You are here

Quá Đắt & Quá Quắt

Ảnh của tuongnangtien

Bút ký (Cát Bụi Chân Ai) của Tô Hoài có đoạn:
“Mụ mắt cú vọ đứng sắp hàng mua cá bể muối từ Hải Phòng đưa lên đã đóng tảng trước quầy cửa chợ. Gần đến nơi, trỏ tay, hỏi. Cô nhà mậu lạnh lùng bảo cá bán theo phiếu cán bộ. Mụ quay ra giữa hè, mặt phừng lên, vô vô:

- Cha tiên nhân cái mặt này! Sao mày không đẻ ra cán bộ, chỉ đẻ ra thằng nhân dân! Cha tiên nhân...”

Ở miền Bắc Việt Nam, trong một thời gian dài – kể từ khi cách mạng giành lấy chính quyền về tay nhân dân cho đến khi chế độ tem phiếu cáo chung – người ta chia ra hai loại mẹ: “đẻ ra cán bộ” và “chỉ đẻ ra thằng nhân dân.” Họ được phân biệt rõ ràng, và đối xử hoàn toàn khác hẳn nhau.

Sau khi cuộc chiến Bắc/Nam chấm dứt, đạo quân thắng trận được phong là anh hùng. Đám tàn binh, rã binh, hàng binh, tù binh thì bị gọi là bọn tay sai của Mỹ – Ngụy. Bắt đầu từ đây đất nước lại phát sinh ra hai loại bà mẹ khác nữa: mẹ Việt Nam anh hùng, và mẹ ngụy.

Trong tất cả đường lối chính sách của Đảng, trong mọi sinh hoạt của Mặt Trận Tổ Quốc, trên mọi phương tiện truyền thông của Nhà Nước –từ ngày đất nước thống nhất đất nước đến nay – chưa bao giờ người ta được nghe nhắc đến những bà mẹ ngụy. Chế độ mới, xã hội mới, không ai nhìn nhận, và (chắc) cũng chẳng ai nhìn ra họ nữa. Họ sống bên lề cuộc đời, và sống lờ mờ như những cái bóng. Họ sống như những người đã chết.

Những bà mẹ ngụy thường cố thu mình thật nhỏ, ngồi khuất ở một góc tối, trong những buổi họp mặt nơi phường khóm. Họ còn thu mình nhỏ hơn nữa, trên những chuyến xe đò tất tả ngược xuôi – vào thưở mà Đảng và Nhà Nước chưa có dũng cảm và quyết tâm đổi mới – với hy vọng có thể kiếm chút lời nuôi thân, và nuôi chồng con nơi những trại tù heo hút.

Những bà mẹ Việt Nam anh hùng, tất nhiên, không đến nỗi phải vất vả như thế. Họ được đối xử tử tế, và được kính trọng hơn (thấy rõ) khi xuất hiện trên ... đài hay trên những trang giấy báo! Trong cuộc đời thật, hầu hết, họ sống cũng chả khác gì những bà mẹ Việt Nam không anh hùng là mấy – theo như lời Ông Bạch Thanh Diễm, Bí thư Huyện ủy Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi: “Nhiều mẹ tuổi đã cao và cuộc sống còn khó khăn lắm. Nhiều mẹ có nhà nhưng xây lâu quá nên đã bị xuống cấp; có mẹ già nhưng không còn con cháu nên phải sống một mình, tội lắm”.
 
