You are here

VIỆT NAM LÀM GÌ TRƯỚC CUỘC SO GĂNG TRUNG-MỸ(PHƯƠNG TÂY)? (Phần 4)

VIỆT NAM PHẢI CHỌN

 

Câu hỏi đầu tiên đặt ra là liệu Việt Nam có thể đứng bên lề cuộc so găng lịch sử này với một tư thế trung lập được không? Khả năng cao là không. Việt Nam là một nước nhỏ yếu nằm ở vị trí trung tâm của đấu trường so găng là khu vực Biển Đông, mà đã nhỏ yếu thì khó thoát vòng chi phối của các siêu cường mỗi khi họ đụng độ. ‘Các nước Đông Nam Á có thể bị buộc phải chọn một trong hai’[7], lời phát biểu mới tháng trước của Lý Hiển Long tuy ngắn gọn nhưng đủ cho thấy đảo quốc này, nhờ đứng chân trên một di sản và kinh nghiệm ngoại giao phong phú, đã thấu hiểu thời cuộc ra sao. 

 

Nghĩa là, dù Việt Nam có muốn hay không thì các siêu cường cũng sẽ tính toán trên lưng các nước nhỏ như Việt Nam, thế thì chi bằng Việt Nam chọn lựa vị trí của mình trước, ít ra cũng chiếm được đôi chút thế chủ động. 

 

Tuy đáng lo ngại khi lịch sử chứa đầy các ví dụ cho thấy nước nhỏ, gồm cả Việt Nam, đã trở thành chiến trường ủy nhiệm của các siêu cường ra sao, nhưng lịch sử đồng thời cũng cho thấy các quốc gia chậm tiến chỉ có thể phát triển vượt bậc nhờ khéo léo khai thác mâu thuẫn giữa các siêu cường như thế nào. Nếu Nhật Bản nương vào cuộc tranh giành thuộc địa giữa các thực dân Tây phương thì Hàn Quốc tận dụng mâu thuẫn Chiến tranh Lạnh, nếu Đài Loan khai thác thù địch Mỹ-Trung thì chính Trung Quốc sau đó lại chủ động khoét sâu mâu thuẫn Mỹ-Nga Sô (mà việc xâm lược Việt Nam năm 1979 là một phần trong kế hoạch đó) - tất cả đều là để tìm cơ hội phát triển và hiện đại hóa quốc gia. 

 

Vì sao lại thế? Vì chỉ khi đụng độ lớn các siêu cường mới sẵn sàng hỗ trợ hết mình cho đồng minh nhược tiểu nhằm phục vụ cho lợi ích của chính các siêu cường. Bên cạnh đó, vì nhu cầu chứng minh mô hình phát triển của mình là tốt nhất, sự hỗ trợ của các siêu cường cũng mang tính toàn diện, không chỉ gói gọn trong lãnh vực quân sự, mà lan rộng ra cả kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục, xã hội.

 

Hiểu như thế để thấy Việt Nam chẳng nên lo ngại cuộc so găng lịch sử này mà trái lại cần hoan nghênh nó như một cơ hội, nếu đã coi phát triển quốc gia là mục tiêu tối thượng. 

 

Cũng có nghĩa là, câu hỏi bây giờ không phải là có chọn phe hay không, mà là phải chọn phe nào?

---

[7]https://www.bloomberg.com/amp/news/articles/2018-11-15/singapore-fears-asean-may-need-to-choose-between-u-s-china