You are here

40 năm nguyên vẹn một vết thương rỉ máu

Lê Diễn Đức

Ngày 30 tháng Tư năm 1975 tôi ở trong nhà tù Hoả Lò ở Hà Nội. Tôi bị Toà án Nhân dân Hà Nội kết án hai năm tù giam về tội "trốn ở lại nước ngoài". Tôi bị giam giữ biệt lập ở trại tù Thanh Xuân gần một năm để điều tra và sau đó ở Hoả Lò cho đến khi được trả tự do.

Hôm ấy không khí trong nhà tù sôi động, sau khi ông Trung uý Huệ thông báo và mọi người tập trung ở ngoài sân nghe đọc báo Nhân Dân.

Tôi vẫn nhớ như in hình dáng của ông trung úy Huệ già, có mái tóc bạc trắng, một con người hiền lành và nhân hậu. Ông là người miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954, tôi chỉ biết có thế. Ông là giám thị của buồng 15, chứa khoảng hai trăm tù nhân, đa phần là cán bộ nhà nước tham ô, một phần nhỏ khác là giới xã hội đen, nhưng không thuộc loại nguy hiểm...

Có lần một tay anh chị trong đám này gây sự với tôi khi tắm, chưa kịp đánh nhau thì trật tự phòng can ngăn và báo cáo sự việc lên ông Huệ. Tôi bị gọi lên phòng ông làm việc. Ông pha trà và mời tôi hút thuốc. Ông nói với tôi gây sự trong tù sẽ bị kỷ luật và an toàn của bản thân bị đe doạ. Tôi thanh minh lỗi không phải từ phía tôi. Ông nói ông biết và chắc là nắm được lý lịch của tôi nên ông nói tiếc cho tôi quá, học sinh, sinh viên giỏi mà sao lại để ra nông nỗi này. Có vẻ ông chia sẻ với tôi hơn là trách móc, giáo dục. Rất có thể vì thấy tội nghiệp cho hoàn cảnh của tôi mà sau này ông đã sắp xếp tôi xuống bếp ăn của nhà tù, một công việc mơ ước của bao tù nhân khác, vì đã xuống bếp thì được sang ở khu khác, sinh hoạt thoải mái hơn, thỉnh thoảng còn được ra ngoài phố (lấy than) và quan trọng nhất là không bao giờ bị đói nữa.

Ngày 30 tháng Tư, ai ai cũng vui mừng vì chiến tranh kết thúc. Riêng tôi rất buồn. Tôi không nghĩ Bắc Việt sẽ chiến thắng dễ dàng như thế. Sau này khi ra tù, tôi sẽ tìm cách vượt tuyến vào Nam. Cách trốn qua sông Bắc Hải như thế nào, rồi tiến vào phía Nam qua sông Hàn ra sao trong lúc khói lửa đang ác liệt ở vùng Quảng Trị, Huế, tôi đã được một tù nhân khác ở cùng phòng một thời gian ngắn lúc ở trại giam Thanh Xuân, chỉ dẫn. Qua được sông Hàn là thoát, anh ta khẳng định như thế.

Mặc dù không hiểu biết bao nhiêu về chế độ Việt Nam Cộng Hoà nhưng tôi nghĩ rằng, một nạn nhân của miền Bắc, chỉ yêu với một cô gái Ba Lan và tìm cách ở lại nước ngoài mà bị tù đày, chắc chắn tôi sẽ được tiếp nhận. Tôi khao khát tự do và tôi tin rằng chế độ Việt Nam Cộng Hoà tự do hơn miền Bắc. Tôi chỉ có một con đường duy nhất ấy. Bởi vì với cái án tù, trong chế độ cộng sản, tôi sẽ chẳng thể nào có cơ hội vươn lên nữa. Chắc chắn tôi sẽ chịu thân phận con trâu đi trước, cái cày theo sau, sẽ bị xã hội khinh rẻ, đời sống sẽ chìm trong tủi nhục.

