You are here

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Đường Văn Cao & Viện Khổng Tử

Ảnh của tuongnangtien

Những kẻ đặt Khổng Tử lên bàn thờ, thánh hóa ông chính là những kẻ cầm quyền, hoặc những kẻ muốn nắm quyền. Việc này hoàn toàn không phải là việc của dân chúng bình thường.

Lỗ Tấn

Tháng trước, nhân dịp kỷ niệm 95 năm sinh nhật của nhạc sỹ Văn Cao (15/11/1923 - 15/11/2018) nhà văn Đặng Văn Sinh đã chịu khó viết lại vài đoạn (“ghi chép vụn”) của bạn đồng nghiệp Hoàng Minh Tường, trên trang FB của ông:

 Có chuyện này về cụ Văn Cao, chỉ mình hai bố con tôi chứng kiến – Long Bụi kể – Ấy là cái năm Hội Nhà văn hay Nhạc sỹ Hunggari có giấy mời đích danh Văn Cao sang chơi hay hội thảo gì đó. Tổ chức không muốn cho Văn Cao đi, vì ông thuộc diện văn nghệ sỹ bất hảo, nhưng chưa tìm ra cớ gì ngăn cản. Tối ấy, tôi lai bố Lê Chính cùng bác Văn Cao đi đâu đó. Đến ngã tư Trần Nhân Tông – Mai Hắc Đế, bỗng thấy hai thằng du côn tự nhiên xô vào xe bác Văn, rồi chửi ông và đánh ông túi bụi. Khi ấy tôi đã là một thầy dạy võ, có lò võ riêng. Điên tiết, tôi xông đến, giằng hai thằng côn đồ ra, định dạy cho chúng một bài học. Thấy tôi ra đòn, biết gặp cao thủ, chúng bí quá, liền dí tấm thẻ đỏ vào mặt tôi: “Mày không biết chúng bố là ai, hả? Xéo đi cho các bố làm việc.”

Long Bụi cùng bố vợ, hoạ sỹ Lê Chính, đau đớn đưa nhạc sỹ Văn Cao về nhà phục thuốc. Thế là chuyến đi Hunggari ấy của Văn Cao không thành.

Đọc lại trang ghi chép trên, buồn đến mấy ngày.

Vốn bản tính nông nổi nên tôi không “buồn đến mấy ngày” mà chỉ hơi lăn tăn vài phút, thế thôi, rồi lại khúc khích cười ngay khi chợt nhớ đến một mẩu đối thoại (thú vị) trong trí tưởng của một người cầm bút khác:

 “Tôi thỉnh thoảng dạo phố vẫn hay dừng lại nhìn lên một tên phố mà chuyện trò lặng lẽ với con người ngồi ở trên cái bảng sắt tây dó. Để nghe anh ta giãi bày. Và cũng để anh ta đừng tưởng bở.

Thí dụ Văn Cao, ngày hai lượt ra trung tâm thành phố và về Cầu Giấy, tôi từng có lần hỏi anh: Cậu khỏe không? ... Bây giờ ở trên cao này có thấy sao không?” Thì Văn Cao bảo tôi: “Tao làm nhạc, làm thơ, vẽ, ai hay nay làm diễn viên lên sân khấu đóng vai kịch ca ngợi đảng trọng hiền tài. Mày với tao sống trong cái chăn toàn rận này, mày lạ đ. gì nữa.” (Trần Đĩnh. Đèn Cù II. Westminster, CA: Người Việt, 2014).

Tuy không phải nằm chung “trong cái chăn toàn rận” với nhị vị văn nhân (thượng dẫn) ngày nào cả nhưng tôi cũng chả “lạ đ. gì” với cái trò ma bùn của đám dân Ba Đình, Hà Nội. Họ cũng chỉ học lóm món “võ mèo” này từ “nước bạn láng giềng hữu hảo” thôi nhưng cách chơi của Tầu nổi trội hơn nhiều. Tên Khổng Tử không chỉ được tô vẽ ở Bắc Kinh mà còn có đến vài trăm Viện Khổng Tử  (VKT) khắp nơi “trên toàn thế giới” – theo Theo Wikipedia, tiếng Việt:

Học viện Khổng Tử (giản thể: 孔子学院; phồn thể: 孔子學院; bính âm: kǒngzǐ xuéyuàn; Hán Việt: Khổng Tử học viện; tiếng Anh: Confucius Institute) là hệ thống học viện công phi lợi nhuận, liên kết với bộ giáo dục Trung Quốc, thành lập với mục tiêu quảng bá tiếng Hoa và văn hoá Trung Hoa, giảng dạy tiếng Hoa cho mọi đối tượng trên toàn thế giới đồng thời tạo điều kiện thuận lợi giao lưu văn hóa và truyền bá tư tưởng cũng như văn hoá Nho giáo ra thế giới.”

