You are here

“BÁC HỒ” CỦA CHÚNG TÔI NGÀY XƯA

Ảnh của nguyenhuuvinh

Những ngày vừa qua, trên mạng xã hội xảy ra những cuộc tranh cãi dữ dội liên quan đến việc nhà cầm quyền Việt Nam bắt bớ, kết án trong sự lấm lét và khuất tất với bản án nặng nề với những quy kết hết sức mơ hồ Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng. Anh bị kết tội 6 năm tù và 2 năm quản chế vì những điều khoản trong cái gọi là “luật”, mà với những điều luật đó, thì cả đất nước là một đội ngũ tù nhân tiềm năng. 

Tuy nhiên, mạng xã hội ngoài sự bất bình về bản án khuất tất, tiềm ẩn những sự hèn hạ của việc trả thù những người bất đồng chính kiến - Những người đã dám đứng thẳng, cất lên tiếng nói lương tâm của mình phản đối sự tàn bạo, sự nhẫn tâm, sự thối nát của chế độ đang gieo tai ương lên nhân dân và nguy cơ cho tiền đồ dân tộc – thì một vấn đề khác lại được nói đến. Đó là thần tượng Hồ Chí Minh.

Một Facebooker, người đã lên án phiên tòa ô nhục lấm lét của nhà cầm quyền CSVN nhằm trả thù hèn hạ Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng, cũng bày tỏ thái độ của mình về việc Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng đã có những hành vi người này cho là chưa tôn trọng Hồ Chí Minh.

Và cả mạng xã hội dậy sóng tranh luận về vấn đề này.

Loại trừ đám Dư luận viên, là những kẻ ăn tiền để nói theo chỉ thị, hướng dẫn, bất chấp sự thật, bất chấp suy nghĩ và lý trí – loại này hành nghề đĩ miệng kiếm ăn, không đáng chấp.

Loại trừ một đám nữa, là những kẻ bị ngộ độc nặng nề đến mức không thể có một loại chất tẩy rửa nào có thể tẩy được các nếp nhăn trong não được tạo ra bởi hệ thống tuyên truyền một chiều về một hào quang rực rỡ của Hồ Chí Minh và Đảng CS – Loại này chỉ đáng thương hại, bởi não của họ không có khả năng tiếp nhận được thêm thông tin mà chỉ nhai lại những món ôi thiu đã dọn sẵn.

Phần còn lại, là những người có tìm hiểu về các vấn đề xã hội, hiểu được những bất công xã hội, hiểu bản chất của chủ nghĩa cộng sản chỉ là chiếc bánh vẽ được sản xuất ra nhằm mê hoặc người dân đi theo đó, mà cống hiến máu xương cho một đám người mạo danh “Đầy tớ nhân dân” bòn xương, rút máu sống phè phỡn với chế độ độc tài đảng trị.

Ở đó có hai luồng ý kiến khác nhau.

Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng:

Đảng cộng sản độc tài, tham nhũng là nguyên nhân tụt hậu của đất nước, của dân tộc, điều đó gây bức xúc cho dự luận nhân dân, cần phải có những sự thay thế cần thiết để xã hội có cơ hội phát triển và đất nước, dân tộc trường tồn. Thế nhưng, Hồ Chí Minh là một người lỗi lạc, là một thần tượng của người dân Việt Nam rồi, việc nói đến nhân vật này là không nên.

Hoặc rằng: Dù sao thì Hồ Chí Minh cũng đã chết, và để có nhiều người dân nghe theo mình, thì không nên động đến thần tượng Hồ Chí Minh, vì điều đó sẽ dẫn đến sự bất bình của người dân… vì họ không thể hiểu.

Và rất nhiều lý do khác nữa, để không động chạm tới thần tượng Hồ Chí Minh.

Luồng ý kiến thứ hai cho rằng:

Nguyên nhân của chế độ hiện hành tồn tại được, dựa trên sự sùng bái cá nhân và những huyền thoại được thêu dệt, được bịa đặt nhằm ru ngủ người dân, để người dân hiểu rằng: Số phận, khả năng của mình chỉ là loài sâu kiến, không xứng đáng đòi hỏi những quyền lợi của con người mà những tinh hoa, những lãnh tụ như Hồ Chí Minh là đại diện.