Ngày 30 tháng Tư năm 1975 chấm dứt mơ ước phiêu lưu của tôi, khép lại cánh cửa và để lại trước tôi một viễn cảnh đen tối. Làm sao tôi không buồn. Tôi không dám chia sẻ nỗi buồn với ai. Tôi im lặng gặm nhấm và xác định cho mình một tương lai khác. Một cái mốc xoay chuyển cuộc đời tôi!

Ngày 2 tháng 9 năm 1975, đại ân xá và tôi ra tù trước thời hạn 5 tháng. Nhận lại quần áo từ Ba Lan mang về bị giữ lại từ lúc bị bắt, cầm "Lệnh tạm tha" bước ra khỏi cổng chính nhà tù Hoả lò, tôi ngơ ngác nhìn quanh phố phường Hà Nội. Về đâu? Tôi rảo bước một cách vô thức, không biết đi đâu. Trời lất phất mưa. Cờ, khẩu hiệu giăng khắp phố. Những chiếc xe đạp qua lại, có những cô gái mặc áo dài, chắc đi dự ngày lễ ở đâu đó. Tôi không phải là dân Hà Nội, nên rất bỡ ngỡ. Trong túi không có đồng nào, tôi hỏi đường đi lên Bờ Hồ và nhảy lên tàu điện xuống Thanh Xuân, nơi có anh ruột đang học Đại học Tổng hợp. Một hành khách nhìn tôi nói anh ở nước ngoài về à (chắc nhìn tôi ăn mặc và xách cái túi du lịch), đi tàu hãy cẩn thận, dễ bị móc túi lắm. Tôi cám ơn. Thật là may mắn, chẳng thấy ai soát vé cả...

Hôm nay, 40 năm sau, tôi ngồi ở thành phố Houston, nước Mỹ, viết lại những dòng này. Tôi đã định cư và ổn định trên đất Mỹ. Bốn đứa con tôi, con trai đầu là công dân Australia đang sống và làm việc ở Melbourne, ba đứa khác đều là công dân Mỹ. Hạnh phúc ngập tràn, cái giấc mơ nhỏ nhoi vượt biên vào Nam ngày nào không thực hiện được thì giờ đây, như có phép lạ, tôi được sống ở Mỹ, đất nước đã có tới 58 ngàn chiến sĩ bỏ mạng để ngăn chặn làn sóng đỏ, bảo vệ tự do cho miền Nam Việt Nam!

Cuộc hành trình tìm đến tự do của tôi tuy không bi thảm như hàng triệu người miền Nam đã đối diện với hiểm nguy và cái chết trốn chạy khỏi chế độ cộng sản sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, nhưng cũng sóng gió và mạo hiểm, đòi hỏi một nỗ lực rất lớn, cộng với may mắn.

Tôi nhìn thấy một cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản ở Mỹ trưởng thành trong mọi lĩnh vực, nhiều người là những nhà khoa học, chuyên gia kỹ thuật, chính khách, thương nhân giỏi hội nhập vào dòng chính nước Mỹ, góp phần vào sự phát triển của nước Mỹ, quê hương thứ hai của họ, nơi đã che chở, bao dung họ trong những ngày chân ướt chân ráo đặt chân tới miền đất lạ.

Tôi chia sẻ với người Việt khi họ gọi ngày 30 tháng Tư là ngày "quốc hận", vì ngày ấy là ngày một quốc gia hợp pháp, một nền cộng hoà dân chủ non trẻ bị bức tử. Lá cờ vàng ba sọc đỏ của quốc gia đó, Việt Nam Cộng Hoà, gắn liền với những kỷ niệm đẹp một thời, rất nhiều người đã vì tự do mà ngã xuống lá cờ đó.

