Nhân dịp nhà văn Trung Quốc Liao Yiwu/Liêu Diệc Vũ đã đào tỵ thành công và hiện tỵ nạn ở Đức chúng tôi xin giới thiệu quyển tiểu thuyết được nhiều người biết đến ở Âu-Mỹ The Corpse Walker/Cửu Vạn Xáx Chết qua bản Anh ngữ của Wen Huang.
Có thể nói Liao Yiwu/Liêu Diệc Vũ là nhà văn Trung quốc đương đại bị đàn áp khủng bố nhất tại xứ sở của ông. Khi cuộc Cách Mạng Văn Hóa xảy ra Liao Yiwu mới 2 tuổi và chút nữa bị chết đói. Khi trưởng thành, tham dự cuộc nổi dậy của trí thức sinh viên thanh niên ở Thiên An Môn năm 1989, và khi cuộc nổi dậy bị Đảng trấn áp dã man, Liao Yiwu làm bài trường thi “Sát Nhân” để kỷ niệm biến cố thảm khốc này nhưng cũng chính vì là tác giả thiên anh hùng ca này mà Liao Yiwu bị Đảng bỏ tù và hành hạ trong suốt 5 năm. Ra khỏi tù, giống như những trí thức bất đồng chính kiến cùng thời, Liao phải sống mai danh ẩn tích, lang thang khắp nẻo đường đất nước, tạm sống bằng nghề thổi sáo dạo và làm thơ. Ngay từ những năm 80s Liao đã được coi là một nhà thơ sáng giá. Trong suốt những năm lang thang bụi đời đói rách ở Tứ Xuyên Liao Yiwu đã làm những cuộc “phỏng vấn” những người dân “cùng đinh” ở vùng đất vẫn được chính quyền cọng sản coi là một thành tựu rực rỡ nhất của chính sách đổi mới kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay. Liao Yiwu cho tập trung những bài phỏng vấn này và xuất bản ở Trung quốc nhưng quyển sách đã lập tức bị thu hồi và tiêu hủy. Kể từ đó tác giả quyển sách bi công an theo dõi vây bủa ngày đêm và bị cấm đoán mọi sinh họat cả văn chương lẫn mưu sinh. Dịch giả quyển sách sang Anh ngữ Wen Huang đã có cái may mắn làm quen được với Liao Yiwu qua một người bạn quen biết cả hai người vào năm 2002. Liên tục trong trên 2 năm sau đó Wen Huang và Liao Yiwu hợp tác chuyển quyển sách ra bên ngoài Trung quốc bằng nhiều phương tiện thông tin khác nhau, chính yếu là bằng điện thư với nhiều địa chỉ bí mật để tránh hàng rào theo dõi kiểm duyệt của nhà nước. Bản tiếng Anh quyển The Corpse Walker/Cửu Vạn Xác Chết do Wen Huang chuyển ngữ gồm 27 cuộc phỏng vấn, thực ra chỉ bằng nửa con số những bài phỏng vấn trong bản tiếng Hoa Liao Yiwu đã thực hiện.
Quyển Cửu Vạn Xác Chết xuất hiện ở Âu-Mỹ trong một hoàn cảnh đầy kịch tính, cả bi lẫn hài. Bi thảm vì trước ngày Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008 khai mạc – một dịp may để Đảng Cộng sản Trung quốc khoa trương hình ảnh một Trung quốc siêu cường hiện đại ngang hàng với những cường quốc Âu-Mỹ trên thế giới thì xảy ra vụ động đất ở Tứ Xuyên giết chết gần 70.000 người và đẩy hàng trăm người dân khác vào cảnh bần cùng. Và quyển Cửu Vạn Xác Chết lại chính là tài liệu sống do Liao Yiwu ghi lại cuộc sống khốn khổ của lớp cùng đinh ở Tứ Xuyên! Tứ Xuyên trong 10 năm gần đây vẫn được Đảng coi là một thí điểm phát triển kinh tế thành công vĩ đại nhất ở Trung quốc từ sau khi Đặng Tiểu Bình khởi xướng chính sách đổi mới. Thế nên, ở Trung quốc, nếu dùng hai chữ “cùng đinh”, lại là cùng đinh Tứ Xuyên, là một hành động phản cách mạng, vi phạm an ninh, chống đối nhà nước không thể tha thứ. Tựa sách Cửu Vạn Xác Chết hay Người Vác Xác Chết cần được giải thích với độc giả Âu-Mỹ: vốn là ở Trung quốc, nơi những vùng sâu vùng xa không có phương tiện giao thông chuyên chở quan tài nên tang gia thường thuê người vác xác chết trên vai để đem chôn. Thường thường công việc này cần hai người thay phiên nhau, cứ người này vác xác chết thì người kia đi phía trước đọc thần chú khấn vái quỉ thần. Chúng tôi dùng chữ “cửu vạn” để dịch tên sách vì ở Việt Nam sau thời mở cửa, lượng du khách Việt kiều về nhiều và trong số này có khá đông người không đủ sức trèo đèo lội suối trên đường vào thăm những thắng cảnh, trong đó có Chùa Hương tích là điểm đông du khách nhất, nên đã xuất hiện một lớp người nghèo khó làm công việc khiêng hành lý, nhất là cõng du khách yếu sức và họ được gọi là dân “cửu vạn”. Trong cuộc phỏng vấn một ông thày phong thủy, ông đã kể cho Liao nghe truyện về hai anh em làm nghề cửu vạn: đã lâu lắm, vào thời gian Mao Trạch Đông sắp toàn thắng ,trong một lần được thuê chuyển vận xác chết của vợ một sĩ quan Quốc Dân Đảng từ ỉnh về quê để chôn cất, khi tới được nơi chôn cất thì vùng này đã bị cọng sản giải phóng cho nên bỗng nhiên họ trở thành kẻ phản cách mạng vì đã đeo trên mình vợ một tên phản cách mạng cho nên một trong hai anh em họ bị xử tử. Và dĩ nhiên người còn lại không thể nào đem được cái xác chết đến nơi chôn.
