You are here

Vì sao #MeToo khó trở thành một phong trào mạnh mẽ ở VN? P.1.

Ảnh của songchi

Song Chi.

Từ khoảng tháng 10.2017, Hollywood và nước Mỹ rúng động bởi hàng loạt cáo buộc lạm dụng tình dục chống lại ông trùm sản xuất phim cỡ bự Harvey Weinstein. Cụm từ #MeToo được nữ diễn viên Alyssa Milano phổ biến rộng rãi trên Twitter để khuyến khích phụ nữ tweet về nó và cho mọi người hiểu được độ lớn của vấn đề, đã nhận được sự hưởng ứng từ những bài viết của một số nhân vật nổi tiếng như Gwyneth Paltrow, Ashley Judd, Jennifer Lawrence, Uma Thurman…

Tiếp theo sau ông trùm Harvey Weinstein, hàng loạt tên tuổi lớn trong giới làm phim, giới chính khách, quân đội, thể thao, y khoa, âm nhạc…bị tố cáo với những mức độ khác nhau, từ việc đã có những hành vi, lời nói không đúng đắn cho tới quấy rối, lạm dụng tình dục, thậm chí tấn công, cưỡng bức. Và rất nhiều người đã phải từ chức, hoặc “thân bại danh liệt” vì những việc làm của họ.

Trong đó có những tên tuổi lớn như diễn viên Kevin Spacey, diễn viên hài, nhà văn và nhà làm phim Louis C.K., đạo diễn và nhà sản xuất phim Brett Ratner, diễn viên James Fanco, Mark Halperin-nhà báo của nhiều cơ quan báo ch truyền thông lớn trong đó có HBO và NBC News, Charlie Rose-nhà báo và người dẫn chương trình truyền hình trên PBS và Bloomberg LP, CBS…cùng vô số tên tuổi khác không kể xiết.

Từ Mỹ, những lời cáo buộc tương tự lan rộng ra hàng chục quốc gia khác trên thế giới, và Me Too (hoặc "#MeToo") trở thành một phong trào chống quấy rối và tấn công tình dục, đặc biệt tại môi trường làm việc. Chẳng hạn, tại Hàn Quốc nhiều tên tuổi lớn trong giới chính khách, giới làm phim, ca nhạc, sân khấu…cũng bị “dính đòn”, trong đó đáng chú ý có cả đạo diễn Kim Ki-duk, bị một số nữ diễn viên cáo buộc lạm dụng tình dục, kể cả hiếp dâm!

Kim Ki-duk là đạo diễn nổi tiếng, tác giả của bộ phim được biết đến rộng rãi trên thế giới “Spring, Summer, Fall, Winter... and Spring” và nhiều bộ phim khác như “Time”, “Breath”, “Dream”, “Beautiful”, “Pietà”…người từng từng nhận vô số giải thưởng tại các Liên hoan danh giá của châu Âu như liên hoan phim quốc tế Venice, liên hoan phim quốc tế Cannes, Berlin…

Nhưng ở VN thì vẫn yên ắng. Không lẽ ở VN không có những chuyện dùng sức mạnh của đồng tiền, quyền lực, địa vị…và lợi dụng thế yếu của người khác để có những hành vi như lạm dụng tình dục, thậm chí cưỡng bức? Hoàn toàn không phải.

Nhưng vì sao phong trào #Metoo lại không lan được đến VN? Do phần lớn người VN, nhất là phụ nữ vẫn còn ngần ngại, xấu hổ khi nói về những sự việc như vậy? Do lo ngại xã hội chưa chắc đã đứng về phía mình, lợi đâu không thấy còn thiệt hại hơn vì tự “vạch áo cho người xem lưng”? Do không tin tưởng rằng kẻ phạn tội sẽ bị trừng phạt vì luật pháp VN vẫn là thứ luât pháp của kẻ mạnh, của đồng tiền?

Mới đây, khi câu chuyện về một nữ cộng tác viên của báo Tuổi Trẻ (là sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) tố cáo bị nhà báo Anh Thoa, tên thật Đặng Anh Tuấn, nguyên trưởng phòng Truyền hình báo Tuổi Trẻ, xâm hại tình dục, chính thức được đăng tải trên nhiều tờ báo chính thống của VN và công an đã vào cuộc điều tra, một số câu chuyện tương tự được người trong cuộc hoặc người ngoài lên tiếng trên mạng xã hội và cả trên báo. Mới nhất là vụ rocker Phạm Anh Khoa bị nữ vũ công Phạm Lịch tố cáo là có những hành động và lời nói “gạ tình” trong thời gian Phạm Anh Khoa là huấn luyện viên chương trình truyền hình Trời sinh một cặp còn Phạm Lịch là thí sinh.

Trong thực tế, nạn “gạ tình”, quấy rối tình dục, lạm dụng tình dục, kể cả cưỡng bức trong môi trường làm việc ở VN không hề ít hơn các quốc gia phương Tây hay Mỹ. Do những nguyên nhân, những đặc thù riêng của xã hội, văn hóa và tính cách của con người VN, vấn đề này ít được công khai nói tới nhưng vẫn tồn tại trong đời sống xã hội, như một con sóng ngầm nhưng không kém kinh khủng nếu được phơi bày.

Thậm chí, cũng lại do những đặc thù riêng đó mà vấn đề này trở nên phổ biến, chẳng khác nào nạn “phong bì” hay hối lộ tiền bạc, ở đây là hối lộ tình cảm, tình dục, hoặc ngược lại, từ phía những kẻ có chức, có quyền, có ưu thế, coi đó như một đặc ân, một cái quyền mà họ được hưởng.