You are here

Diễn đàn Phi Chính phủ EU: Đồng thuận và Tự vấn

Diễn đàn Phi Chính phủ EU (EU NGO Forum) là sự kiện thường niên do Ủy ban Âu Châu tổ chức vào tuần đầu tiên của tháng 12 nhằm hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12. Sự kiện quy tụ hơn 100 đại diện xã hội dân sự từ khắp các châu lục về thủ đô Brussels vương quốc Bỉ để thảo luận những cơ hội và thách thức khu vực và toàn cầu trong việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền. 

Chủ đề của hội nghị lần thứ 25 năm nay tập trung vào giới trẻ như là chủ thể của sự thay đổi. Mong mỏi thay đổi chưa bao giờ cấp thiết như lúc này khi mà thực trạng nhân quyền toàn cầu đang đáng báo động. Tiếng súng chưa ngưng trên đất Ukraine thì hận thù và bom đạn lại giày xéo Trung Đông. Dân chủ và tự do, dựa trên mọi bảng xếp hạng, đã có những năm suy thoái liên tục trên cấp độ toàn cầu. Ngay cả ở những quốc gia từng được coi là thành trì của dân chủ tự do, chưa bao giờ lòng tin và niềm hi vọng vào những giá trị này bị thách thức nhiều đến vậy, mở đường cho sự nổi lên của các thế lực độc đoán phi tự do như Trung Quốc và Nga với tham vọng xuất khẩu mô hình thay thế của mình.

Cả thế giới đang trong một cuộc tự vấn không chỉ về những gì đang diễn ra trong hiện tại, mà còn về tương lai mà nhân loại muốn thấy. Chính lúc này, những người tin vào giá trị dân chủ tự do đặt niềm hi vọng của họ nơi giới trẻ, bởi như Đại diện Đặc biệt về Nhân quyền Liên minh Châu Âu Eamon Gilmore nói trong diễn từ khai mạc hội nghị, chẳng những tương lai thuộc về người trẻ mà quan trọng hơn, người trẻ còn nhìn vấn đề với một sự rõ ràng chưa bị lu mờ bởi sự thất vọng. 

Cái bóng của Bắc Kinh và Moscow

Là một biểu hiện sinh động của việc thực hành các giá trị tự do dân chủ, không ngẫu nhiên khi xã hội dân sự nằm ở tuyến đầu trong cuộc đụng độ với các thể chế độc đoán chuyên quyền như Trung Quốc và Nga. Trên thực tế thì các chế độ này luôn thù địch với xã hội dân sự, và sự nổi lên của chúng đi liền với sự đàn áp nhắm vào xã hội dân sự như thể không đội trời chung. Các đạo luật kiểm soát và trấn áp tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước đã được khởi xướng ở Nga và Trung Quốc, để rồi sau đó được tiếp nhận và áp dụng ở các nước độc đoán khác như Việt Nam, Cambodia. 

Sự lo lắng không chỉ đến từ các quốc gia dưới ách cai trị độc đoán, bởi lẽ một khi đã vững vàng trong nước, các chế độ phi dân chủ có xu hướng xuất khẩu mô hình của mình ra thế giới nhằm tạo ra bối cảnh quốc tế phù hợp với sự tồn tại và phát triển của chế độ. Alvin Chang thuộc Hiệp hội Thanh niên Đài Loan vì Dân chủ, đại diện đến từ Đài Loan, không giấu được vẻ âu lo trước kỳ tổng tuyển cử tháng sau (1/2024) khi mà Trung Quốc vẫn tiếp tục leo thang các hành động thao túng bầu cử rất tinh vi, thông qua truyền thông, giới doanh nhân và cả xã hội dân sự. Kết quả của cuộc bầu cử tới đây ở Đài Loan sẽ rất quan trọng, bởi nó không chỉ phản ánh các vấn đề chính trị nội địa đảo quốc, mà còn là thước đo cho sức sống của một nền dân chủ tự do trước áp lực của chế độ độc đoán ngoại bang. 