 
Ảnh Trần Hồng. Nguồn: Dân Trí.
Ông Diễm khiến tôi chợt nhớ đến cảnh ngộ của một mẹ Việt Nam anh hùng, ở bên kia Đèo Bá Thở:
“Trên bản đồ quân sự cũng như bản đồ của nha Ðịa Dư không bao giờ có địa danh ‘Ðèo Bá Thở’. Bởi vì đặt cái tên cho ngọn đèo này chính là tôi và một vài người bạn... Ngọn đồi nằm không xa trại giam chúng tôi trong tỉnh Yên Bái. Ngày ngày đội chúng tôi có mười anh em phải băng qua bên kia cái đèo khốn nạn này, tới một khu rừng toàn thị là tre, nưá, giang...”
“Mấy ngày đầu chúng tôi không chú ý tới cuối dốc bên kia có một cái nhà tranh đã sập. Người chủ căn nhà lấy vài thân tre to, chống cái mái lên, nên mái nhà chạm đất. Tất nhiên trong tình trạng đó nó không có cửa. Chúng tôi đã vài lần đi về ngang đó và tưởng nó đã bỏ hoang, bởi vì trông nó còn thua một cái chòi chăn vịt ở miền Nam.”

Một hôm cả bọn chúng tôi thấy trời còn sớm, nên nghỉ lại bên kia dốc một lát trước khi ‘bá thở’. Chúng tôi nghe lục đục trong cái chòi bỏ hoang, và phát giác đuợc một cụ già thật già. Nét mặt bà cụ nhăn nheo hệt như những vết nẻ của ruộng bị hạn hán nhiều ngày. Bà già có một cặp mắt nâu đục, lờ đờ và đầy rỉ mắt. Bà già mặc một cái áo bông vá chằng vá đụp. Phải gọi đây là cái áo vá trên những miếng vá. Nó nặng dễ chừng đến năm ký chứ không chơi. Chúng tôi gạ chuyện, song tất nhiên bà già biết chúng tôi là tù ‘Ngụy’ nên không hé răng một nửa lời”.

“Hôm sau trong lúc đốn tre chúng tôi hội ý. Chúng tôi lấy dư ra mỗi ngày vài cây về dấu ở gần căn lều của bà cụ. Ðược vài ngày đủ tre để dựng lại căn lều, chúng tôi để hai người lại sửa còn tám người vào rừng đốn tre cho đủ số lượng của mười người. Chúng tôi cũng cắt tranh về để dậm lại những chỗ quá mục nát. Căn nhà sửa xong, có cửa để chui ra chui vào. Bà già khi đó tự động nói chuyện với tụi tôi:

-Lão có ba đứa con, một đứa đã có giấy tử sĩ, hai đưa kia thì hoà bình lâu rồi, nhưng lão không hề nhận được một chữ của chúng từ ngày chúng đi. Lão mới có giấy mẹ liệt sĩ, mỗi tháng có tiền nhưng chả vào đâu.”
(Hoàng Khởi Phong. “Bên Kia Ðèo Bá Thở.” Cây Tùng Trước Bão. Thời Văn, Hoa Kỳ : 2001. 75-77). 

Dù bên này hay bên kia Đèo Bá Thở, dù anh hùng hay không, hầu hết những bà mẹ Việt Nam (rồi ra) cũng sẽ đều chết dần, chết mòn và chết hết trong quên lãng – nếu không có chút chuyện lùm xùm, xung quanh việc xây tượng đài của một bà mẹ Việt Nam. Ngày 13 tháng 9 năm 2011, báo Người Lao Động đi tin:
 
 “Ngày 14-7, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh  đã ký quyết định bổ sung 330 tỉ đồng cho dự án xây dựng tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng, lấy nguyên mẫu mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, tại khu vực núi Cấm (xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam), nâng tổng số tiền đầu tư từ ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh lên hơn 410 tỉ đồng, gấp 5 lần số tiền được phê duyệt ban đầu là 81 tỉ đồng ....Theo ông Đinh Gia Thắng, tác giả thiết kế, chịu trách nhiệm thi công tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng, sau khi hoàn thành, tượng đài không chỉ lớn nhất Việt Nam mà còn lớn nhất Đông Nam Á.”

 Tôi không chỉ hoàn toàn đồng ý với ông Đinh Gia Thắng mà còn (trộm) nghĩ thêm rằng ngân sách nên nâng cao lên hơn nữa, gấp hai gấp ba càng tốt, để có thể hoàn thành tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng lớn nhất thế giới mới xứng đáng với sự hy sinh của bà mẹ Nguyễn Thị Thứ.

