You are here

Nhân vụ Nhà thờ Bùi Chu: Những bất cập trong việc xây dựng công trình Công giáo - Phần 1

Ảnh của nguyenhuuvinh

Thánh đường hơn trăm tuổi sắp bị đập bỏ để xây lại

Gần đây, trên các phương tiện truyền thông Việt Nam và quốc tế, nói nhiều đến nguy cơ Nhà thờ Bùi Chu, một ngôi nhà thờ với lịch sử cả trăm năm sắp bị phá bỏ để xây dựng lại.

Sau khi báo chí ồn ào, một bức thư ngỏ của Tòa Giám mục Bùi Chu được đưa lên mạng Internet kêu gọi sự giúp đỡ để đại tu nhà thờ Bùi Chu vì thời gian sử dụng đã lâu nay xuống cấp trầm trọng. Thế nhưng, người ta lại nhận được thông tin rằng, cái gọi là “Đại tu” ở đây thực chất lại là đập bỏ hoàn toàn để xây dựng mới theo mô hình cũ.

Trước những thông tin đó, nhiều người đã có những ý kiến khác nhau và những hành động khác nhau tùy theo sự suy nghĩ và hiểu biết của họ.

Cần ghi nhận rằng, đó là những ý kiến với tinh thần xây dựng và có thiện chí với một ngôi nhà thờ mang nét văn hóa Công giáo kể từ những ngày đầu phôi thai và quá trình phát triển của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam.

Người ta xót xa, khi một chiều dày lịch sử của giáo hội, của dân tộc sẽ bị phá bỏ để xây dựng mới. Dù có xây dựng lớn hơn, hiện đại hơn, dù theo mô hình cũ, thì điều đó cũng không có giá trị bảo tồn như giá trị của ngôi Thánh đường vốn có.

Ngôi Thánh đường có tuổi đời gần 1,5 thế kỷ giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ, được xây dựng lên bằng những bàn tay thợ công giáo lành nghề. Không chỉ là một năm, một chục năm mà có được với trình độ công nghệ xây dựng ngày đó, giữa một vùng đất trũng với khí hậu nắng mưa bất chợt, khắc nghiệt và đầy biến động.

Với trình độ, năng lực và đời sống người dân một vùng quê nghèo quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, ngôi nhà thờ đó như là một điển hình của sự hy sinh của biết bao thế hệ cha ông, những tiền nhân đã không tiếc mồ hôi nước mắt, công sức, thời gian và tiền bạc để xây dựng nên công trình lớn lao này. 

Ngôi Thánh đường này được kết tinh bằng xương máu, công sức mồ hôi nước mắt của giáo dân, từ bữa ăn của em bé bớt đi một miếng, từ bữa chợ của bà nông dân bớt đi một bó rau, từ những người thợ, những người có trách nhiệm đã phải “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” không biết bao nhiêu năm, chịu bao nhiêu hy sinh vất vả... tất cả để xây nhà thờ phụng sự Chúa.

 

Với 1,5 thế kỷ đứng đó, ngôi nhà thờ này đã là niềm tự hào của biết  bao lớp người, biết bao đời giáo dân tại đây, họ không chỉ tự hào vì đã được đóng góp sức lực, của cải vật chất, mà là sự tự hào về lòng say mê tận hiến bằng tinh thần người giáo dân dâng hiến xây dựng ngôi nhà của Chúa.

Với 1,5 thế kỷ đứng đó, biết bao lớp người đã đến đây để đến với Giáo hội Công giáo, bước chân vào Hội Thánh ngay từ khi lọt lòng mẹ, và cũng từ giã nơi này lần cuối trước khi về với Chúa hưởng Nhan Thánh của Người.

Bao nhiêu lớp người đã khắc rõ trong tâm khảm mình từng vết nứt nẻ  nơi mỗi cây cột, từng miếng bong tróc nơi ngôi Thánh đường mà họ coi quý trọng hơn ngôi nhà của họ.

Với 1,5 thế kỷ tồn tại của mình, ngôi nhà thờ này đã chứng kiến biết bao nhiêu thăng trầm của đời sống người dân, của giáo hội và đất nước. Những ngọn tháp, những cây cột, những nét chạm khắc, phù điêu trong ngôi nhà thờ này, cho đến những viên ngói, mảnh gạch vỡ… Nếu có thể nói được, hoặc nếu chúng ta có thể hiểu được những ngôn ngữ thời gian đã ngấm sâu trong đó, chúng sẽ kể cho chúng ta nghe về những giai đoạn lịch sử đầy máu và nước mắt của giáo dân ở đây cũng như của người dân trong đất nước này qua biết bao biến cố thăng trầm của thời cuộc.

