You are here

Chữ Quốc Ngữ, món nợ lớn với những ân nhân của nền văn hóa Việt - Phần I

Ảnh của nguyenhuuvinh

Gần đây, câu chuyện một số người nhân danh “Nhà khoa học” đã gửi đơn phản đối Đà Nẵng đặt tên đường cho hai nhân vật được xác nhận là những người có công lớn đối với chữ quốc ngữ ở Việt Nam là linh mục  Alexandre de Rhodes và Francisco de Pina.

Câu chuyện này đã một lần nữa nói lên nhiều điều.

Ở đây, không chỉ là thói vô ơn của người Việt, mà còn là những hậu quả của việc chính trị hóa một số vấn đề trong quá khứ, xuyên tạc và bóp méo lịch sử theo cách nhìn của những công cụ đảng mang danh là “Nhà khoa học”.

Chữ quốc ngữ đối với nền văn hóa Việt Nam

Có thể khẳng định rằng, trong lịch sử đất nước Việt Nam, sự khác biệt về văn hóa, sự văn minh, hội nhập quốc tế hết sức đơn giản và dễ dàng, không thể không kể đến sự đóng góp của Chữ Quốc ngữ.

Cũng từ chữ quốc ngữ, những tiếp cận, những giao lưu với các nền văn hóa khác đã đưa vào Việt Nam những khái niệm văn minh của phương Tây cũng như các dân tộc khác trên thế giới.  

Ngày 3/10/2015, tại “Hội thảo khoa học: Chữ quốc ngữ - sự hình thành, phát triển và những đóng góp vào văn hóa Việt Nam” ở Núi Thơn - An Phú - Tp. Tuy Hòa - Phú Yên, nhiều bản tham luận đã nói lên những đóng góp to lớn của chữ Quốc ngữ đối với nền văn hóa Việt Nam.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Giáp đã nêu lên vai trò của chữ quốc ngữ như sau:

- Chữ quốc ngữ là cơ sở để mở rộng chức năng của tiếng Việt, nó vươn lên thành ngôn ngữ chính thức của quốc gia. Nó được dùng trong hành chính, ngoại giao, giáo dục. Nó là công cụ bảo tồn và phát triển văn hóa Việt Nam.

- Chữ quốc ngữ là cơ sở để tiếng Việt phát triển. Về mặt từ vựng, chữ quốc ngữ đã giúp tạo ra những từ mới nhằm hỗ trợ việc diễn đạt tư duy trong chiều sâu và đỉnh cao của nó. Về ngữ pháp, dấu chấm câu mà chữ quốc ngữ du nhập vào Việt Nam đã góp phần tích cực vào việc sáng tạo các câu văn viết một cách sáng sủa, mạch lạc…, điều mà chữ Nôm trước đây không có. Chữ quốc ngữ đã giúp diễn đạt tư duy logic, thể hiện những tư tưởng khoa học cách trọn vẹn hoàn hảo. Về mặt âm, chữ quốc ngữ giúp xác định chính âm cho tiếng Việt, tạo sự thống nhất chữ viết trong toàn lãnh thổ Việt Nam, cho dẫu Việt Nam có nhiều phương ngữ và nhiều dân tộc thiểu số.

- Chữ quốc ngữ là cơ sở để phát triển nền quốc học lên một tầm cao mới. Căn cứ vào di sản Hán Nôm Việt Nam, chúng ta chỉ có vỏn vẹn 5038 quyển, trong đó có những quyển trùng nhau, nhiều quyển không mấy giá trị… Nếu làm một cuộc so sánh với nền quốc học được ghi bằng chữ quốc ngữ hiện nay, thì dù chỉ trong một thời gian ngắn, chữ quốc ngữ đã vượt hẳn và làm cho nền quốc học phong phú biết chừng nào.

Mặc dù chữ quốc ngữ đã tạo nền cho tiếng Việt phát triển đến đỉnh cao, nhưng tiếng Việt vẫn không được gọi là “ngôn ngữ quốc gia”, mà các văn bản của nhà nước chỉ gọi tiếng Việt và chữ quốc ngữ là tiếng và chữ phổ thông. Mãi cho đến Hiến pháp năm 2013, trong điều 5 mới xác định: “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt”, và điều này khiến chúng ta hiểu ngầm rằng “chữ quốc ngữ là chữ biểu thị ngôn ngữ tiếng Việt sẽ là chữ quốc ngữ với nghĩa đầy đủ và trọn vẹn của nó”.

