You are here

Bản tính thứ nhì (tiếp theo)

Ảnh của nguyenvubinh

     …

     - Trong quá trình nghiên cứu một đối tượng, một chủ thể thì cách tiếp cận chiếm một vị trí quan trọng. Rất nhiều người chưa xác định được cách tiếp cận đúng, nên thường dẫn tới việc không xác định được bản chất sự việc. Đi vào tìm hiểu về chủ nghĩa cộng sản, nhưng ít ai đặt vấn đề mục tiêu, mục đích thật sự của chủ nghĩa cộng sản là gì? Tất nhiên, hoàn toàn không phải là mục tiêu mà lý tưởng cộng sản vẫn nêu ra, bởi nếu mục tiêu như vậy, đã không bao giờ dẫn tới những thực tế khủng khiếp mà cộng sản tạo ra. Mục tiêu của các quốc gia cộng sản, đó là đảng cộng sản muốn thống trị nhân dân ở các quốc gia. Mục đích sau cùng của chủ nghĩa cộng sản, đó là thống trị nhân loại. Đây mới chính là mục tiêu, mục đích thật sự của các đảng cộng sản và chủ nghĩa cộng sản. Với mục tiêu này, các đảng cộng sản đã làm như thế nào? Hay nói cách khác, ho đã sử dụng phương pháp nào để đạt mục đích? Các đảng cộng sản đã tổ chức, chủ động tạo ra sự hỗn loạn (hoặc dựa vào thời thế) để cướp chính quyền, sau đó xây dựng một cơ chế triệt tiêu tinh thần phản kháng của người dân. Chỉ có tiêu diệt tinh thần phản kháng của nhân dân, các chế độ cộng sản mới áp đặt và duy trì được sự thống trị của mình (mời tham khảo bài viết: Phác họa lại chân dung một chế độ, http://www.rfavietnam.com/node/2753). Như vậy, với cách tiếp cận nghiên cứu cơ bản, tìm ra mục đích và phương thức đạt mục đích của chủ thể, đối tượng nghiên cứu, chúng ta mới hiểu được đúng bản chất của các chế độ cộng sản, của chủ nghĩa cộng sản.

     - Trên một phương diện khác, khi bám sát vào quy luật bản chất hiện tượng, chúng ta cũng có thể xác định được bản chất của chủ thể, của đối tượng nghiên cứu. Nếu một chủ thể có bản chất tốt đẹp, bao giờ cũng có biểu hiện ra bên ngoài bằng những kết quả tốt đẹp, hoặc cơ bản là tốt đẹp. Ngược lại, một chủ thể không thể có bản chất tốt đẹp nếu như thể hiện ra bên ngoài là một loạt những sự sai lầm, xấu xa và tàn bạo. Soi chiếu vào quá trình hoạt động và lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam, chúng ta không tìm đâu ra được một công việc nào, một sự nghiệp nào có kết quả tốt đẹp cho nhân dân, cho đất nước. Ngược lại, một chuỗi những sự kiện mà đảng cộng sản đã thực hiện đã đưa nhân dân và đất nước đi hết từ thảm họa này tới thảm họa khác. Việc tiêu diệt các đảng phái khác, những tổ chức, cá nhân không cùng lý tưởng ngay từ khi đảng công sản ra đời, việc cướp chính quyền trong lúc giao thời, công cuộc cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản hai miền… cùng với một loạt các sự kiện tương tự như vậy, không còn ai có thể biện minh cho một chế độ gây đau thương và tai họa cho người dân và đất nước được.

     - Một trong những khúc mắc trong nhận thức của nhiều người, đó là người ta không đánh giá, không nhận thức về chế độ dưới góc nhìn một cơ chế, một thể chế. Chính vì vậy mới có những người nhận thức chưa tới, nửa vời và cho rằng các thế hệ lãnh đạo chế độ cộng sản giai đoạn đầu trước năm 1975, hoặc trước đổi mới vẫn có công lao và đạo đức, liêm khiết. Chỉ sau này đổi mới, các thế hệ lãnh đạo mới tha hóa, biến chất. Với mục đích thống trị người dân, thế hệ lãnh đạo ban đầu đã xây dựng một cơ chế triệt tiêu tinh thần phản kháng của người dân. Trong quá trình đó, họ đã thực hiện việc tiêu diệt các đảng phái khác, cải cách ruộng đất, đánh tư sản để bần cùng hóa người dân áp đặt sự thống trị… Tất cả những thế hệ lãnh đạo sau này đều nằm trong guồng quay của cơ chế mà thế hệ lãnh đạo ban đầu tạo dựng lên. Khi các chế độ cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, để thích ứng với tình hình mới, đảng cộng sản đã phải thực hiện công cuộc đổi mới. Đó là một thủ đoạn để duy trì độc quyền lãnh đạo của đảng. Mục tiêu thống trị nhân dân theo phương thức cũ (cơ chế cũ) không còn nữa, mà thay bằng mục tiêu duy trì độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản.

     Việc nhìn nhận, đánh giá chế độ dưới góc nhìn cơ chế, thể chế cũng giúp chúng ta không đi vào việc so sánh các cá nhân lãnh đạo, tôn sùng người này, người kia. Đồng thời chúng ta cũng thấy được mức độ khó khăn của công cuộc đấu tranh dân chủ mà người dân theo đuổi và hằng mong ước. Đó là việc thay đổi cơ chế, thể chế hiện hành chứ không phải việc thay thế thế hệ lãnh đạo hoặc cá nhân người này, người kia.

     - Một vấn đề quan trọng nữa cần đề cập. Có nhiều người cho rằng, với tình trạng hiện nay của đất nước, vẫn có thể sửa đổi từng vấn đề, từ nhỏ tới lớn, từng bước một để chế độ và xã hội tốt đẹp lên. Câu trả lời là, dù với một việc nhỏ, cả chế độ này cũng không thể làm tốt lên được, chứ không phải sẽ làm tốt được và tiến tới làm tốt tất cả các lĩnh vực khác và toàn bộ vấn đề của đất nước. Một chế độ toàn trị, với một cơ chế duy nhất để tiêu diệt, triệt tiêu tinh thần phản kháng của người dân, và chế độ chỉ quan tâm tới mục tiêu này. Chính vì vậy, tất cả các lĩnh vực khác đều là sự sai trái, chắp vá và trục lợi. Những nền tảng đã sai từ đầu và kéo dài mấy chục năm ở tất cả các lĩnh vực hỏi rằng đến bây giờ còn lực lượng nào, còn ai có thể làm tốt được?...

     (còn nữa)

Hà Nội, ngày 26/3/2018

N.V.B