You are here

Hỏi và Đáp về Phong trào Dân chủ (Bài 18)

Ảnh của nguyenvubinh

     Câu hỏi: Xin hỏi Phong trào Dân chủ đã có sự chuẩn bị nào về việc xây dựng thể chế dân chủ cho giai đoạn hậu cộng sản ở Việt Nam?

     Trả lời: Có rất nhiều đảng phái, hội nhóm thậm chí cá nhân đã nghĩ và chuẩn bị cho việc này. Có tổ chức đã chuẩn bị cả hiến pháp mới, và những vấn đề cần thiết cho việc xây dựng chế độ xã hội mới trong tương lai.

     Câu hỏi: Có tổ chức, hội nhóm nào đưa ra được thiết kế dân chủ cho đất nước đáng chú ý, đáng để xem xét hay không?

     Trả lời: Có. Đó là nhóm Nghiên cứu Thể chế, đề xuất một cách tiếp cận mới trong việc xây dựng thể chế dân chủ trong tương lai. Nhóm này đưa ra cách tiếp cận mới trong xây dựng thể chế dân chủ dựa trên việc trả lời các câu hỏi rất hóc búa nhưng lại rất sát thực tế sau đây.

     Câu hỏi 1: Tại sao trên thế giới có khoảng 150 quốc gia có thể chế dân chủ, mà chỉ có chưa đầy 30 quốc gia (bao gồm Mỹ, Tây Âu, Nhật, Úc và mới đây là Đài Loan, Hàn Quốc...) là người dân thực sự được tự do. Còn lại, hơn 120 quốc gia cũng có thể chế dân chủ, ví dụ Mê-hi-cô, Thái Lan, Nga, In donexia... người dân lại không có được tự do? Những nước này thường chỉ được gọi là có dân chủ trong tuyển cử.

       Câu hỏi 2: Khi các chế độ độc tài sụp đổ, ví dụ Ai Cập, Tuy-ni-di... nếu có một cuộc khảo sát với người dân ở các quốc gia này: tự do là gì, nhân quyền bao gồm những quyền gì? như thế nào? Dân chủ là gì?... thì có bao nhiêu phần trăm người dân biết, hiểu được những khái niệm đó? Vậy mà, tất cả các nhà khoa học chính trị, các nhà chính trị học đều nói rằng, người dân  là chủ thể tham gia xây dựng nên thể chế dân chủ để bảo đảm tự do và lợi ích của chính người dân?!? Như vậy, có sự lệch pha trong nhận thức của người dân và việc tham gia xây dựng thể chế dân chủ, việc xây dựng thể chế dân chủ có thực sự bảo đảm tự do và lợi ích của người dân hay không?

       Câu hỏi 3: Trên thế giới hiện nay đã có định nghĩa, khái niệm chung, thống nhất về dân chủ hay chưa? Nếu có thì đó là định nghĩa nào? Được biết, hiện nay trên thế giới chưa có khái niệm, định nghĩa chung, thống nhất về dân chủ. Có tài liệu nói rằng, tính đến những năm 60 của thế kỷ XX, đã có trên 500 định nghĩa về dân chủ. Từ những năm đó tới hiện nay, tức là hơn 50 năm sau, thì có thêm bao nhiêu định nghĩa nữa về dân chủ? Tại sao lại như vậy, nếu không có định nghĩa chung, khái niệm thống nhất thì liệu có phải chưa có sự thống nhất về bản chất của dân chủ hay không?

     Câu hỏi: Như vậy, cốt lõi của cách tiếp cận mới, cách thức xây dựng thể chế dân chủ của nhóm Nghiên cứu Thể chế là gì?

     Trả lời: Nhóm Nghiên cứu Thể chế đã đưa ra khái niệm cô đọng về dân chủ. Dân chủ là phương thức tổ chức xã hội bảo đảm cao nhất các quyền con người và khả năng tự bảo vệ các quyền con người của mỗi cá nhân. Nhóm Nghiên cứu Thể chế cũng chỉ ra rằng:

     - Thứ nhất, việc xây dựng thể chế dân chủ trên thế giới hiện nay chưa gắn kết được mục tiêu tối thượng bảo đảm các quyền con người và khả năng tự bảo vệ các quyền con người của mỗi cá nhân. Nói cách khác, những lý thuyết về dân chủ cũng như việc xây dựng thể chế dân chủ hiện nay trên thế giới chưa xác định và chỉ ra được định chế nào trực tiếp bảo đảm các quyền con người và khả năng tự bảo vệ các quyền con người của mỗi cá nhân? Chỉ có xác định được định chế trực tiếp và cốt lõi này, và xây dựng thể chế dân chủ tập trung và xoay quanh định chế cốt lõi đó mới bảo đảm được tự do cho cá nhân con người. Và nhóm Nghiên cứu Thể chế đã đưa ra định chế cốt lõi bảo đảm và bảo vệ các quyền con người, đó chính là định chế về Tòa án Nhân quyền.

     - Thứ hai, cách thức xây dựng thể chế dân chủ, các bước tiến hành và thời gian chuẩn bị cho việc xây dựng thể chế dân chủ hiện nay trên thế giới chưa đúng đắn, chưa chuẩn xác để bảo đảm xây dựng thành công một chế độ dân chủ. Nhóm Nghiên cứu Thể chế đề xuất thời gian chuẩn bị cho việc xây dựng thể chế dân chủ là 2-3 năm, với hai công tác chính. Đó là trang bị kiến thức về nhân quyền, tự do và dân chủ cho toàn thể nhân dân và xây dựng định chế miễn phí  cho người dân trong việc bảo vệ quyền con người tại các tòa án nhân quyền.

     Câu hỏi: Định chế Tòa án Nhân quyền ở tất cả các cấp là định chế cốt lõi trong thể chế dân chủ tại sao lại bảo đảm thành công của thể chế dân chủ, chế độ dân chủ ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới?

     Trả lời: Bởi vì định chế đó bảo đảm và bảo vệ trực tiếp, miễn phí các quyền con người của mỗi cá nhân, hay nói cách khác, bảo đảm và bảo vệ tự do của con người. Một thể chế, một chế độ dân chủ bảo đảm và bảo vệ được tự do của con người thì chắc chắn thể chế, chế độ đó sẽ thành công./.

Hà Nội, ngày 17 /02/2019

N.V.B