Song Chi.
Một số nhân sĩ, trí thức Hà Nội đã quyết định gửi đơn khởi kiện Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội vì “phát sóng truyền hình có nội dung vu khống, xuyên tạc, xúc phạm những người biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn, vi phạm Luật báo chí và Bộ Luật dân sự”. Tôi cho rằng đây là một bước tiếp theo rất đúng đắn, dứt khoát của các nhân sĩ, trí thức sau khi họ đã kiên nhẫn gửi đơn cho Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội, yêu cầu xin lỗi, cải chính; nhưng lại chỉ nhận được một lá thư “Trả lời bạn xem truyền hình” hết sức vô liêm sỉ, nhất định không xin lỗi của ông Trần Gia Thái, Tổng Giám đốc-Tổng Biên tập Đài.
Đã đến lúc không chỉ người dân thường mà mọi cơ quan nhà nước cho đến quan chức VN từ trên xuống dưới phải biết tôn trọng Con Người, tôn trọng pháp luật, sống và hành xử theo pháp luật. Và nếu các cơ quan nhà nước, các ông quan sai trái thì phải bị kiện ra tòa, chịu sự xét xử của tòa án như mọi công dân bình thường. Không có lý gì mà cái nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN ra đời đã 66 năm nay trên miền Bắc và 36 năm trên toàn cõi VN lại cứ ngồi xổm trên luật pháp, hay như người dân thường nói, “ở VN có cả một rừng luật nhưng chỉ toàn xài luật rừng” như vậy!
Xây dựng một nhà nước dân chủ pháp quyền ở VN là mong mỏi của tất cả những ai quan tâm đến thực trạng xã hội, công bằng, dân chủ cho mọi người. Và bước đầu tiên là phải tập cho các ông quan to quan nhỏ, các cơ quan nhà nước làm quen với việc bị kiện nếu họ làm sai. Đó cũng là điều mà Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ đã làm khi hai lần khởi kiện ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Lần thứ nhất, năm 2009, về việc ông Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định cho phép Trung Quốc khai thác quặng bauxit ở Tây nguyên Việt Nam mà không thông qua Quốc hội, tức là đã vi phạm pháp luật VN. Lần thứ hai, năm 2010, tiến sĩ Hà Vũ lại có đơn kiện Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về hành vi "ban hành nghị định cấm công dân khiếu nại tập thể, trái với Hiến pháp và pháp luật".
Dù ông Thủ tướng vẫn “bình chân như vại” và Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ thì phải ngồi tù, một phần cũng từ sự trả thù cá nhân của ông Nguyễn Tấn Dũng, nhưng Tiến sĩ Hà Vũ đã giúp cho người dân hiểu được họ đã bị cướp mất những quyền gì trong một xã hội độc tài. Đó là quyền bình đẳng trước pháp luật, là quyền khởi kiện, kêu gọi, gây sức ép dư luận buộc những người lãnh đạo từ chức khi họ làm sai,vi phạm pháp luật, hoặc bất tài, phá hoại.
Chỉ có trong một xã hội độc tài, mới có những kiểu đưa tin, viết bài theo chỉ thị của đảng, của nhà nước, ngang nhiên vu khống, xuyên tạc, xúc phạm công dân như cách làm việc của Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội trong bản tin phát sóng ngày 22.8.2011 về những người biểu tình yêu nước. Trong đó có rất nhiều nhân sĩ, trí thức tên tuổi mà sự đóng góp của họ cho sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng cái chế độ này, ngay cả ông Trần Gia Thái, Tổng Giám đốc-Tổng Biên tập Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội cũng không bằng được chứ đừng nói đến đám phóng viên chỉ đáng tuổi con, cháu họ. Và cũng chỉ có trong một chế độ độc tài, mới có cái kiểu trả lời phủi tay, hết sức láo của ông Tổng Giám đốc-Tổng Biên tập Đài như vậy.