Và vì thế, muốn xóa bỏ độc tài, thì điều hết sức cần thiết, là xóa bỏ mọi thần tượng bày đặt, tô vẽ bởi hệ thống tuyên truyền cộng sản. Còn khi mà người dân vẫn còn u mê, chấp nhận số phận và định mệnh của mình chỉ là nô lệ cho một cá nhân đại diện cho đám cộng sản tự xưng là “ưu tú”, “trí tuệ”, “văn minh, đạo đức”… thì không thể có việc giải phóng được con người và xã hội triệt để.

Và hai luồng tư tưởng đó đã va chạm nhau tạo thành những cuộc tranh luận, cãi vã sôi sùng sục mạng xã hội khi kẻ bênh, người chống.

“Bác Hồ” trong tôi của ngày xưa

Tôi sinh ra và lớn lên trên vùng đất Nghệ - Tĩnh, vào thời kỳ Miền Bắc đang hô hào những khẩu hiệu, thúc nhau những phong trào rầm rộ bắt đầu từ “Tất cả vì Miền Nam ruột thịt, vì Chủ Nghĩa xã hội, mỗi người làm việc bằng hai, bằng ba”… rồi sau đó, khi kết thúc cuộc chiến Nam – Bắc, thì cả nước hô hào “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa xã hội”.

Trong quá trình đó, những thông tin đến với chúng tôi hầu như chỉ có cái loa phường, sau này lớn lên chút thì vài tờ báo đảng và những cuộc “nói chuyện thời sự”.

Ở đó, cái từ “Bác Hồ” được nhắc đến với tất cả mọi sự kính trọng, sùng kính và thậm chí là cuồng tín đến mê muội của hầu hết mọi cán bộ, đảng viên cho đến cả những người không ưa nhà nước cộng sản. Bởi tất cả mọi thông tin có thể đến với người dân, chỉ từ cái loa phường, mấy tờ báo và tin… truyền miệng. Ở đó thì ngồn ngộn thông tin về “bác Hồ”, thật có, giả có nhưng mục đích cuối cùng, thì “bác Hồ” là một ông tiên, ông Thánh chứ không phải người thường.

Ngay từ những ngày tôi bước vào học lớp 1, điều ấn tượng đầu tiên mà tôi nhớ đến nay, đó là cái chết của Hồ Chí Minh.

Sau cái ngày hò hét reo mừng Quốc khánh 2/9/1969, thì hôm sau nghe tin Hồ Chí Minh từ trần. Chiếc loa phóng thanh vừa đọc bản thông báo nghe như tiếng nức nở của phát thanh viên chưa xong, thì mụ Thanh Thảo đã khóc um sùm và mếu máo đến tội. Nhưng, cả xóm chúng tôi, hình như chỉ có mụ ấy khóc, bởi mụ ấy là đảng viên gốc công giáo hiếm hoi trong xóm và đã công khai chống lại nhà thờ một cách mạnh mẽ nhất, sâu hiểm nhất và bất chấp nhất khi đó. Còn lại, người ta im lặng, người ta thì thầm.

Điều tôi còn nhớ, là tờ báo Nhân Dân đăng hình ảnh chân dung Hồ Chí Minh và bản thông báo kèm ảnh mấy ôngTôn Đức Thắng, Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng đứng bên chiếc quan tài bằng kính . Bọn trẻ con chúng tôi chỉ biết vậy, chỉ trầm trồ nhau về việc thằng lớp trưởng nó có cái băng đen đeo trên ngực để tang “bác hồ” vì nó là con ông chủ tịch xã.

Và từ đó, tuổi trẻ chúng tôi được học, được dạy, được tắm trong môi trường Hồ Chí Minh.