Coi: bà mẹ trong phim Saving Private Ryan, mới chỉ hy sinh có ba đứa con thôi mà vị Tổng Tham Mưu Trưởng của quân lực Hoa Kỳ đã quýnh quáng thấy rõ. Ông ra lệnh phải đi tìm binh nhì James Ryan – bằng mọi giá – để mang cậu út trở về “trả lại” cho bà mẹ, trước khi… quá muộn!

Còn mẹ Nguyễn Thị Thứ thì hy sinh luôn cả một đàn con, tính ra cả chục đứa. Vậy mà Đảng và Nhà Nước vẫn coi như pha, cứ y như là chưa có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra hết trơn hết trọi. Không ai bận tâm đến chuyện “chừa lại” cho bà mẹ bất hạnh này (ít nhất) một đứa con để an ủi, và nương nhờ, vào lúc xế chiều. Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, rõ ràng, thiệt thòi quá xá. Tượng đài của bà, do vậy, xây hoành tráng và vỹ đại là phải (giá).

 
Quan niệm của tôi, tiếc thay, không được nhiều người chia sẻ. Ông Bùi Hồng Hải là một trong những người như thế:
“Với Mẹ Thứ hay bất kỳ người phụ nữ nào, chẳng có thể có nỗi bất hạnh nào lớn hơn khi mất chồng, 9 người con, 1 rể, hai cháu ngoại. Chắc chắn Bà là một trong số những bà mẹ bất hạnh nhất trong số hàng trăm nghìn bà mẹ VN đã mất người thân của mình trong cuộc chiến tranh vừa qua. Nói khác đi, Bà chính là nạn nhân tiêu biểu trong số hàng triệu nạn nhân nói chung trong đó có các bà mẹ Việt Nam đã phải gánh chịu khi cuộc chiến tranh đi qua.”

 Ông Nhà Giáo Bỏ Nghề cũng vậy:
 
  “Trường hợp của hai bà mẹ VN anh hùng ở làng tôi, một bà có 3 người contrai tử trận vì đi ‘giải phóng miền Nam’, đến khi Saigon vừa bị chiếm,bà được vào thăm anh em, chứng kiến thực cảnh ở miền Nam, bà về lạiquê và phát bệnh rồi chết, vì thương tiếc con, và trách mình mê lầm đểcon phải chết oan!” 
  Cứ theo lời của cả hai ông (“rách việc”) thượng dẫn thì những bà mẹ Việt Nam anh hùng – rõ ràng – chỉ là những nạn nhân của sự dối gạt, và họ đã được “đôn lên” làm anh hùng cho nó tiện việc sổ sách vậy thôi. Mà sao lại có cái vụ “đôn lên” ác nhân và kỳ cục vậy, cha nội? Câu hỏi này dẫn đến nhiều chuyện lùm xùm khác nữa.

Có người cho rằng chuyện xây dựng tượng đài mẹ Thứ chỉ là một cách ... ăn mày dĩ vãng để bù đắp lại – phần nào – cho cái hiện tại đã trở nên thảm hại, và nhếch nhác quá rồi. Cũng có người thì nằng nặc đây chỉ là cơ hội để rút ruột công trình thôi, chứ chả vì mẹ nào ráo trọi!
 
Bên cạnh những ý kiến rất tiêu cực vừa nêu, tất nhiên, cũng có nhiều ý kiến hết sức tích cực và vô cùng ... xây dựng. Nhà phê bình Mỹ thuật Lê Quốc Bảo, Giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam phát biểu:
 "Chúng ta không thể lấy con số 400 tỷ để đem ra đo với giá trị nghệ thuật vì giá trị nghệ thuật là vô giá. Công trình này tính ra chỉ bằng mấy cây số đường hay nửa cây cầu thôi!"

