You are here

Sau sự sụp đổ của Gaddafi tới lượt Putin?

Nhật báo Ba Lan Gazeta Wyborcza – Lê Diễn Đức dịch
 

V. Putin trong chân dung của Pie Đại đế - Ảnh: OnTheNet

 
Các cuộc cách mạng Ả Rập đã dẫn tới sự sụp đổ của những tên bạo chúa - từ Ben Ali tới Gaddafi - giờ đây là thời gian cho nhà lãnh đạo chuyên quyền của Nga, Thủ tướng Vladimir Putin - Andre Glucksmann một nhà trí thức Pháp nổi tiếng nhận định trên tờ "Le Monde" của ngày 13 tháng 12.
 
Triết gia và là nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền trong ​​bài viết "Sau Gaddafim tới lượt Putin?" đã đưa ra các bình luận về những cuộc biểu tình đường phố phản đối gần đây nhất của người Nga sau cuộc bầu cử quốc hội ở nước này. Các quan sát viên quốc tế tạm thời chỉ ra rằng, sự gian lận phiếu bầu đã ủng hộ chiến thắng cho đảng cầm quyền Nước Nga Thống Nhất của Putin.
 
"Ngôi sao Putin tỏa sáng"
 
Theo Glucksmann, sau các cuộc biểu tình - "lớn nhất ở Nga kể từ năm 1991, và có lẽ từ tháng Hai năm 1917" - đưa tới kết luận rằng, quyền lực của Putin đang bị chao đảo, cũng giống như trước đó trong những trường hợp của các nhà độc tài ở các nước Ả Rập: Tunisia, Ai Cập, Libya và Syria.
 
Rõ ràng là  - triết gia Pháp lưu ý - không có gì báo trước là Putin sẽ gặp rắc rối tới giờ chót. "Ngôi sao của ông toả sáng (...). Những ngôi sao màn bạc của Hollywood và Pháp vội vã tới dự lễ sinh nhật của ông, và những người giàu có, hùng mạnh của thế giới này mỉm cười với "Sa hoàng Đại đế" - Glucksmann mỉa mai.
 
Thế nhưng, cái điều nói trên đã thuộc về quá khứ. Theo triết gia Pháp, đám đông trên đường phố phản đối cặp bài trùng Putin-Medvedev là "sự khởi đầu hoàng hôn của một nền dân chủ giả hiệu" ở Nga.
 
"Tham nhũng đẩy Nga tới mức của Somalia"
 
Glucksmann nhấn mạnh rằng, nạn tham nhũng "phổ cập" ở Nga "đẩy quốc gia to lớn này vào thứ hạng của Somalia, thậm chí Zimbabwe". Ông nói thêm rằng các tài nguyên tự nhiên - "dầu khí trời ban" - bị đánh cắp bởi các đầu sỏ chính trị, không góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá nước Nga. Theo ông, hầu hết các đầu sỏ chính trị đều giữ tài sản của họ ở nước ngoài, và "50 phần trăm người Nga" cam chịu cảnh đói nghèo lớn, nạn nghiện rượu, mại dâm và bệnh tật.
 
Tác giả gọi ông Putin là "người bảo trợ toàn cầu lớn nhất - cùng với người Trung Quốc - tất cả những kẻ bạo chúa, từ Iran đến Bắc Triều Tiên" và cũng là "thủ phạm giết người ở vùng Caucasus".
 
Nước Nga của Pushkin sẽ quét đi nước Nga của Putin?
 
"Câu hỏi của thế kỷ XX là: chế độ độc tài toàn trị hay dân chủ? Câu hỏi trong ngày hôm nay là: Dân chủ hay tham nhũng? Người Nga đã bắt đầu đặt ra. Chúng tôi phải nghe xem" - Glucksmann viết. Ông cũng đề cập đến thi sĩ lãng mạn Alexander Pushkin, một thi sĩ của tự do. "Nước Nga của Pushkin không chết. Vậy bây giờ nó sẽ quét đi nước Nga của Putin?" - Triết gia Pháp kết thúc bài viết của mình.
 
Glucksmann, một trong những triết gia và ký giả nổi tiếng nhất của Pháp, người bạn của các nhà bất đồng chính kiến Nga, ​​trong thời cộng sản ông đã từng ủng hộ Công đoàn Đoàn kết Ba Lan và phe đối lập Cộng hòa Czech, và những năm gần đây ông tham gia vào các hoạt động bảo vệ quyền độc lập của người Chechnya.
 
Cũng trên cùng số báo, "Le Monde" đưa ra bình luận riêng của ban biên tập về các sự kiện ở Nga. Theo tờ báo, cuộc biểu tình rầm rộ vừa qua là một cuộc nổi loạn "của giới trung lưu Nga bị nạn tham nhũng, dối trá  dày vò và sự chán nản về một chế độ chuyên quyền".
 
Theo "Le Monde", áp lực đám đông đã làm cho Putin phải nhượng bộ hơn nhiều đối với phe đối lập từ trước tới giờ, và "cuối cùng phải có quyết định cải cách cơ cấu, kinh tế và chính trị".  "Điều này đồng nghĩa thực sự với việc dỡ bỏ những nền tảng của hệ thống mà chính Putin đã xây dựng nên. Nhưng Putin đã không có lựa chọn nào khác" - tờ báo kết luận.

 
Bản Việt ngữ © 2011 Lê Diễn Đức
 

 -----------------------------------------
* Bài được dịch từ nguyên bản tiếng Ba Lan của nhật báo Ba Lan Gazeta Wyborcza ngày 13 tháng 12 năm 2011 tại link: http://wiadomosci.gazeta.pl/wiadomosci/1,114881,10813565,_Po_upadku_Kaddafiego_pora_na_Putina_.html