Quốc hận còn có nghĩa những người phụng sự cho quốc gia ấy đã bị chế độ cộng sản trả thù một cách vô nhân đạo. Hàng trăm ngàn quân cán chính của Việt Nam Cộng Hoà bị đưa đi tập trung cải tạo, không thông qua xét xử, gia đình của họ bị cô lập, bị phân biệt đối xử hà khắc, chính sách đi dân đi kinh tế mới, cải tạo công thương, ngăn sông cấm chợ đã đẩy cuộc sống vào bế tắc, khiến cả triệu người phải bỏ nứơc ra đi.  Đây là bản cáo trạng tội ác khủng bố của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam. Vết thương này quá lớn, nó là nguyên nhân của sự chia rẽ và vẫn sẽ tiếp tục rỉ máu, khi đất nước Việt Nam còn bị áp đặt sự thống trị độc quyền, độc tài, phi dân chủ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ở Ba Lan, nơi tôi sinh sống nhiều năm, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ vào năm 1989, không có vấn đề trả thù những người cộng sản. Thành công nhất của Ba Lan là xã hội mới trở thành mái nhà chung cho tất cả những người có chính kiến, quan điểm khác nhau. Những người cựu cộng sản Ba Lan đã lột xác, rũ bỏ ý thức hệ mác-xít, thành lập đảng Liên minh Cánh tả Dân chủ theo khuynh hương dân chủ-xã hội.

Tháng 12 năm 2005 Quốc hội Ba Lan đã ra nghị quyết về tình trạng thiết quân luật mà nhà cầm quyền Cộng sản Ba Lan ban hành ngày 13 tháng 12 năm 1981 nhằm dập tắt phong trào đối lập. Trong gần hai năm 1981-1983 đã có gần 10 ngàn người bị giam giữ và kết án, hàng trăm ngàn người đã rời bỏ Ba Lan chạy qua các nước phương Tây, được xem là một giai đoạn đen tối nhất của lịch sử Ba lan sau Chiến tranh Thế giới II.

Đề xướng nghị quyết lại chính là những người cựu Cộng sản Ba Lan trong quốc hội. Nghị quyết viết: “Quốc hội Ba Lan tỏ lòng thương tiếc và tưởng nhớ đến những người Ba Lan – những nạn nhân của sự truy bức, đàn áp chỉ vì họ muốn thực hiện ước mơ cho một Ba lan dân chủ và tự do. (…) Kinh nghiệm của quá khứ là bài học cho những người cầm quyền và xã hội rằng, bằng bạo lực không những không hạn chế được nhân quyền, tự do của công dân, mà cũng không thể giải quyết được các vấn đề cơ bản của nhà nước” (Nhật báo Gazeta Wyborcza ngày 16/12/2005).

Còn A. Kwasniewski, cựu Bộ trưởng trong chế độ Cộng sản, Tổng thống Ba Lan dân cử hai nhiệm kỳ (1995- 2005) đã xin lỗi nhân dân Ba lan về giai đoạn thiết quân luật, về sự chịu đựng và tổn thương mà nhân dân Ba Lan đã phải trải qua.

Trong một xã hội mà nhà nước không do nhân dân bầu chọn tự do, không thể nào có chỗ đứng cho sự hoà hợp hoà giải, bởi vì nhà nước ấy là đại diện cho một băng đảng đặc quyền đặc lợi, chỉ biết đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích dân tộc.

Trong một xã hội mà nhà cầm quyền lấy truy bức và đàn áp là phương tiện để duy trì quyền lực, cũng không có chỗ cho sự nhìn nhận sai lầm chân thực. Vì thế, nhân 40 năm ngày 30 tháng Tư, người ta vẫn cao ngạo duyệt binh, ăn mừng "chiến thắng"!  

40 năm vẫn nguyên vẹn một vết thương rỉ máu!

© Lê Diễn Đức - RFA

Bài bình luận

Xin chia xẻ với anh Lê Diễn Đức. Với anh, đó là vết thương 40 năm còn rỉ máu! Nhưng với cả dân tộc này, không chỉ là một vết thương rỉ máu, mà là một cú chém ngang lưng, không bao giờ liền lại được. Thật khốn khổ cho quê hương, dân tộc tôi!

