You are here

Chữ Quốc Ngữ, món nợ lớn với những ân nhân của nền văn hóa Việt - Phần II

Ảnh của nguyenhuuvinh

Chữ Quốc Ngữ, món nợ lớn với những ân nhân của nền văn hóa Việt - Phần I

Tưởng nhớ, tri ân tiền nhân

Từ xa xưa, với truyền thống uống nước nhớ nguồn, tiền nhân nước Việt đã ghi công những người có công lớn với đất nước Việt Nam. Nhiều đường phố, tượng đài đã được dựng lên để tưởng nhớ đến công ơn của họ đối với đất nước, dân tộc này.

Nhiều danh nhân nước Việt thuộc các triều đình phong kiến xa xưa cũng đã được đặt tên đường, tên phố. Các thế hệ trước đây, đã đặt tên những đường phố để vinh danh, tưởng nhớ và tri ân những người đã làm nên, làm rạng danh dân tộc, đất nước này.  

Với những người có công lao với nền văn hóa nước Việt như Alexandre de Rhodes cũng vậy.

Ở Hà Nội đã từng có một nơi để vinh danh, tưởng nhớ  công ơn của Alexandre de Rhodes. Do ông Nguyễn Văn Tố (1889-1947) khởi xướng và tiến hành xây dựng. Năm 1938, ông cùng một số trí thức cụ lập ra Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ tạo nên một phong trào học chữ quốc ngữ rộng khắp trong cả nước. Năm 1945 ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Nhà bia Alexandre de Rhodes khánh thành vào 5h chiều ngày 29/5/1941.

Thế rồi khi “Cách mạng thành công” bằng cuộc cướp chính quyền nhân dân vào tay những người Cộng sản mùa thu năm 1945, mọi thứ đều đã thay đổi.

Riêng trong lĩnh vực đạo đức xã hội, cả xã hội đã bị thay đổi mọi quan niệm, cách hành xử… hầu hết ngược lại những giá trị, nền nếp truyền thống của cha ông đã đúc kết qua hàng ngàn năm để lại.

Ngay cả với những ân nhân của chính quyền cộng sản, những người đã nuôi giấu, che chở, đóng góp cho sự thành công của họ trước đó rất ngắn, cũng đã nhận được sự phản bội vô ơn đến trắng trợn, nói gì đến các tiền nhân xa xưa.

Các đền đài, miếu mạo, tượng đài từ hàng ngàn năm để lại đã bị đập phá không thương tiếc trong cuộc “Cách mạng văn hóa và tư tưởng” của chính quyền Cộng sản.  

Nhà bia tưởng niệm Alexandre de Rhodes cũng không thoát khỏi chính sách đó của người Cộng sản.

Đêm ngày 9/10/1984, xe cẩu, công nhân kéo đến bia Alexandre de Rhodes rồi người ta dùng cần cẩu loại nhỏ cẩu tấm bia mang quẳng ra mép hồ xí nghiệp Cơ khí 204. Để rồi sau đó, cái nhóm hổ lốn gọi là Tượng đài Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, với mấy người đàn bà ôm bom ba càng được đặt vào đó.

Rồi năm tháng qua đi, cái gọi là “Cuộc cách mạng văn hóa tư tưởng” cũng như các cuộc cách mạng khác của người cộng sản đã thất bại thảm hại.

Từ kinh tế xã hội đến đạo đức, lối sống của người Việt cứ đi xuống như cỗ xe không phanh bởi một chính quyền ngày càng thể hiện sự thối nát và tham nhũng.

Cuộc chiến chống mê tín, dị đoan, xóa bỏ tàn tích phong kiến thực dân. Đặc biệt là việc xóa bỏ tôn giáo đã đem đến kết quả là những người dân Việt mất phương hướng sống và xã hội trở nên bạo tàn và con người trở nên bạo lực, hung hãn. Nhưng nhà cầm quyền không thể tiêu diệt được niềm tin trong dân chúng.

