You are here

Nhân hiện tình nguy cấp của Trần Huỳnh Duy Thức, nói về sự tàn độc trong ứng xử của trại giam với tù nhân chính trị khi lâm bệnh

Nhân chuyện Trần Huỳnh Duy Thức đang bị đối xử khắc nghiệt tại Trại 6 Nghệ An, cùng tình trạng bệnh tật, sức khoẻ báo động của anh (RFA, Tù nhân Trần Huỳnh Duy Thức tiếp tục bị đối xử khắc nghiệt). Xin giới thiệu lại với bạn đọc bài viết này. 

Trong đó, tôi có nói việc Trại 6 ứng xử tàn độc với tù nhân khi lâm bệnh ra sao. Với trường hợp tôi, khi bị cột sống, thoát vị đĩa đệm, nằm liệt một chỗ không đứng ngồi được, loét một bên đùi, ăn cũng phải nằm nghiêng người múc cơm đút, vệ sinh phải bò lết đi. Nhưng trại giam đã không chịu đưa đi viện chữa. Đấu tranh quyết liệt suốt 25 ngày. Đến chiều tối ngày thứ 25, tôi phải bò ra nằm chắn ngang sửa sắt không cho quản giáo khoá. Thêm Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải) phòng bên la hét đấu tranh cùng, sáng hôm sau trại mới chịu đưa tôi đi viện.

Đọc để hiểu thêm về những ứng xử tàn độc, man rợ của trại giam. Đặc biệt là Trại 6, khu trại heo hút ở vùng Tây Nghệ An, được xem là khét tiếng bậc nhất trong hệ thống nhà tù hiện nay.

Cần nhắc thêm: Khi làm thủ tục trả tự do cho tôi (Trương Duy Nhất), ngày 26/5/2015, Trại 6 đã không thả tại cổng, mà dùng một xe ô tô giả dạng chở ném tôi vào một đoạn đường rừng vùng biên giới (đường mòn Hồ Chí Minh) vắng vẻ heo hút cách trại hơn 4 km, xong cho một tốp an ninh giả danh côn đồ uy hiếp đòi “xin tí huyết”, “chôn xác” tôi cho “hết đường về”.

Sau đó, khi trả tự do cho một bạn tù khác của tôi là anh Trịnh Bá Khiêm. Trại 6 cũng đã huy động một lực lượng nhiều an ninh cùng du côn giả danh và chó nữa, hành hung đánh toét đầu dập mắt hai người con của anh Khiêm đi đón bố ra tù.

Giám thị: đại tá Nguyễn Viết Hoàn, một gã cai tù nhưng khi nào cũng sực nức mùi nước hoa. Phó giám thị, trực tiếp phụ trách khu tù chính trị là Trung tá Thái Văn Thuỷ, nhân vật cùng với một quản giáo phụ trách an ninh tên Du (đại uý) được Hải Điếu Cày và anh em bạn tù chúng tôi gọi là hai thằng ác ôn khét tiếng nhất trại 6.

Trại giam số 6 Bộ Công an (Thanh Chương, Nghệ An) chụp sáng 26/5/2015, ngày Trương Duy Nhất ra tù. Ảnh: Trương Huy San (Huy Đức).

--------------- 

THĂM LẠI NƠI 21 NGÀY NGỒI XE LĂN ĐIỀU TRỊ

Ra tù hơn năm rồi, mới có dịp ngang Vinh, ghé thăm các anh chị y bác sĩ, điều dưỡng khoa châm cứu Bệnh viện y học cổ truyền Nghệ An. Cảm quí. Nhiều chị vẫn nhớ, mừng như gặp lại người thân "ô anh Nhất, nhà báo Nhất".
Tháng 10/2014, trại 6 đưa tôi xuống cấp cứu và điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống tại đây 21 ngày.

Để được đi viện cũng là một sự đấu tranh quyết liệt, gian khó. Nằm bệ xi măng lâu quá, bệnh cột sống tái phát. Tôi nằm liệt chỗ, không ngồi được, suốt 25 ngày. Đến lở, loét một bên hông. Kêu mãi, trạm xá trại giam cũng chỉ tống cho mấy viên thuốc giảm đau. Ngày thứ 25, chiều, chừng 17 giờ 30, giờ lùa tù vào "chuồng", khoá cửa. Không chịu nổi nữa, tôi bò lết ra, nằm chắn ngang cửa buồng giam, không cho quản giáo khoá. Yêu cầu phải gọi giám thị và bác sĩ trưởng trạm y tế vào làm cam kết đưa đi viện cấp cứu. Đấu tranh hơn nửa tiếng. Có thêm Hải Điếu Cày buồng bên cùng trợ giúp la hét yêu sách. Quản giáo mới chịu dẫn tay bác sĩ trạm xá vào làm thủ tục hứa sáng mai chuyển viện.

Đi viện sáng 10/10. Trưa, bị tống vào một khu tách riêng góc sau cùng trong khuôn viên Bệnh viện đa khoa Vinh. Tường rào thép gai chẳng khác gì trại giam. Ngoài cổng gắn bảng "khu điều trị dành cho phạm nhân".