Nhân loại tuy ngu thật nhưng không ngu mãi nên mấy cái viện thổ tả này đã, và đang, bị bãi bỏ ở khắp mọi nơi. Nhà báo David Volodzko tường thuật:

“Tháng Chín năm 2014, Đại Học Chicago đóng cửa VKT. Qua tháng sau Penn State cũng dẹp luôn, vì ‘thiếu sự minh bạch và tự do đại học.’ Hồi tháng Giêng đầu năm, Đại Học Chicago cũng vậy. In September 2014, the University of Chicago shut down its Confucius Institute. Penn State closed their Confucius Institute the following month, citing a lack of “transparency and academic freedom.” Then in January of this year, Stockholm University closed theirs as well. (“China's Confucius Institutes and the Soft War” The Diplomat July 08, 2015).

Ảnh: viettimes

Từ đó đến nay thêm vô số VKT bị than phiền, kể cả những cáo buộc hoạt động gián điệp như loại ngựa thành Troy (China’s Trojan Horse) hay là “Cơ Quan Tình Báo Của Trung Cộng” và buộc phải đóng cửa:

Ngay ở nước Tầu, Khổng Khâu cũng bị đồng bào của ông nhìn với ánh mắt nghi ngại hay ái ngại:

  • Lý Linh: “Tôi chẳng hứng thú gì khi người ta cắm ngọn cờ Khổng Tử trên toàn thế giới. Khổng Tử không thể cứu Trung Quốc, cũng chẳng thể cứu thế giới.”
  • Lưu Hiểu Ba: “Vị Khổng Tử mà các vua chúa và quần thần ‘phong thánh’ đã đánh mất hoàn toàn mọi mối liên quan với vị Khổng Tử đích thực, và đáng được xem như một món hàng giả vô cùng nguy hiểm.”

Sau khi “món hàng giả” này bị phát hiện, và cái mặt nạ quân tử đã rơi thì Trung Cộng chả còn phải “giữ gìn” hay “e ngại” điều tiếng chi nữa ráo. Họ biến ngay thành bọn tiểu nhân, với cách hành xử “thô bạo, côn đồ” và “vô liêm sỉ” – theo tường trình của Thuỵ Mi, trên trang RFI, vào ngày 22 tháng 11 vừa qua:

“Lần đầu tiên trong lịch sử 20 năm thành lập, hội nghị thượng đỉnh APEC kết thúc hôm Chủ nhật 17/11/2018 đã không ra được thông cáo chung, chỉ vì sự phản đối của một thành viên duy nhất – đó là Trung Quốc. Hội nghị thất bại, nhưng các quan chức Trung Quốc lại vỗ tay vang dội, trước sự ghét bỏ của những nhà ngoại giao các nước khác. Đó là ghi nhận của nhà báo Josh Rogin, được tờ Washington Post gởi đến Papua New Guinea để tường thuật về APEC.

Nhưng đó chỉ là sự cố cuối cùng trong suốt một tuần lễ qua. Đoàn đại biểu chính thức của Trung Quốc đã trình diễn một loạt những màn mà nhà báo Rogin đánh giá là hung hăng, dọa nạt, hoang tưởng và kỳ quặc, nhằm cố gắng khống chế, gây áp lực lên nước chủ nhà cũng như tất cả các thành viên khác, để rốt cuộc họ phải chiều theo yêu cầu của Bắc Kinh...

Tác giả Josh Rogin ... việc Bắc Kinh hành xử theo cung cách làm các nước khác xa lánh - một điều đi ngược lại với quyền lợi của chính Trung Quốc - cho thấy những hành động chính thức của Trung Quốc được kiểm soát từ trên đỉnh xuống, và thường cản trở những quyết định đúng đắn. Ngay cả khi phái đoàn Trung Quốc thấy rằng chiến thuật của mình phản tác dụng, họ cũng không có quyền thay đổi.

Theo tác giả, đó cũng là hình ảnh của chính quyền Trung Quốc ngày nay: ngạo mạn, thiếu tự tin, thiếu kiềm chế, không còn muốn chứng tỏ sẽ tôn trọng các quy định của cộng đồng quốc tế từ nhiều thập niên qua.”

Mã tầm mã, ngưu tầm ngưu. Đối với Việt Cộng thì Trung Cộng vẫn là nước bạn láng giềng hữu hảo – một tấm gương để noi theo – trong tiến trình cùng đưa cả dân tộc đến chỗ diệt vong, lụn bại.