Quyển sách gồm 27 truyện Liao thu thập qua những cuộc phỏng vấn những đối tượng thuộc loại cùng đinh ở Trung Quốc hiện nay. Trong cuộc phỏng vấn một người làm chân quản lý nhà vệ sinh công cộng, ông già này cay đắng nhận xét: vì chỗ nhà vệ sinh nằm ngay kế bên một tiệm giải khát cho nên nếu bên tiệm giải khát càng có nhiều khách thì cửa hàng vệ sinh càng làm ăn khấm khá. Cho nên ông ta nghiệm ra khẩu hiệu “cả hai bên cùng có lợi” xét ra thật chí lý. Cuộc sống của một tay khóc mướn chuyên nghiệp qua ghi chép của Liao đã là kỳ thú nhưng nhận xét của người này về người dânTrung quốc hiện nay còn đáng suy nghĩ hơn. Vì đất nước đã chuyển theo kinh tế thị trường nên một bộ phận dân chúng nay đã đủ ăn đủ mặc, phong lưu khá giả đưa ra nhận xét: người dân bây giờ không giống thời trước nữa. Trong đám tang “họ chẳng còn cần phải giả đò khóc than thương tiếc người quá cố.” Một vị sư Phật giáo nay đã 103 tuổi cai quản một ngôi chùa được trùng tu vì đã bị xuống cấp suy xụp từ thời Cách Mạng Văn Hóa bởi tiền thập phương cúng dường – phần lớn là do các tay mại bản giàu có nay người đến chùa đa số là những quan chức nhà nước cao cấp đến để cầu xin sao cho càng ngày càng giàu có. Truyện của một ông thày phong thủy 90 tuổi cũng thật chua chát: ông đã từng bị làm vật tế thần trong một âm mưu rút tỉa tiền nhà nước để xây một ngôi mộ thật hoành tráng rồi biến nơi này thành một câu lạc bộ karaoke trong đó có kê một chiếc ghế sang trọng dành cho một vị tổng giám đốc cơ quan mỗi khi ông ta đến giải trí. Ông thày phong thủy luận về chuyện đời như sau: Trong những thập niên 60s và 70s người ta hãm hại nhau vì phong trào chính trị, còn nay ở thập niên 90s con người hãm hại nhau để kiếm được nhiều tiền hơn. Vì quá chán nản cuộc sống cho nên ông thày phong thủy nay nhất quyết ban đêm ngủ một mình trong ngôi nhà mồ xây sẵn của mình , chờ đợi được tái hợp với người vợ yêu quá cố. Và ông cũng đã quyết tâm kiếp sau sẽ chỉ cưới người vợ này mà thôi.
Tác giả cũng có cuộc gặp gỡ chuyện trò với một lão bà sống sót sau cuộc cải nông vào thập niên 50. Bà kể: trước đây gia đình bà sống trong một căn nhà to đùng nhưng rồi Ủy Ban Nông Dân Nghèo trong làng đã dồn gia đình vào ở trong một cái chuồng bò. Họ bắt giữ chồng và người em trai bà, cả hai bị tố khổ và đem xử bắn ngay trước mắt bà trong khi đám đông hò reo “Phải giết chết kẻ thù giai cấp của chúng ta!” Họ giam bà vào một nơi tập trung rồi lôi bà ra trình diện trong những buổi họp dân làng, bắt bà đeo trên ngực tấm bảng ghi “Vợ của Điển chủ Ác ôn.” Trong khi đó đứa con gái mới 2 tuổi của bà ở nhà vì không có ai chăm sóc nên đã chết vì đói ăn. Bà đã mất cả thảy 10 thân nhân quyến thuộc trong thời gian này. Còn rất nhiều những nhân vật cùng đinh, những cựu tù nhân khác được Liao phỏng vấn như một cựu giáo viên, một cựu Vệ binh đỏ, những nông dân nghèo đói kéo về thành phố kiếm công ăn việc làm, viên chức, cán bộ, sĩ quan cọng sản nay đã nghỉ hưu v.v…Đây là những cuộc đời thực được kể lại từ chính miệng những nhân vật này chứ không pahỉ những cuộc đời điển hình đã được nhào nặn sơn phết chính quyền vẫn ra lệnh cho những cơ quan thông tấn loan truyền. Nhiều chuyện thực đến nỗi vượt ngoài sự tưởng tượng của con người, chẳng hạn một cựu sĩ quan kể lại trong vùng ông đóng quân vào những năm 60s nạn đói hoành hành người ta đã ăn thịt người, và tệ hơn nữa, người trong gia đình ăn thịt nhau. Nữ nhà văn Trung quốc Yiyun Li hiện sống ở Mỹ, tác giả quyển Mười Năm Khẩn Nguyên hiện sống lưu vong ở Mỹ đọc xong quyển Cửu Vạn Xác Chết của Liao Yiwu cho rằng những người được Liao phỏng vấn là những người kể chuyện hay nhất của Trung quốc hiện nay, và khi đọc quyển sách này chẳng khác gì như đang tản bộ cùng Liao. Nhưng trong cuộc tản bộ này dù bàn chân chúng ta không rướm máu, bụng chúng ta không đói cồn cào, nhưng cuối cùng thân thể chúng ta bị rúng động và trong lòng đầy cảm xúc.
Bài bình luận
ba vo
gởi @ ba vo
toi chua bao gio nghe dan cac