You are here

VN-cái giá phải trả vì một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước. P.1.

Ảnh của songchi

Song Chi

Thế giới thờ ơ, VN mạnh tay đàn áp

Dưới thời Donald Trump, nước Mỹ rõ ràng ít quan tâm đến những vấn đề nhân quyền trên thế giới nói chung và tại các quốc gia độc tài, kém phát triển nói riêng. Tổng thống Donald Trump thậm chí còn thường xuyên ca ngợi các lãnh đạo nổi tiếng độc tài, tàn bạo như Tổng thống Nga Vladimir Putin, lãnh đạo tối cao của Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, bao che cho chính phủ nước Ả Rập Saudi (Saudi Arabia) trong vụ Thái tử nước này bị nghi có liên quan đến vụ giết hại dã man nhà báo bất đồng chính kiến người Thổ Nhĩ Kỳ Jamal Khashoggi, hoặc tươi cười vẫy cờ của đảng cộng sản VN và khen ngợi VN dưới chế độ cộng sản v.v…Ngay cả khi đang trong cuộc chiến thương mại với Trung Cộng, Trump cũng không hề lên tiếng về hồ sơ nhân quyền tồi tệ của nước này.

Các nước châu Âu thì đang phải đối mặt với bao nhiêu vấn đề của nước họ: cuộc khủng hoảng Brexit ở Anh, phong trào Áo vàng ở Pháp, ở Đức người từng lên tiếng mạnh nhất về nhân quyền trong các nước châu Âu là Thủ tướng Angela Merkel thì đang chuẩn bị rời khỏi chính trường, trong khi đó chủ nghĩa dân túy, cực hữu, mỵ dân đang trỗi dậy ở một số quốc gia…

Trong bối cảnh ấy, các nước độc tài nói chung và VN nói riêng tha hồ càng mạnh tay đàn áp người dân, đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến mà không sợ bị trừng phạt như trước. VN dưới thời Nguyễn Phú Trọng càng hà khắc hơn. Trong vòng vài năm trở lại đây có bao nhiêu người tiếp tục bị bắt vì những “tội danh” liên quan đến chính trị, không sao nhớ nổi. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International):

Chính phủ Việt Nam giam giữ ít nhất 128 tù nhân lương tâm trong các nhà tù trên cả nước, tăng mạnh so với 97 người được xác định năm ngoái. Các điều kiện giam giữ vẫn còn kinh khủng, với bằng chứng là các tù nhân bị tra tấn và bị đối xử tàn tệ, thường xuyên bị giam giữ và bị biệt giam, giữ trong điều kiện tồi tàn, và từ chối chăm sóc y tế, nước sạch và không khí trong lành” (“Viet Nam: Surge in number of prisoners of conscience, new research shows”, www.amnesty.org)

Con số này chưa chắc đã đủ hết, bởi vì theo báo cáo của NOW! Campaign, một sáng kiến của 15 tổ chức xã hội dân sự quốc tế và Việt Nam: “Chính phủ Việt Nam đang giữ ít nhất 251 nhà hoạt động trong các nhà tù hoặc các hình thức giam giữ tương tự so với 165 trường hợp vào tháng 11 năm 2017, khi sáng kiến này được khởi động với mục tiêu đòi trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm ở Việt Nam.Với con số trên, Việt Nam vẫn là quốc gia giam giữ nhiều tù nhân lương tâm thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ sau Myanmar." ("Việt Nam hiện giam giữ 251 tù nhân lương tâm", NOW! Campaign, www.vietnampocs.com)

Người dân dù lên tiếng dù bất kỳ lý do gì và ôn hòa tới đâu cũng bị đàn áp. “Hai phụ nữ Đồng Nai bị kết án tù 11 năm vì phản đối dự luật đặc khu kinh tế và an ninh mạng”, SBTN. Thậm chí chỉ vì tham gia chặn xe chở cát bị cho là gây ô nhiễm khói bụi đồng thời là mối nguy hiểm giao thông cho dân chúng địa phương, mà bảy phụ nữ ở Tây Ninh vào tuần qua bị tòa án sơ thẩm tuyên từ 24 đến 30 tháng tù treo với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’. ("Bảy người phản đối ô nhiễm bị kết án tù", RFA).

Những người bị bắt, thường bị cáo buộc các tội "gây rối trật tự công cộng", “lạm dụng quyền tự do dân chủ", “tuyên truyền chống nhà nước”, “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” v.v…

Cũng theo báo cáo của NOW! Campaign, nạn bắt cóc đã trở thành một biện pháp khá thường xuyên của nhà cầm quyền “để bắt giữ nhiều nhà hoạt động trước khi công bố cáo buộc chính thức, và trong một số trường hợp, lực lượng công an giữ tù nhân trong nhiều tháng mà không thông báo cho gia đình họ về việc bắt giữ và cáo buộc mà họ phải đối mặt.

…Đầu tháng 9 năm 2018, công an ở thành phố Hồ Chí Minh đã bắt cóc bảy thành viên của nhóm Hiến pháp và hiện vẫn còn giam giữ họ.

...Cuối tháng 2 năm 2019, mật vụ đã bắt giữ nhân viên y tế Huỳnh Thị Tố Nga khi cô đang làm việc tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương ở thành phố Hồ Chí Minh. Cho tới giờ, công an thành phố vẫn chưa công bố việc giam giữ và buộc tội cô, và do vậy gia đình cô không biết cô đang ở đâu”. ("Việt Nam hiện giam giữ 251 tù nhân lương tâm" NOW! Campaign, www.vietnampocs.com)

Hay nhà báo, blogger, cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất đã bị bắt cóc tại Bangkok Thái Lan vào ngày 26.1.2019 sau khi ông đến Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) tại Bangkok để đăng ký tỵ nạn chính trị. Mãi đến cuối tháng 3, gia đình ông mới được cho biết là ông đang bị giam giữ tại Trại giam T16 của Bộ Công an…

Số người bị kết án với những bản án ngày càng nặng nề, dã man. Chẳng hạn, nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, người từng lên tiếng về vụ Formosa xả chất thải độc hại gây thảm họa môi trường ở bờ biển miền Trung VN tháng 4.2016 bị y án 14 năm tù trong phiên phúc thẩm ngày 24.4 tại Nghệ An. Khi ra tòa trong phiên sơ thẩm mọi người thấy những vết thâm tím dưới vùng mắt do bị giam cùng buồng với tử tù, bị tử tù đánh.

Ngày 24.5.2019 vừa qua đánh dấu 10 năm kỹ sư, doanh nhân, nhà bất đồng chính kiến Trần Huỳnh Duy Thức bị giam trong ngục tù cộng sản. Và vẫn còn 6 năm nữa... Bản án 16 năm dành cho một trí thức yêu nước, và "kỷ lục" khốn nạn đó sau này đã được nâng lên thành 20 năm, với bản án dành cho nhà hoạt động Lê Đình Lượng, Nghệ An, là những bằng chứng trong vô số bằng chứng không thể kể hết về tội ác, nỗi sợ hãi và sự đê hèn của nhà cầm quyền đối với mọi lời chỉ trích, mọi thái độ, hành động phản kháng cho dù ôn hòa nhất của người dân.