You are here

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và ảnh hưởng của nó đối với Việt Nam (gỡ băng cuộc phỏng vấn Live stream chương trình Đối Diện 84) tiếp theo

Ảnh của nguyenvubinh

     ...

     Chị Thanh Tâm: Thanh Tâm đồng ý với nhận định của nhà báo Nguyễn Vũ Bình về tổng thống D.Trump. Theo Thanh Tâm thì những tính cách khó đoán, khó lường của tổng thống D.Trump chính là lợi thế của ông ta trước đối thủ. Thưa nhà báo, hệ thống tuyên truyền của Việt Nam đang lên án chủ nghĩa đơn phương, có nghĩa là việc tổng thống Mỹ gây ra cuộc chiến thương mại thay đổi xu thế đa phương của thế giới. Nhà báo có đồng ý với nhận định này hay không? Và tại sao?

     Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Báo chí ở Việt nam có đang phê phán chủ nghĩa đơn phương đang nổi lên ý nói nước Mỹ đang tấn công Trung Quốc và các nước Xã hội Chủ nghĩa là muốn thiết lập chủ nghĩa đơn phương. Điều này không đúng, tôi không đồng ý quan điểm như vậy. Chúng ta phải hiểu đơn phương với đa phương, bây giờ nó không còn khối nước tư bản và khối nước Xã hội Chủ nghĩa nữa. Vì vậy, không phải việc Mỹ tấn công Trung Quốc là tiêu diệt chủ nghĩa đa phương, thiết lập xu thế đơn phương. Chúng ta biết hiện nay, về kinh tế có mấy đầu tầu kinh tế là Mỹ, châu Âu, Nhật bản, và bây giờ thêm Trung Quốc. Đặt giả sử Trung Quốc bị Mỹ tấn công thương mại, có vấn đề gì sa xẩy, thì thế giới vẫn còn ba đầu tầu kinh tế, vẫn là đa phương. Còn quan niệm về chính trị trên thế giới không còn quan niệm về tư bản và XHCN như trước nữa, các nước hội nhập, đều là thành viên Liên Hợp Quốc như nhau. Mỹ cũng chỉ là một quốc gia trong Liên Hợp Quốc, còn trong thường trực Hội Đồng Bảo An có 5 nước tất cả. Cho nên không thể nói là chuyển thành chủ nghĩa đơn phương được.

     Chị Thanh Tâm: Thưa nhà báo, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng như thế nào tới nền kinh tế toàn cầu?

     Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Dòng chảy của hàng hóa trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng. Đây là hai quốc gia có nền kinh tế đứng đầu thế giới, một quốc gia xếp thứ nhất, một quốc gia thứ hai. Sự giao thương hàng hóa bị tắc nghẽn do hai nền kinh tế lớn nhất nhì xảy ra chiến tranh thương mại. Thứ hai, đối với các doanh nghiệp có hàng xuất nhập khẩu bị đánh thuế trong cuộc chiến sẽ không bán được hàng hóa, nhà máy đóng cửa, phá sản, công nhân bị sa thải. Thứ ba, đối với những hàng hóa là nguyên liệu đầu vào của các hàng hóa khác (ví dụ như thép) bị đánh thuế, sẽ ảnh hưởng tới những hàng hóa có sử dụng hàng hóa đầu vào là nguyên liệu này. Như vậy, nó ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng hàng hóa trên thế giới. Nó sẽ làm thay đổi cấu trúc ngành nghề. Tuy nhiên, tổng giá trị các hàng hóa bị đánh thuế của cả hai bên chỉ khoảng 700 tỷ đô la, so với hàng chục ngàn tỷ đô la giá trị hàng hóa đang lưu thông trên thế giới thì ảnh hưởng của nó cũng không phải ghê gớm quá, không phải mang tính chất đảo lộn nền kinh tế thế giới, mà chủ yếu ảnh hưởng ở hai quốc gia tham gia cuộc chiến.