Có lẽ từ năm 1884, khi Đức Giám mục Wenceslao Onate Thuận bắt tay vào xây dựng ngôi Thánh đường khổng lồ này, với điều kiện của giáo dân và giáo hội lúc đó, chắc chắn ngài sẽ không bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày nào đó, ngôi Thánh đường này sẽ bị phá bỏ trong sự ngổn ngang của lòng người như hôm nay.

Cũng có lẽ cả 5 vị Giám mục đã từng cai quản Giáo phận Bùi Chu đang nằm yên nghỉ trong ngôi nhà thờ này, chẳng bao giờ từng nghĩ rằng có ngày mình phải bị đào dậy, bị “hạ giải” để xây cho ngôi mộ mới đẹp hơn.

Vì vậy, khi bỏ đi một công trình như thế, những giáo dân ở đó và cả những người còn biết, còn nhớ và tôn trọng đến văn hóa, lịch sử, ai chẳng thấy xót xa.

Là một người công giáo, chúng ta thấy rõ điều này: Lịch sử 500 năm truyền giáo và phát triển tại đất nước Việt Nam, giáo hội Công giáo đã mang đến và để lại cho đất nước, dân tộc này những nét văn hóa của các nền văn minh khác nhau của loài người được đúc kết qua một quá trình dài chắt lọc và đã tồn tại, khẳng định những giá trị của nó.

Những dấu ấn đó hiện hữu ở chính ngôi nhà thờ, ở những nét kiến trúc Gothich, Baroque hay Roman đưa vào hòa quyện với những nét văn hóa phương Đông của dân tộc Việt từ ngàn đời nay như một nét in đậm vào ý thức của người Việt. Những ngọn tháp cao vút giữa khung cảnh đồng quê đầm ấm, luôn luôn là một niềm tự hào, là sự sưởi ấm những tâm hồn tín hữu Việt bao đời nay.

Qua một thời gian dài, với biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử truyền giáo và phát triển đạo Công giáo tại Việt Nam, Phát Diệm, Bùi Chu không chỉ là một địa danh, không còn là một ngôi nhà thờ của riêng mình. Những cái tên đó, những địa danh đó, đã trở thành máu, thịt, trở thành niềm tự hào của người Công giáo Việt Nam khắp nơi từ trong ra ngoài nước. Bởi nói đến Công giáo Việt Nam, người tín hữu Việt Nam sẽ nhắc đến Bùi Chu, Phát Diệm như một niềm tự hào, dù có những người chưa bao giờ đặt chân đến nơi đây.

Những tác phẩm văn học của nhà nước chống Công giáo mạnh mẽ nhất, cuồng dại và ngu xuẩn nhất, cũng lấy Bùi Chu làm trọng điểm. Những Bão Biển, Giáp Mặt của Chu Văn, “Xung đột”, “Cha và con và…” của Nguyễn Khải. Những “Ngày lễ Thánh” của Bạch Diệp… hầu hết, đều tấn công trực diện vào Công giáo tại Bùi Chu.

Ngôi nhà thờ đã cũ, bị xuống cấp bởi thời tiết khắc nghiệt qua thời gian, nhưng những giá trị tinh thần, những dấu ấn thời gian nó mang trên mình, dần dần đã càng ngày càng dày lên, trở thành những giá trị văn hóa, tinh thần không bao giờ có thể thay thế hoặc lấy lại được nếu để mất đi.

Một ngôi Thánh đường mới hiện đại hơn, to lớn hơn, vững chắc hơn và hoành tráng, tiện nghi hơn chưa hẳn đã có giá trị bằng sự bền vững qua thời gian của ngôi Thánh đường cổ. Bởi giá trị của nó, nhiều khi ẩn sâu đằng sau những sự xù xì, thô nhám, mốc rêu và hoen rỉ trơ trụi của sự vật mà chỉ nhìn bằng mắt thường có thể không thấy bao giờ.

Bởi cuộc sống là vậy, giá trị của con người đâu nằm ở chỗ thân xác anh nặng chỉ 35 kg hay đến 150 kg. Nó cũng không nằm ở chỗ chiếc áo anh mặc là gấm bào hay chỉ là chiếc áo vải của nông dân.

