You are here

Gaddafi thắng, Hà Nội hoan hỉ?

 
Lê Diễn Đức
 

 
Báo chí truyền thông tuần qua cho biết lực lượng trung thành với nhà độc tài Libya Gaddafi đã nắm quyền kiểm soát thành phố Zaouia và tiếp tục đi về hướng Benghazi, thủ phủ của quân nổi dậy.
 
Tờ “Le Monde” của Pháp trích dẫn lời của một trong những người tham gia cuộc nổi dậy: “Phương Tây đang ở đâu? Họ giúp gì chúng ta?”.
 
Tình thế tiến thoái lưỡng nan
 
Tổng thống Barck Obama đòi Gaddafi rời bỏ quyền lực và tuyên bố Hoa Kỳ không loại trừ biện pháp quân sự đối với Libya. Các chiến hạm của Hoa Kỳ đã tới Địa Trung Hải trong tư thế sẵn sàng. Nhưng tất cả mới dừng lại ở đó.
 
Anh, Pháp và Hoa Kỳ không có khả năng vượt qua trở ngại của Nga và Trung Quốc. Hai nước này cho rằng đây là việc nội bộ của Libya.
 
Không có sự chấp thuận rõ ràng của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Barack Obama sẽ không dám hành động đơn phương như trong trường hợp Iraq mà chính ông đã từng phê phán cựu Tổng thống George W. Bush.
 
Tương tự với khối liên minh quân sự NATO. Khó có thể tái lặp ý tưởng của năm 1999 khi NATO tấn công Serbia để cứu dân chúng của Kosovo. Sau biến cố này, sự can thiệp của NATO tại Afghanistan và Iraq đã làm xấu đi mối quan hệ với Liên Hợp Quốc và ngay trong nội bộ của mình. Kể từ đó, NATO, cũng như Liên minh châu Âu (EU), gần như không còn muốn giữ vai trò chủ chốt trong các giải pháp quốc tế.
 
Can thiệp quân sự vào một nước Hồi giáo còn là vấn đề phải suy tính ít nhất hai lần, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe đã khuyến cáo như thế.
 
Vậy làm thế nào để ngăn chặn Gaddafi và cứu quân nổi dậy?
 
Nhật báo “The Independent” tuần trước viết Hoa Kỳ đã yêu cầu Ả Rập Saudi, một đồng minh thân cận, làm trung gian cung cấp vũ khí cho phe đối lập Libya. Đây là cách khả dĩ mà Hoa Kỳ có thể thực hiện ngay.
 
Thế nhưng, vua Ả Rập Saudi, Abdullah, người có lý do chính đáng để trả đũa Gaddafi, kẻ đã lập kế hoạch ám sát mình, vẫn chưa trả lời gì về đề nghị của Washington.

Theo ký giả chuyên về Trung Đông Robert Fisk của “The Independent”, Riyadh được thông báo rằng quân nổi dậy Libya đang rất cần súng chống tăng, súng cối và tên lửa đất đối không. Nếu Riyadh đồng ý, vũ khí có thể chuyển giao đến Benghazi trong vòng 48 giờ. Có các vũ khí này quân nổi dậy sẽ chặn được các cuộc tấn công và phá huỷ các pháo đài của Gaddafi, giảm áp lực lên NATO và Hoa Kỳ về việc thiết lập vùng cấm bay (no-fly zone).
Rõ ràng Washington không mặn mà gì lắm với vùng cấm bay, bởi vì người Mỹ có quá nhiều việc phải làm ở Afghanistan.
 
Trong bài viết “Tại sao Ngũ Giác Đài chống can thiệp quân sự vào Libya nhưng vẫn chuẩn bị” (do tôi dịch đăng trên RFA), nhà báo Ba Lan Bartosz Wegarczyk đã dẫn lời của Tướng James Mattis, chỉ huy lực lượng quân đội Mỹ tại Trung Đông. Vị tướng nói rằng, nếu thiết lập vùng cấm bay, Hoa kỳ “phải tiến hành một hoạt động quân sự rất lớn”, “để đảm bảo an toàn cho máy bay của mình, trước hết sẽ phá hủy radar của Libya, sân bay, máy bay, các dàn hoả tiễn và tên lửa chống máy bay”, “có nghĩa là tiến hành một cuộc chiến tranh với Libya” – là điều Hoa Kỳ chẳng thích thú trong hoàn cảnh hiện nay.
 
Mà thiếu Hoa Kỳ, Anh và Pháp không hội đủ thực lực để hành động.
 
Trong khi đó, tình hình tại Ả Rập Saudi không mấy êm ả. Dân chúng thuộc giáo phái Shiite vừa qua đã có những cuộc biểu tình chống lại hoàng gia. Từ hơn hai tuần nay, tình hình căng thẳng đến mức Ả Rập Saudi đã ban hành lệnh cấm biểu tình.
 
