You are here

Tìm hiểu về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay Cách mạng công nghiệp 4.0 (tiếp theo)

Ảnh của nguyenvubinh

     ...

     Bối cảnh về kinh tế - xã hội, làm lực kéo để ra đời cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trước hết là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 đã đặt cho nhiều doanh nghiệp, nhiều nước phải điều chỉnh, thay đổi căn bản mô hình phát triển để hướng tới các mô hình phát triển mới hiệu quả hơn. Các sức ép về tái cơ cấu nền kinh tế, sức ép về an ninh năng lượng, an ninh tài nguyên và môi trường thúc đẩy các nước, nhất là các nước công nghiệp phát triển, các nước lớn đi tìm các giải pháp công nghệ, tổ chức lại sản xuất và quản lý để tối ưu hóa quá trình sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và hiệu quả năng lượng. 

     Sự vươn lên mạnh mẽ của các quốc gia đang phát triển, được hưởng lợi từ sự hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu như Trung Quốc, Ấn Độ, Brasil, vv... đã tạo ra sức ép phải thay đổi đối với các quốc gia hàng đầu thế giới. Nền công nghiệp bán tự động hóa của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba lan tới các quốc gia đông dân, đã tạo ra những đại công xưởng, trở thành trung tâm sản xuất đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế thế giới là một nỗi lo của Mỹ, Nhật và các nền kinh tế lớn Tây Âu. Để giữ vững vị thế của mình, các quốc gia này không còn cách nào khác là tái cơ cấu nền kinh tế, tận dụng triệt để các sáng tạo của khoa học kỹ thuật, hoa học công nghệ tạo ra một cuộc Cách mạng công nghiệp mới, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

     2/ Đặc trưng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

     Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có những đặc trưng sau.

     - Kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể     

     Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã bắt đầu từ những năm 2000, đặc trưng bởi sự hợp nhất, không có ranh giới giữa các lĩnh vực công nghệ, vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Đây là xu hướng kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể, vạn vật kết nối Internet và các hệ thống kết nối Internet.

     Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi cách thức sản xuất, chế tạo. Trong các “nhà máy thông minh”, các máy móc được kết nối Internet và liên kết với nhau qua một hệ thống có thể tự hình dung toàn bộ quy trình sản xuất rồi đưa ra quyết định sẽ thay thế dần các dây chuyền sản xuất trước đây. Nhờ khả năng kết nối của hàng tỷ người trên trên thế giới thông qua các thiết bị di động và khả năng tiếp cận được với  cơ sở dữ liệu lớn, những tính năng xử lý thông tin sẽ được nhân lên bởi những đột phá công nghệ trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ người máy, Internet kết nối vạn vật, xe tự lái, công nghệ in 3 chiều, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, lưu trữ năng lượng và tính toán lượng tử. Từ sự kết nối này, thời đại sản xuất một sản phẩm với số lượng lớn đang dần kết thúc. Thay vào đó là khả năng tiếp nhận nhu cầu của khách hàng và truyền ngay tới công xưởng, các dây chuyền sẽ tự động kết hợp với nhau để sản xuất đơn chiếc với mức giá không thay đổi. Đây gọi là thời đại sản xuất hàng loạt đơn chiếc theo nhu cầu của khách hàng.  

     - Quy mô và tốc độ phát triển chưa có tiền lệ trong lịch sử    

     Nếu quy mô của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra với chỉ một nhóm ít quốc gia, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ hai chưa đến được với 17% dân số thế giới và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba vẫn chưa đến được với một nửa dân số thế giới thì cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ khác hẳn. Quy mô của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ là toàn thế giới với những ảnh hưởng và tác động vô cùng sâu sắc. 

     Tốc độ phát triển của những đột phá trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư này là không có tiền lệ trong lịch sử. Nếu như các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây diễn ra với tốc độ theo cấp số cộng (hay tuyến tính) thì tốc độ phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư này là theo cấp số nhân. Thời gian từ khi các ý tưởng về công nghệ và đổi mới sáng tạo được phôi thai, hiện thực hóa các ý tưởng đó trong các phòng thí nghiệm và thương mại hóa ở qui mô lớn các sản phẩm và qui trình mới được tạo ra trên phạm vi toàn cầu được rút ngắn đáng kể. Nếu như trước đây phải mất hàng chục năm các phát minh, cải tiến mới được ứng dụng vào thực tế thì ngày nay, việc cải tiến có thể xảy ra trong hàng tháng, thậm chí là hàng tuần. Những đột phá công nghệ diễn ra trong nhiều lĩnh vực như kể trên với tốc độ rất nhanh và tương tác thúc đẩy nhau đang tạo ra một thế giới được số hóa, tự động hóa và ngày càng trở nên hiệu quả và thông minh hơn. Tốc độ lan truyền công nghệ nhanh của làn sóng Công nghiệp 4.0 này được mô tả như sau: nếu như trước đây để đạt được con số 50 triệu người sử dụng điện thoại cần 75 năm, radio cần 38 năm, tivi cần 13 năm thì gần đây Internet chỉ cần 4 năm và Facebooks chỉ cần 3,5 năm. 

     - Tác động mạnh mẽ và toàn diện đến thế giới đương đại  

     Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có những tác động to lớn về kinh tế, xã hội và môi trường ở tất cả các cấp - toàn cầu, khu vực và trong từng quốc gia. Các tác động này mang tính rất tích cực trong dài hạn, song cũng tạo ra nhiều thách thức điều chỉnh trong ngắn đến trung hạn.

     Về mặt kinh tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tác động đến tiêu dùng, sản xuất và giá cả. Từ góc độ tiêu dùng và giá cả, mọi người dân đều được hưởng lợi nhờ tiếp cận được với nhiều sản phẩm và dịch vụ mới có chất lượng với chi phí thấp hơn.

     Từ góc độ sản xuất, trong dài hạn, cuộc cách mạng công nghiệp lần này sẽ tác động hết sức tích cực. Kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào động lực không có trần giới hạn là công nghệ và đổi mới sáng tạo, thay cho tăng trưởng chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào luôn có trần giới hạn.

     Tuy nhiên cuộc cách mạng công nghệ này đang tạo ra những thách thức liên quan đến những chi phí điều chỉnh trong ngắn đến trung hạn do tác động không đồng đều đến các ngành khác nhau: có những ngành sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và có những ngành sẽ phải thu hẹp đáng kể. Trong từng ngành, kể cả các ngành tăng trưởng, tác động cũng có sự khác biệt giữa các doanh nghiệp, với sự xuất hiện và tăng trưởng nhanh của nhiều doanh nghiệp tạo ra những công nghệ mới và sự thu hẹp, kể cả đào thải của các doanh nghiệp lạc nhịp về công nghệ...

     (còn nữa)

Hà Nội, ngày 27/8/208

N.V.B