You are here

Hỏi và Đáp về Phong trào Dân chủ (Bài 17)

Ảnh của nguyenvubinh

     Câu hỏi: Xã hội dân sự là gì? Ý nghĩa của xã hội dân sự ở Việt Nam?

     Trả lời: Xã hội dân sự là thuật ngữ để chỉ tổng thể các tổ chức xã hội và dân sự tự nguyện mà các tổ chức này tạo nên cơ sở của một xã hội tự vận hành, khác với các cấu trúc quyền lực của một nhà nước (bất kể hệ thống chính trị của nhà nước này thuộc kiểu gì) và các thể chế thương mại của thị trường. Hiểu theo cách khác, đó là sự giúp đỡ tự nguyện lẫn nhau của người dân bên ngoài cấu trúc nhà nước và thị trường. Đối với Việt nam, đây là lĩnh vực cực kỳ cần thiết vì hoàn cảnh và mức sống của người dân. Tuy nhiên, đó lại là lĩnh vực nhà cầm quyền ngăn chặn và phá hoại sự kết nối và giúp đỡ lẫn nhau của người dân.

     Câu hỏi: Tại sao nhà cầm quyền lại ngăn chặn và phá hoại sự kết nối và giúp đỡ lẫn nhau của người dân, của xã hội dân sự?

     Trả lời: Có những lý do sau, thứ nhất, do bản chất thống trị nhân dân, nhà cầm quyền không muốn người dân thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Người dân càng thờ ơ, vô cảm với nhau nhà cầm quyền càng dễ duy trì sự thống trị. Thứ hai, nhà cầm quyền luôn nghi ngờ sự kết nối của người dân sẽ dẫn tới những việc người dân hợp tác để chống lại sự độc tài toàn trị của họ. Cuối cùng, có nhiều địa phương, lãnh đạo muốn trục lợi trong các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, nên không muốn có sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức xã hội đối với người dân nghèo khổ.

     Câu hỏi: Xin hỏi về bối cảnh ra đời của các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam?

     Trả lời: Thời gian từ cuối năm 2007 trở đi, ở Việt Nam  đã xuất hiện sự phản kháng đối với sự o ép, vi phạm và xâm lấn lãnh hải, lãnh thổ của Trung Quốc, đã diễn ra các cuộc biểu tình của người dân tại Hà Nội và Sài Gòn. Sau đó, sự o ép, xâm lấn lãnh thổ lãnh hải không giảm mà còn ngày càng gia tăng, chính vì vậy các cuộc biểu tình, phản đối của người dân càng diễn ra với mật độ dày, và sôi động hơn. Ban đầu, các hoạt động biểu tình chưa bị nhà cầm quyền đàn áp nhiều, nhưng càng về sau, nhà cầm quyền càng đàn áp người dân biểu lộ sự phản kháng, phẫn nộ với Trung Quốc nhiều hơn và khốc liệt hơn. Trong bối cảnh đó, những người Việt Nam yêu nước, những người phản đối các hành động xâm lấn lãnh thổ, lãnh hải của Trung Quốc đối với Việt Nam đã tập hợp nhau lại thành một nhóm có tên gọi FC No-U, mục tiêu phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc, bằng nhiều hoạt động trong đó có hoạt động thường xuyên là tổ chức giao lưu đá bóng vào các buổi chiều chủ nhật hàng tuần. Như vậy, xuất phát từ những hoạt động dân sinh, yêu nước, phản đối Trung Quốc bảo vệ chủ quyền biển đảo, người dân đã lập ra những nhóm, hội tự nguyện của mình mà không cần xin phép nhà cầm quyền Việt Nam.

     Chúng ta cũng cần đề cập tới một phương diện lớn của đời sống xã hội, đó là sự bùng nổ của hệ thống Internet, nhất là mạng xã hội facebooks đã xé tan bức màn bưng bít, đưa thông tin, đưa sự thật đến với người dân, thúc đẩy nhận thức của hàng triệu người dân. Từ những nhận thức đó, bao hàm cả những hiểu biết về quyền con người, quyền công dân, rất nhiều người dân đã đứng lên đòi quyền lợi, tham gia vào trào lưu tiến bộ của xã hội và đất nước. Trong các hoạt động của mình, giới hạn bởi các mục tiêu dân sinh, họ đã tìm tới nhau để lập ra các hội, nhóm, chia sẻ hiểu biết, chia sẻ tình yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau và giúp đỡ người dân. Đó chính là những bối cảnh ra đời của các tổ chức XHDS Việt Nam trong thời gian qua.

     Câu hỏi: Việt Nam đã có những tổ chức xã hội dân sự nào, và hoạt động ra sao?

     Trả lời: Trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến 2015, đã có nhiều tổ chức XHDS ra đời. Các tổ chức XHDS ở Việt Nam có quy mô rất đa dạng, phong phú. Có tổ chức chỉ có 2-3 người, nhưng có tổ chức theo thống kê số lượng tham gia vòng ngoài, tức là phạm vi rộng nhất của tổ chức lên tới hơn 2000 người (Hội AEDC). Nhưng quy mô trung bình của các tổ chức thường là từ 20-50 người và có thêm các cộng tác viên. Về hình thức tổ chức, có những tổ chức rất lỏng lẻo, nhưng có những tổ chức lại có kết cấu rất chặt chẽ. Có tổ chức việc tham gia, thậm chí hoạt động rất đơn giản, nhưng cũng có tổ chức việc tham gia được kiểm soát rất chặt chẽ. Một vấn đề nữa là vấn đề đóng, mở của các hội, nhóm. Có hội nhóm có tính chất nghề nghiệp, ví dụ như Hội Giáo chức Chu Văn An, chỉ kết nạp những giáo viên. Có nhưng hội nhóm chỉ có một số lượng người nhất định là tham gia được, ví dụ như Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm. Nhưng phần lớn các hội là hội mở, tức là số lượng người tham gia đa thành phần và không hạn chế số lượng.

     Số lượng các tổ chức XHDS ở Việt Nam tương đối được nhiều người biết tới khoảng trên 20. Đó là các tổ chức như Con Đường Việt Nam, Hội Anh Em Dân Chủ, Mạng lưới Blogger Việt Nam, Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm, Lao Động Việt, Phụ Nữ Nhân Quyền; Các tổ chức XHDS có tính chất nghề nghiệp: Văn Đoàn Độc Lập, Hội Nhà Báo Độc Lập, Hội Giáo Chức Chu Văn An... Các tổ chức XHDS có tính chất thiện nguyện: Hội Bầu Bí Tương Thân, trước đây có nhóm Cứu Lấy dân Oan, sau chia tách thành hai nhóm (Vì Ngày Mai Tươi Sáng và nhóm Mai infor); Các tổ chức XHDS là kết quả của những phản kháng trực tiếp: nhóm FC NO-U, nhóm Vì Hà Nội Xanh, vv... Các nhóm Dân Oan: Dân Oan Dương Nội, Dân Oan Ba Miền...

     Trong thời gian từ 2013 đến 2017, hoạt động của các tổ chức XHDS trên đây rất sôi nổi, và có nhiều hiệu quả. Đến năm 2017, sau những đợt khủng bố, đàn áp bắt bớ kinh hoàng của nhà cầm quyền, hoạt động của các tổ chức này đã trầm lắng. Đến nay, rất ít hội nhóm còn hoạt động đúng bài bản và hiệu quả như giai đoạn trước./.

Hà Nội, ngày 16 /02/2019

N.V.B