You are here

Tôn giáo trong chế độ cộng sản Việt Nam (tiếp theo)

Ảnh của nguyenvubinh

     …

     II/ Làm biến chất tôn giáo, biến các tôn giáo thành công cụ, tổ chức ngoại vi phục vụ chế độ trong khi vẫn cấm đoán, bức hại các tôn giáo ly khai

     Lý do sâu xa nhất đưa tới việc triệt hạ tôn giáo và làm biến chất các tôn giáo trong các chế độ cộng sản, đó là nguyên lý chung của các tôn giáo đưa ra là tình yêu thương của con người. Con người cần yêu thương con người bởi con người cùng chung một nguồn gốc, cùng là khía cạnh của Thượng Đế, của Đức Chúa Trời. Con người yêu thương con người cũng có nghĩa khi con người cá nhân bị cái xấu, cái bất công và cái ác bách hại, thì những người khác cần phải lên tiếng, phải giúp đỡ những con người đó. Từ đó, các tôn giáo đều có chung khuynh hướng tránh và chống cái xấu, cái bất công và cái ác. Đề cao kêu gọi phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người. Đối với các chế độ cộng sản, điều đó chính là mầm mống để chống lại họ bởi vì nguyên lý chung của cộng sản là phân chia giai cấp, để thống trị người dân. Và cộng sản hoàn toàn không muốn người dân yêu thương lẫn nhau. Để làm những điều cộng sản mong muốn, con người cần phát huy những cái xấu, cái ác tiềm ẩn bên trong con người họ.

     Sau một giai đoạn tiêu diệt, triệt hạ và vô hiệu hóa tôn giáo cũng như áp đặt hệ thống toàn trị lên toàn xã hội, cùng với nền kinh tế kế hoạch, đất nước đã cạn kiệt nguồn lực và chế độ cộng sản bên bờ sụp đổ. Họ đã chuyển đổi nền kinh tế sang nền kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập với thế giới. Nhưng với thế giới văn minh, việc giao thương kinh tế phải đi kèm với các điều kiện về quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Chính vì vậy chế độ cộng sản Việt Nam không còn sử dụng chiến lược tiêu diệt, triệt hạ tôn giáo như trước đây được nữa. Họ đã chuyển sang một chiến lược mới, làm biến chất các tôn giáo, biến các tôn giáo thành công cụ, thành tổ chức ngoại vi phục vụ chế độ.

     1/Làm biến chất các tôn giáo

     Việc làm biến chất các tôn giáo được thực hiện với một âm mưu rất thâm độc. Chế độ cộng sản không đơn thuần thay đổi cách thức tiến hành các nghi lễ, hay những giáo lý đơn giản. Họ thực hiện các chiến thuật và bước đi rất bài bản và thâm độc.

     - Phá hủy nền tảng tri thức triết học, tâm linh. Đối với mỗi tôn giáo, nhất là những tôn giáo lâu đời, ví dụ như đạo Phật, đều có một hệ thống tri thức triết học, tâm linh làm nền tảng. Việc đưa ra nội dung chương trình đào tạo hoàn toàn nằm trong tay nhà nước. Và một điều chắc chắn là nhà nước không thể để hệ thống kiến thức nền tảng triết học tâm linh chuẩn mực trong các trường, học viện hiện nay. Mặt khác, để nghiên cứu và duy trì được hệ thống tri thức này, cần có sự đào tạo liên tục các thế hệ tăng lữ, học giả. Muốn nghiên cứu được các kiến thức kinh điển bằng các ngôn ngữ như chữ Hán (Bắc tông), và chữ Pali, ngôn ngữ Prankit hay còn gọi là chữ Phạn (Nam tông). Nhưng các trường, học viện rất ít các giáo viên, giảng viên biết chữ Hán, chữ Pali và ngôn ngữ Prankits cũng không biết thì việc nghiên cứu kiến thức kinh điển là con số không. Như vậy, không có sự liên tục trong nghiên cứu kiến thức kinh điển, nền tảng của tôn giáo. Không có kiến thức kinh điển làm nền tảng, nội dung của các chương trình giáo dục Phật học chỉ là chắp vá và xuyên tạc.

     - Đưa vào giảng dạy chương trình triết học Mác - Lê nin gây ra sự hỗn loạn và hoang mang trong nhận thức. Bản chất của triết học Mác - Lê nin là vô thần đối lập với các kiến thức tôn giáo nền tảng. Đưa chương trình Mác  Lê nin vào chỉ có mục đích làm hỗn loạn tư tưởng và nhận thức của các học viên, phá hủy việc nhận thức các kiến thức chuẩn mực.

     - Đưa người vào vị trí trọng yếu trong các trường, học viện và tuyển một lượng học viên đông đảo là an ninh, đảng viên. Đến thời điểm hiện nay, ít người còn nghi ngờ việc có một lực lượng đông đảo học viên an ninh đã vào học các trường Phật giáo, để đóng giả làm sư, tỳ kheo nhằm khống chế Phật giáo. Theo số liệu không chính thức, có tới hơn một nữa các vị sự trụ trì các chùa Phật giáo nhà nước là người của an ninh.

