You are here

Hỏi và Đáp về Phong trào Dân chủ (bài 12)

Ảnh của nguyenvubinh

     Câu hỏi: Biểu tình là gì? Tại sao người dân lại biểu tình?

     Trả lời: Biểu tình là một hoạt động biểu đạt công khai những ý kiến của cá nhân hoặc nhóm người về một, hoặc một số vấn đề tại một không gian công cộng. Biểu tình là một hoạt động hợp hiến và hết sức thông thường ở xã hội văn minh. Người dân biểu tình để phản đối hoặc ủng hộ quyết định của chính phủ, những việc làm của chính phủ hoặc cá nhân... Người dân biểu tình để tỏ thái độ đồng tình hoặc không đồng tình của mình về một hoặc một số vấn đề.

     Câu hỏi: Người dân Việt Nam có được quyền biểu tình không?

     Trả lời: Có, quyền biểu tình của người dân được quy định trong điều 25, chương II, Hiến pháp Việt Nam 2013 (điều 25, chương II quy định như sau: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định).

     Câu hỏi: Trên thực tế, quyền biểu tình của người dân có được tôn trọng hay không?

     Trả lời: Trên thực tế, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không tôn trọng quyền được biểu tình của người dân. Nhà cầm quyền lấy lý do chưa có luật về biểu tình nên người dân chưa được phép biểu tình. Họ dựa vào mệnh đề: “việc thực hiện các quyền này do luật pháp quy định”. Nhưng như vậy, nhà cầm quyền đã sai ở hai điểm khi không cho người dân thực hiện quyền biểu tình. Thứ nhất, chưa có luật thì có nghĩa là chưa có hạn chế, bởi không thể dùng cái chưa có để hạn chế thực tại. Chúng ta cần hiểu và khẳng định rằng: không thể bắt cuộc sống dừng lại, để đợi đến khi cơ quan lập pháp ban hành đủ luật. Như vậy, khi không (hoặc chưa) có luật nào quy định cụ thể hơn về việc biểu tình, thì có nghĩa là pháp luật không (hoặc chưa) có hạn chế nào cả, và công dân hoàn toàn có quyền biểu tình, như Hiến pháp cho phép. Thứ hai, chưa có luật và có luật mà trái với hiến pháp, thì phải thực hiện theo hiến pháp. Có nghĩa là người dân đương nhiên có quyền, được thực hiện quyền biểu tình quy định trong hiến pháp. Hiến pháp là bộ luật cao nhất, có ý nghĩa quyết định sau cùng.

     Câu hỏi: Thực tế ở Việt Nam có biểu tình chưa? Nếu có thì nhiều hay ít, diễn ra như thế nào?

     Trả lời: Trong thực tế, ở Việt Nam trước đây hầu như không có biểu tình. Chỉ có các cuộc xuống đường của các thành phần dân chúng mà nhà cầm quyền Việt Nam huy động để ủng hộ hoặc phản đối một hành động, sự việc hay cuộc chiến tranh trên thế giới. Những cuộc xuống đường này không thể gọi là biểu tình được, vì không xuất phát từ nhu cầu và nguyện vọng của những người tham gia. Ở Việt Nam, cuộc biều tình chính thức dưới chế độ cộng sản, được biết đến trong thời gian gần đây, đó là vào ngày 09/12/2007. Đã có hàng ngàn người ở Hà Nội và Sài Gòn xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc về vấn đề biển Đông. Sau đó, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc rải rác xuất hiện vào các năm 2008, 2009 và 2010. Đến năm 2011 thì các cuộc biểu tình được tổ chức quy mô và mật độ dày hơn, số người tham gia ngày một tăng lên.

     Câu hỏi: Nhà cầm quyền đã phản ứng, đối xử với các cuộc biểu tình của người dân như thế nào?

     Trả lời: Về cơ bản, nhà cầm quyền đàn áp các cuộc biểu tình. Chỉ có một số ít các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông mà nhà cầm quyền cần lợi dụng để tỏ thái độ với Trung Quốc được diễn ra êm thấm, không có đàn áp, sách nhiễu. Những cuộc biểu tình phản đối chặt hạ cây xanh ở Sài Gòn, Hà Nội, những cuộc biểu tình phản đối Formosa làm chết biển miền trung, những cuộc biểu tình phản đối chủ trương, chính sách và các quyết định của nhà cầm quyền bị đàn áp nặng nề. Người dân bị bắt vào đồn công an, bị đánh đập, bị bắt giam và truy tố...

     Câu hỏi: Có cuộc biểu tình nào đã diễn ra có sự tham gia đông đảo của người dân hay chưa? Có cuộc biểu tình nào ghi được dấu ấn và đáng được ca ngợi hay chưa?

     Trả lời: Có hai cuộc biểu tình diễn ra có sự tham gia đông đảo của người dân. Đó là cuộc biểu tình chống Formosa, bảo vệ môi trường biển miền trung ngày 01/5/2016. Đã có hàng ngàn người ở Hà Nội và Sài Gòn tham gia. Cuộc biểu tình thứ hai, đó là cuộc Tổng biểu tình ngày 10/6/2018, đã có hàng chục ngàn người tham gia ở trên 10 tỉnh, thành trong cả nước.

     Cuộc Tổng biểu tình ngày 10/6, phản đối Dự luật Đặc khu và luật An ninh mạng là cuộc biểu tình có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Số lượng hàng chục ngàn người tham gia, trải trên 10 tỉnh, thành cả nước. Cuộc Tổng biểu tình này làm chấn động chế độ cộng sản Việt Nam, đã là nguyên nhân chính khiến nhà cầm quyền phải rút Dự luật Đặc khu ra khỏi nghị trình họp quốc hội, và chưa biết có thông qua quốc hội nữa hay không. Đã có hàng trăm người bị bắt và trên 100 bị truy tố liên quan tới cuộc Tổng biểu tình ngày 10/6 vừa qua./.

Hà Nội, ngày 17/01/2019

N.V.B