You are here

CHẤN HƯNG HAY CHẤN LỘT?

Ảnh của nguyenhuuvinh

Kể từ khi cái mầm mống Cộng sản được đưa vào Việt Nam đến nay đã gần 100 năm. Trong đó, đảng lãnh đạo đất nước đã 78 năm kể từ khi cướp được chính quyền năm 1945. Cụ thể hơn, đảng đã lãnh đạo cả đất nước gần nửa thế kỷ “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa xã hội”. Đảng đã khẳng định như thế, chắc chắn như thế, như đinh đóng cột rằng thì là đường lối của đảng là nhất quán, là kiên định không hề thay đổi… Bởi đảng là sáng suốt, là trí tuệ kết tinh của nhân loại, là khoa học của mọi khoa học và nhất là có Chủ nghĩa Mác – Lenin soi đường chỉ lối.

Thế nhưng, thực tế thì đảng không sáng suốt và kiên định như đảng nói.

Ba cuộc “Cách mạng”

Với những khẳng định chắc nịch, đảng hô hào toàn dân tiến hành đồng thời 3 cuộc Cách mạng, bao gồm Cách mạng về quan hệ sản xuất, Cách mạng về khoa học Kỹ thuật, và Cách mạng về Tư tưởng và Văn hóa.

Ba cuộc Cách mạng ấy, được đảng hô hào cả dân tộc đổ xô vào bằng mọi giá, trả bằng mọi cái có thể trả từ tiền của, công sức, tính mạng, đạo đức dân tộc và nền văn hóa ngàn năm.

Cuộc Cách mạng về quan hệ sản xuất nhằm xóa bỏ giai cấp bóc lột, đưa giai cấp công nhân được gọi là tiên tiến, giai bần cố nông liên minh lên lãnh đạo xã hội, thực chất là phá vỡ hoàn toàn quy luật kinh tế xã hội và tiêu diệt những mầm mống tinh hoa của nền kinh tế đất nước.

Đi kèm theo cái gọi là Cách mạng về quan hệ sản xuất, nghĩa là thay đổi chủ sở hữu, thay đổi đối tượng sản xuất, bằng những cuộc cướp tập thể, cướp trắng trợn, cướp ngang nhiên, cướp như là thành tích, là thắng lợi để tiêu diệt chủ nghĩa đế quốc, thực dân, phong kiến và tư bản. Và đó là cuộc đào thải, xóa bỏ nền văn hóa ngàn năm được xây dựng trong đất nước văn hiến mà cha ông bao đời đã đắp xây. Để rồi từ đó, cả đất nước, cả dân tộc tôn thờ thứ chủ nghĩa bạo lực và phản động, chống lại mọi quy luật xã hội, quy luật cuộc sống.

Và kết quả là sau một thời gian dài hò hét, hô hào tiêu diệt Chủ nghĩa Tư bản với Giai cấp công nhân tiên phong giữ vai trò chủ đạo. Đảng đưa nền kinh tế đất nước vào tình trang kiệt quệ đến mức khó có cơ sở tồn tại. Đói, rét, thiếu thốn… Cả đất nước chỉ lo mỗi mấy miếng nhét bụng không bao giờ đủ.

Và người dân buộc phải “Bung ra” buộc phải “phá rào” để kiếm đường sống dù đảng không muốn, dù đảng lo sợ sẽ “Chệch hướng XHCN”.

Thế rồi cuối cùng, đói quá, đảng cũng phải chấp nhận. Và hài hước thay, đảng tự nhận đó là công lao của mình, gọi là “Đổi mới”.

Cuộc Cách mạng về Khoa học Kỹ thuật được định nghĩa là “Ưu tiên phát triển Công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển Công nghiệp nhẹ và nông nghiệp”. Nguyên văn như thế, cách làm ra sao, kết quả thế nào thì câu trả lời là sau hơn 2/3 thế kỷ, nền công nghiệp Việt Nam hiện được đánh giá là chưa làm nổi một con vít đủ tiêu chuẩn quốc tế.

Cuộc Cách mạng về văn hóa và tư tưởng, là cuộc cách mạng kéo dài nhất, thảm thương nhất tác động lớn nhất đến việc đưa đất nước, đưa dân tộc vào một tình trạng của một trang trại chăn nuôi.

