You are here

Hủy diệt lòng yêu nước, sự dũng cảm, dung dưỡng sự thờ ơ, vô cảm

Ảnh của songchi

Song Chi.

So với Trung Quốc, thế giới ít quan tâm đến VN và do đó tình hình chính trị, xã hội, “thành tích” nhân quyền ở VN ra sao cũng chả mấy người biết, nếu họ không vì một lý do gì đó chú ý đến VN. Tôi đã từng nói chuyện với nhiều người Na Uy, người châu Âu cho tới những khu vực khác trên thế giới, không có mấy người hiểu rõ về hệ thống chính trị, tình hình chính trị xã hội ở VN.

Có một vài người bạn từng nghe tôi nói nhiều về VN nhưng vẫn không hình dung hết, đến khi tôi gửi một loạt bài về tình hình VN trên trang Human Rights Watch, RFS (Reporters Without Borders), cả cái video của đài truyền hình quốc tế Aljazeera về sự hà khắc, bóp nghẹt mọi quyền tự do ngôn luận của người dân và cách hành xử đối với những blogger dám lên tiếng của nhà cầm quyền…họ mới thực sự sửng sốt.

Lâu thật lâu, như hôm nay, truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin về phiên tòa ô nhục kết án blogger Mẹ Nấm, tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh 10 năm tù, chỉ vì cái tội dám lên tiếng đấu tranh ôn hòa trước những sự bất công, phi lý, những vấn đề nhức nhối của xã hội như nạn công an lạm dụng quyền lực, bạo hành người dân đến chết khi đang trong lúc bị tạm giam để điều tra, hay thảm họa môi trường Formosa…

Trước đó mấy ngày, báo chí các nước cũng đưa tin rất nhiều về trường hợp một nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân lương tâm, Giáo sư Phạm Minh Hoàng đã bị nhà nước cộng sản tước quốc tịch VN và trục xuất sang Pháp sống đời lưu vong…Vào những dịp như vậy, ai quan tâm đến VN thì có thể hiểu được cái chế độ do đảng cộng sản đang nắm quyền ở VN là một chế độ tàn bạo, rằng ở VN không có đất sống cho những người dám lên tiếng, những nhà hoạt động dân sự.

Nhưng cho dù có đọc được những tin đó, người nước ngoài, nhất là công dân của các nước tự do, dân chủ, văn minh, tiến bộ cũng không sao tưởng tượng được rằng có những quốc gia kết án những người đấu tranh ôn hòa, chỉ với ngòi bút hay bàn phím, đến những 10, 12, 16 năm tù. Có những quốc gia dùng công dân của mình, nhất là những tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị như những con bài để mặc cả, thương lượng với thế giới và khi đạt được thỏa thuận thì trục xuất công dân sang nước khác, chỉ với bộ quần áo trên người, như những tội phạm nguy hiểm, trong khi họ hoàn toàn không gây nguy hại gì đến an ninh xã hội!

Người dân của các nước tự do, dân chủ, văn minh, tiến bộ có thể lờ mờ hình dung rằng điều kiện giam giữ tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm ở VN nó tồi tệ như các quốc gia độc tài, kém văn minh khác, nhưng chắc không thể tưởng tượng được những trò hèn hạ, bẩn tưởi mà nhà cầm quyền sử dụng để mong làm nhục chí khí, lung lạc tinh thần tù nhân, hay đơn giản chỉ để thỏa mãn cái tâm lý muốn trả thù.

Hèn hạ, bẩn tưởi đến mức tù nhân chính trị ung thư sắp chết vẫn không được trả về để chết bên người thân hay chết mà gia đình vẫn không được mang xác về vì “tù chính trị không phải là người” (như tù nhân chính trị Nguyễn Văn Trại, trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai). Thực tế là các trại giam luôn luôn giữ thi hài các tù nhân chính trị lại và an táng trong phạm vi trại giam, không khác nào “chết mà vẫn còn bị giam”.