Nếu Ả Rập Saudi chấp nhận đề nghị của Washington cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy, một cuộc nội chiến thực sự tại Libya sẽ trở nên khốc liệt. Và thêm nữa, Tổng thống Barack Obama sẽ phản ứng ra sao khi Abdullah sử dụng bạo lực đàn áp người Shiite?
 
Trở lại học thuyết của George W. Bush
 
Mustafa Abdel-Jalil, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Libya nói "người Libya đang bị tàn sát bởi các cuộc không kích của Gaddafi" và kêu gọi cộng đồng quốc tế “phải có trách nhiệm”.
 
Hồ hởi về những thành công bước đầu của cuộc cách mạng Hoa Nhài ở Tunisia, rồi Ai Cập, tôi (và có lẽ nhiều người Việt khác) trong những ngày qua chú tâm theo sát những biến động ở Libya.
 
Sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc quyết định trừng phạt kinh tế, phong toả tài sản và giao Gaddafi cho Toà án Hình sự quốc tế xét xử về tội ác diệt chủng, dường như ai cũng nghĩ rằng số phận của Gaddafi coi như đã kết thúc.  
 
Thế nhưng, Gaddafi, giữa sự tồn tại và cái chết, đã hành động như một “con chó điên”, làm khựng lại những hy vọng của những người yêu tự do và dân chủ. Có cảm tưởng như sự lan toả của cách mạng Hoa Nhài tại Bắc Phi đang bị chặn lại ở Libya!
 
Gaddafi là người bạn thân thiết của Đảng Cộng sản Việt Nam từ mấy chục năm qua. Nếu cái ác của Gaddafi thắng, sẽ là sự hoan hỉ của Hà Nội và là tấm gương cho Hà Nội quyết liệt giữ độc quyền cai trị bằng họng súng, sẵn sàng đè bẹp mọi sự phản kháng, giống như Gaddafi, giống như Bắc Kinh đã dùng xe tăng nghiền nát sinh viên trên Quảng trường Thiên An Môn trong đêm mồng 3, rạng ngày 4 tháng 6 năm 1989.
 
Cuộc nổi dậy hoà bình tại Libya giờ đây đã chuyển sang một bước ngoặt khác, đặt mọi người trước những suy tính về hành động mới. Cái đẹp của cuộc xuống đường hoà bình ở Cairo Ai Cập với hình ảnh những em bé đứng trên xe tăng quân đội đã không còn tác dụng với kẻ khát máu.
 
Trên tờ “Washington Post” hôm 4/03/2011, tác giả chuyên mục (columnist) Charles Krauthammer nhận định rằng, trên khắp thế giới, từ châu Âu qua Hoa Kỳ, đến Libya, đang có những tiếng nói kêu gọi Hoa Kỳ can thiệp quân sự tại Libya, nhằm giúp quân nổi dậy lật đổ Gaddafi. Dường như tất cả đang muốn quay lại học thuyết của cựu Tổng thống George W. Bush về thúc đẩy dân chủ và tự do toàn cầu.
 
Khi lật đổ chế độ Saddam Hussein vào năm 2003, Hoa Kỳ và Tổng thống W. Bush đã bị dư luận chỉ trích nhiều cách khác nhau. Nào là Hoa Kỳ xâm lược, bành trướng chủ nghĩa đế quốc, nào là kiêu ngạo, hung hăng và dối trá. Không ít cây viết của báo chí lề phải ở Hà Nội đắc chí hoà vào bản hợp xướng chắc chắn Iraq sẽ là một Việt Nam thứ hai cho quân đội Mỹ.
 
Thế nhưng chưa tròn một thập niên, từ năm 2003 đến nay, Iraq đã giành được những kết quả đáng được ghi nhận trong tiến trình ổn định và dân chủ hoá đất nước – một tiến trình tưởng như không thể nào thực hiện nổi ở một quốc gia Hồi giáo có tư tưởng bài phương Tây và xung đột sắc tộc, tôn giáo sâu sắc.
 
Charles Krauthammer viết rằng, cái giá bằng máu và tiền của mà Mỹ phải trả cho việc thiết lập dân chủ ở Iraq quá cao, nhưng không nghi ngờ gì rằng, tại Iraq ngày hôm nay đang hình thành là một nền dân chủ Ả Rập, ở đây có hệ thống chính trị đa đảng và tự do báo chí ngày mỗi lớn hơn. Nền dân chủ Iraq sự thực còn mỏng manh và không hoàn hảo, nhưng nếu chính trị Ai Cập phát triển được được như Iraq trong vòng một năm, chúng ta có thể nói là một thành công lớn.
 