Cuộc Cách mạng ấy được xác định ngay từ đầu với những từ ngữ và văn bản thật vĩ đại, thật “hoành tráng” và quy mô mà nhìn vào đó, người ta cứ ngỡ chỉ một thời gian thôi, sau khi xây dựng nền văn hóa mới XHCN, thì Việt Nam vượt trước thế giới văn minh nhiều bậc.

Ở đó, nền văn hóa mới XHCN được xác định là điều kiện quyết định đưa nhân dân lao động thực sự trở thành chủ thể tự giác và hưởng thụ văn hoá của xã hội mới. Nhằm để cho hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hoá không còn là đặc quyền, đặc lợi của thiểu số giai cấp bóc lột. Đặc trưng này phản ánh bản chất giai cấp công nhân và tính đảng của nền văn hoá xã hội chủ nghĩa.

Thế rồi những cuộc Cách mạng văn hóa bằng cách phá bỏ những truyền thống ngàn đời cha ông xây đắp. Thay vì “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng” thì đảng đã phát động “Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ, Cho ruộng đồng nhanh tốt, thuế mau xong”. Thay vì “Sông núi nước Nam, vua Nam ở. Rành rành định phận ở Sách Trời” thì đảng đã thay bằng “Bên kia biên giới là nhà, bên ni biên giới cũng là quê hương”. Thay vì “Tu đâu cho bằng tu nhà. Thờ Cha, Kính mẹ ấy là chân tu” thì ngày nay, theo đảng học cách con tố cha, vợ tố chồng…

Và cái nếp văn hóa phá sạch, đốt sạch ấy đã để lại một xã hội nham nhở, tanh tưởi, ngụp lặn trong sự cuồng bạo, duy vật chất và đẫm máu.

 Thế rồi, sau hơn 2/3 thế kỷ tiến hành Cách mạng Tư tưởng và Văn Hóa, thì mới đây, Bộ Văn Hóa Thể thao và Du lịch đã đưa ra Dự án với số tiền 350.000 tỷ đồng (Khoảng 15 tỷ đôla) để gọi là “Chấn Hưng văn hóa”.

Chấn Hưng? Vì sao phải Chấn Hưng?

Như vậy là đã 78 năm, hơn 2/3 thế kỷ đã trôi qua, đủ mọi lớp người đã nếm trải đủ mọi trò “văn hóa” của đảng với đủ loại thành tích từ xây dựng Con người mới cho đến xây dựng thành công “nền văn hóa mới XHCN”. Đến mức đi từ Nam ra Bắc, từ thành thị đến thôn quê, đâu đâu cũng nhan nhản “gia đình văn hóa”, tổ dân phố văn hóa, khu phố văn hóa, làng văn hóa và tất cả đều văn hóa.

Không chỉ có vậy, cái gọi là nền văn hóa mới, con người mới XHCN được đảng hô hào, ca ngợi cách đây hơn 2/3 thế kỷ rằng “Muốn xây dựng Chủ nghĩa Xã hội thì phải có con người mới XHCN”. Và con đường Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa Xã hội, đảng dẫn cả đất nước, cả dân tộc cứ vậy cắm đầu cắm cổ mà đi. Để rồi khi đi được 2/3 thế kỷ thì phía trước vẫn cứ mịt mờ một ngày mai nào đó không hạn định, hết sức mông lung và chiếc bánh vẽ dần dần nhạt màu.

Thế rồi, một ngày xấu trời đã đến, ngày đó, Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư đảng huỵch toẹt ra rằng: Đừng có mà mơ, cuối thế kỷ này chưa chắc đã có Chủ nghĩa Xã hội. Thậm chí, cả con đường “Quá độ” mà đảng vẫn dẫn dắt cả đất nước “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” trên đó nay đám tuyên giáo vẫn khẳng định rằng chưa biết nó là con đường gì, và cứ đi rồi “dần dần sẽ định hình rõ”.

Và như vậy, nghĩa là cả dân tộc, cả đất nước bao thế hệ qua đổ máu xương, tài nguyên, tiền của đã trở thành công cốc, đã trở thành một dạng Đông Kysot.

Tương tự, những chàng Đông Ky sốt xứ An Nam đã trưởng thành với chứng hoang tưởng được đào luyện, được hun đúc bằng những ngón nghề dối trá, đã trở thành tầng lớp lãnh đạo đất nước này đến hôm nay. Đã đưa đất nước Việt Nam đến hiện trạng không còn có cơ cứu chữa.