Sáng dậy mới mờ sương, chiếc loa phóng thanh đã rống lên khắp mọi ngõ ngách làng quê:

“Toàn Việt Nam đón chào ngày mới.
Hồ Chí Minh Dẫn dắt toàn dân nước ta,
Vững bền tranh đấu cho đời chúng ta.
Hồ Chí Minh muôn năm, giải phóng cho nhân dân,
xây dựng non nước Việt Nam…”

Rồi sáng đến lớp học, tất cả xếp hàng vào lớp xong thì lớp trưởng bắt nhịp cho cả lớp đồng thanh “Năm điều bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng”.

Mở sách ra, thì hầu như là thơ về bác, là câu chuyện về bác, là những cử chỉ, tình cảm của bác với thiếu niên, nhi đồng từ chuyện bác tắm cho mấy đứa bé người dân tộc hoặc mua chiếc lắc bạc và mấy cuốn vở để “ta tặng cháu yêu ta”…

Rồi những buổi chiều chăn trâu, cắt cỏ hay trông em, những câu chuyện thầm thì về “bác Hồ” được mang đến với chúng tôi qua hệ thống truyền thanh “chạy bằng cơm” bằng cách truyền miệng. Rằng thì là bác Hồ của chúng ta tài giỏi, tiết kiệm, cao thủ. Rằng thì là Tạ Đình Đề làm việt gian phản động định vào thủ tiêu Bác mà bác biết, còn dặn chú cần vụ nấu thêm cho suất cơm nữa, đến khi dọn ra ăn bác mới nhìn lên mái nhà gọi “Chú Đề xuống ăn cơm với bác” làm cho tên phản động Tạ Đình Đề tâm phục khẩu phục đành bỏ ý định thủ tiêu mà về phục vụ bác.

Cho đến nửa đêm thì chương trình Tiếng Thơ:
“Bác để tình thương cho chúng con
Một đời trinh bạch, chẳng vàng son…
Bác ơi tim bác mênh mông thế
Ôm cả non sông trọn kiếp người”

Và cuộc sống của chúng tôi như vậy, cái gọi là “bác hồ” luôn phục sẵn, luôn có sẵn để chúng tôi ngụp lặn trong đó, hít thở trong đó, tiêu hóa nó và biến nó thành một phần không thể thiếu trong suy nghĩ và hành động của những thế hệ chúng tôi.

Thế rồi một quá trình hình thành não trạng thần tượng Hồ Chí Minh dần dần trở thành những phản ứng tự nhiên. Mỗi khi nghe nói về Hồ Chí Minh, thì những tính từ tốt đẹp nhất như khiêm tốn, tài tình, đạo đức, thương yêu, anh hùng, tài giỏi… đều tự nhiên tuôn ra để đi kèm đại từ nhân xưng là “bác”.

Và cả nửa đất nước chúng tôi đều chỉ biết rằng: Nếu không có bác, thì dân tộc này không tồn tại, đất nước này không có tên trên bản đồ thế giới, bác là tinh hoa dân tộc, là lãnh tụ, là thiêng liêng chẳng bao giờ có vướng vào bất cứ tội lỗi, nhơ bẩn hay một điều gì không trong sáng.

Thậm chí, tôi còn nghe nói rằng một linh mục đi theo Ủy ban Đoàn kết Công giáo (Mà dân gian gọi là Đàn Két Công giáo) còn oang oang giảng giữa nhà thờ rằng có thể là bác đã lên Thiên đàng trước chúng ta.

Và chúng tôi lớn lên như vậy, ngây thơ tin, ngây thơ tôn sùng, ngây thơ bảo vệ hình ảnh, thần tượng Hồ Chí Minh không hề thấy có điều gì phải lăn tăn, phải suy nghĩ. Thậm chí, người ta có thể chấp nhận để người khác xúc phạm đến bố mẹ, ông bà, tổ tiên mình, vì dù sao cũng có những khuyết điểm, nhưng đụng đến Hồ Chí Minh là không được, họ sẽ bảo vệ đến cùng.

Bởi Hồ Chí Minh là Thánh, là Thần là người Việt Nam đẹp nhất, là tinh hoa của nhân loại.

Khi nói đến tài trí, phải kể đến bác Hồ Chí Minh. Bởi bác Hồ Chí Minh đã đi khắp năm châu bốn bể, làm đủ mọi nghề kiếm ăn và đến đâu ai cũng phục tài của bác Hồ Chí Minh.

