You are here

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Những Cái Với Lệch Pha

Ảnh của tuongnangtien

Thế giới thay đổi quá nhanh và quá nhiều, nhưng tư duy và thể chế thay đổi quá chậm và quá ít.

Nguyễn Quang Dy

Nhà báo Trương Duy Nhất có những ghi nhận (khá) lạ lùng về cung cách sinh hoạt “Chính Phủ Điện Tử,” ở Việt Nam:

“Nếu ai theo dõi các cuộc họp của Chính phủ dạo này sẽ thấy chình ình trước mặt từ Thủ tướng đến tất cả mọi thành viên mỗi người một cái laptop rất to hiệu Sony Vaio (nhìn ảnh chắc là loại xịn).

Có lẽ, đây là dấu hiệu nhìn rõ nhất, cụ thể nhất cho khái niệm ‘Chính phủ điện tử’ lâu nay đang hô hào và dốc tâm xây dựng.  Nhưng nếu chịu khó quan sát tí, sẽ thấy nhiều chuyện khôi hài.

Bắt đầu cuộc họp, tất tật laptop đã được bật sẵn. Và dường như suốt phiên họp, từ Thủ tướng đến mọi thành viên, chả ai quan tâm đoái hoài đến cái màn hình laptop trước mặt. Còn cái bàn phím thì càng tất nhiên là không, ít thấy ai đụng vào, dù chỉ một lần.

Đa phần vẫn cắm cúi, chúi vào mấy tập tài liệu dày cộp trên bàn. Thi thoảng đến phiên phát biểu, vẫn thấy các vị cầm đọc những tờ giấy chuẩn bị sẵn. Vì thế, nhìn dòng logo sát ngay dưới hình Quốc huy trên những cái laptop kia, cứ nghĩ Chính phủ đang làm công tác… quảng cáo, tiếp thị cho nhãn hàng Sony Vaio.

Trong thành phần Chính phủ, tôi cũng có quen vài người. Hôm nọ ngồi tiếp chuyện một vị, ổng bất chợt hỏi:

          - Nghe nói chú có nhiều bài viết hay lắm, tìm thế nào để đọc được?

Tôi thật thà:                                                            

          - Ôi, anh nhiều việc thế chắc nói dài dòng không nhớ nổi đâu. Tốt nhất cứ vào gút- gồ gõ chữ Trương Duy Nhất là ra     hết!
Vậy mà ổng trợn tròn mắt: “Gút- gồ là cái chi rứa?”

Câu hỏi trên được ông Nguyễn Văn Thành (tiến sĩ kinh tế, cử nhân luật, cử nhân Anh văn, lý luận chính trị cao cấp, nguyên bí thư thành ủy Hải Phòng, đương kim thứ trưởng công an) trả lời – gián tiếp – bằng một câu nói khó quên: “Có … hơn năm triệu lượt người vào cái mạng gu gờ chấm Tiên Lãng.”

Câu tuyên bố  bất ngờ này làm nhiều người ... bổ ngửa, và khiến cho nhà văn Phạm Thị Hoài phải buông lời cảm thán:

“Ai cũng có cái dốt của mình. Dốt mạng không phải là tội. Nhưng trường hợp ‘Gú gờ chấm Tiên Lãng’ cho thấy hai điều đáng gọi là rùng rợn:

Thứ nhất, tác giả của phát minh nói trên, ông tiến sĩ Nguyễn Văn Thành, là một trong 175 người lãnh đạo cao nhất của 90 triệu người Việt Nam, tức thuộc giới thượng lưu chính trị của đất nước.  Thứ hai, một sự dốt nát như thế chỉ có thể dõng dạc diễn thuyết như thế, khi nó chắc mẩm rằng cử tọa còn ngu dốt hơn nhiều.”

Tôi hoàn toàn đồng ý rằng “dốt mạng không phải là cái tội.” Sự thiếu hiểu biết của giới quan chức Việt Nam (từ địa phương đến trung ương) về internet chỉ gây ra tội vạ cho người dân, và cho chính họ thôi.

Xin ghi lại đôi ba trường hợp, rất phiền hà, theo tường trình của phóng viên Nhã Phương:

“Chê cầu sập trên Facebook bị phạt: Lãnh đạo lại xin lỗi. Ngày 21/10, cô Huỳnh Thị Ngọc Điệp, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Hiệp, khi qua cầu M3 (làm bằng gỗ dài 30 m, rộng 1,2 m, mới đưa vào sử dụng được một năm) thì cầu bất ngờ gãy. Cô Điệp rơi xuống nước, nhờ có đồng nghiệp đi cùng nhảy xuống cứu nên may mắn thoát chết.

Đến trưa cùng ngày, trên Facebook cá nhân của cô giáo Dương Hải Âu, giáo viên dạy Mỹ Thuật của trường, có dòng status nội dung chê cầu sập gây nguy hiểm cho giáo viên. Sau đó, Đảng ủy xã Tân Hiệp đã yêu cầu cô giáo Âu gỡ status đồng thời xử lý.