Nói về sự hình thành chữ Quốc ngữ, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trí Dõi, khoa ngôn ngữ học, Đại học Tổng hợp Hà Nội đã cho rằng: “Sự hình thành chữ quốc ngữ là công của nhiều người: Francesco de Pina, Cristoforo Borri, Alexandre de Rhodes, Pigneau de Béhaine, Taberd…, và đặc biệt là của cộng đồng giáo dân Công giáo Việt Nam thời bấy giờ. Chính cộng đồng này là lực lượng duy nhất trong một thời gian khá dài sử dụng thành quả của các nhà xây dựng và hoàn thiện chữ quốc ngữ, do đó chính họ là những người “thẩm định” và bổ túc cho sự hoàn thiện như chúng ta có ngày nay. Mặc dù tên tuổi cụ thể của những giáo dân Việt Nam không được ghi chép một cách rõ ràng, nhưng họ đã có vai trò quan trọng trong sự kiện ngôn ngữ quan trọng này của dân tộc Việt Nam. (Trần Trí Dõi - “Giáo trình lịch sử tiếng Việt”, Nxb GDVN, 2011. Trang 254 – 255)  

Ông nói: “Xét trên phương diện khoa học, việc vinh danh công lao của những con người này như dân tộc ta đã làm đối với các nhà khoa học vì sự phát triển của dân tộc Việt Nam, theo chúng tôi là một việc làm mang tính đạo lý và phù hợp với truyền thống nhân văn của người Việt

Phán xét và cắt xén, xuyên tạc lịch sử theo quan điểm của đảng

Theo định nghĩa được ghi trên wikipedia: “Lịch sử là một bộ môn khoa học nghiên cứu về quá khứ, đặc biệt là những sự kiện liên quan đến con người. Đây là thuật ngữ chung có liên quan đến các sự kiện trong quá khứ cũng như những ghi nhớ, phát hiện, thu thập, tổ chức, trình bày, giải thích và thông tin về những sự kiện này”.

Một trong những yêu cầu khắt khe của bộ môn Lịch sử là “điều tra khách quan” những sự kiện đã xảy ra và phản ánh đúng đắn, khách quan các sự kiện đó.

Thế nhưng, điều mà bộ môn này yêu cầu là sự “khách quan” dường như đã không được chú ý tại những gì mà chính quyền Việt Nam hiện đang sử dụng và ở những người hoạt động trong lĩnh vực gọi là “lịch sử” ở Việt Nam.

Những đánh giá, sử dụng, trích dẫn hoặc vận dụng các tư liệu, hình ảnh… của những thời kỳ đã qua trong quá trình hình thành, phát triển của Việt Nam, nhiều khi chỉ được sử dụng một phần, hoặc bị cắt xén, xuyên tạc… Điều này, chỉ nhằm mục đích uốn nắn cho phù hợp với quan điểm của đảng Cộng sản, của Chủ nghĩa Mác – Lenin mà đảng đang lấy làm nền tảng tư tưởng, hành động.

Mục đích là để phụ họa cho bộ máy tuyên truyền của nhà nước là chính, còn những yếu tố khách quan, sự thật… đều chỉ là thứ yếu.

Có thể dẫn ra nhiều ví dụ để chứng minh điều này, không chỉ trong các sự kiện đã xảy ra khó kiểm chứng, mà ngay cả trong các tác phẩm văn học, hội họa, lịch sử cũng như nhiều danh nhân khác nhau trong quá trình hình thành, khai phá và xây dựng đất nước.

Bản văn Bình Ngô Đại Cáo (1428) là bài cáo của Nguyễn Trãi viết thay lời Bình Định vương Lê Lợi để tuyên cáo kết thúc cuộc kháng chiến chống Minh, giành lại độc lập cho Đại Việt. Một bản văn ra đời cách nhà nước Cộng sản Việt Nam hơn 500 năm, được lưu truyền trong sử sách, dân gian như một áng văn về tinh thần quật cường chống ngoại xâm của quân dân Đại Việt. Trong quá trình lưu truyền, bản văn được giữ nguyên từng câu, từng chữ.