Nói đến yêu nước, thương nòi, trước hết phải nói đến Hồ Chí Minh. Bởi bác Hồ Chí Minh đã đi tìm đường cứu nước, để giải phóng đất nước này khỏi cảnh trầm luân, nô lệ.

Nói đến hy sinh cho đất nước, cho dân tộc đầu tiên phải nói đến Hồ Chí Minh. Bởi Hồ Chí Minh dù được cả nước yêu mến, có bạn bè khắp nơi mà vẫn sống chay tịnh không hề có gái gú, không vợ con để rảnh tay mà lo cho đất nước, cho dân tộc.

Nói đến tiết kiệm, phải nêu gương Hồ CHí Minh, bởi bác hàng ngày nấu cơm bác bỏ ra một nắm gạo để góp vào hũ gạo kháng chiến. Bác ăn uống đam bạc chỉ cà pháo xứ Nghệ với nước luộc rau muống là thích mà thôi.

Nói đến giản dị, phải kể đến Hồ Chí Minh, bởi bác đã nêu gương dùng chút bút chì người ta vứt đi, cuốn giấy lại để viết còn được thêm 2 năm, những chiếc áo bác mặc đều đã sờn cổ mà không mua áo mới.

Và biết bao nhiêu đức tính, tính cách hay nhất, tài nhất, đẹp nhất, giỏi nhất… đều tích tụ ở Hồ Chí Minh.

Dưới hình bóng của bác Hồ Chí Minh, con người Việt Nam, chẳng ai đáng giá nửa xu. Tôi còn nhớ trong một đêm nói chuyện về “Bác Hồ trong thơ Tố Hữu” tại trường Cấp 3 Phan Đình Phùng, diễn giả đọc mấy câu thơ sau của Tố Hữu. Mấy câu thơ như sau:

Người là đỉnh non cao vun vút
Mà chúng con là chút lá cây
Người là cả đóa hoa say
Mà con là chút hương bay của người
.

Cũng theo diễn giả, thì mấy câu thơ này sau đó đã bị lược đi vì quá đề cao “chủ nghĩa cá nhân”, làm sao mà có ai dám tự nhận là chút hương bay của Hồ Chí Minh được, không thể xứng đáng với bác được.

Ngụp lặn, ngộ độc trong Hồ Chí Minh

Và chúng tôi đã mê mẩn, đã cuồng dại như vậy từ nhỏ, lớn lên cho đến tuổi trưởng thành. Bởi chẳng có một thần tượng nào có thể thay thế được “bác hồ” trong tâm trí chúng tôi. Chẳng có ai đủ tài, đủ đức để sánh ngang bác hồ. Chẳng ai xứng đáng để được nói đến bác mà không dùng những lời lẽ ngôn từ kính trọng nhất chứ không nói đến là xúc phạm hoặc coi thường.

Và chúng tôi cứ nghiễm nhiên coi điều ấy là bình thường, để rồi nơi nào có tượng bác hồ thật to cũng là bình thường, lăng bác ngốn bao nhiêu tiền không quan trọng, ở nhà phải mua tấm ảnh bác to nhất, để nơi trang trọng nhất mà thờ.

Bởi chúng tôi đâu biết được đằng sau sự thật về “bác” của chúng tôi.

Chúng tôi đâu biết rằng: Chỉ riêng với dân tộc này, một người không thể được cả mọi thế hệ gọi là “bác’. Bởi không có chuyện loạn xị ngậu ông nội, bố con, cháu chắt ngang hàng nhau khi đều gọi là “bác”. Và danh xưng này, oái oăm thay, chính “bác” Hồ Chí Minh đã tự xưng mình là “bác” cha già dân tộc khi cha già mới có 58 tuổi đời. Chúng tôi đâu biết rằng đằng sau lời kêu gọi "Nâng cao đạo đức Cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" mà "bác hồ" in thành sách, thì chính "bác hồ" lại bí mật tự viết sách ca ngợi mình lấy tên người khác.