 
Cầu ở Khánh Hoà. Nguồn: Dân Trí
 
Thiệt là mát trời ông Địa! Cũng theo quan niệm “nghệ thuật là vô giá” này, ông Đinh Gia Thắng(tác giả thiết kế, chịu trách nhiệm thi công tượng đài) còn nhìn ra một khía cạnh giá trị độc đáo khác nữa:
  “Tượng đài này xây dựng theo cảm thức Á Đông, xây dựng hình ảnh mẹ theo kiểu nhân hậu, hiền hòa, bao dung. Sức mạnh của bà mẹ Việt Nam là ở sự hiền hậu, bao dung đó. Nhìn biểu tượng này chúng ta cảm nhận được khối đoàn kết dân tộc…”

Nói gần, nói xa chả qua nói thiệt: trong số những người mà ông Thắng vừa gọi là “chúng ta” này, kể như, không có em đâu đó nha. Và chắc nhiều bà mẹ Việt Nam (không) anh hùng cũng vậy. Làm sao họ có thể “cảm nhận được khối đoàn kết dân tộc” sau khi đã chứng kiến cảnh pho tượng Tiếc Thương ở Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà – nơi mà chồng con họ được chôn cất – đã bị cho lật chổng đầu. Làm sao mà họ có thể “cảm nhận được khối đoàn kết dân tộc” khi nhìn thấy tượng đài khổng lồ của mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ khi chính mình thì bị coi như chỉ là mẹ của những thằng lính ngụy?  

 
 

 Tượng Thương Tiếc, trước và sau 30/04/1975. Nguồn: Bất khuất.
 Sau khi đã phân chia những đường ranh giả, và kích động để người Việt của cả hai miền Nam/Bắc lăn xả vào chém giết lẫn nhau (khiến cho hàng triệu bà mẹ phải mất con)bây giờ những người cộng sản Việt Nam còn đang muốn xây thêm một tượng đài vỹ đại để toàn dân luôn luôn phải tưởng nhớ đến cuộc chiến cốt nhục tương tàn – đã tàn từ lâu – trên đất nước này. Việc làm này không những chỉ quá đắt mà còn quá quắt nữa kìa.
  Tưởng Năng Tiến – RFA’ blog
 
 
 

Bài bình luận

Ông TNT viết bài này thật sâu sắc về nỗi đau đớn của dân tộc Việt, chính ông Bùi Tín nguyên Đại tá VC cũng còn phải viết : " mẹ VN anh hùng phải kêu to lên " Hãy trả lại cho tôi những đứa con đã chết oan.... "

TUONG NANG TIEN LA MOT TEN NOI XAO NHAT THE GIO. NGUOI ME VIET NAM LUON LUON VA LUC NAO CUNG CO NHUNG DUA CON NGOAN DE PHUNG SU CUNG MHU DE BAO VE TO QUOC. KE TU 4000 NGAN NAM NAY LAN.

Con , chau Tuong gioi Thach ......?????

Chẻ hết trúc Nam sơn vẫn không viết hết tội ác của chủ nghĩa cộng sản. Bởi vậy thế giới mới dựng đài tố cáo tội ác của chủ nghĩa cộng sản ở Washinton DC. Chủ nghĩa phát xít bảo vệ chủng tộc của mình chỉ tiêu diệt các chủng tộc khác còn chủ nghĩa cộng sản chỉ bảo vệ "thiên đường cộng sản", tàn sát tất cả những ai không cùng chủ thuyết ngay cả dân tộc của mình.

Trong cuộc nội chiến Nam Bắc vừa qua, tôi chắc chắn miền Nam không có ai bị chết trong khi miền Bắc chết hằng hà sa số. Chỉ cần đi một dọc từ Nam ra Bắc thì thấy rõ điều này: Trong khi nghĩa trang liệt sĩ thì đầy dẫy, chứng tỏ các liệt sĩ miền Bắc chết rất nhiều, thì tôi đố bạn tìm được một nghĩa trang .... lính Ngụy! Điều này chứng tỏ lính Ngụy miền Nam có phép thần thông, bom đạn bắn vào không hề hấn gì cả và vì thế họ sống phây phây!