Đây chẳng phải là lần đầu tiên các cơ quan báo chí truyền hình của nhà nước VN xúc phạm, vu khống công dân. Hàng loạt bài báo xúc phạm người biểu tình trên Hà Nội Mới, Quân đội nhân dân, An ninh thủ đô…chẳng hạn. Phóng sự dài 15 phút trên VTV1 ngày 4.8.2011 vu khống, bôi nhọ người tù lương tâm, tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ và xâm phạm đời tư gia đình ông, đã bị luật sư Dương Hà, vợ Tiến sĩ Hà Vũ và gia đình gửi đơn phản đối thẳng đến ông Tổng giám đốc Đài Trần Bình Minh. Hay vụ Đức cha Ngô Quang Kiệt, khi còn là Tổng Giám mục của Tổng giáo phận Hà Nội, vào tháng 9.2008, đã bị Đài truyền hình VN, các báo Hà Nội Mới, Quân đội nhân dân, ViệtnamNet, An ninh Thủ đô… cắt xén và tách ra khỏi ngữ cảnh một phần chưa trọn câu trong bài phát biểu của ông tại cuộc họp với UBND thành phố Hà Nội "Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam" để lên án, xúc phạm đến danh dự và nhằm làm mất uy tín của ông.
Và còn rất nhiều những trường hợp khác. Với những người dân đen, phận con sâu cái kiến hay với người bất đồng chính kiến, tù nhân lương tâm đang trong vòng lao lý, không thể và cũng không có cơ hội được lên tiếng đáp lại thì báo chí truyền thông VN càng tha hồ mà bôi nhọ.
Nếu có ai chỉ trích VN không có tự do báo chí, tự do ngôn luận, nhà nước VN luôn luôn kịch liệt phản bác, và trưng ra bằng cớ ở VN có rất nhiều cơ quan báo chí, truyền hình. “Theo Bộ Thông tin Truyền thông, đến hết năm 2009, cả nước có 706 cơ quan báo chí in, trong đó có 178 báo và 528 tạp chí. Lĩnh vực phát thành truyền hình có 67 đài phát thanh - truyền hình.
Lĩnh vực thông tin điện tử có 21 báo điện tử, 160 trang điện tử của các cơ quan báo in và hàng ngàn trang tin điện tử. Cả nước có trên 17.000 nhà báo được cấp thẻ.” (Theo VNExpress “Báo chí cần góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc' )
Nhưng thực tế thế nào thì ai cũng rõ.
Cái khác nhau giữa một chế độ độc tài và một chế độ dân chủ là như vậy. Trong một chế độ dân chủ pháp quyền, báo chí có thể tự do phản ánh sự việc dưới nhiều góc độ khác nhau, hoạt động độc lập với chính quyền và được xem là quyền lực thứ tư trong xã hội. Nhưng nếu báo chí đưa tin sai, người dân có thể kiện ra tòa và báo chí sẽ phải bồi thường xứng đáng, bất kể người kiện là ai.
Ngược lại, trong một chế độ độc tài, báo chí là công cụ của chế độ, chỉ được phép nói những gì mà nhà nước đó muốn, báo chí bảo vệ chế độ chứ không phải người dân. Và nếu có đưa tin sai, làm sai, thì cũng chẳng thèm xin lỗi.
Dư luận vẫn còn nhớ vụ MC Lại Văn Sâm không rành tiếng Anh mà dịch cương, dịch ẩu lời phát biểu của diễn viên Ngô Ngạn Tổ tại Lễ trao giải Liên Hoan phim quốc tế Việt Nam (VNIFF) lần thứ nhất, tháng 10.2010, sau đó lặn luôn, không có lấy một lời xin lỗi. Vụ “cô Lượm giả” trong chương trình Người xây tổ ấm của VTV1, đã làm việc cẩu thả, nghiệp vụ non kém, không chịu kiểm tra kỹ thông tin trước khi phát sóng, vậy mà khi khán giả phản ứng, biên tập viên chương trình và cả nhà đài cứ cù nhầy nhất định không chịu xin lỗi và đổ hết lỗi cho nhân vật “Cô Lượm”. Mãi đến hơn 2 tháng sau, trước làn sóng bất bình của dư luận, cộng với quyết định xử phạt và buộc phải xin lỗi, cải chính từ Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông, biên tập viên Kim Ngân mới chịu xin lỗi khán giả!
Mà không chỉ báo chí truyền thông, từ cán bộ nhà nước, công an, an ninh cho đến quan chức lãnh đạo đều không thèm biết đến hai chữ xin lỗi dân là gì.