Đáng lưu ý, không chỉ có cấp xã Tân Hiệp rơi vào tình trạng đưa quyết định xử phạt cá nhân viết bài trên Facebook rồi lại rút và xin lỗi.

Trước đó không lâu, ngày 26/11, liên quan đến vụ “Chê chủ tịch tỉnh trên Facebook", UBND tỉnh An Giang cũng đã hủy các quyết định xử lý kỷ luật Đảng và chính quyền đối với các cá nhân liên quan, vì bị đánh giá là quá nóng vội khi đưa ra quyết định xử phạt … đại diện Sở TT&TT tỉnh An Giang cũng đã thay mặt lãnh đạo Sở nhìn nhận đã có sai sót là nhận định không đúng về hành vi vi phạm và sai sót về thể thức văn bản trong quyết định xử phạt. Sở cũng đã xin lỗi cô Trang về sự việc không đáng có liên quan đến cô.”

Tiếp theo chuyện cô Âu, cô Trang là việc ông bác sĩ Truyện “bị phạt 5 triệu đồng vì ‘nói xấu’ Bộ Trưởng Y Tế” – vào hôm 14 tháng 7 năm 2017 – trên fb cá nhân. Tuy nhiên, không bao lâu sau báo chí nhà nước lại đồng loạt đưa tin ... xin lỗi:

Sau sự kiện này, nhà báo Phạm Đoan Trang có nhận xét rằng: “Chuyện bác sĩ Truyện cho thấy sức mạnh của mạng xã hội. Những bình luận không phải chỉ là chém gió trên bàn phím cho vui mà chắc chắn là có ảnh hưởng đến chính sách.”

Trong một xã hội vốn khép kín như ở Việt Nam thì “sức mạnh của mạng xã hội” có thể “ảnh hưởng đến chính sách” là điều khá  bất ngờ đối với nhiều người. Những phát kiến mới mẻ trong lãnh vực internet cùng ảnh hưởng sâu đậm đi kèm đã khiến không ít kẻ, nhất là qúi vị quan chức, bị rơi vào tình trạng hụt hẫng.

Nhà xã hội học William F. Ogburn nghĩ ra hạn từ lệch pha văn hóa  (cultural lag) khi ông mô tả hiện tượng nhân loại bị những phát kiến của kỹ thuật bỏ xa, human behavior lagging behind techonological innovations (*).

Với hiện trạng “Gu Gờ Chấm Tiên Lãng” đang phổ biến trong giới quan chức “tinh hoa” ở VN thì việc thành lập Chính Phủ Điện Tử (hay Nhà Nước Kiến Tạo) chỉ là những những cú với lệch pha, hay nói chính xác hơn thì đây là những “khẩu hiệu” để hô chơi (cho nó vui) thôi!

Điều bất khả không phải vì sự thiếu thốn phương tiện, hay vì trình độ  thấp kém của người xử dụng mà là do chủ trương của chính những người lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay. Họ cố che mắt tất cả mọi người – kể cả giới công nhân viên cán bộ – được càng lâu (và càng nhiều) càng tốt.

Hồi ký (Đối Mặt) của Vi Đức Hồi có những câu đối thoại đoạn như sau:

-Làm cách nào ông liên hệ được với bọn ở Hà Nội?

-Trên mạng đầy dẫy địa chỉ, ông không quan tâm, không biết thôi. À nhưng mà ông có máy nối mạng không nhỉ?

-Không, máy còn chả có nữa là mạng. Cả Huyện chỉ có 1 máy nối mạng ở phòng văn thư bảo mật, còn lại từ Huyện Trưởng trở xuống chẳng ai có.

Tôi sực nhớ lại lúc làm việc ở Ban Tổ Chức Tỉnh Ủy, cả Ban duy chỉ có máy Trưởng Ban, là Thường Vụ Tỉnh Ủy mới được kết nối mạng, hôm Trưởng Ban đi vắng, mọi người phải chờ đến mỏi mắt để lên mạng tìm các bài viết của tôi đăng tải. Thế mới biết Chế Độ Cộng Sản bịt thông tin được coi là bí quyết thành công trong chính sách cai trị.

 -Thời buổi này, đến cỡ như ông mà cả mạng internet cũng không có thì làm sao có được thông tin?

-Bọn này có thông tin nội bộ, ngoài ra là báo ngành, báo Đảng, thế thôi...

Chỉ “thế thôi” thì đến hết thế kỷ này không biết đã có Chính Phủ Điện Tử và Nhà Nước Kiến Tạo hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa nữa!

Tưởng Năng Tiến

(*) According to Ogburn, cultural lag is a common societal phenomenon due to the tendency of material culture to evolve and change rapidly and voluminously while non-material culture tends to resist change and remain fixed for a far longer period of time.” (Theo Ogburn, sự lệch pha văn hóa là một hiện tượng xã hội phổ biến do khuynh hướng văn hóa vật chất tiếp tục tiến hóa và thay đổi rất nhanh, rất lớn, trong khi văn hóa phi vật thể có xu có xu thế chống đối lại những biến đổi và vẫn còn nguyên vẹn trong một thời gian dài hơn rất nhiều. Trans. Bùi Xuân Bách).