Có thể nói các bà “ Mẹ Ngụy ” ở VN đã ra người thiên cổ hết rồi bác Tiến ơi. 19775 – 18( tuổi nhập ngủ ) = 1957. Chiến sỉ VNCH trẻ nhất sinh năm 1957. Mẹ trẻ nhất của chiến sỉ VNCH trẻ nhất sinh năm 1957 - 20( tuổi sinh con ) = 1937. Hôm nay, 2011 – 1937 = 74. Nhưng …2011- 1975 = 36. Các “ Mẹ Ngụy ” trả giá với cuộc đời trong nhà nước XHCN VN gấp 1,5 lần các bà mẹ bình thường. Do đó, 36 năm qua họ đã có tuổi đời là : 36 x 1,5 = 54. Vậy tuổi đời của 1 bà “ Mẹ Ngụy ” = ( 74 – 36 ) + 54 = 92 tuổi. Đơn giản hơn, năm 1975 Mẹ trẻ nhất của chiến sỉ VNCH trẻ nhất có tuổi là 1975 – 1937 = 38 tuổi. Từ 75 đến nay là 36 năm; nhưng các mẹ đã trải qua thêm 18 năm tủi nhục, đợi chờ ( sống trong đêm ) nên thành ra 54 năm. Vậy, Mẹ trẻ nhất của chiến sỉ VNCH trẻ nhất đã 92 tuổi. Anh chiến sỉ VNCH ở VN chỉ biết nhìn trời xanh như trong hình thì có mẹ nào thọ tới 90 tuổi !. Anh là sư “ tếu ” mà viết bài này cùng với cái hình cuối bài thật xót xa.

"Tetsugen (Thiết Nhãn, 鐵眼), một người hiến mình cho Thiền ở Nhật, quyết định xuất bản một bộ kinh mà thời bấy giờ chỉ thông dụng bằng chữ Nho. Những quyển sách được in bằng những tấm bảng gỗ trong một lượt sản xuất bảy ngàn bảng, thật là một việc làm kinh khiếp. Tetsugen bắt đầu du hành làm một cuộc lạc quyên để thực hiện việc in kinh. Một vài người có thiện cảm cho Tetsugen một trăm đồng tiền vàng, nhưng phần nhiều Tetsugen chỉ nhận được vài xu của những kẻ khác. Tetsugen tạ ơn những người có hảo tâm bằng một tấm lòng biết ơn bằng nhau. Sau mười năm Tetsugen đã đủ tiền và bắt đầu công việc. Nhằm mùa nước lớn của sông Uji tràn ngập. Nạn đói xảy ra. Tetsugen đem tất cả vốn liếng để in kinh, cứu những người khác khỏi chết đói. Rồi Tetsugen bắt đầu đi quyên lại. Năm bảy năm sau đó, bệnh dịch lan tràn khắp nước Nhật. Tetsugen lại đem những gì tích góp được ra giúp mọi người. Vì thế, Tetsugen lại bắt đầu lần thứ ba và sau hai mươi năm ý nguyện của Tetsugen đã được thực hiện hoàn toàn. Những bản gỗ ra đời lần thứ nhất là những bộ kinh mà ngày nay người ta thấy trong tu viện Obaka ở Kyoto. Người dân Nhật bảo với con cái họ rằng Tetsugen đã làm được ba bộ kinh, và hai bộ đầu vô hình nhưng vượt hẳn bộ sau cùng". (trích Đỗ Đình Đồng: Góp nhặt cát đá, Xuất bản kinh (bài 37), tr. 52. NXB Lá Bối, SG 1971). Lời bàn: Mẹ sống, đói: chẳng ai hoài, Mẹ chết, xem đó, tượng đài: Ai No ?

CS chỉ biết dạy cho con người ta dối trá lẫn nhau!