Chế độ này ra vẻ làm lễ kỷ niệm giải phóng Sài gòn nhằm che đậy sự xấu hổ, nỗi lo sợ nơm nớp chẳng biết khi nào bị dân lật thuyền

Bốn mươi năm Tội Ác cộng sản Ở trong trái tim mỗi người Việt Nam chúng tôi, mỗi ngày là Ngày 30 của Tháng Tư Đen*. Bốn mươi năm trước, ngày 17 tháng Tư năm 1975, Phnom Penh rơi vào tay cộng sản Khmers đỏ. Pol Pot và nhiều tên cầm đầu bọn sát nhân tập thể này vốn là đồng chí, đàn em và học trò của Hồ Chí Minh từ năm 1953. Hai nước trung lập Lào và Cam Bốt bị cộng sản Bắc Việt cài người, lấn chiếm, biến đường mòn thành xa lộ. Giao nửa phần đất nước cho Bắc Kinh ‘’bảo hộ’’ và ‘’kinh doanh’’, các lãnh tụ Việt cộng đưa hết lính chính quy chủ lực vào Nam, đóng dọc theo bên kia biên giới Lào-Cam Bốt. Được Trung cộng đào tạo và võ trang, được Liên Sô cung cấp chiến xa và hỏa tiễn, được chỉ huy bởi đông đảo cố vấn Trung-Sô. Đến ngày 30 Tháng Tư năm 1975, bộ đội cộng sản Bắc Việt xâm lăng miền Nam Việt Nam, tiến vào Sài Gòn. Báo cộng sản Pháp ngạc nhiên không thấy "nhân dân đồng khởi". Và truy tìm không thấy một văn kiện nào của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa chuyển nhượng hay bán đứng một phần đất nước cho Hoa Kỳ hoặc bất cứ một nhà nước nào khác. Cộng sản rao truyền rằng chúng lấy được miền Nam Việt Nam không có ‘’biển máu’’. Nhưng chúng tôi biết có nhiều con ‘’suối máu’’. Lịch sử mai sau, những nhân chứng và chứng tích, tuyên thệ trước đất trời, sẽ nói lên sự thật đầy đủ hơn. Người dân miền Nam bị lưu đày ngay trên quê hương, trong nhà tù lớn nhứt thế giới. Chỉ vì yêu nước nhưng không theo cộng sản, nhiều trí thức, triết gia, tu sĩ và người cầm bút, nhiều tài năng quốc gia bị cộng sản sát hại, thủ tiêu. Hàng triệu người phải bỏ nước ra đi. Bị công an bắt lại, câu lưu để tống tiền. Bị hải tặc cưỡng hiếp và tàn sát. Bị xua đuổi, chết đuối, chết đói khát, chết vì kiệt sức. Hơn nửa triệu người tị nạn bằng thuyền mất tích trên các biển phía Nam, biển Đông và Thái bình dương. Việt Nam bị chia cắt hồi tháng Bảy năm 1954. Khác với Nam Hàn và Tây Đức, hòa bình và an ninh lâu dài không hề được quốc tế bảo đảm cho Việt Nam Cộng Hòa cần có để xây dựng miền Nam. Cộng sản Bắc Việt không ngừng phá hoại và khủng bố, chuẩn bị cuộc xâm lăng, từ Lào và Cam Bốt. Thủ phạm của tấn đại bi thảm kịch cho cả dân tộc, không phân biệt Nam Bắc, chính là Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Lê Duẫn và đám cận thần, thân tín cộng sản. Họ cầm đầu đạo quân bản xứ, thứ lính đánh thuê cho đế quốc cộng sản Trung Sô để thống trị bán đảo Đông Dương. Cần phải xác quyết rằng cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam sau năm 1954 đến ngày 30 Tháng Tư năm 1975 không phải là một cuộc nội chiến. Lại càng không phải là cuộc chiến của Hoa Kỳ. Chúng tôi biết ơn hơn năm vạn thanh niên Hoa Kỳ và những chiến hữu đồng minh đã hy sinh để giúp đỡ nhân dân miền Nam Việt Nam chiến đấu tự vệ. Dân chúng Việt Nam Cộng Hòa không bị lừa dối như một số đồng bào bất hạnh miền Bắc. Vì vậy miền Nam mới có cuộc