Và họ hướng cho người dân đến một trong những thứ tôn giáo do họ dẫn dắt và khuynh loát.

Với những danh nhân, với tiền nhân, khi xã hội có những phản ứng, chỉ rõ sự rồ dại của nhà cầm quyền trong việc đối xử tàn tệ với quá khứ, đã buộc nhà cầm quyền chấp nhận đặt lại tên, khôi phục lại những địa danh gắn liền với những người có công với đất nước này.

Việc nhà cầm quyền một số nơi như Sài Gòn đã chấp nhận đặt lại tên đường Alexandre de Rhodes là một thí dụ.

Điều đó chứng tỏ một thực tế là dù nhà cầm quyền có muốn, thì cũng không thể khuất phục người dân ghi công những ân nhân của đất nước, dân tộc này.

Những nhà khoa học công cụ

Khi Thành phố Đà Nẵng có chủ trương đặt tên đường phố cho hai nhà truyền giáo là Alexandre de Rhodes và Francisco de Pina, đã có một nhóm những người nhân danh “Nhà khoa học” phản đối rầm rĩ.

Đặc biệt, Thích Nhật Từ - một người mang danh Thượng Tọa, là người tu hành của Phật Giáo Nhà nước, nhưng hầu như sự từ bỏ những sân si, hàm hồ của cá nhân, sự hằn học đối với tôn giáo khác, nhất là Công giáo đã là chuyện lạ trong ông ta. Ông ta phát ngôn và tuyên truyền như một công cụ của Ban Tuyên giáo không chính thức – đã tỏ ra vui mừng hết sức trơ tráo.

Luận điểm của những “nhà khoa học” này vẫn dựa vào việc xuyên tạc lịch sử và quy kết cho tiền nhân những tội lỗi mà họ nghĩ ra.

PGS, Ts Lê Cung, Đại học Huế cho rằng: “thời điểm Alexandre de Rhodes ở Việt Nam, vì thấy những ý định không tốt của ông nên cả chúa Nguyễn ở Đàng Trong lẫn chúa Trịnh ở Đàng Ngoài đều đã trục xuất, không cho ông ta cư trú và hoạt động ở Việt Nam”.

Thế nhưng, ông ta đã không nhớ rằng năm 1917, vua Khải Định ra lệnh bãi bỏ tất cả các trường học chữ Hán. Năm 1932, vua Bảo Đại ra quyết định dùng chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán.

Chẳng lẽ ông ta muốn cổ vũ cho người Việt Nam từ thời vua chúa phong kiến đến nay vẫn giữ thói “Người thì ghét, nhưng của thì ưa”?

Trần Đắc Xuân, một người khá “nổi tiếng” với tội ác Mậu Thân (1968) ở Huế còn cho rằng: “quá trình ban đầu của việc tạo ra chữ quốc ngữ không nhằm mục đích phát triển văn minh của dân tộc ta, mà chỉ là một phương tiện để truyền giáo, một công cụ để thực dân Pháp xâm lăng nước ta”.

Nếu theo quan điểm của ông ta, thế giới ngày nay sẽ chẳng bao giờ có giải Nobel cho bất cứ người nào trên thế giới. Chỉ bởi vì Alfred Nobel, “người đã trở nên giàu có sau khi phát minh ra cách thức giết con người nhanh chóng hơn bao giờ hết”.

Ông ta cho rằng: “việc xác định đặt tên đường là vinh danh những người có công với đất nước, với dân tộc”.

Thế nhưng, như thế nào là “có công với đất nước, với dân tộc” thì lại là vấn đề hoàn toàn chủ quan của ông ta theo quan điểm của đảng cộng sản. Những người gọi là có công với đất nước, với dân tộc hôm nay, rất có thể sẽ là tội đồ của dân tộc trong ngày mai, khi lịch sử đất nước phán xét lại cách khách quan nhất.

