You are here

Kim Jong Il chết, nước mắt thật hay giả của dân chúng Bắc Triều Tiên?

Lê Diễn Đức

Kim Jong Il và cha là Kim Il Sung - Các ông vua của triều đại thứ nhất và thứ hai nhà Kim - Ảnh: TVN24.pl

 
Tuyệt vọng, buồn bã, khóc gào đến tắt cả tim gan - trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn - tất cả mọi người ở Bắc Triều Tiên đang rơi vào tang thương sau cái chết của "Lãnh Tụ  Yêu Dấu" Kim Jong Il. Đó là những giọt nước mắt chân thành hay là phản ứng sợ hãi bị đưa đi tập trung cải tạo gây ra?
 
Kim Jong Il, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã chết - Các phương tiện truyền thông chính thức của Bắc Triều Tiên công bố vào sáng thứ Hai ngày 19/12/2011. Nhà độc tài đã qua đời vào ngày thứ Bảy trong khi đi du lịch bằng tàu hỏa. Ông đã hưởng thọ 69 tuổi. Phương tiện truyền thông Bắc Triều Tiên thông báo rằng, con trai út của nhà độc tài, ông Kim Jong Un, là "người kế thừa vĩ đại".
 
Mặc bộ đồ đen, xướng ngôn viên đã thổn thức trên đài truyền hình nhà nước khi công bố cái chết của Kim Jong Il.
 
Theo hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA, Kim Jong Il qua đời vào ngày thứ Bảy 17 tháng 12, lúc 8 giờ 30 phút giờ địa phương trên tàu hoả khi đang thực hiện chuyến đi du lịch khắp đất nước, vì bị nhồi máu cơ tim do đã làm việc quá "căng thẳng về tinh thần và thể chất". Trong ngày Chủ Nhật người ta đã tiến hành khám nghiệm tử thi để xác nhận chẩn đoán này.
 
"Lãnh tụ vĩ đại" ra đi
 
"Đây là sự mất mát lớn nhất đối với đảng và đất nước của chúng ta - nỗi buồn lớn nhất" - Xướng ngôn viên đài truyền hình Bắc Triều Tiên đã nói như thế về cái chết của "Lãnh tụ Kính Yêu" - là từ ngữ mà dân chúng Bắc Hàn gọi Kim Jong Il. Hãng tin AP viết rằng, nhìn thấy những người Bắc Triều Tiên đi trên đường phố với mắt ứa lệ.
 
Nhà chức trách đã công bố quốc tang, kéo dài đến ngày 29 tháng 12. – Dân tộc phải biến nỗi đau thành sức mạnh để vượt qua khó khăn - KCNA kêu gọi. Vào ngày 20 tháng 12 chiếc quan tài với thi thể của "lãnh tụ" sẽ được đặt trước khung cảnh của lăng Kumsusan nơi cha của Kim Jong Il đang nằm, ông Kim Il Sung.
 
Hãng thông tấn KCNA cho biết, tang lễ sẽ được tổ chức vào ngày 28 tháng 12 tại Bình Nhưỡng. Trong cả nước sẽ bắn đại bác, tất cả các "toà hoả, xe hơi" sẽ dừng lại trong ba phút và còi báo động sẽ được kéo lên để tiễn đưa vị lãnh tụ kính yêu. Tất cả các công dân sẽ giữ im lặng ba phút.
 
Bắc Triều Tiên không muốn sự hiện diện của các đoàn đại biểu nước ngoài trong tang lễ.
 
Bây giờ là Kim Jong Un
 

Kim Jong Il và con trai út Kim Jong Un - Các ông vua của triều đại thứ hai và thứ ba nhà Kim - Ảnh: TVN24.pl

 
Người kế nhiệm được chỉ định là con trai của nhà lãnh đạo đã chết, ông Kim Jong-Un, sinh năm 1983 hoặc năm 1984. - Tất cả đảng viên của Đảng Lao động, quân đội và nhân dân phải trung thành đứng bên cạnh đồng chí Kim Jong Un, bảo vệ và củng cố mặt trận chung của Đảng, quân đội và đất nước - Hãng thống tấn KCNA, cơ quan ngôn luận chính thức của Bắc Hàn kêu gọi.
 
