You are here

Nhân vụ Nhà thờ Bùi Chu: Những bất cập trong việc xây dựng công trình Công giáo - Phần 3

Ảnh của nguyenhuuvinh

Thời kỳ mới: Xây dựng lại

Thời kỳ các ngôi Thánh đường được xây dựng tại Việt Nam cách đây đã ngót nghét trăm năm. Quy mô chỉ nhằm phục vụ cho từng giai đoạn lúc bấy giờ.

Hơn trăm năm qua đi, số lượng giáo dân tăng lên theo con số cơ học cũng đã gấp nhiều lần thời kỳ xây dựng. Trong khi đó, quy mô các ngôi thánh đường thì không thay đổi, thậm chí đất đai, khuôn viên ngày càng bị lấn chiếm, bị cướp bất chấp luật pháp của nhà cầm quyền. Khi những ngôi nhà thờ đó được xây dựng lượng giáo dân chỉ bằng khoảng ¼ hoặc 1/5 số giáo dân hiện tại.

Khi số lượng giáo dân tăng lên, thì nhu cầu thờ phụng tăng lên theo lẽ tự nhiên. Trong khi nhà thờ, nhà xứ, các công trình tôn giáo không đủ phục vụ, do vậy việc có nhu cầu mở rộng, xây dựng nhà thờ là điều hiển nhiên.

Các cuộc chiến tranh ở Việt Nam kéo dài mấy chục năm với hàng triệu tấn bom đạn, những biến động thời thế đã tạo ra sự thiếu hụt, hư hỏng và sụp đổ nhiều công trình tôn giáo. 

Với điều kiện về vật liệu, kinh phí, trình độ xây dựng cũng như nhiều yếu tố khác nhau kèm theo yếu tố khí hậu khắc nghiệt, hầu hết các công trình xây dựng của tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng đã xuống cấp đến mức tột cùng.

Trong khi đó, sự khắc nghiệt của khí hậu và thời tiết, thiên tai chỉ là một phần nhỏ so với sự khắc nghiệt của chính sách tiêu diệt tôn giáo qua mấy chục năm dưới chế độ Cộng sản, hầu hết các cơ sở thờ tự, phụng vụ đã không thể tồn tại hoặc có tồn tại cũng không thể đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người dân sinh hoạt tôn giáo. Đó là một thực tế.

Bởi hầu hết các Giáo xứ, Giáo họ và Giáo phận, những cơ sở xây dựng cả trăm năm trước đã không được mở rộng, lại còn bị cướp đoạt, thu hẹp đến mức tối đa. Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội với diện tích đất đai mua hơn 71.000 mét vuông, bị cướp chia chác sạch chỉ còn lại 2.700 mét vuông là một ví dụ điển hình. Hoặc riêng Hà Nội, vẫn còn hơn 150 cơ sở bị nhà nước cướp đoạt, mượn mà không trả cho đến nay.

Chính vì vậy, những nhu cầu của giáo dân về việc xây dựng lại, sửa chữa, phục hồi lại các cơ sở tôn giáo đã trở nên cấp thiết. Vì thế, đã hình thành một phong trào khắp miền Bắc là vận dụng mọi cách, mọi phương thức, mọi nguồn lực để xây dựng nhà thờ.

Đến khi đó, phong trào “Trăm hoa đua nở” xây dựng nhà thờ đã thành một “mốt” trong đời sống công giáo Việt Nam. Những ngôi Thánh đường nguy nga, lộng lẫy cũng có, hoành tráng và lớn lao cũng có, xây đi đập lại cũng có, sụp đổ hư hỏng cũng có… và nảy sinh rất nhiều hệ lụy trong một thời kỳ dài.

Nhiều vấn đề đặt ra như những bài toán khó giải với tất cả các Giáo xứ, Giáo họ và Giáo phận.

Trước hết, đó là vấn đề tiền bạc.

Có lẽ ai cũng biết rằng, với những xứ họ ở Miền Bắc, thời kỳ khởi sắc về kinh tế chưa dài, nền kinh tế Miền Bắc sau bao năm kiệt quệ, đời sống các vùng thôn quê chủ yếu là nông nghiệp một nắng hai sương và hiệu quả không cao. Rất nhiều nơi người dân đã phải bỏ ruộng vườn để ra thành phố kiếm sống bằng đủ các thứ nghề khác nhau. Do vậy để xây dựng một ngôi Thánh đường với chi phí hàng chục tỷ đồng, không phải là chuyện một sớm một chiều đơn giản.

