You are here

Ai Cập dạy chúng ta rằng chủ nghĩa tư bản là còn quá ít

Wiktor Jarzynski – Lê Diễn Đức dịch
 
 
 Hương của cách mạng Hoa Lài đã lan qua Trung Quốc - Ảnh: BBC Hoa ngữ
 
Tấm gương về cuộc cách mạng tại Ai Cập cho thấy bản thân những cải cách theo mô hình chủ nghĩa tư bản mà không có dân chủ không đủ để duy trì trật tự xã hội. Chủ nghĩa tư bản là còn quá ít, người Ai Cập nói với chúng tôi, nhất là khi mà chỉ một nhóm thu hẹp bắt tay với chính quyền được hưởng lợi từ thứ chủ nghĩa tư bản này.
 
Đây cũng là lời cảnh báo "giác ngộ" đối với các nhà độc tài ở Trung Quốc và Belarus, những người trước đây có thể suy nghĩ rằng dân chủ không cần thiết cho xã hội và với dân chúng thì quyền tự do kinh tế, nhỏ hơn hoặc lớn hơn, là đủ.
 
Nghèo, nhưng đang khấm khá lên
 
Người châu Âu đến nghỉ ở Ai Cập nhìn thấy những bãi biển đẹp, khách sạn cao cấp, các trung tâm du lịch và một sự nghèo đói lớn nằm ở phía ngoài, ngày càng ý thức rằng "Ai Cập thực sự" nghèo chứ không phải là Kim Tự Tháp và những rì-sọt (resorts) với phong cách "Sharm-el-Sheik". Thực tế là như thế, mặc dù chúng tôi không thể không nói tới những thay đổi đã diễn ra ở đất nước này trong vài thập kỷ qua.
 
Trước cuộc khủng hoảng kinh tế, mà thị trường tài chính kém phát triển như Ai Cập không trực tiếp bị ảnh hưởng, tổng thu nhập nội địa (GDP) của Ai Cập có mức tăng trưởng 7%, và mức tăng trưởng GDP trung bình từ năm 1999 là 5,1%. Năm 1980, tuổi thọ trung bình là 56,6 tuổi - hôm nay 70,5 tuổi. Tỷ lệ tử vong trẻ em trước khi đến 5 tuổi vào năm 1980 là 90 trên 1.000 ca sinh - bây giờ 23 trên 1.000 ca sinh. Năm 1980, chỉ có 37,4% người Ai Cập biết đọc và viết - nay 66,4%.
 

Mức tăng trưởng kinh tế (GDP) của Ai Cập
 
Ngoài ra Ai Cập là một đất nước có tiềm năng phát triển cao xuất phát từ thị trường nội địa rất lớn (80 triệu người), du lịch hấp dẫn, vị trí chiến lược (Kênh đào Suez), lao động giá rẻ, cởi mở với đầu tư trực tiếp của nước ngoài (thành viên WTO) và các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú (xăng, dầu).  Ai Cập cũng là nước trong năm 2010 được Ngân hàng Thế giới xếp vào 10 quốc gia (Top ten) có cải cách nhanh nhất. Tuy nhiên, Ai Cập là một đất nước mà trong lĩnh vực kinh tế tự do vẫn còn nhiều việc phải làm. Chỉ số Tự do Kinh tế (Index of Economic Freedom - ND) 2010 của Ai Cập được xếp hạng 96 trên tổng số 179 nước trên thế giới. [Trung Quốc 140, Việt Nam 144, Cuba 177, Bắc Triều tiên 179 – ND].
 

Mức lạm phát của Ai Cập 
 
Một chính sách kinh tế tốt không như một chính sách chính trị tốt
 
Ai Cập có vẻ là một nước mà cho đến nay đang đi đúng hướng. Cải cách kinh tế, tự do hóa và mở cửa cho thương mại quốc tế, đã góp phần cải thiện to lớn đời sống của công dân của nước này. Tuy nhiên, nhìn vào các mối quan hệ của Ai Cập, chúng ta thấy nhiều người còn rất nghèo, họ ca thán không biết sẽ sống như thế nào. Đây là bằng chứng cho thấy các cải cách theo mô hình kinh tế tư bản không thôi tự thân không đủ để giữ trật tự xã hội, bởi vì chỉ trong một hệ thống dân chủ mới có thể chia sẻ công bằng lợi ích mà chủ nghĩa tư bản mang lại.
 
Giáo sư Đại học Harvard Dani Rodrik đã có lý khi nói rằng chính sách kinh tế tốt không luôn luôn có nghĩa là chính sách chính trị tốt ("good economics need not always mean good politics”). Tại Ai Cập, mặc dù nền kinh tế được cải thiện và mức sống của rất nhiều công dân được nâng cao, nhưng hầu như đã không được giải quyết các vấn đề như gia đình trị, tham nhũng hay là clientelism (chủ nghĩa bảo hộ lợi ích phe nhóm – ND) [1]. Giới cầm quyền tách rời khỏi dân chúng mà vào một thời điểm nào đó họ sẽ phản kháng. Sự phát triển kinh tế được chứng minh bằng các sự kiện trong những tuần gần đây cho thấy không phải lúc nào các nhà độc tài cầm quyền cũng có thể "mua" được sự ổn định xã hội. Không chỉ vậy, theo Rodrik, chính sự tăng trưởng kinh tế tự nó phân hoá sự huy động xã hội và kinh tế của công dân, là nguyên nhân gây bất ổn xã hội. Mặc dù thực tế  là giữa dân chủ và chủ nghĩa tư bản không có mối tương quan hoàn hảo, nhưng cuối cùng không phải ngẫu nhiên tất cả các nước giàu có trên thế giới đồng thời là các quốc gia dân chủ.
 
