You are here

Xin chào Blog RFA

Trần Đông Đức - Đây là bài đầu tiên mình viết trang blog RFA. Thật ra cái gì mới lần đầu cũng có phần bỡ ngỡ và thật sự không biết phải nhập đề bài đầu tiên như thế nào.
Mình từng ước có một trang blog thật rộn ràng nhộn nhịp nhưng chưa bao giờ làm tới trọn vẹn mặc dù mình có rất nhiều chủ đề muốn viết. Mình thường viết tạp văn trên facebook nhưng ở đó, số người đọc chỉ giới hạn trong vòng danh sách bạn bè (Friend List).
Trên Facebook thì viết lách bỗ bã thế nào cũng được nhưng ở đây là hệ thống có tính chất bài vở và phải tuân theo một số tiêu chuẩn biên tập của đài cho nên mình phải cân nhắc nhiều hơn.
Xin tự giới thiệu một tí về cá nhân. Mình cũng từng viết báo nhưng chưa được đào tạo chuyên nghiệp cho lắm và các kỹ năng chủ yếu là do “học tắt viết lén” mà thành. Ngoài công việc chính thức làm cho công ty dược phẩm Fraunhofer, thỉnh thoảng mình cũng có đi làm phóng sự và viết bài này nọ cho Đàn Chim Việt (hệ dot net), Việt Báo... Đài BBC gọi mình là “ký giả tự do” cũng có nghĩa là mình được “tự do hóng hớt” có tin nào hay ở Hoa Kỳ thì báo cho nhà đài. Nếu thấy thích hợp thì nhà đài sẽ cậy mình viết.
Bài gần đây nhất là mình viết về vụ biểu tình chống chủ tịch Hồ Cẩm Đào sang Mỹ ở Washington DC.
Mình cũng thường hay tổng hợp và dịch tin từ Trung Quốc sang tiếng Việt và trả lời phỏng vấn cho các đài báo về các vấn đề liên quan từ thực phẩm độc hại hàng Tàu đến tranh chấp Biển Đông. Đây là phạm vi riêng biệt ít đụng hàng với nhiều nhà báo khác.
Hy vọng, với blog này mình có thể phiên dịch các mảng thông tin toàn cầu để bạn đọc Việt Nam có một góc nhìn thực tế về đất nước đang lên này.
Với bài đầu tay trên blog này, mình không biết giới thiệu làm sao.
À phải rồi! Cũng vẫn là đề tài Trung Quốc lúc Hồ Cẩm Đào sang thăm Hoa Kỳ vẫn còn đang nóng trên thị trường. Số là hôm đi là phóng sự về cuộc biểu tình, mình phát hiện ra một số điều thú vị mà ngay cả chính mình cũng còn ngạc nhiên.