Bởi nếu như chùa chiền được các đại gia đầu tư vào đó rồi thu tiền bằng mọi cách, theo cái gọi là “Du lịch tâm linh” nhưng thực chất là kinh doanh Phật giáo rất hiệu quả. Thì ngược lại, nhà thờ không phải là nơi có thể kinh doanh kiếm tiền. Tất cả mọi công sức, đóng góp vào đó, chỉ là tinh thần yêu mến Giáo hội cũng như sự hy sinh của mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Do đó không dễ dàng để có đủ kinh phí trong điều kiện khó khăn của mỗi người và toàn xã hội.

Trong khi đó, nhu cầu thì cấp bách và rất lớn. Và những vấn đề mới xuất hiện.

Nhiều giáo xứ, giáo họ đã vận động được sự giúp đỡ của nhiều ân nhân ở nước ngoài, những người đã bỏ xứ ra đi, nay có điều kiện vẫn luôn hướng về quê hương, về đất nước đã không ngại dâng cúng những khoản tiền để góp phần xây dựng Thánh đường nơi quê hương.

Nhiều vị linh mục, giáo dân đã phải cất bước ra đi, nhiều khi chịu nhục nhằn, đau khổ trong ánh nhìn, trong sự thiếu cảm thông của những người khi họ đến nhờ vả những việc chung. Thật cảm phục sự hy sinh của họ và những người đã vô tư khi giúp đỡ trong việc xây dựng các công trình của giáo hội.

Thế nhưng, không phải giáo xứ nào, giáo họ nào cũng có may mắn có được những ân nhân có điều kiện về kinh tế. Có thể nói, vấn đề tài chính cho việc xây dựng lại các ngôi Thánh đường nhiều khi không tỷ lệ với nhu cầu của giáo dân, và đó cũng là đầu mối gây nhiều bất hòa, gây mâu thuẫn nhiều nhất.

Trong khi đó, việc quản lý, xây dựng các công trình tôn giáo ở Việt Nam không như ở nước ngoài. Hầu hết mọi việc trong Giáo xứ từ lớn đến nhỏ đều do một tay cha xứ đảm nhiệm, kể cả xây cất và quản lý tiền bạc.

Cha xứ hết sức được sự tôn trọng của giáo dân. Sự tôn trọng này nhiều khi thái quá. Giữa một vùng dân đen ít học, cha xứ luôn đúng, luôn hiểu hết mọi thứ và mọi thứ phải theo ý cha xứ. Câu Kinh Tin Kính được sửa chữa lại “Tôi tin kính có một cha xứ là cha toàn năng” thật đúng với giáo hội miền Bắc những năm qua.

Khổ nỗi, cha xứ không được đào tạo về vấn đề quản trị, kinh doanh cũng như quản lý tiền nong hay kỹ thuật xây dựng. Do vậy nhiều khi để xây dựng một công trình đã xảy ra biết bao nhiêu vấn đề lãng phí thất thoát không đáng có cũng như những sự dự trù, tiên lượng không thể đáp ứng thực tế.

Tôi đã chứng kiến những hoàn cảnh bi đát khi xây dựng một ngôi nhà thờ ở một Giáo xứ. Cha xứ đã quyết định xây dựng một công trình đồ sộ và lớn lao vượt sức giáo dân tại đó. Thời kỳ đó, các công trình ở miền Trung thường do giáo dân tự lập. Còn ở miền Bắc, công trình được giao cho nhà thầu. Tệ hại là nhà thờ được giao cho một công ty nhà nước, ban quản lý lại là những giáo dân được bầu ra, không có khả năng và trình độ dưới sự điều hành của cha xứ.

Thế là công ty nhà nước tha hồ vẽ ra dự toán, kinh phí đội lên khủng khiếp mà không thể đáp ứng. Trước tình hình đó, cha xứ lại đi vay nóng để xây nhà thờ. Kết quả là vỡ nợ, cha xứ phải bỏ đi lang thang xin tiền khắp nơi như trốn nợ đến tận mấy năm sau.

Thật là bi đát và là bài học nhớ đời.

Nhiều giáo xứ, kêu gọi giáo dân đóng góp cũng chỉ có mức độ khi mà giáo dân còn kiệt quệ về kinh tế, nhiều khi nảy sinh mâu thuẫn, sự phân bì tị nạnh giữa giáo dân. Nhiều khi những việc quyên góp đã trở thành nghĩa vụ, đã trở nên phản cảm và hầu như không thể đủ cho việc làm thật lớn, thật nhanh.