Trong đó có đoạn:
Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới
Càn khôn bĩ rồi lại thái
Nhật nguyệt hối rồi lại minh
Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu
Muôn thuở nền thái bình vững chắc
Âu cũng nhờ trời đất tổ tông linh thiêng đã lặng thầm phù trợ.

Thế nhưng, hơn 500 năm sau, xét trên quan điểm của Đảng CSVN với Chủ nghĩa Mác – Lenin, bản văn đã bị cắt xén, lược bỏ khi đưa vào sách giáo khoa hoặc phổ biến trên các phương tiện truyền thông, sử học, văn học. Câu văn: “Âu cũng nhờ trời đất tổ tông linh thiêng đã lặng thầm phù trợ” đã bị cắt xén loại bỏ ra khỏi tác phẩm này một thời gian dài. Chỉ vì nó không cùng quan điểm của Chủ nghĩa duy vật biện chứng, phủ nhận vấn đề tâm linh, linh thiêng, trời đất tổ tông phù hộ.

Câu bị kiểm duyệt, cắt bỏ ấy nằm trong cuốn Lịch sử Việt Nam tập 1 (năm 1971), và cuốn “Khởi nghĩa Lam Sơn” (năm 1977), cùng một nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành.

Chỉ bởi đảng Cộng sản cho rằng Nguyễn Trãi mấy trăm năm trước đã “mất lập trường nghiêm trọng”.

Điều này đã được phản ánh rõ ràng trên tờ Tiền Phong Chủ nhật ngày 23/03/2003 và các bài viết sau đó về chủ đề này.

Cách đây khoảng 25-26 năm, (1993-1994, tôi không nhớ rõ), trên báo Lao Động có loạt bài viết về Alexandre de Rhodes, người bạn lớn của văn hóa Việt Nam.

Ở đó, tác giả đã công phu tìm hiểu và nghiên cứu về những nguyên nhân mà nhà nước Việt Nam đã vô ơn, đối đãi bạc bẽo với người có công lớn đối với nền văn hóa Việt Nam, là giáo sĩ Alexandre de Rhodes.

Nguyên nhân chính, là ở sự xuyên tạc lịch sử của tác giả cuốn Lịch sử Việt Nam tập 1 do nhà nước ban hành. Tác giả đã trình bày khá rõ ràng về một chi tiết như sau:

Trong cuốn sách Divers voyages et missions (Các cuộc hành trình và truyền giáo) của linh mục Alexandre de Rhodes do Cramoisy xuất bản tại Paris năm 1653 ở đoạn cuối chương 19 của phần thứ ba có một đoạn nguyên văn:

“J’ai cru que la France, étant le plus pieux royaume de monde, me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout l’Orient, pour l’assujetter à Jésus Christ, et particulièrement que j’y trouverais moyen d’avoir des Évêques, qui fussent nos Pères et nos Maitres en ces Églises. Je suis soirti de Rome à ce dessein le 11e Septembre de l’année 1652 après avois baisé les pieds du Pape”.

Câu này dịch ra là: “Tôi tưởng nước Pháp là một nước đạo đức nhất thế giới, nước Pháp có thể cung cấp cho tôi mấy chiến sĩ đi chinh phục toàn cõi Ðông phương đưa về qui phục Chúa Kitô và nhất là tôi sẽ tìm được các giám mục, cha chúng tôi và thầy chúng tôi trong các giáo đoàn. Với ý đó, tôi rời bỏ Rôma ngày 11 tháng 9 năm 1652 sau khi tới hôn chân Ðức Giáo hoàng.”

Ở đây, linh mục Alexandre de Rhodes nói rõ: “mấy chiến sĩ đi chinh phục toàn cõi Ðông phương đưa về qui phục Chúa Kitô…” – Nghĩa là chinh phục những người từ ngoài công giáo về với Đức Tin Kitô trong công việc truyền giáo của ngài, hoàn toàn không có nghĩa là việc đưa binh lính Pháp đi xâm lược thuộc địa. Từ “chiến sĩ” ở đây, chính là những “Chiến sĩ Đức Tin” – những người tiên phong bỏ gia đình, quê hương, đất nước cho việc chinh phục và truyền bá Đức tin và Đức Kitô của mình.