Tình hình trên lục địa Châu Âu cũng không hề khá hơn khi mà chưa có dấu hiệu nào cho thấy chiến cuộc ở Ukraine sẽ sớm chấm dứt, khi mà chế độ Putin vẫn chưa chịu những thách thức đáng kể nào từ bên trong. Các nhà hoạt động Nga và Belarus - những quốc gia chủ chiến, đều đến dự hội nghị từ các nước họ đang sống lưu vong vì không còn cảm thấy an toàn trên đất nước của họ nữa. Thực vậy, xã hội dân sự ở các quốc gia này đã trở thành nạn nhân của chế độ Putin và Lukashenko còn trước khi những tiếng súng đầu tiên nổ ra trên đất Ukraine.

Dải Gaza: khoảnh khắc tự vấn

Nếu như giữa ban tổ chức là Liên minh Châu Âu và khách mời là đại diện xã hội dân sự dễ dàng tìm thấy đồng thuận trước những thách thức mang tính hệ thống đối với dân chủ tự do đến từ Bắc Kinh và Moscow thì những gì đang xảy ra ở Gaza lại khó tìm được tiếng nói chung hơn nhiều. 

Bằng chứng là ngay khi ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao về Ngoại giao và Chính sách An ninh kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (tương đương Ngoại trưởng EU) đang đọc diễn từ thì một nhóm các nhà hoạt động đã bỏ ra ngoài và quay lại với các biểu ngữ viết vội trên tay kêu gọi chấm dứt ngay cái mà họ gọi là cuộc diệt chủng ở dải Gaza. 

Một đại diện của nhóm là Asala Mansour thuộc ADALA (Trung tâm Pháp lý về Quyền của người Ả-rập Thiểu số ở Israel) đã không ngần ngại phê phán ông Borell, một trong những lãnh đạo cao nhất của Liên minh Châu Âu về việc dùng từ “xung đột”, thay vì “chiến tranh”, để mô tả những gì diễn ra ở Gaza mấy tuần vừa qua - một cách nói mà họ tin rằng đang làm xói mòn mức độ nghiêm trọng của thảm họa nhân đạo đang xảy ra với người dân Palestine. 

Cuộc biểu tình chớp nhoáng của một nhóm các đại diện xã hội dân sự khách mời ngay khi Ngoại trưởng EU ông Josep Borell phát biểu (Nguồn: Nguyễn Anh Tuấn)

Khách mời phê phán chủ nhà - diễn biến bất ngờ này gợi ý những điều đáng suy ngẫm. Nếu Liên minh Châu Âu muốn mời xã hội dân sự khắp nơi trên thế giới đến để nghe những lời nói thật thì đây là những lời mà xã hội dân sự sẽ nói với họ. Không phải những lời tán dương tụng ca sáo mòn dù không ai nghi ngờ lòng hiếu khách của gia chủ, nhưng tiếng nói tốt nhất mà xã hội dân sự có thể cất lên trước quyền lực, kể cả quyền lực của những chế độ tự do dân chủ, là phê phán. Phê phán mở đường cho tự vấn và nhờ thế trở thành niềm hi vọng cho thay đổi. 

Cuộc tranh luận về những gì đang xảy ra ở dải Gaza có thể sẽ không bao giờ đi đến hồi kết. Những người trẻ giương biểu ngữ và cất tiếng phê phán hôm nay có thể bị coi là ngây thơ trước quyền lực và chưa hiểu hết những thực tế địa chính trị tàn khốc ở khu vực. Song, hẳn không ai phủ nhận năng lực cảm nhận nỗi thống khổ của người khác trong họ - một sự cảm nhận thấu suốt không bị che mờ bởi bất kỳ toan tính hay giáo điều nào khác. 

Thấu nỗi đau của mình, hiểu nỗi khổ của người khác, há chẳng phải là gốc của nhân quyền đó sao?