Người tù có cha chết, mẹ chết vẫn không được phép về chịu tang, bị giam trong những điều kiện cố ý tệ hại để hủy hoại sức khỏe, ví dụ như “người tù thế kỷ” Nguyễn Hữu Cầu, cựu đại úy Chủ Lực Quân VNCH, bị giam cả thảy 37 năm đến khi tim yếu, tai gần như điếc, một mắt bị mù lòa không còn thị lực, sức khỏe cạn kiệt mới được thả ra. Hoặc bị giam trong phòng giam hoàn toàn tối để làm hỏng thị lực dần dần như trường hợp kỹ sư-tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, không cho mặc đồ lót hoặc sử dụng băng vệ sinh khi có kinh như trường hợp blogger Mẹ Nấm v.v…

Những chi tiết đó thế giới văn minh không thể hiểu được. Chỉ có người dân ở những nước cùng chế độ độc tài, man rợ là hiểu nhau. Tôi nói chuyện với một nhà văn, nhà xuất bản sách, blogger người Bangladesh đang tỵ nạn chính trị ở Na Uy hơn một năm nay. Bangladesh qua lời kể của anh hiện lên trước mắt tôi không khác gì xã hội VN dù Bangladesh có khá hơn ở một vài khía cạnh, ví dụ có đa đảng, chế độ Thủ tướng Nghị viện, báo chí, TV, nhà xuất bản hoàn toàn là của tư nhân…Nhưng “thành tích” vi phạm nhân quyền của chính phủ Bangladesh cũng rất tồi tệ, và cũng như VN, các blogger, nhà báo, nhà văn ở Bangladesh cũng luôn luôn chịu đủ thứ sự rủi ro, nguy hiểm, từ việc bị chính quyền bắt giam dài hạn nếu dám công khai chỉ trích các chính sách của nhà nước, cho tới việc bị hành hung, giết chết bởi những nhóm Hồi giáo cực đoan nếu dám có những tư tưởng tự do, không phù hợp với đạo Hồi.

Trong những năm gần đây, thế giới đã bàng hoàng khi đọc/nghe thấy hàng loạt vụ tấn công bạo lực chống lại các blogger, nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động vì quyền lợi người đồng tính, người nước ngoài và các thành viên của các nhóm tôn giáo thiểu số ở Bangladesh. Họ đã bị tấn công đến chết bằng dao, rựa...ngay ở chỗ đông người.

Ví dụ như vụ giết blogger, nhà văn và nhà hoạt động Avijit Roy ở Bangladesh vào ngày 27 tháng 2 năm 2015 hoặc vụ tấn công vào blogger Ananta Bijoy Das vào tháng 5 năm 2015 và nhiều vụ khác nữa. Khi những blogger, nhà báo bị những nhóm Hồi giáo cực đoan đe dọa, họ từng tìm đến cảnh sát nhưng cảnh sát không hề làm gì để ngăn chặn, ngoài việc khuyên họ nên…trốn sang nước khác! Sau nhiều lần bị đe dọa và cuối cùng bị tấn công suýt chết, vị blogger mà tôi nói chuyện đành phải chọn con đường ra đi, sống đời lưu vong.

Còn ở VN? Kể từ khi đảng cộng sản lên nắm quyền ở miền Bắc năm 1945 và độc quyền lãnh đạo trên cả từ năm 1975, có bao nhiêu thế hệ tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm phải trải qua những bản án phi nhân, những năm tháng tù đày như địa ngục trần gian? Từ vụ án Nhân văn-Giai phẩm, vụ án “xét lại chống đảng” trước năm 1975, hàng loạt dân quân cán chính VNCH phải chịu tù đày sau 30.4.1975 cho tới những lớp tù nhân lương tâm sau này-dân oan, người bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động dân sự, hoạt động tôn giáo, blogger, nhà báo, luật sư, kỹ sư…

Không chỉ giam cầm. Nếu như các blogger, nhà báo ở Bangladesh bị những nhóm Hồi giáo cực đoan tấn công giết chết ngay trước mắt thiên hạ, thì ở VN, công an đội lốt côn đồ cũng ngang nhiên tấn công tàn bạo những người dám lên tiếng, kể cả đạp cho ngã xe, rất nguy hiểm cho tính mạng.