Thật đấy, lần đầu tiên mình thấy người Trung Quốc thuộc dân tộc Mông Cổ đòi ly khai “tổ quốc”. Mình cứ tưởng những bạn nào đã nằm trong các hệ triều đại Hán Đường Tống Nguyên Minh Thanh sau này thì thành Tàu hết thảy. Nhưng không, dân tộc Mông Cổ vẫn có ước mơ muốn ly khai với Trung Quốc và đoàn kết thống nhất với nước Mông Cổ độc lập ở phía Bắc.
Tuy hăng say và tự hào với bản sắc văn hóa nhưng những người Mông Cổ chống Trung Quốc cũng tỏ ra vẻ bi quan vì ước mơ của họ quá khó thực hiện. Hiện nay, dân tộc Mông Cổ ở Trung Quốc đông gấp đôi số người Mông Cổ ở nước độc lập. Nhưng ở khu tự trị dành cho dân tộc Mông Cổ chỉ bằng 1/5 người Trung Quốc gốc Hán. Trung Quốc lúc nào cũng thật là lấy thịt đè người khiến các nguyên tắc dân chủ cũng phải chào thua.
Thế rồi, người Mông Cổ chỉ còn nước yêu cầu chính quyền Trung Quốc nên đối xử với tộc Mông Cổ thiểu số tốt hơn về mặt nhân quyền trên “khu tự trị”. Các bạn Mông Cổ muốn nói với dư luận thế giới rằng khu tự trị này chính ra là đất thực dân tồi tệ nhất còn sót lại trên thế giới do Trung Quốc cai trị.
Hôm đó cũng là lần đầu tiên mình gặp và nói chuyện với người Uyghur (Duy Ngô Nhĩ), một dân tộc Trung Á về mặt nhân chủng có thể trạng gần với người Âu Châu thuộc khu tự trị Tân Cương. Các bạn Duy Ngô Nhĩ đấu tranh tỏ ra quyết liệt hơn. Trong tâm lý dân tộc, các bạn Duy Ngô Nhĩ tỏ ra xem thường văn hóa, ngôn ngữ và nhân chủng của dân tộc Hán. Các bạn ấy thậm chí từ chối nói tiếng Trung Quốc và dương cao khẩu hiệu tố cáo Trung Quốc là nhà nước khủng bố. Tâm lý ly khai không muốn dây dưa gì với Trung Quốc mà bị Trung Quốc thống trị tàn nhẫn tạo nên cảm giác đau đớn vô bờ.
Trong lúc đó, các bạn Tây Tạng thì cũng tỏ ra rất quyết liệt đòi đuổi Trung Quốc ra khỏi Tây Tạng nhưng có khi lại dung hòa về mặt lý luận. Các bạn ấy đưa ra quan niệm dân tộc tự quyết. Muốn ly khai hay ở lại với Trung Quốc thì là ý nguyện của người Tây Tạng chứ không phải chính quyền cộng sản đơn phương quyết định.
Trong ba vùng tự trị chống lại Trung Quốc thì chỉ còn Tây Tạng là số người Hán chiếm thiểu số (trừ thủ đô Lhasa). Người Tây Tạng lưu vong có chính sách giáo dục riêng và muốn từ chối nói tiếng Trung Quốc, trừ khi người đối diện không biết nói thứ tiếng nào khác ngoài tiếng Trung Quốc phổ thông.

Các bạn Đài Loan cũng giương cao biểu ngữ “Một Trung Quốc, Một Đài Loan”. Có lẽ, dân Đài Loan được coi là sung sướng nhất. Các bạn ấy mặc sức reo hò theo các bạn Tây Tạng, Mông Cổ... Ai chửi Trung Quốc thế nào thì các bạn ấy nhiệt tình tán dương không cần phân biệt. Vấn đề độc lập Đài Loan chỉ còn là sự đấu tranh về danh nghĩa. Đài Loan ở vị trí đắc địa và đặc thù khiến Trung Quốc chỉ thòm thèm vì không được trực tiếp cai trị. Các bạn Đài Loan biết điều này cho nên họ biểu tình chống đối trong sự tự hào trào dâng và thách thức “làm gì được nhau” trước tham vọng bá quyền “buồn cười” của Trung Quốc.
Cộng đồng Việt Nam ta cũng có mặt trong cuộc biểu tình này để chống lại Trung Quốc về phần bành trướng trên mặt biển. Tuy nhiên, xét cho cùng về màu sắc âm thanh ánh sáng và các lý luận thì không bằng các khối Đài Loan, Mông Cổ, Tây Tạng, Pháp Luân Công và các lực lượng Trung Hoa dân chủ.
Các dân tộc phụ thuộc và láng giềng củ Trung Quốc nhân cơ hội này để nêu cao ngọn cờ và ý nguyện con người rất quyết liệt. Các bạn Tây Tạng đã biểu tình suốt 3 ngày không nghỉ.
Mình chỉ định viết bài chào hàng giới thiệu với độc giả ngăn ngắn thôi, nhưng đâm ra lại viết dài. Chủ đề về Trung Quốc viết dài bao nhiêu cũng không đủ.
Hy vọng, vào những bài sau, có chủ đề đàng hoàng mình sẽ viết theo trình tự nhé!
Hẹn gặp lại...

Bài bình luận

Hay nhỉ, bác Duc Tran lại được làm blog ở đây. Phải có chuẩn gì đó mới được RFA cho tạo blog phải không pác? Anyway chúc mừng pác nhá. Mà đọc bài của pác buồn cười quá, mộc mạc chả giống báo chí chuyên nghiệp gì cả, cứ như anh già tỉ tê rả rích kể chuyện vậy. Báo nào mà chịu đăng bài của bác chắc cũng mệt cái khâu biên tập cắt xén cho vừa khuôn đây haha.

ĐỪNG LOẠN BÀN VỀ CHÍNH TRỊ VIỆT NAM NHA.

Chúc mầng anh Đức có blog mới. Đề nghị có một bữa tiệc nho nhỏ để ghi nhận