Dân chủ là bộ đệm của sự bất ổn xã hội
 
Trong một quốc gia mà trong đó người dân làm chủ nhu cầu thực tế của mình, các vấn đề và sự bất bình về tình trạng quản lý đất nước được thể hiện ngay lập tức (thông qua các cuộc thăm dò ý kiến công chúng) hoặc sau một thời gian nhất định (thông qua bầu cử), nên chính quyền phải phản ứng và cải cách đất nước theo hướng mong muốn của đa số dân chúng. Trong những nước không dân chủ thiếu cái "van an toàn" xã hội mà sau nhiều năm, có thể kết thúc bằng một cuộc cách mạng trên toàn quốc như trong trường hợp của Ai Cập.
 
Dân chủ cũng sẽ giúp phân bổ nguồn lực công bằng hơn trong một hệ thống tư bản chủ nghĩa, làm giảm vị thế và sự lấn áp của chính quyền mà từ cái đó đẻ ra tham nhũng, ngoài ra dân chủ còn làm dịu bất ổn xã hội.
 
Trong một nhà nước phi dân chủ, bằng cách giữ độc quyền lập pháp, thiếu sự phân chia quyền lực và trách nhiệm với xã hội, có thể hình thành quan hệ kinh tế xã hội với hệ thống có vẻ là tư bản (quaisi-capitalism) để sự hưởng lợi rơi vào một nhóm công dân được lựa chọn.
 
Sự phát triển đã được thúc đẩy bởi - như trường hợp của Ai Cập và Tunisia - một địa điểm du lịch rất hấp dẫn, hoặc tài nguyên thiên nhiên, nhưng hệ thống chính trị bị bệnh lý trong nhiều lĩnh vực và làm tăng sự bất bình đẳng xã hội.
 
“No results could be found” - Kết quả không tìm được
 
Ví dụ về cuộc cách mạng tại Ai Cập cho thấy rằng các cải cách kinh tế theo mô hình tư bản không đủ để giữ gìn trật tự xã hội. Chỉ chủ nghĩa tư bản thôi là không đủ, người Ai Cập cho chúng tôi biết, nhất là khi mà chỉ một nhóm thu hẹp bắt tay với chính quyền được hưởng lợi từ thứ chủ nghĩa tư bản này.
 
Tình hình tại các quốc gia Ả Rập đặc biệt làm lo ngại các đồng chí Trung Quốc, nơi mà "bàn tay định hướng" chủ nghĩa tư bản kết hợp với sự áp bức về thể chất đối với lực lượng đối lập cho đến nay đang đủ để duy trì quyền lực và ngăn chặn được các cuộc nổi loạn địa phương ở nông thôn. Tuy nhiên, bao lâu nữa thì hơn một tỷ người dân Trung Quốc mới vứt bỏ sự áp đặt ý chí của một nhóm nhỏ các thành viên Đảng Cộng sản? Thật khó để trả lời câu hỏi này. Có thể là vài năm nữa hoặc nhiều thập kỷ. Nhưng các nhà chức trách Trung Quốc dường như không đánh giá thấp sự nguy hiểm, bởi vì tại thời điểm các cuộc bạo loạn lớn nhất ở Ai Cập, một ai đó ở Trung Quốc muốn tìm kiếm trang web mà gõ từ khoá "Ai Cập" hoặc "Cairo" thì màn hình sẽ hiển thị dòng chữ “No results could be found”. ■
 
----------------------------------------------------------------------------------
 
* Tác giả bài viết, ông Wiktor Jarzynski, là thạc sĩ luật, biên tập viên chính trị và kinh tế của nhật báo luật pháp Ba Lan “Gazeta Prawna”, chủ nhiệm nguyệt san “Liberté” và là thành viên Hiệp hội Phân tích Luật và Kinh tế của Ba Lan, cộng tác viên của trường Cao đẳng Đông Âu và Viện Allerhand.
 
* Bài được dịch từ nguyên bản tiếng Ba Lan với tựa đề “Ai Cập dạy chúng ta rằng chủ nghĩa tư bản còn là quá ít”, đăng trên trang web chuyên về bình luận của giới ký giả Ba Lan “Moje Opinie”.
 
* [1]: “Clientelism” tiếng Anh (tiếng Ba Lan là “Klientelizm”) là một từ mới xuất hiện, theo wikipedia, có nguồn gốc từ chữ “khách hàng” (client), được hiểu là mối quan hệ không chính thức tùy thuộc vào loại hình kinh tế và chính trị, trong đó một chính trị gia có ảnh hưởng, dùng quyền lực che chở lợi ích cho một người hoặc một nhóm xã hội (khách hàng) đổi lại sự ủng hộ chính trị cho mình. Hiện tượng “clientelism” được coi là một dạng bệnh lý xã hội, bởi vì nó vi phạm luật chơi bình thường và chính thức trong lĩnh vực chính trị và kinh tế. Mối quan hệ dạng này phá vỡ tiến trình phân phối lợi ích chính trị và kinh tế, đưa tới sự tạo ra "vùng xám" không chịu sự kiểm soát của xã hội. Hiện tượng tương đồng với “clientelism” có thể ví dụ như gia đình trị hay chính sách bảo hộ thân hữu, phe nhóm.
 
Mối quan hệ “clientelism” thường tồn tại ở các quốc gia phi dân chủ hoặc dân chủ không hoàn thiện, là đối tượng nhắm tới của các đảng phái chính trị.
 
Người dịch tạm thời chuyển ngữ thành “chủ nghĩa bảo hộ lợi ích phe nhóm”. Bạn đọc có sáng kiến khác xin được tiếp thu.
 
Bản Việt ngữ © 2011 Lê Diễn Đức