You are here

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và ảnh hưởng của nó đối với Việt Nam (gỡ băng cuộc phỏng vấn Live stream chương trình Đối Diện 84)

Ảnh của nguyenvubinh

     Sau đây là nội dung Cuộc phỏng vấn của Chương trình Đối Diện live streams số 84, ngày 04/10/2018 của chị Nguyễn Thanh Tâm với đề tài: “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và ảnh hưởng của nó đối với Việt Nam” và nhà báo Nguyễn Vũ Bình.

     Chị Thanh Tâm: Thanh Tâm xin chào mọi người, chào nhà báo Nguyễn Vũ Bình. Một lần nữa chúng ta lại gặp nhau trong chương trình Đối Diện 84 với đề tài” Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và ảnh hưởng của nó đối với Việt Nam”, chúng ta hân hạnh có sự tham gia của nhà báo Nguyễn Vũ Bình. Trước hết, Thanh Tâm xin cảm ơn nhà báo Nguyễn Vũ Bình đã dành thời gian tham gia chương trình và xin mời nhà báo Nguyễn Vũ Bình chào quý khán thính giả đang theo dõi chương trình.

     Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Xin kính chào quý khán thính giả theo dõi chương trình, xin chào chị Thanh Tâm, tôi rất vui được tham gia chương trình Đối Diện 84, rất hi vọng sẽ đem lại chút gì hữu ích nào đó với quý khán thính giả, xin cảm ơn.

     Chị Thanh Tâm: Câu hỏi đầu tiên, nói đến chiến tranh thương mại Mỹ -Trung thì trước hết xin nhà báo cho biết chiến tranh thương mại là gì? và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có nguồn gốc từ đâu và nguyên nhân của cuộc chiến là gì?

     Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang có sự quan tâm của toàn thế giới. Tính chất và mức độ leo thang của cuộc chiến đang ngày càng thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế, cũng như của Việt Nam, vì Việt nam có sự liên quan, liên đới mật thiết tới cuộc chiến. Trước hết chúng ta cần hiểu chiến tranh thương mại là gì? Chiến tranh thương mại là cuộc tấn công thương mại bằng hàng rào thuế quan và hạn ngạch cho hàng hóa xuất nhập khẩu giữa các nước với nhau. Ví dụ, chúng ta đang nhập một hàng hóa mà có thuế nhập khẩu 5%, chúng ta nâng thuế nhập khẩu lên thành 15%, tức là tăng thuế 10%. Hoặc, chúng ta đang nhập ô tô của một nước, hàng năm 10 ngàn xe ô tô, khi chiến tranh thương mại, thì chúng ta nhập có 500 xe, dựng lên hạn ngạch như vậy. Nguồn gốc của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chính là từ khi ông tỷ phú Donald. Trump lên làm tổng thống Mỹ. Ông Trump quan niệm, vị thế của nước Mỹ trước khi ông ta lên làm tổng thống chưa tương xứng với thực lực kinh tế, chính trị và quân sự của nước Mỹ. Mà nguyên nhân của việc đó là do thương mại không công bằng và cân bằng cho nước Mỹ. Tức là nước Mỹ bị thiệt hại do quan hệ thương mại, ông Trump muốn lâp lại công bằng và cân bằng thương mại cho nước Mỹ. Ông Trump thấy rằng, cán cân thương mai của Mỹ với Trung Quốc là không cân bằng, cụ thể là Mỹ nhập khẩu của Trung Quốc hơn 500 tỷ đô la, trong khi đó, Mỹ xuất vào trung Quốc chỉ có 175 tỷ đô la, như vậy là cán cân thương mại bị thâm hụt (không cân bằng). Và đối với nước khác ông cũng thấy không có sự cân bằng. Ông Trump đã đàm phán với nhiều nước để cân bằng lại cán cân thương mại. Riêng đối với Trung Quốc, ông Trump còn cho rằng, quan hệ thương mại Mỹ - Trung không có sự công bằng, vì ông Trump cho rằng Trung Quốc trợ giá cho xuất khẩu, đồng thời có việc ăn cắp các bí mật kỹ thuật, bí mật kinh doanh cũng như việc không cho các công ty Mỹ tham gia thị trường Trung Quốc bình thường như công ty Trung Quốc tham gia ở thị trường Mỹ. Ví dụ, Google, Facebook... không được tham gia thị trường Trung Quốc. Như vậy, ông Trump đã đặt vấn đề trọng tâm vào thương mại với Trung Quốc, vì thâm hụt thương mại lớn và Trung Quốc có sự gian lận thương mại. Chính vì vậy, ông Trump đã đánh thuế lên các hàng hóa của trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ và tuyên bố một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

     Chị Thanh Tâm: Như vậy diễn tiến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ra sao? Đâu là đích đến cuối cùng mà Mỹ nhắm tới trong cuôc chiến thương mại này?

     Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Ngày 06/7, Mỹ đánh thuế 25% lên số hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ có tổng trị giá là 34 tỷ đô la, sau đó 2 tuần, Mỹ đánh thuế tiếp thêm 16 tỷ đô la nữa, như vậy tổng cộng đợt đầu Mỹ đánh thuế 25% lên hàng hóa có tổng giá trị là 50 tỷ đô la. Đến ngày 30/8 vừa qua, Mỹ tiếp tục đánh thuế 10% lên số hàng hóa có tổng giá trị là 200 tỷ đôla. Trung Quốc đã trả đũa, đánh thuế vào 60 tỷ đô la hàng hóa Mỹ nhập vào trung Quốc. Có thông tin, nếu Trung Quốc trả đũa, Mỹ sẽ đánh thuế tất cả các hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ, tức là đánh thuế hàng hóa có tổng giá trị hơn 500 tỷ đô la. Ngoài ra, Mỹ có những bước đi để hỗ trợ cuộc chiến, như ký lại hiệp định thương mại Bắc Mỹ với Canada và Mehico, trong đó có điều khoản, nếu nước nào ký hiệp định thương mại với những nước chưa có nền kinh tế thị trường, như Trung Quốc và Việt Nam, thì các nước kia có thể đơn phương rút ra khỏi hiệp định... Theo những động thái mới gần đây, có nhiều vấn đề mở rộng cuộc chiến thương mại, ví dụ, có thông tin nói, Mỹ sẽ cấm các quan chức Trung Quốc nhập cảnh, đóng băng tài sản, tăng đầu tư quốc phòng... đó là những động thái chuẩn bị mở rộng cuộc chiến thương mại. Có nhiều nhà phân tích nói rằng, không chỉ là cuộc chiến thương mại, mà đã sang lĩnh vực quân sự, chiến lược. Và cuộc chiến Mỹ - Trung không còn là cuộc chiến thương mại nữa. Cá nhân tôi cho rằng, quyết tâm, trọng tâm của ông D.Trump vẫn là thương mại. Nhưng cuộc chiến thương mại, vấn đề thương mại không bao giờ đi một mình, nên ông D.Trump chuẩn bị cho những vấn đề liên quan để phong tỏa và thực hiện thành công cuộc chiến thương mại. Tức là ép Trung Quốc phải chơi theo luật chơi chung, sòng phẳng, không được gian lận, và không được cấm các công ty của trung Quốc như Google, Facebook ở Trung Quốc... Nếu trung Quốc thực hiện được đúng những việc đó thì ông D.Trump cũng thôi. Nhưng với chế độ cộng sản toàn trị hiện nay, Trung Quốc gần như không thể làm được việc đó. Họ chỉ có thể làm được việc đó nếu như có sự mở cửa về chính trị, tức là ông D.Trump không trực tiếp đánh vào chính trị, nhưng phải thay đổi về chính trị mới thực hiện được điều đó, tức là những yêu cầu về kinh tế. Chính vì vậy mà nói mục tiêu của ông D.Trump đánh vào chế độ chính trị cũng có khía cạnh đúng, nhưng nói ông ấy chỉ có mục tiêu về kinh tế cũng đúng. Tức là khi Trung Quốc chơi theo luật chơi chung, đi theo kinh tế thị trường, không gian lận, thực hiện công bằng thương mại, tức là làm ăn đàng hoàng đứng đắn thì tôi nghĩ Mỹ cũng sẽ dừng cuộc chiến. Và mục tiêu cuối cùng của mỹ trong cuộc chiến thương mại là như thế....

     (còn nữa)

Hà Nội, ngày 17/10/2018

N.V.B