Vụ huấn luyện viên Minh Khương kiện Vietnam Airline vì đã bị an ninh sân bay hành hung, ở nước khác thì ngành hàng không sẽ nhanh chóng xin lỗi, bồi thường cho khách hàng, vì thà chịu thiệt một chút mà giữ được cái lợi lớn là uy tín, thiện cảm của khách hàng. Nhưng Vietnam Airline thì dứt khoát không xin lỗi. Từ chuyện nhỏ thành to, lằng nhằng cãi qua kiện lại cả tháng trời, phía Vietnam Airline lại còn nhất định cho là không có chuyện ông Khương bị đánh. Cuối cùng người bị thiệt vẫn là người dân-vị huấn luyện viên này vẫn bị cưỡng chế phạt tiền, lại còn phải tự động từ chức vì quá mệt mỏi!
Vụ anh Nguyễn Chí Đức đi biểu tình bị tay công an đạp thẳng vào mặt, dù là một hành động hết sức dã man, vô văn hóa, nhưng bản thân nạn nhân cũng chằng muốn làm lớn chuyện, chỉ cần một lời xin lỗi của tay công an và những người lãnh đạo cao hơn. Nhưng ông Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc công an thành phố Hà Nội lại nhơn nhơn khẳng định “Không có chuyện đánh, đạp người biểu tình”, dù có video clip quay lại hẳn hòi! (Còn rất nhiều vụ công an sử dụng bạo lực làm chết người oan uổng khi họ đang trong quá trình tạm giữ chỉ vì những vi phạm hết sức nhỏ nhặt hoặc thậm chí chẳng phạm lỗi gì, nhưng sau đó sự vụ bị cho “chìm xuồng” thì là một vấn đề lớn khác nữa).
Cái kiểu không chịu nhận lỗi đã quá tệ, nhưng lại còn phủi tay, nói ngược đen thành trắng, trắng thành đen, chứng tỏ cái tâm lý khinh thường người dân, khinh thường dư luận, pháp luật đã đến tận cùng.
Đi cùng với văn hóa không biết xin lỗi là không có lòng tự trọng. Cả một xã hội bỏ quên lòng tự trọng. Từ ông Thủ tướng quyền hành to nhất, hồi nhậm chức nhiệm kỳ thứ nhất, tuyên bố rất hùng hồn: nếu không trị được tham nhũng, sẽ từ chức. 5 năm sau, tham nhũng hoành hành còn kinh khủng hơn gấp mấy lần, chả thấy ông từ chức, lại còn đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Làm ăn điều hành kinh tế thì kém cỏi, lạm phát sau 5 năm trở thành cao nhất châu Á và cao thứ nhì trên thế giới, hàng chục tập đoàn kinh tế quốc doanh đồ sộ bị vỡ nợ hoặc làm ăn thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng, chả thấy ông quan to nào trong Bộ chính trị bị làm sao, cũng chả ai từ chức. Cứ mặt trơ trán bóng ngồi mãi trên ghế mà hưởng lợi, mà tiếp tục phá hoại!
Đã đến lúc người dân phải tập cho các cơ quan nhà nước nói chung và các cá nhân quan chức, công an, an ninh…ở VN sống và làm theo pháp luật, bắt đầu từ những vụ kiện, những sự lên tiếng công khai trước những sai trái, bất công…Dù có thể những việc làm này cũng chẳng đi đến đâu, như thực tế đã nhiều lần chứng minh trong xã hội VN, nhưng dần dần, nó giúp người dân hiểu rõ quyền của mình, hiểu rõ sự thật ai đúng ai sai, sự thiệt thòi khi phải sống trong một chế độ độc tài…Và họ cần phải làm gì để thay đổi tất cả những điều đó!
Bài bình luận
Tu diên' hán viêt
chạy vòng vòng..
Những lời nói như trẻ con!!!
nằm mơ?
ĐẤT NƯỚC NGÀY NAY
dat nuoc ngay nay
Nhậy Cảm quá !
Độc Tôn, Độc Tài và Độc Ác.
Pháp luật cuả rừng Cà Mau
Luật Cà Mau
Nếu quan tâm theo dõi, mọi
Düng chän vit va bô luât vit troi!
phải thay đổi ...