     Trên đây là những chiến thuật chung phá hủy nội dung và nhân sự của hệ thống đào tạo các tôn giáo. Nhưng muốn làm biến chất được các tôn giáo, nhà cầm quyền còn thực thi các thủ đoạn sau.

      + Cài cắm người vào các tôn giáo, khống chế người trong nội bộ tôn giáo. Đây là chiến thuật thông dụng của nhà cầm quyền với các tổ chức đối nghịch. Kinh nghiệm trong việc cài cắm người từ các cuộc chiến tranh, cùng với việc các tôn giáo đang nằm trong vòng kiểm soát của nhà nước bảo đảm việc thành công nhất định cho việc đưa người vào nội bộ các tôn giáo. Đối với các tôn giáo không hoặc khó cài cắm người, an ninh sẽ sử dụng việc khống chế các chức sắc tôn giáo bằng các thủ đoạn cài bẫy hoặc nhắm vào các điểm yếu, lỗi lầm có thể là thông thường đối với người bình thường, nhưng với các chức sắc tôn giáo lại là điều nhạy cảm…

     + Gây mâu thuẫn chia rẽ trong nội bộ các tôn giáo. Việc gây mâu thuẫn chia rẽ trong nội bộ tôn giáo là một trọng tâm trong chính sách tôn giáo của cộng sản Việt Nam. Có thể nói rằng, ngoại trừ Công giáo, nơi có tổ chức chặt chẽ và hàng ngũ giáo phẩm luôn có quy định khắt khe về việc tuân thủ giáo luật, giáo lệnh mà nhà cầm quyền không thể can thiệp theo cách này, còn lại tất cả các tôn giáo khác ở Việt Nam đều bị nhà cầm quyền cài cắm, khống chế người gây mâu thuẫn chia rẽ. Đây là chính sách đặc biệt thành công của nhà cầm quyền Việt Nam. Việc gây mâu thuẫn chia rẽ trong nội bộ tôn giáo trước hết làm cho tôn giáo đó suy yếu, mất lòng tin của các tín đồ, đạo hữu. Sau đó là thực hiện việc chia tách các tôn giáo, và một trong các nhánh chia tách đó sẽ nằm trong vòng cương tỏa của nhà cầm quyền.

     + Sử dụng chiêu bài tôn giáo không làm chính trị. Để làm tê liệt sức phản kháng đối với cái ác và sự bất công do chế độ gây nên, cộng sản tận dụng chiêu bài “tôn giáo không làm chính trị” vốn có sẵn trong các tôn giáo. Với chiêu bài này, các tôn giáo, các chức sắc tôn giáo sẽ trở thành câm lặng và thụ động trước các bất công rõ ràng trước mắt đang lan tràn trong xã hội… Tuy nhiên, việc làm chính trị đúng nghĩa là tham gia vào chính quyền, đảng phái chứ hoàn toàn không phải là việc lên tiếng chống lại cái xấu, cái ác và cái bất công. Việc tấn công vào những chức sắc tôn giáo lên tiếng chống bất công, chống cái ác bằng chiêu bài tôn giáo không làm chính trị vẫn thường xuyên được nhà cầm quyền sử dụng và cũng không phải không có hiệu quả.

     + Chiến thuật cây gậy và củ cà rốt. Đây là một phương sách cũ rích nhưng vẫn luôn luôn hữu hiệu. Tôn giáo hay các chức sắc nào dễ bảo, chấp nhận im lặng trước cái ác, cái bất công thì được tự do, ưu đãi; tôn giáo hay chức sắc nào lên tiếng theo lương tâm, lẽ phải thì bị bách hại, cấm cách. Luật lệ về tôn giáo, chẳng hạn pháp lệnh tôn giáo ban hành ngày 18/6/2004, đòi hỏi các chức sắc tôn giáo, nói chung, hầu như làm gì cũng phải xin phép và có được nhà nước cho phép mới được làm. Các chức sắc thuộc loại dễ bảo thì xin phép gì cũng dễ dàng được chấp thuận. Nhiều người trong số này không xin phép vẫn làm cũng được dễ dàng bỏ qua. Còn chức sắc nào thuộc loại không dễ bảo thì xin phép gì cũng gặp khó khăn, bị hoạnh hẹ đủ điều, dù là xin những điều thật chính đáng. Thật vậy, nhiều chùa chiền, nhà thờ Công Giáo hoặc Tin Lành do các chức sắc thuộc loại dễ bảo trụ trì hoặc quản nhiệm thì dễ dàng được phép xây dựng nguy nga đồ sộ; ngược lại, việc xin phép xây dựng rất khó khăn…

     (còn nữa)

Hà Nội, ngày 22/01/2020

N.V.B