Kháng chiến chống cộng dù đơn độc nhưng dũng cảm, chịu nhiều tổn thất đau thương, trước biển người cuồng tín ‘’sinh Bắc tử Nam’’. Hàng chục triệu thanh thiếu niên của cái gọi là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bị bọn lãnh tụ cộng sản lừa gạt, cưỡng bức, lùa vào cỏi chết thảm khốc. Sau khi miền Nam bị cộng sản cưỡng chiếm bất hợp pháp, tâm hồn và trí tuệ của một dân tộc hiếu hòa, cởi mở và chân thật bị quản chế, biệt giam, che mắt, bịt tai, bóp nghẹt tiếng nói. Nền văn hóa Việt Nam kết tinh từ mấy ngàn năm bị thui chột bởi một ý thức hệ ngoại lai, độc ác và không tưởng. Con người bị tẩy não, mất nhân tính, biến thành vong thân vong bản. Bọn vệ binh đỏ Việt cộng đã tàn phá nhiều thư viện lớn, nhiều tủ sách hiếm quý vô giá của miền Nam tự do. Vô số tác phẩm văn chương, biên khảo triết học và tôn giáo đã bị tịch thu, tiêu hủy hoặc cấm đoán. Hàng trăm tác giả văn học bị đấu tố, kết tội độc đoán. Hàng chục vạn tù chính trị, ngôn luận và lương tâm bị nhục hình trong hàng trăm trại tù tập trung. Lịch sử sẽ ghi đậm nét : ngụy quyền Việt cộng đóng đô ở Hà Nội đối xử cực kỳ tàn ác, bất nhân với đồng bào miền Nam sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975. Tồi tệ, kinh khiếp hơn thời thực dân Pháp. Dân cả nước cũng phải gánh đại khổ nạn cộng sản. Nhưng dân miền Nam vì bất khuất, biết liêm sỉ và ngay thẳng, bị cộng sản hành hạ, làm nhục, giết hại nhiều hơn hết. Cả nước bị nghiền nát dưới sức nặng của quân đội, công an và mật vụ. Bạo hành và trấn áp, thay vì phục vụ nhân dân và bảo vệ tổ quốc, những lực lượng võ trang cộng sản bị sử dụng để duy trì một chế độ độc tài hung ác và tham nhũng nhứt thế giới. Kể sao cho hết những trường hợp người dân bị buộc tội là thù nghịch, phản động, thuộc đủ mọi giới tính, tuổi tác và giai từng xã hội. Bị tra tấn, biệt giam, bỏ đói và đau ốm nặng không thuốc men, đày xa gia đình, nhiều nạn nhân đã chết cô đơn trong địa ngục cộng sản. Làm sao quên được tình cảnh đồng bào bị chà đạp nhân phẩm, lao công là hàng xuất cảng rẻ tiền, trẻ con và phụ nữ bị rao bán ra ngoại quốc làm nô lệ, các bà mẹ dân oan bị chiếm nhà cướp đất. Làm sao không phẩn nộ, đau xót khi những người yêu nước, nam nữ thanh niên, sinh viên, văn nghệ sĩ, nhà báo, tu sĩ, luật sư bị công an đội lốt côn đồ hành hung, đánh đập tàn nhẫn giữa ban ngày. Tội của họ chỉ là đã dám tuần hành để bày tỏ sự bênh vực nhân quyền, tố cáo bất công, tham nhũng. Và phản kháng hành vi xâm lược của Trung cộng, cùng thái độ khiếp nhược, đầu hàng và đồng lõa của bạo quyền Việt cộng. Trong lúc đi triều cống mới đây, các lãnh tụ cộng sản Hà Nội cúi đầu nhìn xuống đất, không biết nhục nhã, hổ thẹn trước gót sắt của lãnh chúa đỏ Bắc Kinh kênh kiệu. Tạm thay lời kết : ‘’Chế độ thực dân đã là xấu xa nhứt, nhưng bạo quyền Cộng Sản còn tệ hại hơn nhiều’’. Đó là tựa đề lớn của một bài viết mà nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt đã phổ biến và được nhiều nhựt báo ở Thụy Sĩ cho đăng nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Genève