You are here

Vụ án Trịnh Vĩnh Bình và hướng đi mới của phong trào dân chủ (tiếp theo)

Ảnh của nguyenvubinh

       ...

       II/ Những vấn đề rút ra từ các vụ án

       Qua vụ án của ông Trịnh Vĩnh Bình, tất cả đều thấy rằng, nhà nước Việt Nam hoàn toàn có thể bị kiện ra tòa án và hoàn toàn có thể thua kiện. Đây là ý nghĩa vô cùng lớn, một thắng lợi tinh thần vô giá mà vụ án Trịnh Vĩnh Bình có thể đem lại. Nếu như trước đây, rất nhiều người nghĩ rằng, việc đưa nhà nước, nhà cầm quyền Việt Nam ra được tòa án quốc tế là điều vô cùng khó khăn, không tưởng thì nay tất cả đều nghĩ lại, và nghĩ khác đi. Thêm nữa, việc đưa được nhà nước Việt Nam ra tòa án, nhưng lại thắng kiện được nhà nước Việt nam càng khích lệ người dân nhiều hơn nữa. Như vậy, vụ án Trịnh Vĩnh Bình như là một sự cởi bỏ về mặt tâm lý, tinh thần cho người dân, và chính từ vụ án này sẽ tạo ra một tiền lệ, ít nhất là về mặt niềm tin đối với người dân.

       Nếu như vụ án ông Trịnh Vĩnh Bình kiện trực tiếp nhà nước Việt Nam ra tòa án giải quyết vấn đề tinh thần, tâm lý thì hai vụ án sau, của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và Vietnam Airlines lại như một sự chỉ dẫn về mặt nội dung đối với các vụ kiện. Có thể nói rằng, nội dung của hai vụ kiện này cực kỳ đơn giản, sự việc rất thông thường nhưng cuối cùng nhà cầm quyền Việt Nam đã phải trả rất nhiều tiền để giải quyết hậu quả. Việc chi trả nhiều tiền cho hai vụ án, phần lớn xuất phát từ việc thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm cũng như việc coi thường luật pháp quốc tế khi Việt Nam mới gia nhập sân chơi chung của luật pháp quốc tế. Tất nhiên sau này, Việt Nam có kinh nghiệm, sẽ không phải trả phí cho những điều không đáng xảy ra. Tuy nhiên, nội dung các vụ án, tức là tính chất các sự việc vô cùng đơn giản nhưng luật pháp quốc tế vẫn bảo vệ những người bị thiệt thòi. Điều này có nghĩa rằng, đối với nhiều đồng bào của chúng ta, những người đã bị nhà cầm quyền Việt Nam đối xử vô cùng dã man, tàn bạo cũng như việc cướp, tước đoạt trắng trợn tài sản, nhà cửa có rất nhiều cơ hội trong việc kiện nhà nước Việt Nam để đòi lại quyền lợi cũng như những tài sản của mình.

       Đối với phong trào dân chủ Việt Nam, việc kiện nhà nước Việt Nam nên xác định là một hướng đi mới trong bối cảnh cuộc đấu tranh trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn. Phong trào phản đối Formosa và bảo vệ môi trường ban đầu rất sôi nổi, bằng các cuộc biểu tình, vận động phản đối khắp cả nước nhưng đã không duy trì được lâu bởi sự đàn áp, đánh phá cả từ trong lẫn ngoài phong trào dân chủ.. Một thời gian sau, việc phản đối Formosa đã chuyển sang những người dân trực tiếp bị ảnh hưởng của vùng biển chết, ô nhiễm như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Đồng thời cuộc đấu tranh của người dân còn được sự ủng hộ, hỗ trợ của toàn bộ hàng ngũ giáo phẩm và các giáo xứ của giáo phận Vinh. Ban đầu cuộc đấu tranh của người dân trực tiếp bị ảnh hưởng đã thu hút được sự chú ý cũng như tạo được sự lúng túng nhất định cho nhà cầm quyền. Nhưng cuộc đấu tranh cũng không duy trì ngọn lửa nhiệt tình được lâu. Nhà cầm quyền đã ra tay đàn áp rất dã man, hiểm độc nên phong trào phản đối Formosa và bảo vệ môi trường đã và đang chùng xuống, mất đà.

       Đối với các tổ chức xã hội dân sự, nhà cầm quyền Việt Nam còn sắt máu và đàn áp dã man hơn. Ngoài việc cài cắm người để lũng đoạn từ bên trong, nhà cầm quyền còn trực tiếp đàn áp bằng các biện pháp: đánh đập, giam cầm, truy tố. Hội Anh Em Dân Chủ là một tổ chức xã hội dân sự khá bài bản, lâu năm bị đàn áp dã man nhất. Toàn bộ đội ngũ lãnh đạo của Hội, cả cũ và mới đều bị bắt giam, khởi tố bởi điều luật vô cùng tàn bạo, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (điều 79 bộ Luật hình sự). Các hoạt động của các hội, nhóm khác cũng bị phá, ngăn cản và gây rối như hoạt động thể dục thể thao thường xuyên, đá bóng giao lưu của nhóm FC - NoU, các hoạt động kỷ niệm của các hội nhóm cũng bị đàn áp và phá đám. Một số hội, nhóm mới ra đời, mặc dù chỉ có tính chất học thuật cũng bị đưa vào tầm ngắm và sách nhiễu (ví dụ Nhóm Nghiên cứu Thể chế). Như vậy, về hoạt động của các hội, nhóm xã hội dân sự cũng đang bị ngưng trệ, cầm chừng do sự đánh phá, đàn áp dã man của nhà cầm quyền Việt Nam.

       Phong trào dân oan đã bị đánh phá và cắt đứt sự kết nối với phong trào dân chủ vào cuối năm 2016. Tuy vẫn còn một vài nhóm nhỏ hoạt động nhưng cũng trong tình trạng cố thủ. Đến nay, những người dân oan tự phát vẫn hàng ngày, hàng giờ tập hợp tới những địa điểm nhạy cảm để yêu cầu, yêu sách và khiếu nại. Nhưng do không có sự tổ chức, cũng như không có được sự giúp đỡ dài hơi, những người dân oan có thể bị dẹp bỏ cũng như giải tán bất cứ khi nào nhà cầm quyền muốn ra tay.

       Một đặc điểm rất đáng lo ngại đối với phong trào dân chủ là khả năng kết nối, làm việc chung của các hội nhóm, các cá nhân hiện nay vô cùng khó khăn. Rất khó hội nhóm hoặc cá nhân nào kêu gọi một công việc chung tốt đẹp mà có sự ủng hộ, tham gia hoặc giúp đỡ của những hội, nhóm cá nhân khác một cách đông đảo như trước đây nữa. Với bối cảnh chung của phong trào dân chủ như vậy, việc mở ra một hướng đi mới, sử dụng luật pháp quốc tế, hoặc các quốc gia dân chủ có quan hệ với Việt Nam đòi lại công lý, quyền lợi cho người dân đồng thời dồn ép nhà cầm quyền Việt Nam trên nhiều phương diện là một việc thật cần thiết và ý nghĩa...

       (còn nữa)

Hà Nội, ngày 26/9/2017

N.V.B