You are here

Anh Chí trong mắt tôi

Những ai từng tham gia các cuộc biểu tình dậy lửa Hà Nội, khởi đầu vào năm 2011 nhân sự kiện Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh cho đến 2018 lúc chính quyền dự định ban hành Luật Đặc khu, hẳn sẽ không quên được hình ảnh blogger Nguyễn Chí Tuyến, tên thường gọi là Anh Chí. 

Dễ nhận ra với bộ râu đậm đến nỗi còn được đặt thêm biệt danh là Anh Chí Râu Đen, blogger Nguyễn Chí Tuyến luôn là một trong những người xông xáo, lăn xả và tích cực nhất của mỗi lần xuống đường.

Hẳn nhiều người còn nhớ đúng 10 năm trước, tháng 2 năm 2014, vào dịp 35 năm kỷ niệm chiến tranh chống Trung Quốc 1979, Anh Chí đã đại diện những người biểu tình Hà Nội đọc văn tế tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trước họng súng xâm lược của Bắc Kinh. 

Dưới chân tượng đài vua Lý, giọng đọc sang sảng của anh khi đó át cả tiếng loa phát nhạc khiêu vũ của một chính quyền vô lễ đang muốn phá rối cuộc tưởng niệm, giúp giữ được sự tôn nghiêm cho buổi lễ của những người dân yêu nước. 

Ngày đó, chưa nói đến chuyện tuần hành tưởng niệm mà nhắc đến chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược 1979 đã là điều cấm kỵ. 

Nhưng cũng chính nhờ những người như Anh Chí, dám bước qua nỗi sợ của những điều cấm kỵ như vậy, để xuống đường tỏ bày lòng yêu nước theo sự thôi thúc của lương tâm mình, thì ngày hôm nay, thông tin về cuộc chiến mới được báo chí nhà nước đăng tải rộng rãi và công lao của những tử sĩ vị quốc vong thân miền biên ải phía Bắc mới được ghi nhận. 

Nhưng Anh Chí, cũng như những người từng xuống đường trước đây, hiếm khi muốn được nhìn nhận những đóng góp như vậy. Với anh, những việc đã làm không phải là thứ gì đó đem ra cân đo đong đếm là to tát hay nhỏ nhoi, mà đơn giản chỉ là cách một người đối diện với bản thân mình và để trả lời cho những câu hỏi mà lương tâm mình cật vấn, như những gì anh từng tâm sự trước phiên tòa xử người anh em cùng chí hướng Nguyễn Lân Thắng:

“Tất cả những việc chúng ta làm, tuỳ vào góc nhìn và quan điểm mà người đời gọi chúng ta là những kẻ ngu ngơ, ngốc nghếch, ngang ngược hay ngạo nghễ. Mặc kệ đời, cái quan trọng là chúng ta được sống như chính con người của chúng ta. Người đời đặt câu hỏi: Làm vậy để làm gì? Danh tiếng? Tiền bạc? Lợi ích? Thật khó trả lời trọn vẹn, người anh em nhỉ. Chỉ biết rằng chúng ta làm vậy chỉ vì chúng ta sống đúng với lương tâm, trách nhiệm và nhận thức của mình để cảm thấy trong lòng thanh thản. Cái khó nhất chẳng phải là chiến thắng chính bản thân mình, là đối diện với chính bản thân mình, phải vậy không?”

Trong suốt một năm kể từ khi vụ việc nhắm tới anh được khởi động, không phải không có những lúc anh có thể ra đi. Một số nhà ngoại giao phương Tây ở Hà Nội thân thiết với anh và lo lắng cho sự an toàn của anh cũng không ít lần đưa ra lời gợi ý. Song Anh Chí đã quyết định ở lại để đối diện với bản thân mình - một quyết định mà không ai, cả gia đình lẫn anh em bạn bè, có thể lay chuyển được, chỉ còn có thể tôn trọng.

Anh Chí mà tôi biết là một người như vậy.