You are here

Các cuộc tấn công của liên quân quốc tế có lật đổ được Gaddafi không?

 
Nhật báo Ba Lan “Gazeta Wyborcza” – Lê Diễn Đức dịch
 
 
Xe tăng của Gaddafi bị Liên quân bắn cháy hôm thứ Bảy - Ảnh: Reuters
 
 
Những quốc gia tham gia lực lượng Liên minh quốc tế từ hôm thứ Bảy đang cố gắng làm suy yếu tiềm năng quân sự của chế độ Muammar Gaddafi, đang có nhận định khác nhau về mục đích tối hậu của sự can thiệp này.
 
Theo Nghị quyết số 1973 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về việc thiết lập khu vực cấm bay trên Libya, nhằm bảo vệ thường dân trước các cuộc tấn công của quân đội Gaddafi. Nhưng điều gì tiếp theo?
 
Ngoại trưởng Ý cho biết, hoạt động quân sự tại Libya sẽ được tiến hành cho đến khi chế độ Gaddafi sụp đổ - “Sự lựa chọn của chúng tôi không thể đảo ngược. Chúng tôi tiếp tục cho đến khi chế độ bị lật đổ” - Franco Frattini nói trong cuộc phỏng vấn với nhật báo Công giáo Ý “Avvenire”.
 
Nhưng vấn đề ở chỗ không phải Roma là chỉ huy tác chiến. Theo Đô đốc Hoa Kỳ Mike Mullen, các mục tiêu được hạn chế. “Không phải là để Gaddafi ra đi” - Mullen đã giải thích trong cuộc phỏng vấn với NBC vào ngày Chủ nhật – “Mặc dù điều này có thể là một trong những hiệu ứng của chiến dịch”. Trên CNN ông xác nhận: - “Tôi không biết tất cả sẽ kết thúc như thế nào từ quan điểm chính trị”.
 
Những người ủng hộ thuyết tự do can thiệp luôn luôn lạc quan nhất. Họ tin rằng, bị loại bỏ không quân, Gaddafi sẽ bất lực và quân nổi dậy sẽ nhanh chóng lật đổ ông ta. Hoặc ông ta sẽ chết trong cuộc không kích này.
 
Các chuyên gia đưa ra những kịch bản khác có thể. “Ngay cả sau khi mất ưu thế trên không, bội thế quân sự vẫn nằm ở phía chế độ Gaddafi” - Daniel McCarthy viết trên tờ “The American Conservative”. “Gaddafi vẫn còn rất nhiều tiền chi cho lính đánh thuê và mua vũ khí mờ ám”.
 
Nhà độc tài được mệnh danh là “con chó điên của Trung Đông” là con người không thể tiên đoán trước. Ông ta có thể có trong kho vũ khí hóa học. Có thể ông ta vẫn còn cắn đau.
 
McCarthy lưu ý rằng vùng cấm bay ở Iraq (được thiết lập sau Chiến tranh vùng Vịnh đầu tiên, năm 2001) trong nhiều năm đã không làm sụp đổ chế độ Saddam Hussein. Tương tự, ở Libya có thể là cái móc sắt mà các cường quốc phương Tây khó gỡ.
 
Gaddafi đang tính đến chuyện này. Trong bài phát biểu hôm Chủ Nhật, ông ta nói rằng Libya sẽ là một Việt Nam tiếp theo cho người Mỹ, một Somalia và Iraq. – “Các vị đã không học được điều gì. Cuối cùng các vị luôn luôn thất bại”- nhà độc tài nổi giận.
 
Với thời gian, những mong muốn về sự can thiệp vào Libya sẽ bay hơi. Hoạt động chỉ mới bắt đầu mà trong liên minh đã rạn nứt - Người đứng đầu Liên đoàn Ả Rập đã chỉ trích các cuộc tấn công gây thương vong cho thường dân. Các cuộc tấn công càng kéo dài, các nạn nhân ngoài ý muốn càng nhiều hơn - ngay cả trong những lần tấn công rất chính xác cũng không thể hoàn toàn tránh được.

“Hoặc là giành thắng lợi nhanh chóng, hoặc cuộc can thiệp sẽ diễn tiến bằng các cuộc tấn công lâu dài, các cuộc chiến đấu đường phố và sự tham gia của lực lượng bộ binh”-  Marc Lynch viết trên “Foreign Policy”. Nhà khoa học chính trị Mỹ dự đoán rằng, với  thời gian, các lực lượng phương Tây có thể bị xem như là đế quốc, không phải là những người giải phóng – giống như tại Iraq.
 
Chiến dịch quân sự quốc tế lớn nhất kể từ cuộc chiến Iraq năm 2003 chắc chắn sẽ phát sinh những điểm tương đồng. Gaddafi thực sự giống như Saddam Hussein. Nhưng cũng nên lưu ý những khác biệt.
 
Các hoạt động quân sự ở Libya mang tính pháp lý mạnh hơn so với cuộc chiến ở Iraq. Người Libya nổi dậy chống lại chế độ, còn liên minh quốc tế chỉ cố gắng đẩy chiến thắng về phía họ.
 
Các lập luận ủng hộ sự can thiệp quân sự ở Libya cũng không trống rỗng như với trường hợp của Iraq. Mặc dù các tính toán chính trị - kinh tế chắc chắn sẽ đóng một vai trò, nhưng trên hết sự can thiệp dựa trên nền tảng nhân đạo.
 
Và cuối cùng, sẽ không bàn đến khả năng đưa bộ binh nước ngoài lên mặt trận Libya. – “Ở đây trong mọi trường hợp không nói gì về một hình thức chiếm đóng” - Đô đốc Mullen khẳng định. Vị Đô đốc nói trên CNN rằng các lực lượng quốc tế muốn Gaddafi rút quân quay trở lại các đồn trú trước đó và ngừng các cuộc tấn công vào thường dân.
 
Điều này hoàn toàn có thể sẽ xảy ra. Libya được chia thành hai khu vực ảnh hưởng: khu vực của quân nổi dậy và khu vực của chế độ. Câu hỏi đặt ra là Gaddafi cầm cự được bao lâu khi không tiếp cận được các mỏ dầu ở phía đông của đất nước (đã thuộc kiểm soát của quân nổi dậy – ND). Và các cường quốc phương Tây sẵn sàng tham gia vào việc bảo vệ những người nổi dậy Libya được bao lâu.■
 
* Bài được dịch từ nguyên bản tiếng Ba Lan, đăng trên nhật báo “Gazeta Wyborcza” ngày 21/03/20110
 
Bản Việt ngữ © 2011 Lê Diễn Đức
 
----------------------------------------------------------------------------
* Đây là blog cá nhân của Lê Diễn Đức. Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của Đài Á châu Tư do RFA

Bài bình luận

Chắc chắn Gaddafi sẽ phải ra đi một khi các lãnh đạo của phương Tây đã đồng ý. Vấn đề là thời gian chín mùi để hành động. Họ chờ đợi thêm vài hành động tội ác nữa được phơi bày lúc đó dứt điểm cũng không muộn. Thế thôi!