Chúng tôi đâu biết rằng: Cái gọi là “đi tìm đường cứu nước” của “bác” ngày xưa, chỉ là một chuyến đi khi bản thân và gia đình quẫn bách không lối thoát. Và con đường gọi là giải phóng dân tộc kia, chỉ là con đường mà phong trào Cộng sản Quốc tế đã chỉ thị cho “bác” đem về Việt Nam để phục vụ mưu đồ của Quốc tế Cộng sản.

Chúng tôi cũng đâu biết được, đằng sau cái gọi là “Cả một đời vì nước vì non” kia, thì “bác hồ” cũng có cuộc sống cá nhân hỉ, nộ, ái ố như mọi người. Chỉ có điều là “bác” hèn nhát hơn khi để  đồng chí mình giết vợ con mình mà không dám mở mồm, nghĩa là đồng lõa với kẻ giết vợ mình để bảo vệ thanh danh cho bác là “trọn đời hy sinh”.

Và chỉ những sự tình cờ, chúng tôi mới biết được rằng khi chúng tôi thậm chí ăn cả cám lợn, sắn mốc không đủ no, để tất cả vì tiền tuyến, và bác được nói rằng hàng ngày vẫn bớt từng nắm gạo bỏ vào hũ tiết kiệm, thì sau này báo chí mới viết rằng: Buổi sáng Bác ăn lúc 6h, trưa ăn lúc 10 rưỡi, còn chiều ăn vào lúc 17h30. Các món ăn thay đổi luôn cho ngon miệng, nhưng thường thì bữa sáng Bác dùng cà phê đen, với bánh ngọt giống như bánh patêsô bây giờ. Có hôm Bác đổi sang xúc xích chấm mù tạt hoặc bánh mì trứng ốp la. 10h Bác uống một ly nước sâm, 10h30 thì ăn trưa. Đến 2h chiều Bác uống một cốc cà phê sữa, 4h lại uống 1 ly nước sâm, rồi 5h30 chiều thì ăn cơm. 8h tối Bác uống thêm một cốc cà phê sữa nữa, chỉ thế thôi”.

Vâng, chỉ thế thôi. Nhưng chỉ riêng cốc sữa ấy những năm 60 của thế kỷ trước là mơ ước không chỉ một mà là cả một thế hệ trẻ em như chúng tôi, những đứa trẻ từ mới lọt lòng mẹ đêm khóc ngằn ngặt vì sữa mẹ chỉ có toàn nước trong veo vì không đủ ăn.

Chúng tôi cũng chỉ biết và tin những tài liệu, hoặc qua những những nhân vật như Hoàng Chí Bảo sau này chuyên bịa chuyện về một Hồ Chí Minh nghĩa tình, thậm chí đi mua bằng được bông hoa, con gà để về làm giỗ mẹ ở Pháp.

Nhưng chúng tôi đâu biết rằng dù đi mấy chục năm xa quê hương và gia đình, nhưng khi về đến đất nước thì gần 2 chục năm sau “bác hồ” mới về thăm quê. Không chỉ thế, khi anh chị em ruột mình, ốm đau, chết chóc, “bác hồ” đều coi là chuyện của thiên hạ. Thậm chí mấy lần về quê, “bác hồ” không thèm thắp một nén hương trước ban thờ ông bà, tổ tiên hoặc chẳng thèm nhắc đến chứ không nói bước đến nơi mộ mẹ mình nằm ngay gần đó ở quê.

Và thế hệ chúng tôi lớn lên như vậy với niềm tin về “Bác Hồ”. Và nếu ai xúc phạm đến “bác” thì chúng tôi sẵn sàng chết để bảo vệ bác của chúng tôi với những đức tính tốt đẹp nhất.

Nhớ lại những giai đoạn ấy, chúng tôi mới cảm thông cho những người ngày nay vẫn còn ngộ độc thông tin về “bác hồ”. Chỉ thương họ là thời buổi này rồi khi mạng Internet ngập tràn khắp thế giới, mà họ vẫn tê liệt khả năng tìm hiểu sự thật mà thôi.

20.04.2023

J.B Nguyễn Hữu Vinh