẳng thể nào hình dung nổi có một thời ông bà cha mẹ họ đã phải sống như thế!
Sự sợ hãi và tâm lý chỉ muốn yên thân là một phần. Phần khác, không phải số đông người Việt Nam không nhìn thấy xã hội hiện tại có quá nhiều sự bất công, phi lý, bất ổn, sai trái…nhưng thực tế đã cho họ thấy những người lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam từ trên xuống dưới hoàn toàn không có khả năng lắng nghe, và mọi việc họ làm từ trước đến nay luôn luôn chỉ để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ chứ chưa bao giờ và sẽ không bao giờ vì đất nước này, dân tộc này. Sở dĩ Đảng cộng sản biến màu liên tục suốt trong những năm qua, cũng chỉ là để thích nghi và tiếp tục tồn tại chứ về bản chất hay con đường đi thì chả có gì thay đổi. Chính vì hiểu như vậy nên người dân không còn tin tưởng vào cái đảng và nhà nước này, cũng không còn mong đợi điều gì nữa. Khi để mặc “mọi chuyện cho nhà nước lo”, người dân cũng đồng thời tự từ bỏ luôn quyền lợi và trách nhiệm công dân của mình đối với chính vận mệnh đất nước, dân tộc. Đó là một thực trạng vô cùng đau xót!
Cũng chính vì thế, có lẽ chẳng nên quan tâm xem đại hội Đảng lần thứ XI sẽ diễn ra như thế nào, ai ngồi vào chỗ nào, bởi chắc chắn rằng Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam chẳng bao giờ chịu từ bỏ quyền lợi của họ, cái mô hình thể chế chính trị này sẽ vẫn tiếp tục vì chỉ có như thế, họ mới tha hồ độc quyền muốn làm gì thì làm như từ trước đến nay. Điều duy nhất nên quan tâm là làm thế nào để ngày càng nhiều hơn, nhiều hơn nữa, số lượng người dân hiểu rõ sự thật, thức tỉnh để cứu lấy đất nước trước khi quá muộn mà thôi!

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài bình luận

phần đông dân VN bị nghèo đói và độc tài của cộng sản , bám như đỉa đói