Và khi đã khởi công, đã bắt đầu một công trình để đời mà không thể nhanh chóng, không thể thực hiện được, thì người ta vận dụng nhiều cách, nhiều kiểu để huy động.

Ngay ở Giáo phận Bùi Chu, đã có thời người dân bàn tán khắp nơi về việc các giáo xứ cứ nộp 300 triệu đồng là được nâng lên Đền Thánh, mục đích là để huy động cho đủ số tiền huy động xây dựng các công trình ở đây dang dở.

Quan sát những điều vừa nói, người ta thấy rằng những câu chuyện của thế kỷ 16 khi xây đền thờ Thánh Phê rô và cuộc ly giáo đau đớn trong Giáo hội Công giáo trong lịch sử là điều không khó hiểu lắm.

Thế rồi xuất hiện những tầng lớp “Đại gia” tài trợ ngay trong nước.

Có lẽ cùng cần nói thêm rằng: Ở Việt Nam, trong tình cảnh thời buổi này, để làm ăn kiếm sống chân chính đã là điều không đơn giản với mọi người dân, chưa nói đến chuyện làm giàu.

Để có thể làm giàu được, sẽ rất nhiều câu chuyện đằng sau đó, về luật pháp và đạo đức. Nhưng, đa số các “đại gia” hình thành và phát triển được nhanh chóng về kinh tế, hẳn nhiên phải có sự hợp tác chặt chẽ của quan chức công quyền.

Họ có thể làm sân sau cho quan chức nào đó, họ có thể dựa uy một nhân vật nào đó, hoặc thể chế cộng sản để làm giàu nhanh chóng bằng những dự án tiền dân rồi rút ruột chia nhau. Bởi hệ thống quan chức Việt Nam thì vẫn nổi tiếng tham nhũng vô độ. Bất cứ ai, nếu đủ độ trung thành, kín đáo và có thể hợp tác, thì quan chức sẵn sàng biến thành các sân sau cho họ. Thậm chí, nhiều đại gia sẵn sàng giúp nhà nước trong mối quan hệ với Giáo hội. Hẳn nhiên cần phải lưu ý rằng, đó là những mối quan hệ mà bất cứ khi nào, thì các Chức sắc thuộc giáo hội vẫn là bên thua cuộc.

Và tầng lớp “Đại gia” đó đã có những khi khuynh đảo cả nhiều nơi trong Giáo hội sau khi bỏ một phần những đồng tiền kiếm được trong quá trình hợp tác làm ăn với quan chức. Thậm chí có những “đại gia” học hành chẳng mấy, cũng chẳng tham gia bất cứ chức việc nào trong Giáo hội, nhưng có thể tuyên bố trước các linh mục rằng: “Nếu cần, có thể gọi ngay Đức Giám mục đến đây bất cứ lúc nào”.

Mỗi khi có những dự án liên quan đến đất đai hay khó khăn với giáo dân trong các dự án, những nhà thầu có gốc Công giáo được ưu tiên số 1. Ở đó,

Những đồng tiền mà ai cũng biết rõ ràng từ rút ruột dự án, từ nhiều sự việc bất minh giữa các nhà thầu, các doanh nhân liên kết với các quan chức lãnh đạo cộng sản, được hào phóng dâng cúng cho các nhà thờ, cho các giáo phận, đã nâng những người đó “lên hàng khanh tướng” trong giáo phận.

Trước mắt giáo dân, họ là những người được nghiễm nhiên hưởng đủ mọi ưu tiên. Nhiều khi chỉ đơn giản là lễ lạt tại nhà riêng, cha mẹ chết, con cái cưới hỏi được làm lễ đồng tế… là những điều chỉ dành cho những gia đình có đóng góp lớn cho giáo hội.

Và qua hàng giáo phẩm rồi đến giáo dân họ trở thành gương mẫu cho các giáo dân noi theo về lối sống, về cách làm ăn. Dù con cái họ đa số không học hành, chỉ giỏi chạy mánh mung, thâm chí nghiện hút, cờ bạc, ăn chơi là số 1.

Và Giáo hội lại bước đi những bước nhiều khi xa rời người nghèo, nhiều khi lạc bước khi mưu cầu về vật chất mà coi nhẹ phần tâm hồn tín hữu.

Thế nên, nhiều khi xây dựng xong ngôi Thánh đường to lớn, thì người ta đã đánh mất hàng ngàn ngôi Thánh đường nhỏ là tâm hồn người Tín hữu  kiên trinh, vững vàng và xác tín đã bao đời nay đối với Thiên Chúa. 

(Còn nữa)

Ngày 22/5/2019

  • J.B Nguyễn Hữu Vinh