Charles Krauthammer nhận định rằng, “bất luận máu đã chảy bao nhiêu, con người đã thoát khỏi mối đe dọa diệt chủng”. Chính vì lo sợ trước những gì Hoa Kỳ đã làm với Saddam Hussein mà Gaddafi đã từ bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt.
 
Mặc dù dưới góc độ hai mặt của đạo đức, các cuộc cách mạng ở Trung Đông và đặc biệt tình hình ở Libya, không những hướng mọi người trở lại thuyết của W. Bush, mà còn đặt dấu hỏi cho thuyết “quyền lực thông minh” (smart power).
 
Liệu “sức mạnh mềm” (soft power) - gây ảnh hưởng thông qua phương tiện ngoại giao (phi quân sự và kinh tế), có còn là phương thuốc giải độc cho “quyền lực cứng” (hard power) - gây ảnh hưởng bằng trừng phạt quân sự và kinh tế, hay không?

Charles Krauthammer nhắc lại chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Hillary Clinton. Phát biểu của bà đã làm giảm đi mối lo ngại về quyền con người ở đất nước này, trong khi ngày đang trở nên tệ hơn. Ông cũng nói trong hai năm qua, chính phủ của Barack Obama đã “cắt 50% viện trợ thúc đẩy dân chủ ở Ai Cập, và khoảng 70% kinh phí cho phát triển xã hội dân sự - là số tiền cho các tổ chức, mà bây giờ chúng ta hy vọng sẽ giúp nền dân chủ Ai Cập".
“Chủ nghĩa hiện thực (realism) mới này đạt đến đỉnh cao của các hạn chế và sự chậm chạp của Obama trong việc hỗ trợ cuộc cách mạng xanh ở Iran năm 2009” – Charles Krauthammer nhấn mạnh. (Sau cuộc bầu cử tổng thống, nhà chức trách Tehran đã dùng bạo lực nghiền nát các cuộc biểu tình).
 
Nếu Gaddafi thắng
 
Trong khi Hoa Kỳ và một số ít quốc gia vất vả tìm cách ra khỏi cơn địa chấn tài chính từ năm 2008 và nhiều quốc gia khác đang chới với bên bờ vực vỡ nợ, trong đó có Việt Nam, thì cơn địa chấn thật, gần 9 độ Richter, và sóng thần, tại Nhật Bản, đang tàn phá nền kinh tế thứ ba của thế giới.
 
Libya, một trong những nguồn cung cấp dầu, có lượng khai thác từ 1,5 triệu thùng/ngày tụt xuống còn nửa triệu.
 
Giá xăng dầu lên cao mọi nơi, còn giá cổ phiếu trên các giàn chứng khoán đi xuống.
 
Vật giá hàng hoá vọt lên cùng với xăng, người Việt than thở, kêu trời. Người Bulgaria phản kháng bằng cách dùng xe ô tô chặn đường phố thủ đô Sophia, đòi chính phủ từ nhiệm…
 
Tình hình thế giới quả thực buộc các nhà lãnh đạo không thể không cẩn trọng về hậu quả của một cuộc chiến mới.
 
Vấn đề giải pháp cho Libya giờ đây chỉ có thể trông chờ vào sự quả quyết và bản lĩnh của những người đứng đầu các cường quốc.
 
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy là người đầu tiên công nhận Hội đồng Quốc gia Libya của phe đối lập như là đối tác duy nhất của Libya.
 
Người thứ hai có hành động tương tự là Thủ tướng Anh David Cameron.
 
Cáo buộc Gaddafi đang cư xử tàn bạo với công dân của mình, trong ngày 14 tháng 3 tại Hạ viện, Thủ tướng Anh quốc nói rằng, việc thiết lập khu cấm bay ở Libya để bảo vệ dân thường là “hoàn toàn khả thi” nếu có hỗ trợ đủ rộng và ông cho rằng, “nếu nguyện vọng dân chủ của Libya bị dập tắt, sẽ là một tín hiệu xấu”.
 
Anh và Pháp đã đồng lòng, nhưng trong nội bộ EU lại chưa có đồng thuận. Đức và Ý đã đưa ra những khuyến cáo.
 
Vào hôm thứ Bảy tuần vừa qua tại Cairo, các ngoại trưởng của Liên đoàn Ả Rập xác nhận sự cần thiết hợp tác với Hội đồng Quốc gia Libya, đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an chấp thuận thiết lập vùng cấm bay trên Libya để bảo vệ thường dân chống lại cuộc tấn công của Muammar Gaddafi, một chế độ đã đánh mất chính danh mình.
 
Chủ đề này được tiếp tục đưa ra ra thảo luận tại hội nghị các ngoại trưởng của G8, vào thứ Hai và thứ Ba tuần này ở Paris. Khói lửa và máu chảy dưới bom đạn của Gaddafi trong những ngày qua ở Libya cùng với tiếng nói cả quyết của Anh, Pháp, liệu có khả năng xoay chuyển thế sự? Xem ra bế tắc nhiều, hy vọng ít.
 
