You are here

Tìm hiểu về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay Cách mạng công nghiệp 4.0 (tiếp theo và hết)

Ảnh của nguyenvubinh

     ...

     3/ Bản chất và xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

     Bản chất công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh, công nghệ cao để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất. Nói cách khác, đó là sự tích hợp và kết nối công nghệ. Không như các cuộc cách mạng trước đây thường diễn ra theo xu hướng phát minh mới làm lu mờ phát minh cũ, thì ngày nay công nghệ nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tạo cơ sở cho các công nghệ khác, các ngành nghề khác cùng phát triển.

     Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có các công nghệ làm nền tảng và có các công nghệ ứng dụng mới trong sản xuất. Các công nghệ nền tảng bao gồm:

     - Dữ liệu lớn. Dữ liệu lớn là một thuật ngữ chỉ một tập hợp dữ liệu rất lớn và phức tạp mà các ứng dụng truyền thống không xử lý được bao gồm các thách thức phân tích, thu thập, giám sát dữ liệu,tìm kiếm, chia sẻ, lưu trữ, truyền nhận, trực quan, truy vấn và tính riêng tư. Trong dòng thác dữ liệu liên tục được tạo ra và cập nhật từng giây, Dữ liệu lớn chứa trong mình nhiều thông tin quý giá mà nếu trích xuất thành công, nó sẽ giúp ích rất nhiều cho việc kinh doanh, nghiên cứu khoa học...

     - Điện toán đám mây. Điện toán đám mây, còn gọi là điện toán máy chủ ảo, là mô hình sử dụng các công nghệ máy tính và phát triển dựa vào Internet. Cơ sở hạ tầng thông tin và dịch vụ công nghệ trước đây được lưu trữ trong máy tính gia đình và văn phòng (hạn chế về dung lượng, khó khăn về dịch vụ) thì nay sẽ nằm ở các máy chủ ảo (hình ảnh là trên đám mây) với dung lượng khổng lồ, dịch vụ đa dạng, phong phú để mọi người kết nối và sử dụng mỗi khi cần.

     - Internet vạn vật kết nối. Còn gọi là mạng lưới vạn vật kết nối internet hay mạng lưới thiết bị kết nối internet trong đó mỗi đồ vật, mỗi con người được cung cấp một định danh riêng của mình, và tất cả có khả năng truyền tải, trao đổi thông tin, dữ liệu qua một mạng duy nhất mà không cần đến sự tương tác trực tiếp giữa người với người hay giữa người với máy tính. Hiểu một cách đơn giản, đó là một tập hợp các thiết bị có khả năng kết nối với nhau, với internet và thế giới bên ngoài để thực hiện một công việc nào đó. Việc kết nối có thể thông qua wifi, mạng viễn thông băng rộng (3G, 4G, 5G), bluetooth, hồng ngoại... Các thiết bị kết nối có thể là điện thoại thông minh, máy pha cafe, máy giặt, tai nghe, bóng đèn, bàn là, nồi cơm điện, ô tô..vv.. và nhiều thiết bị khác.

     Trên nền tảng các công nghệ này, các công nghệ ứng dụng đã ra đời và làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của nền sản xuất trong tương lai. Các công nghệ ứng dụng quan trọng nhất, đó là:

     + Trí tuệ nhân tạo. Đó là sự mô phỏng và hiện thực hóa các hoạt động của con người cho máy móc. Công nghệ này đã manh nha từ hơn nửa thế kỷ trước, đến nay đã có nhiều công nghệ hỗ trợ để tạo ra được các robot thông minh thay thế con người.

     + Công nghệ nano. Là ngành công nghệ liên quan đến việc thiết kế, phân tích, chế tạo và ứng dụng các cấu trúc, thiết bị và hệ thống bằng việc điều khiển hình dáng, kích thước trên quy mô nanomet (nm, 1 nm = 10−9 m). Các cấu trúc nano có tiềm năng ứng dụng làm thành phần chủ chốt trong những dụng cụ thông tin kỹ thuật có những chức năng mà trước kia chưa có. Chúng có thể được lắp ráp trong những vật liệu trung tâm cho điện từ và quang. Những vi cấu trúc này là một trạng thái độc nhất của vật chất có những hứa hẹn đặc biệt cho những sản phẩm mới và rất hữu dụng.

     + Công nghệ cảm biến. Là công nghệ sử dụng những thiết bị điện tử cảm nhận những trạng thái hay quá trình vật lý hay hóa học ở môi trường cần khảo sát, và biến đổi thành tín hiệu điện để thu thập thông tin về trạng thái hay quá trình đó.

     + Công nghệ in 3D. Hay còn gọi là công nghệ sản xuất đắp dần, là một chuỗi các công đoạn khác nhau được kết hợp để tạo ra một vật thể ba chiều. Trong in 3D, các lớp vật liệu được đắp chồng lên nhau và được định dạng dưới sự kiểm soát của máy tính để tạo ra vật thể. Các đối tượng này có thể có hình dạng bất kỳ, và được sản xuất từ một mô hình 3D hoặc nguồn dữ liệu điện tử khác. Máy in 3D là một loại robot công nghiệp.

     + Công nghệ sinh học. Công nghệ sinh học là bộ môn tập hợp các ngành khoa học và công nghệ gồm: sinh học phân tử, di truyền học, vi sinh vật học, sinh hóa học, công nghệ học nhằm tạo ra các quy trình công nghệ khai thác ở quy mô công nghiêp các hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào động thực vật để sản xuất các sản phẩm có giá trị phục vụ con người.

     Ngoài những công nghệ ứng dụng trên đây, còn rất nhiều các công nghệ ứng dụng khác đã và đang được sáng tạo trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Những công nghệ nền tảng, và công nghệ ứng dụng được hòa quyện để tối ưu hóa hoạt động sản xuất của con người, đem lại sự phát triển vượt bậc của nhân loại trong hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp này không chỉ có vậy. Nhìn vào các công nghệ ứng dụng, với chức năng và sự ưu việt của chúng, chúng ta có thể cảm nhận được rằng, đích tới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này chính là việc sản xuất quy mô lớn Robot thông minh để thay thế hoàn toàn con người, trong sản xuất vật chất và một phần dịch vụ. Đó mới là bước ngoặt, đỉnh cao của sản xuất trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 này./.

     (hết)

Hà Nội, ngày 28/8/2018

N.V.B