Trong nhiều năm qua cái tên VN luôn luôn đứng vào hàng ngũ những quốc gia độc tài, nơi mọi quyền tự do dân chủ tối thiểu của con người đều bị bóp nghẹt, nơi có “thành tích” tồi tệ về nhân quyền, tham nhũng, và vô số sự tệ hại khác. Trong những bảng xếp hạng về “democracy index”, “human rights violations by country ranking”, “countries with worst human rights records”, “Countries Top the List of 'Enemies of the Internet” or “List of "Enemies of the Internet" v.v…VN luôn luôn nằm cạnh những cái tên như Bắc Hàn, Cu Ba, Syria, Egypt, Gambia, Kenya, Saudi Arabia, Eritrea, North Korea, Somalia, Sudan, Venezuela, China…Rộng ra thêm nữa, có Afghanistan, Bangladesh, Pakistan, Nga, Iran, Turkmenistan, Uzbekistan…

Dưới chế độ cộng sản, có bao giờ chúng ta thấy được những thông tin tốt đẹp hay VN lọt vào những danh sách đáng tự hào?

Nhưng, có vẻ như đa số người Việt không quan tâm đến những danh sách xếp hạng hay cái nhìn của thế giới đối với VN. Những cái đó xa xôi quá. Ngay những chuyện bất công, phi lý, tồi tệ xảy ra hàng ngày, nhiều người còn không hay biết. Chẳng hạn, có bao nhiêu người biết đến blogger Mẹ Nấm, những việc chị đã làm, phiên tòa xử chị vô lý, tàn bạo và phi nhân ra sao. Có bao nhiêu người đọc và quan tâm đến cái tin về phiên tòa xét xử blogger Mẹ Nấm vốn chỉ được đưa tin ít ỏi và không trung thực, dựa theo cái nhìn của nhà cầm quyền? Trong khi đó, cùng một thời điểm, vụ án tình-tiền, hoa hậu-đại gia Phương Nga-Cao Toàn Mỹ thì được báo chí đua nhau cập nhật tin tức liên tục, khai thác đủ kiểu, và người dân thì náo nức theo dõi.

Đặt bên cạnh sự lẻ loi của vụ án xét xử một người yêu nước, một người mẹ đơn thân đang nuôi hai con nhỏ với bản án từ 8-10 năm. vì đòi những quyền lợi chung cho tất cả mọi người, chứ không phải quyền lợi của riêng mình, mới thấy gì?

Thứ nhất, một chế độ độc tài tàn bạo có khả năng biến báo chí thành bạc nhược, biến người dân thành thờ ơ, vô cảm, không quan tâm gì đến những chuyện gì đang xảy ra trên đất nước mình, cũng không quan tâm dân mình đang sống như thế nào so với các nước khác, khoảng cách về sự tiến bộ, văn minh giữa nước mình với các nước nó xa vời vợi như thế nào. Thứ hai, toàn bộ quá trình xét xử, kết án blogger Mẹ Nấm bộc lộ tính chất phi lý, tàn ác, man rợ như hầu hết những bản án dành cho những ai dám lên tiếng ở nước này từ trước đến nay.Và không có hy vọng gì vào sự tự thay đổi, vào lương tri của nhà nước cộng sản, cộng sản chỉ có thể thay thế, xóa sổ chứ không có khả năng thay đổi và càng không thể cùng “hợp tác”, “sống chung”.

Nhưng trước khi có thể đi đến sự sụp đổ thì chế độ này cũng đã kịp giam cầm, tiêu diệt bao nhiêu con người dũng cảm và tạo nên một xã hội với tâm lý thờ ơ như “ở trọ” trên quê hương. Và đó mới là điều đáng phải lo nghĩ.