Hãng thông tấn KCNA lần đầu tiên trong lịch sử, gọi Kim Jong Un là "người kế vị vĩ đại", là "một nhà lãnh đạo đặc biệt của quân đội, Đảng và nhân dân ta". Kim Jong Un là người đứng đầu ủy ban tang lễ.
 
"Mặt trời của dân tộc"
 
Theo các nguồn tin chính thức của nhà nước Bắc Triều Tiên, Kim Jong Il sinh ngày 16 tháng Hai 1942 trên núi Pektu-san nằm ở phía Bắc Triều Tiên. Có truyền thuyết rằng khi ông ra đời, mặc dù lúc đó là mùa đông khắc nghiệt, trên núi hoa đã nở rộ và "những con chim đã hót bằng giọng của con người". Trong thực tế, nhà độc tài Kim Jong Il đã được sinh ra một năm trước đó - vào năm 1941 ở Liên Xô, trong làng Viatskoye gần Khabarovsk. Lúc đó cha của ông ta đang phục vụ trong Hồng quân Liên Xô!
 
Triều đại thứ hai của nhà Kim
 
Kim Jong Il được giáo dục một thời gian ngắn tại một trường ở Đông Đức, sau đó quay trở lại trường Đại học mang tên Kim Il Sung tại Bình Nhưỡng. Ông là ứng cử viên kế vị tự nhiên của cha mình. Năm 1994, khi cha ông qua đời sau một cơn đau tim, Kim Jong Il trở thành nhà lãnh đạo của đất nước. Tuy nhiên, trong những năm tiếp theo, ông  đã không chấp nhận các chức danh chính thức của cha mình. Đến năm 1998 ông mới giữ cương vị người đứng đầu của đảng.
 
Nhà độc tài Kim Jong Il đã kết hôn hai lần. Với người vợ đầu tiên ông có một con trai, Kim Jong Nam, với vợ thứ hai có Kim Jong Chul và Kim Jong-Un, người được ông chỉ định kế vị khi còn sống.
 
Cho đến nay Bắc Triều Tiên là quốc gia có những hành xử "nổi tiếng không thể đoán trước", do đó rất khó để dự đoán tiến trình mà quốc gia này sẽ chọn ngày hôm nay - Hãng AP viết sau cái chết của Kim Jong Il.
 
Theo AP, thế giới nhìn vào Bắc Triều Tiên sau cái chết của Kim Jong IL với sự lạc quan thận trọng, nhìn thấy cả hai khả năng, bất ổn trong khu vực trong quá trình tiếp quản quyền lực của con trai trẻ tuổi, cũng như cơ hội cho một sự khởi đầu một đường hướng ngoại giao mới.
 
Khả năng của "bước ngoặt"
 
Ngoại trưởng Anh quốc, William Hague đã gửi tới Bình Nhưỡng điện chia buồn, nhưng cũng nhấn mạnh rằng sự lãnh đạo của Kim Jong-Un, con trai út của người quá cố, "có thể là một bước ngoặt đối với Bắc Triều Tiên".
 
Ông Hague cho biết ông hy vọng rằng nhà lãnh đạo mới sẽ ý thức được rằng hợp tác với cộng đồng quốc tế "sẽ mở ra triển vọng tốt nhất cho việc cải thiện đời sống của người dân bình thường ở Bắc Triều Tiên". Trong một thông báo liên quan đến cái chết của Kim Jong Il, ông Hague cũng kêu gọi Bình Nhưỡng nối lại đàm phán quốc tế về chương trình hạt nhân.
 
"Đòi hỏi rõ ràng"
 
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đức, ông Dirk Augustin, bày tỏ ý kiến ​​rằng, Bắc Triều Tiên có thể thay đổi. "Chúng ta phải có những đòi hỏi rõ ràng với Bắc Triều Tiên" - ông nói thêm khi nói về việc từ bỏ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, cải thiện tình hình tai hại của người dân và những cải cách kinh tế và chính trị.
 
Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé bày tỏ hy vọng rằng, "một ngày nào đó người dân Bắc Triều Tiên sẽ có thể lấy lại sự tự do của mình" sau cái chết của Kim Jong Il, người đã trị vì đất nước từ năm 1994. Trong phản ứng trước thông tin "chia buồn chân thành" với Bình Nhưỡng của chính quyền Trung Quốc, Juppé tuyên bố rằng ông "không chia sẻ" sự đau buồn như thế. - Cái chết của con người không bao giờ mang lại niềm vui, nhưng một đất nước đau khổ làm tôi buồn, điều này mới là quan trọng - Người đứng đầu ngoại giao Pháp ở phát biểu tại Bordeaux.
 