Ai cũng biết rằng, ngày nay cái tên Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng được đặt cho các thành phố, các địa danh khác nhau. Nhưng rất có thể sau này, những địa danh phải phải đổi tên thành Hoàng Sa – Trường Sa, để ghi nhớ tội ác của những kẻ này với Công hàm năm 1958 dâng Hoàng Sa, Trường Sa cho giặc.

Ai đi qua con đường Lê Đức Thọ, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh… hôm nay, chắc sẽ không nghĩ rằng rất có thể chỉ thời gian ngắn sau này, những con đường, những địa danh đó sẽ phải đổi tên bởi người ta không muốn  nhớ đến những “thành tích” khủng khiếp của những nhân vật này trong một thời gian dài gây họa cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam.  

Trên thế giới đã chẳng từng có những thành phố bị đổi tên thành tên của những người không chỉ “có công với dân tộc, với đất nước” mà còn với “cả thế giới” như Lenin, Các Mác, Friedrich Engels đó sao? Để rồi sau đó, khi cả thế giới nhận chân được những nhân vật này là ai, thì các thành phố, địa danh đó trở lại thành Sankt-Peterburg hay những cái tên nguyên thủy của nó đó sao?

Có thể nói rằng, là những người mang danh “nhà khoa học”, nhưng tư duy của họ vẫn chỉ là tư duy của những người nông dân nhìn không qua lũy tre làng và chân ruộng lúa nhà mình. Cái bờ dậu ngăn cản tầm nhìn của họ, cái tư duy nô lệ và công cụ đã hạn chế chính họ.

Tạm kết

Cần phải nói rằng, dù có phản đối hoặc ủng hộ, thì những công lao đóng góp của các tiền nhân, những người đã sáng tạo ra chữ quốc ngữ và truyền bá, phát triển nó là công lao to lớn của họ đối với nền văn hóa Việt Nam là không thể phủ nhận.

Năm 1961, nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày qua đời của linh mục Alexandre de Rhodes, nguyệt san MISSI, do các cha Dòng Tên người Pháp thực hiện, đã dành trọn số tháng 5 để tưởng niệm và ca tụng Cha Alexandre de Rhodes, đã nói về công trình khai sinh chữ Quốc ngữ với tựa đề: "Khi cho Việt Nam các mẫu tự La Tinh, Alexandre de Rhodes đã đưa Việt Nam đi trước đến 3 thế kỷ".

Thật vậy, cho đến nay đã qua 350 năm, Việt Nam là nước duy nhất đi trước vùng Viễn đông có được chữ viết thể hiện đúng giọng nói đa âm mà một số nước khác chưa làm được.

Chính những người phản đối, quy kết, gán ghép tội lỗi cho các tiền nhân, lại là những kẻ đang hưởng thụ nhiều nhất những thành quả của họ.

Còn những người đã làm nên những thành tựu to lớn, làm thay đổi và đóng góp hết sức quan trọng cho nền văn hóa Việt Nam họ đã qua đời từ lâu và có lẽ họ cũng không cần những vinh danh, những trao tặng hoăc đặt tên đường, tên địa danh.

Cuộc đời của những nhà truyền giáo ra đi khỏi gia đình, quê hương và đất nước mình là sự dấn thân cho nhân loại, họ không hề nghĩ đến những gì mình sẽ được, ngay cả khi họ còn sống.

Vậy thì việc vinh danh họ bằng cách này hay cách khác, chỉ có ý nghĩa với những người còn sống, với nền văn hóa Việt Nam, với các thế hệ con cháu người Việt từ xưa đến nay vốn có truyền thống đẹp đẽ “Uống nước, nhớ nguồn”.

Đi ngược lại truyền thống đó, chỉ có thể là những kẻ mất gốc, táng tận lương tâm hoặc những kẻ không nghĩ đến hậu quả của việc mình làm có hại như thế nào cho đất nước, dân tộc sau này.

Và đó mới thực sự là những kẻ tàn phá nền văn hóa, nền văn hiến đất Việt được xây đắp từ hàng ngàn năm nay.   

Ngày 27/11/2019

J.B Nguyễn Hữu Vinh