Có vẻ thời gian đang làm lợi cho Gaddafi, kể từ khi ông ta bắt đầu mở phản công, đàn áp cuộc nổi dậy bằng vũ khí hạng nặng và không quân.
 
Chủ thuyết của cựu Tổng thống George W. Bush, sau gần một thập niên thử nghiệm bầm dập tại Iraq đã cho thấy không phải không có lý, giờ đây lại đứng trước lựa chọn mới khó khăn.
 
Nếu phương Tây không quyết định một hành động cụ thể nào trong những ngày tiếp theo, ít nhất là thiết lập vùng cấm bay, cuộc nổi dậy của phe đối lập sẽ tiếp tục bị dìm trong biển máu. ■
 
Ngày 14 tháng 3 năm 2011
 
© 2011 Lê Diễn Đức RFA Blog
-----------------------------------------------------------------------------------
 
Đây là blog cá nhân của Lê Diễn Đức. Nội dung bài viết không phản ánh quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA

Bài bình luận

Kết quả của hội nghị cấp cao cộng đồng châu âu tại Brussels (Bỉ) về vấn đề Libya: 1. Chỉ có Pháp là công nhận chính thức chính phủ lâm thời của phe khởi nghĩa, còn các nước khác chưa ai công nhận. 2. Tất cả các nước còn lại chỉ chấp nhận chính phủ lâm thời này như một yếu tố trung gian trong các cuộc đàm phán hòa giải ở Libia nếu có. 3. Tất cả mọi hành động mang tính chất quân sự từ liên minh châu âu đều phải dựa trên cơ sở các nghị định của liên hợp quốc. Phải nói thêm rằng mặc dù nội bộ EU củng có nhiều phức tạp, số lượng thành viên thì đông, độ giàu nghèo khác nhau và các xung khắc trong các vấn đề quyền lợi riêng của từng nước, quyền lợi chung cả khối… nhưng có được tuyên bố chung này đó là một thành tích lớn của cả cộng đồng. Như vậy các nước trong cộng đồng châu âu tuy ở mức độ khác nhau(đặc biệt Pháp là có thái độ kiên quyết nhất, Đức và Ý có thận trọng hơn) nhưng đều nhất trí là chế độ độc tài Kadaffi phải ra đi. Thái độ của Nga thì sao? Nga cũng đã có những tuyên bố cứng rắn với chính quyền Kadaffi nhưng họ luân nhấn mạnh là các hành động quân sự phải được sự đồng ý của LHQ. (phải chăng thấy Pháp kiên quyết nên muốn trả nợ Pháp vụ 2008 ở Gruzja chăng?). Anh-Mỹ thì khỏi phải bàn: „Tổng thống Barck Obama đòi Gaddafi rời bỏ quyền lực và tuyên bố Hoa Kỳ không loại trừ biện pháp quân sự đối với Libya. Các chiến hạm của Hoa Kỳ đã tới Địa Trung Hải trong tư thế sẵn sàng” , họ đang tính toán các bước đi tiếp, tìm thời điểm thích hợp và thậm trí nếu LHQ không đồng thuận thì họ vẫn có thể ra tay (niềm hi vọng chính để lật đổ được chính quyền Kadaffi ). Chỉ còn lại Trung quốc cáo già, tính toán tạm thời đứng ngoài cuộc và chờ xem kết quả thế nào rồi mới định hướng… Kết luận : một giải pháp tốt nhất cho tất cả các cường quốc là một cái chết bất ngờ của Kadaffi (đột tử), chính vì vậy chính quyền Kadaffi không còn cơ, trứng làm sao chọi với đá được,vấn đề chỉ là thời gian. Làm cách mạng nhiều khi cũng đòi hỏi phải kiên nhẫn và lạc quan.

Các cuộc cách mạng vẫn còn tiếp diễn Trước thảm hoạ ở Nhật bản và cuộc „cách mạng” ở Libia mọi người có vẻ sao nhãng đến những sự kiện xảy ra ở Bahrajn: từ 14/03 các cuộc biểu tình đã diễn ra liên tục với mục đích đòi dân chủ hóa xã hội và lật đổ chế độ độc tài ở Bahrajn. Đại diện của những người biểu tình đã gửi thông điệp cho cả thế giới : „ Nhân dân Bahrajn đang gặp phải những đe dọa nghiêm trọng, một cuộc chiến tranh không tuyên bố chống lại nhân dân Bahrajn”. Trong khi đó chính phủ độc tài đã nhiều lần nhẫn tâm bắn vào dân biểu tình và còn kéo quân đội ảrập xeut vào để đàn áp chính các công dân của mình.