Những lớp con người mới ấy được xây dựng, được đào tạo hết thế hệ này qua thế hệ khác cho đến hôm nay đã trở thành “bầy sâu” như lời của Chủ tịch nước Nguyễn Tấn Sang. Và bầy sâu ấy, đã “ăn của dân không chừa một thứ gì” như lời của Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước. Và chúng ăn một cách tàn bạo, ăn “quá dày” như lời Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Với đội ngũ “Con người mới” là sản phẩm của quá trình Cách mạng tư tưởng văn hóa như vậy, thử hỏi đất nước này, giang sơn này đánh giá ra sao về thành quả cách mạng vĩ đại của Đảng sau gần một thế kỷ lãnh đạo tuyệt đối với Cách mạng Việt Nam?

Và khi đó, đảng hô hào đổ tiền của của dân để “Chấn Hưng”.

Thế nhưng làm sao có thể chấn hưng được nền văn hóa ấy.

Làm sao có thể vực dậy một cái thây ma rệu rã đến mức kinh tởm điển hình như Bộ Văn Hóa kết hợp Ban Tuyên giáo của đảng vừa thể hiện bằng màn nhảy nhót với cờ đảng ngay sau thảm họa cháy tại Hà Nội , ngay bên những xác chết, những người bị thương đang quằn quại và cả nước đang nín thở theo dõi họ. Hành động đó của các quan chức đứng đầu ngành văn hóa, ngành tuyên giáo… mang tên “Nền văn hóa mới Xã hội Chủ nghĩa”.

Bởi đó là nền văn hóa đảng, nền văn hóa mang tính đảng và có nguồn gốc từ sự tồn tại vô lý của Đảng CSVN trong dân tộc, đất nước này.

Bởi điều đơn giản, là văn hóa, đâu phải chỉ có đổ ra nhiều tiền, lắm bạc của dân thì cứ có văn hóa? Cha ông ta bao đời nay, sống trong nghèo khổ, lạc hậu vẫn biết gìn giữ nếp văn hóa từ ngàn xưa, sống hòa đồng với làng, với nước, quyết gìn giữ non sông, sống chung tình trọn đạo, vẹn nghĩa trọn tình với đất nước với tiền nhân. Những điều đó, tiền của nào có thể mua được?

Ngược lại, điều mà ai cũng thấy bấy lâu nay, hễ cứ có dự án, hễ có tiền dân, thì ở đó, cái nếp văn hóa tham nhũng, văn hóa cướp, văn hóa trộm cắp lập tức hình thành và phát triển không ngừng và hết sức kịp thời.

Điều đó không do sự thù nghịch, không do thế lực thù địch nào tô vẽ, mà chính từ hàng ngũ cán bộ lãnh đạo ưu tú nhất của đảng mà ra. Từ các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, các Bộ trưởng, Thứ trưởng, các Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Tỉnh, Thành phố… khi có điều kiện tiếp xúc tiền bạc và cơ hội lập tức hò nhau trấn lột của người dân bất chấp tất cả.

Hai vụ đại án Việt Á và “Chuyến bay giải cứu” là những ví dụ không thể rõ ràng hơn. Nó xảy ra ngay trong đại hoạn nạn, trong dịch bệnh, trong khi cả thế giới đang lo đứng lo ngồi cho những người họ không quen biết, không hề buộc phải có trách nhiệm không chỉ trong quốc gia họ, mà trên trường Quốc tế.

Và nhẫn tâm hơn, khốn nạn hơn khi đám “đầy tớ trung thành và tận tụy” kia nhân danh đảng phục vụ nhân dân, đã hò nhau bằng mọi cách nặn bóp ông chủ đến kiệt cùng.

Vậy thì cái dự án được vẽ ra trên giấy với 350.000 tỷ đồng tiền máu xương của người dân, để xây nhà văn hóa, để xây thư viện, để Chấn hưng văn hóa… lại sẽ là những cơ hội cho các cán bộ, đảng viên, lãnh đạo, có dịp hò nhau xâu xé nhân danh phục vụ người dân.

Và khi đó, thay cho việc “Chấn Hưng”, đống tiền của kia của người dân sẽ là mồi ngon cho đám quan tham đua nhau “Chấn lột”.

22.09.2023

J.B Nguyễn Hữu Vinh