Cần phải nói rõ ràng rằng: Việc các nhà truyền giáo đến các miền đất mới để truyền bá Đức Tin của mình, là việc hoàn toàn khách quan do nhu cầu của Giáo hội Công giáo, không thể cho rằng đó là “công cụ” để thực dân Pháp xâm lược Việt Nam hoặc bất cứ nước nào.

Ngày nay, hàng loạt các linh mục Việt Nam trong các hội dòng như dòng Saledieng được phái đi truyền giáo cho những vùng đất mới như Châu Phi, như Mông Cổ và các nước khác… liệu có bị các nước đó đưa vào lịch sử như những “công cụ” cho nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam “truyền bá chủ nghĩa Mác – Lenin và tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh” để mở đầu cho cuộc xâm lược các nước đó hay không?

Hoàn cảnh, ngữ cảnh và lời nói đó của linh mục Alexandre de Rhodes đã thể hiện hết sức rõ ràng, nhất là thời gian cuộc đời của ngài đi truyền giáo tại Việt Nam, trước cuộc chiến Pháp – Đại Nam có… 250 năm.

Thế nhưng, khi đưa vào cuốn Lịch sử Việt Nam tập 1, tác giả đã dịch câu nói này như một lời kêu gọi Thực dân Pháp đến xâm lược Việt Nam. Đó là sự lừa đảo, bóp méo và xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc và vô ơn với ân nhân.

Thậm chí, trong cuốn sách đó còn bịa đặt thêm câu nói và gắn vào miệng của Alexandre de Rhodes như sau: “Đây là một vị trí cần được chiếm lấy và chiếm được vị trí này thì thương gia Âu châu sẽ tìm được một nguồn lợi nhuận và tài nguyên phong phú.” (Trang 304, Lịch sử Việt Nam, tập 1, do Ủy ban KHXH Việt Nam xuất bản tại Hà nội năm 1971)

Đặc biệt cuốn sách này ghi chú là trích từ quyển Divers voyages et missions en Chine et autres royaumes de l’Orient (Những cuộc hành trình và truyền giáo ở Trung Quốc và các vương quốc khác ở phương Đông) của Alexandre de Rhodes, Paris, 1653, tr. 109-110.

Câu trích dẫn và nhất là thông tin trong ghi chú trên đây đã khiến nhiều nhà nghiên cứu sử học cho rằng Alexandre de Rhodes có ý đồ thực dân.

Để làm sáng tỏ vấn đề, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã tìm đọc hai trang 109-110 của tài liệu trên và cả bản tiếng Việt Hành trình và truyền đạo do Hồng Nhuệ dịch, và đi đến kết luận là “không hề thấy câu nói sặc mùi đế quốc thực dân ấy, ngoại trừ những lời lẽ và thái độ quý mến dân tộc và trọng kính chính quyền cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài của xứ ta đương thời”.

Từ đó đến nay chưa thấy bài viết nào làm sáng tỏ nguồn gốc câu trích dẫn trên đây. Gần đây, khi có được các bản tiếng Pháp in lần đầu năm 1653, lần thứ hai năm 1666 và cả bản in năm 1854 của quyển sách nói trên, chúng tôi cũng đã bỏ công tìm tòi đối chiếu, nhưng tuyệt nhiên không tìm ra một dòng nào có ý tương tự như câu trích dẫn bên trên. (Theo bài viết: "Alexandre de Rhodes có nói như thế không?" - Tiến sĩ Trần Thanh Ái).

Thế nhưng, vẫn cố thủ với quan điểm và những “chứng cứ” đó, các nhà "khoa học công cụ" đã tiếp nối vấn đề là phủ nhận công lao, đóng góp của ông cho nền văn hóa Việt Nam.

Câu chuyện tưởng đến đó đã rõ ràng, những người gọi là “Nhà khoa học lịch sử” sẽ tỉnh ngộ và hiểu được cái gì là “sự thật khách quan” mà không thể phủ nhận hoặc cố tình gán ghép, bóp méo và xuyên tạc lịch sử chỉ vì quan điểm của cha ông, của tiền nhân đã không cùng với quan điểm của Đảng cộng sản sau này.

(Còn nữa)

Ngày 27/11/2019

J.B Nguyễn Hữu Vinh