Vì vậy, việc xóa bỏ đi những dấu ấn đó, xóa bỏ đi lịch sử tồn tại của nó, là sự tiếp tay cho việc xóa bỏ dấu vết của Giáo hội Công giáo đã tồn tại ở đất nước này với những chứng nhân của lịch sử. Và điều này ai là người muốn nhất?

Hẳn nhiên, bằng cảm xúc của mình, nhiều người nêu ý kiến phản đối có, giận dữ có, thậm chí có nhiều ý kiến hết sức nặng nề.

Một số báo chí đã có những bài viết kêu gọi bảo tồn nét văn hóa của ngôi nhà thờ đã có lịch sử gần 150 năm xây dựng và tồn tại này. Thậm chí, hơn 20 kiến trúc sư và các nhà bảo tồn di sản đã gửi đơn đề nghị chính phủ Việt Nam cứu xét tạm dừng phá bỏ nhà thờ Bùi Chu vì đây cần được xem là công trình di sản quốc gia.

Phải thừa nhận rằng, đó là một thiện ý của những người ngay lành không nỡ nhìn một công trình văn hóa có giá trị lịch sử như vậy bị phá hoại.

Thế nhưng, rất nhiều người đã không thể hiểu và nhiều khi cách nghĩ chưa đúng với thực tế đời sống tôn giáo hiện nay tại Việt Nam.

Tấm lòng của giáo dân

Thuở nhỏ, khi bố tôi thiết kế Nhà thờ Chính Tòa Giáo phận Vinh năm 1976, tôi đã hiểu được phần nào những khấp khởi, những lo lắng và nỗi vui mừng ra sao của từng giáo dân trong giáo phận. Khi ông giúp thiết kế một ngôi nhà thờ nhỏ của một giáo họ, tôi đã đến và chứng kiến những gia đình giáo dân, ngày mai đổ bê tông mái nhà mình, vẫn sẵn sàng rút luôn cốt thép để đưa ra làm cho xong phần nhà thờ trước đã.

Khi lớn lên, tôi cũng đã từng thiết kế một số nhà thờ ở các Giáo phận, đã tiếp xúc rất nhiều vấn đề đặt ra khi mà những ngôi Thánh đường khắp miền Bắc đều đã trải qua một thời gian dài và xuống cấp, sụp đổ cũng như quy mô không thể đáp ứng được nhu cầu phụng tự. Tôi hiểu rằng, nhu cầu và mong ước của mọi giáo dân được đóng góp, được xây dựng lại ngôi Thánh đường lớn đến mức nào.

Có thể nói không ngoa rằng, niềm ao ước đó, nhiều khi còn lớn hơn cả việc xây cho gia đình mình một ngôi nhà mới. Có thể thời nay, ít ai hiểu rằng những năm 90 của thế kỷ trước, có những người đã sáng đi làm nhà thờ, trưa tối về ăn cơm nhà, mọi việc đời sống gia đình phó mặc cho vợ con suốt hơn 10 năm trời đằng đẵng mà họ không hề kêu than nửa lời.

Tôi đã từng thấy có những giáo họ, chỉ dăm bảy gia đình, cũng làm bằng xong một ngôi nhà nguyện với tất cả sự hân hoan. Cũng đã từng thấy những giáo họ mà các gia đình thay nhau nấu cơm nuôi thợ làm nhà thờ hết tháng này qua tháng khác. Những cô gái, những chàng trai sẵn sàng bỏ hết mọi việc để lên đường lấy củi, làm gạch, chặt cây, đào đất… bất cứ lúc nào cần để xây dựng ngôi Thánh đường của một họ nhỏ.

Bởi được xây dựng ngôi nhà Chúa, không chỉ là một nhiệm vụ của giáo dân mà là vinh dự, một niềm tự hào của các tín hữu và gia đình họ.

Nói lên điều đó, để hiểu rằng, với giáo dân, việc có một công trình của Giáo hội, có ý nghĩa lớn lao biết nhường nào.

Thế nhưng!

Điều khó lý giải cho những người dân ở Miền Nam và hải ngoại cũng như nhiều người khác nếu họ không tìm hiểu cách sâu sắc lý do vì sao người giáo dân Miền Bắc lại nổi lên phong trào xây dựng lại nhà thờ một cách rầm rộ và nô nức đến thế.

Bởi họ có thể chưa trải qua và chưa hiểu được điều kiện đời sống tôn giáo ở miền Bắc Việt Nam thời kỳ qua.

(Còn nữa)

Ngày 7 tháng 5 năm 2019

J.B Nguyễn Hữu Vinh