     Chị Thanh Tâm: Việt Nam có mối quan hệ kinh tế như thế nào với hai cường quốc đang trong cuộc chiến tranh thương mại này, thưa nhà báo?

     Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Việt Nam có mối quan hệ rất mật thiết với hai cường quốc này. Có lẽ ít có, không có nước nào có mối quan hệ kinh tế mật thiết như Việt Nam với hai quốc gia đang tham gia cuộc chiến thương mại như vậy. Hàng hóa của Việt nam xuất khẩu vào Mỹ là 41 tỷ đô la năm 2017 vừa qua, nhập khẩu từ Mỹ là 9 tỷ đô la, thặng dư thương mại là khoảng 32 tỷ đô la. Đối với Trung Quốc, thì nhập hàng hóa là 58 tỷ, còn xuất sang Trung Quốc là 35 tỷ, cán cân thương mại Việt Nam bị thâm hụt khoảng 23 tỷ. Đấy là số liệu chính thức, còn Việt Nam có biên giới chung với Trung Quốc nên hàng nhập tiểu ngạch rất lớn, không thể thống kê chính xác được. Có nguồn tin nói, thâm hụt mậu dịch của Việt Nam với Trung Quốc là 40-50 tỷ đô la, chứ không phải 23 tỷ như con số thống kê chính thức. Việt Nam có cấu trúc, nền tảng, cơ chế kinh tế giống Trung Quốc cũng thể hiện sự mật thiết của hai nền kinh tế. Với Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Như vậy, nền kinh tế Việt nam rất gắn bó với nền kinh tế hai nước, hai cường quốc đang có chiến tranh thương mại.

     Chị Thanh Tâm: Hiện nay, Trung Quốc đang có xu hướng di tản các doanh nghiệp Trung Quốc sang các nước như Myanma, Việt Nam, Campuchia, Lào, các nước có nguồn lao động giá rẻ, giá cả đất đai và tiêu chuẩn môi trường thấp, quan trọng hơn để họ tránh chính sách thuế của Mỹ áp đặt cho hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc. Như vậy, cách làm này của Trung Quốc liệu sẽ đem lại những lợi ích và khó khăn nào cho Việt Nam?

     Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Cuộc chiến thương mại đưa dến lợi ích cho Việt Nam, cụ thể nhất, đó là hàng hóa giống Trung Quốc, thay thế Trung Quốc không bị đánh thuế sẽ tiêu thụ được tốt hơn ở thị trường Mỹ. Cùng một loại hàng hóa, Việt Nam không bị đánh thuế, thì sẽ có ích ngay lập tức. Nhưng Việt Nam có mối lo rất lớn là việc Trung Quốc sẽ tuồn hàng qua ngả Việt Nam để xuất sang Mỹ (điều này bao hàm cả việc các doanh nghiệp Trung Quốc di dời sang Việt Nam, mang theo máy móc, nguyên liệu sang Việt nam sản xuất). Nếu điều này xảy ra, và bị Mỹ phát hiện thì Mỹ sẽ đánh thuế hàng hóa Việt Nam giống như của Trung Quốc. Việc tuồn hàng từ Trung Quốc sang có mấy lý do, Việt Nam và Trung Quốc giáp nhau, việc vận chuyển hàng hóa, di dời nhà máy rất thuận lợi. Thứ hai, mối quan hệ mật thiết giữa hai đảng cộng sản sẽ dễ dàng cho việc bật đèn xanh để hàng hóa Trung Quốc tuồn qua Việt Nam. Nhưng điều quan trọng và khó khăn nhất vẫn là do Việt nam không thể kiểm soát được tình hình, tức là các doanh nghiệp cả Trung Quốc và Việt Nam thấy mối lợi, móc ngoặc với nhau để tuồn hàng mà hệ thống kiểm tra, giám sát của Việt Nam yếu kém, lại bị tham nhũng, hối lộ đút lót nên không thể kiểm soát nổi...

     (còn nữa)

Hà Nội, ngày 19/10/2018

N.V.B