You are here

Vụ án Hội Anh Em Dân Chủ: tâm điểm chú ý - đỉnh điểm phẫn nộ

Ảnh của nguyenvubinh

     Hội Anh Em Dân Chủ (Hội AEDC) là một tổ chức tự nguyện của những người Việt Nam ở trong và ngoài nước đấu tranh bảo vệ các quyền con người và vận động xây dựng một xã hội dân chủ, tiến bộ, công bằng và văn minh. Hội AEDC được thành lập ngày 24/4/2013 trên mạng xã hội facebook. Trong thời gian Hội được thành lập, và sau đó một vài năm, một loạt các hội, nhóm xã hội dân sự Việt Nam cũng đã ra đời. Đó là Hội Bầu Bí tương thân, Hội Cựu Tù nhân Lương tâm, Hội Phụ nữ Nhân quyền,  Hội Nhà báo độc lập, Văn Đoàn độc lập, Hội Dân Oan Ba miền, Hội Giáo chức Chu Văn An… Như vậy, Hội AEDC ra đời cùng với nhiều hội nhóm khác, mong muốn đấu tranh, vận động để người dân có được tự do, đất nước có dân chủ. Hội AEDC cùng với các hội, nhóm khác ra đời phản ánh mong muốn của người dân có được các quyền tự do dân sự cũng như đất nước có thể chế dân chủ, nền dân chủ. Đây là mong muốn hoàn toàn chính đáng của người dân.

     Vậy Hội AEDC đã làm gì? Đây là những việc làm của Hội AEDC được nêu ra trong cáo trạng của Viện Kiểm sát trong phiên tòa xét xử các thành viên chủ chốt của Hội ngày 05/4 vừa qua, điều này có nghĩa là nhà nước Việt Nam xác nhận những việc làm của Hội AEDC, như sau:

     1 - Tổ chức hội họp trên mạng xã hội.
     2 - Có quan điểm chính trị dựa trên nền tảng kinh tế tư nhân.
     3 - Mong muốn xây dựng thể chế dân chủ đa đảng với tam quyền phân lập.
     4 - Kêu gọi Quốc tế lên tiếng về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
     5 - Phối hợp và giúp đỡ bà con dân oan và anh chị em công nhân khiếu kiện.
     6 - Hỗ trợ ngư dân phản đối công ty Formosa Hà Tĩnh xả thải làm ô nhiễm môi trường biển 4 Tỉnh Miền Trung.
     7 - Thông qua các trang mạng xã hội để quảng bá “Nhân quyền và Dân chủ” đến người dân.
     8 - Kết nối quan hệ gắn bó với các tổ chức xã hội dân sự trong và ngoài nước.
     9 - Tổ chức các lớp dạy tiếng Anh để thúc đẩy Việt Nam sớm có dân chủ.

     Định nghĩa chuẩn trong từ điển về động từ lật đổ như sau: “lật đổ: dùng bạo lực tước đoạt quyền hành trong lĩnh vực chính trị”. Như vậy, diễn giải đúng nghĩa của tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” , điều 79 bộ luật hình sự, sẽ là: Hoạt động sử dụng bạo lực nhằm tước đoạt quyền hành của chính quyền nhân dân.

     Với tất cả định nghĩa, mục đích và những hoạt động của Hội AEDC nêu trên, chúng ta đem so sánh với tội danh đã được diễn giải (Hoạt động sử dụng bạo lực nhằm tước đoạt quyền hành của chính quyền nhân dân). Câu trả lời là hoàn toàn rõ ràng, Hội AEDC không sử dụng bạo lực nhằm tước đoạt quyền hành của chính quyền nhân dân, Hội AEDC không vi phạm pháp luật, và hoàn toàn không có tội. Vậy bản chất của vụ án là gì? Đó là một nhà nước độc tài cộng sản, đàn áp những hội, nhóm vận động cho tự do, dân chủ ở Việt Nam.

     1/ Tâm điểm chú ý

     Vụ án Hội AEDC là tâm điểm chú ý của dư luận trong và ngoài nước bởi những lý do sau.

     - Hội AEDC và các hội, nhóm xã hội dân sự thành lập và hoạt động phản ánh xu hướng dân chủ hóa đất nước và nguyện vọng của người dân mong muốn có tự do, dân chủ. Việc đối xử với một hội, nhóm lớn và hoạt động có bài bản như Hội AEDC chính là thái độ của nhà cầm quyền đối với xu hướng dân chủ hóa đất nước và nguyện vọng của người dân. Việc ra tay đàn áp, bắt giam và truy tố các thành viên chủ chốt của Hội AEDC chứng tỏ nhà cầm quyền đã đi ngược lại xu thế dân chủ hóa đất nước và nguyện vọng chính đáng của người dân.

      - Mặc dù không phải là một tổ chức chính trị, mà chỉ là tổ chức xã hội dân sự, nhưng Hội AEDC là một tổ chức hoạt động bài bản (có ban lãnh đạo chung, có các vùng miền, có ban chuyên môn…). Đồng thời, Hội AEDC được quản lý và điều hành bởi những người hoạt động (các thành viên chủ chốt bị bắt) có uy tín, bề dày và phần lớn đều đã bị tù đày (trong số 10 thành viên chủ chốt bị bắt, tính cả thầy giáo Vũ Hùng, chỉ có hai người chưa từng đi tù). Một tổ chức như vậy, đã hoạt động được 4-5 năm nay bị đàn áp, những thành viên chủ chốt bị bắt và đưa ra xét xử đã tạo ra một sự quan tâm lớn của dư luận trong và ngoài nước…

     (còn nữa)

Hà Nội, ngày 09/4/2108

N.V.B