You are here

Một cách hiểu về chiến dịch đốt lò của ông Trọng (P.2)

NGOÀI ĐẢNG CHẲNG CÓ TRỜI

 

Để trả lời câu hỏi trên, trước tiên cần một nỗ lực phác thảo chân dung ông Trọng. Không khó để nhận ra qua các bài viết, bài nói và cả hành động của ông Trọng một cán bộ quan liêu cộng sản kiểu cũ điển hình - một kiểu người mà ngoài Đảng ra thì không có trời. 

 

Đắm chìm cả đời trong phương pháp luật mác-xít về chính trị, nhãn quan chính trị của ông Trọng bị kẹt trong trật tự kiểu cũ của thể chế cộng sản, nơi mà “sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng” được diễn dịch là “sự lãnh đạo tuyệt đối của hệ thống quan liêu trong Đảng - tức các thiết chế nội bộ Đảng như các Ban đảng” (có thể tạm gọi là “Phe Đảng”). Trật tự này gắn liền với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, nơi chỉ thị và nghị quyết của cấp ủy đảng là công cụ điều hành xã hội chính yếu, và đồng nghĩa với đó, các Ban đảng trở thành nơi tập trung quyền lực của hệ thống. 

 

Tất cả đã khác đi khi Việt Nam bắt đầu chuyển đổi mô hình sang kinh tế thị trường (một phần), dẫn đến nhu cầu quản lý kinh tế - xã hội bằng pháp luật. Mà muốn thế thì vai trò của các cơ cấu tạo ra và thi hành pháp luật trở nên ngày một quan trọng. Từ Võ Văn Kiệt đến Phan Văn Khải đã chứng kiến sự chuyển dịch quyền lực từ Văn phòng Trung ương Đảng sang Văn phòng Chính phủ. Quá trình chuyển dịch này đạt cao điểm dưới thời Nguyễn Tấn Dũng khi hàng loạt Ban Đảng đã phải giải thể hoặc sáp nhập.

 

Phe Chính phủ bằng cách đó đã hình thành và lớn mạnh bằng một tốc độ gây chóng mặt Phe Đảng. Họ chiếm cứ lợi ích kim tiền gắn liền với vai trò quản lý nguồn lực quốc gia mà họ được giao phó, chỉ nhường lại Phe Đảng những trận địa truyền thống bao gồm nhân sự, tổ chức bộ máy và tuyên truyền. Thậm chí, dưới thời Nguyễn Tấn Dũng, Phe Chính phủ còn không ít lần lấn sân cả sang cả những trận địa này.

 

Sự suy yếu của Phe Đảng ngay lập tức gia tăng mức độ ly khai của các cơ cấu khác khỏi vòng kiềm tỏa của nó, trong đó nổi bật lên là Phe Công an, Phe Quân đội và Thế lực địa phương với động lực đến từ xung đột cấu trúc (structural conflict) cố hữu cộng với mức độ tự chủ nhất định của các thế lực ly khai, nhất là về mặt tài chính. 

 

Nếu xu hướng này tiếp tục, trật tự kiểu cũ của thể chế cộng sản như nó nên là trong nhãn quan Nguyễn Phú Trọng chắc chắn sẽ sụp đổ. Bởi thế, chẳng phải tham nhũng, cũng không hề là một cá nhân cụ thể, hay động lực kim tiền, mà chính nguy cỡ đổ vỡ trật tự khi mà các cơ cấu ly khai khỏi vòng kiềm tỏa của Phe Đảng, mới đích thị là mối bận tâm lớn nhất của ông Trọng khi người bôn-sê-vích cuối cùng của Việt Nam này tin rằng ông đang mang trọng trách bằng mọi giá phải giữ cho Đảng được trường tồn.