năm 1954. Biến cố lịch sử đó đã khiến cho hàng triệu đồng bào đã phải lìa bỏ miền Bắc, liều chết, tìm đường vào miền Nam Quốc Gia, và sau đó là Việt Nam Cộng Hòa. Nhà thơ Việt Nam lưu vong đã viết từ 10 năm trước : (…) Khi xưa, Hiệp định Munich cũng đem lại ‘’hòa bình’’ ! Thứ hòa bình của Thần Chết trong các trại diệt chủng Auschwitz. Và tiếp theo là ‘’trật tự và ổn định’’, thứ trật tự và ổn định kiểu cộng sản tại Varsovie, Bucarest, tại Sofia, tại Tirana và Belgrade. Rồi các cuộc ‘’tái lập trật tự và ổn định’’ đẫm máu của cộng sản tại Berlin 1953, Hà Nội 1954, Budapest 1956, Lhassa 1959, tại Prague và Huế 1968, rồi Vientiane, Phnom Penh và Sài Gòn 1975. Tiếp theo là cuộc diệt chủng Cam Bốt với Khmers Đỏ ! (…) Theo Tổ chức ‘’Minh Bạch Quốc tế ‘’ (Transparency International), Việt cộng là một chế độ ‘’tham nhũng nặng nề’’, đứng hàng thứ 85 trên 102 quốc gia trong bảng xếp hạng các nước’’. Tại Á Châu chỉ có hai nước Bangladesh và Nam Dương là tranh giành được thành tích này với Việt cộng ! Ít nhứt 35% tiền viện trợ giúp đỡ để phát triển của quốc tế rơi vào túi tham nhũng. Không thể biết bao nhiêu tỉ âu kim Euro hay mỹ kim USD thất thoát mỗi năm. Nhưng ‘’Quốc sách tham nhũng’’ của đảng Việt cộng là một tội ác kinh khiếp đối với nhân dân Việt Nam mà tỷ lệ đói nghèo chiếm từ 37 đến 50% trên tổng số dân. (…). Những biến động xảy ra năm 1989 và năm 1991 khai mở cho các dân tộc Đông Âu và Liên Sô cũ nhiều lộ trình để giành lại Tự do và Nhân phẩm. Đứng trước những biến cố lịch sử đó, cộng sản Hà Nội vẫn giữ nguyên chủ nghĩa cực đoan cuồng tín. Chúng tôn thờ Staline và Mao Trạch Đông làm kiểu mẫu. Việt cộng còn lên án gắt gao Công đoàn Solidarność ở Ba Lan. Cho nên, ông Raymond Aron đã lên tiếng tố cáo: "Việt Nam (cộng sản), là sự áp bức đẩm máu đó". Phát biểu của triết gia Pháp nổi tiếng làm nhớ đến câu nói của cựu bí thư đảng Xã hội Pháp, ông Jacques Huntzinger, đặc trách Quan hệ Quốc tế: "Hà Nội là đảng khắc nghiệt nhứt và áp chế nhứt trong tất cả các đảng Cộng sản". Và còn nữa, cựu tổng bí thư đảng Cộng sản Ý, ông Enrico Berlinguer đã phê phán (các cựu đồng chí đang thống trị bán đảo Đông dương): "Những người (lãnh đạo) cộng sản Việt Nam là những tên đế quốc bẩn thỉu nhứt trong lịch sử các đế quốc". Nhân dân Lào và Cam Bốt sẽ làm chứng một ngày một tháng năm nào đó trước tòa án quốc tế xét xử những tội ác của những kẻ cầm đầu đảng Việt cộng, cùng với đàn em, đồng chí Pathet Lào và Khmers đỏ.(…). Miền Nam Việt Nam bị bạo quyền Cộng sản tạm chiếm từ bốn mươi năm qua. Gần hai mươi năm sau miền Bắc. Chúng tôi ra đi, biết chắc những người ở lại, và Sài Gòn dung nhan yêu dấu, ngàn năm còn đứng trông. Ra đi, không tìm quên hay bỏ trốn, Đi mở đường cứu lấy quê hương (NHBV). Chúng tôi sẽ trở về quê hương mà chân trời là biên giới mới, nơi chia tay giữa con người và bóng tối, giữa yêu thương và tội ác. Cho nên, ở trong trái tim mỗi người Việt Nam chúng tôi, mỗi ngày là Ngày 30 của Tháng Tư Đen. Nguyễn Ngọc BBT LHNQVN-TS