Con mắt thận trọng của Paris
 
Ngoại trưởng Pháp lưu ý rằng nhà chức trách Pháp đang "rất cẩn thận xem xét các hậu quả của việc kế nhiệm" ở Bắc Triều Tiên. Ông nhấn mạnh rằng Bắc Triều Tiên là "chế độ hoàn toàn bị khép kín, một trong những chế độ cộng sản cuối cùng trên thế giới", ngoài ra còn có vũ khí hạt nhân. - Vì lý do này, chúng tôi phải thận trọng - ông nói thêm.
 
Juppé nhận xét rằng "đối thoại với Bắc Triều Tiên ghi lại những thăng trầm,"nhưng nó phải tiếp tục để làm sao "Bắc Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân".
 
"Thời gian không chắc chắn của chế độ độc tài"
 
Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt đã viết trên Twitter: "Cái chết của nhà độc tài luôn luôn là thời điểm bất ổn cho một chế độ độc tài. Trong khi đó Bắc Triều Tiên là một chế độ độc tài nặng nhất của thời đại chúng ta…".
 
Được tin về cái chết của nhà độc tài, Tổng thống Hàn Quốc Li Miung bak đã triệu tập một cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh Quốc gia.
 
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cũng triệu tập một cuộc họp tương tự. Hoa Kỳ thông báo giữ tình trạng thường xuyên liên lạc với Tokyo, Seoul và nhấn mạnh sự quan tâm tới sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên và an toàn của Hàn Quốc.
 
Đoàn kết xung quanh đảng?
 
Lãnh đạo Trung Quốc đã ban hành một tuyên bố, trong đó bày tỏ niềm tin rằng "nhân dân Bắc Triều Tiên thể theo ý nguyện của Kim Jong Il sẽ đoàn kết xung quanh Đảng Lao động Triều Tiên và Kim Jong Un, biến đau của mình thành sức mạnh".
 
Hãng AP ghi nhận rằng Trung Quốc từ lâu đã tìm cách thuyết phục Bắc Triều Tiên cải cách kinh tế và cái chết của Kim Jong Il cho hy vọng rằng Bình Nhưỡng sẽ lắng nghe lời khuyên này.
 
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ niềm tin rằng cái chết của Kim Jong Il, như ông nói - là một tổn thất lớn cho người dân Bắc Triều Tiên, nhưng không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của quan hệ hữu nghị giữa Bắc Triều Tiên và Nga.
 
Lãnh đạo chết, đất nước tang tóc
 
Tình trạng tương tự như hôm nay đã từng xảy ra với cái chết của cha ông Kim Jong Il, người tiền nhiệm của nhà độc tài, tức Kim Kim Il Sung. Tang lễ ở Bắc Triều Tiên lúc bấy giờ đã được cử hành với quy mô cực lớn. Các cơ sở sản xuất ngưng làm việc, dân chúng tập trung tại các quảng trường chính của thành phố để cùng nhau khóc chia tay "Lãnh tụ Vĩ đại".
 
Nhưng sau nhiều năm, nhiều người tị nạn từ CHDCND Triều Tiên (mà những người liên quan đã được viết trong cuốn sách của Barbara Demick "Chúng tôi chẳng có gì phải ghen tị với thế giới. Số phận bình thường của Bắc Triều tiên", năm 2011) thừa nhận rằng họ không có lựa chọn nào khác và đã phải giả vờ đau buồn và tuyệt vọng sau khi Kim Il Sung chết. Nếu không, nhà cầm quyền có thể đe dọa đưa họ đi trại cải tạo – biểu hiện thiếu sự đau thương trong tang lễ có thể được xem như một tội phạm chống lại nhà nước.

 
© 2011 Lê Diễn Đức 2011 – RFA Blog
 

 ---------------------------------------------------
Bài được tổng hợp, viết và dịch từ các bài trong chuyên mục đặc biệt của đài truyền hình tin tức Ba Lan TVN24 về cái chết của Kim Jong Il tại link: http://www.tvn24.pl/0,11304,,,kim-dzong-il-nie-zyje,raport.html