Trời đất. Nó nhếch nhác, bẩn thỉu, hôi thối như thể chuồng heo vậy, chứ không thể là nơi "điều trị bệnh". Thằng Kiên tù hình sự, án giao thông, được trại giao đi theo đẩy xe lăn cho tôi, cùng tay bác sĩ đại uý Lộc trưởng trạm y tá trại giam và hai tay quản giáo đi theo canh giữ. 

Đầu giờ chiều, họ đưa tôi sang bệnh viện y học cổ truyền Nghệ An. Tại phòng cấp cứu, sau khi sơ cứu và điền ghi thủ tục, tôi yêu cầu nữ bác sĩ đang khám cho mình, cố lớn tiếng cho cả mấy thằng quản giáo nghe:

- Tôi đến đây là bệnh nhân. Đề nghị bác sĩ ra y lệnh để tôi nằm ngay tại phòng bệnh viện, điều trị nội trú như các bệnh nhân khác. 

- Không được. Khi nào điều trị chúng tôi đưa anh sang đây. Xong phải về bên kia ngủ- Thằng Lộc đại uý trợn trừng mắt.

Điên tiết. Tôi vung tay chỉ mặt nó, nói như quát:

- Cái chỗ ấy của các ông là để nhốt súc vật, chứ như thế mà gọi là giam người à.

- Anh Nhất yên tâm. Tôi ký rồi, y lệnh cho anh nằm ngay tại khoa châm cứu bệnh viện này, điều trị nội trú như mọi bệnh nhân khác- Nữ bác sĩ phòng cấp cứu chìa tờ giấy khám vừa ký xong cho tôi.

Kiên kéo xe lăn, đẩy tôi chờ nơi cầu thang. Thằng Lộc và hai tay quản giáo kéo nhau ra ngoài. Chúng điện "báo cáo anh báo cáo anh" gì đấy gần nửa tiếng (nghe có vẻ như nhận chỉ thị từ mấy cấp ấy). Xong, chúng hậm hực đưa tôi lên tầng 4, khoa châm cứu.

- Có phòng riêng không? Ông này không để nằm phòng chung được- Thằng Lộc đại uý hỏi, ngay khi bước vào phòng trưởng khoa.

- Không. Các anh muốn nằm riêng thì thuê phòng "yêu cầu", trả thêm tiền đấy- Nữ bác sĩ Thuỷ trưởng khoa đọc hồ sơ bệnh án, nhìn tôi cười, rồi lắc tay trả lời hắn.
Vậy là chúng buộc phải lấy một phòng "yêu cầu" đẩy tôi vào. 4 giường, tôi một, một cho thằng Kiên ở phục vụ đẩy xe lăn cho tôi và hai cho hai thằng quán giáo (Hùng, Sơn) nằm canh giữ.

Ngay từ lúc đó, và đến tận hôm nay, tôi vẫn thầm biết ơn nữ bác sĩ Thuỷ trưởng khoa, và tập thể y bác sĩ, điều dưỡng viên khoa châm cứu và khoa vật lý trị liêu- phục hồi chức năng bệnh viện y học cổ truyền Nghệ An. Có lẽ đa phần họ đọc và nghe biết về tôi, nên suốt 21 ngày điều trị, họ dành cho tôi sự quan tâm đặc biệt. Tôi nhận biết được tình cảm của các anh chị y bác sĩ, điều dưỡng viên dành cho mình qua từng cách nhìn, ánh mắt và cách hỏi thăm, trò chuyện thường ngày.
Đặc biệt, là nữ bác sĩ nhận bệnh và ra y lệnh cho tôi nằm nội trú, ngay đầu giờ chiều ngày 10/10 ấy, tại phòng cấp cứu. Nếu tôi không quyết liệt, nếu nữ bác sĩ nọ không ký y lệnh, chắc tôi đã lại bị đẩy vào nhốt trong cái "khu điều trị" súc vật kia rồi. Tiếc là khi ấy không kịp đọc để biết tên nữ bác sĩ đặc biệt này.
Và một nam điều dưỡng viên khoa vật lý trị liệu- phục hồi chức năng. Phòng bấm huyệt kê đâu 6,7 giường. Mình là bệnh nhân đặc biệt, vì luôn mặc sắc phục "Juventus". Ai nấy cũng nhìn. Mấy bệnh nhân giường bên tò mò hỏi "bác ơi, thế bác đi tù vì tội gì vậy?".

Chưa kịp nói gì, chưa biết trả lời sao cho họ hiểu, thì tay điều dưỡng viên đang bấm cột sống cho mình lên tiếng:

- Anh này bị "tội" nói thật, nói những điều người khác không dám nói. Cứ vào mạng, gõ tên anh ấy, Trương Duy Nhất, là rõ hết.

Hai thằng quản giáo đứng canh, nghe vậy, lẳng lặng ra chiều làm ngơ, quay mặt ra cửa.

Xuất viện, về lại trại giam ngày 31/10. Đỡ, nhưng chỉ đi được một đoạn lại phải ngồi xe lăn. "Vui nhé, hôm nay chú Nhất được xuất viện về rồi nhé!"- Mấy o bác sĩ, điều dưỡng viên xúm lại chia tay. Tôi cười "chú Nhất xuất viện để vào tù lại, chứ không phải về".

Cả phòng châm cứu, gần 20 y bác sĩ và điều dưỡng viên đứng vẫy tay chào. Xuống sân, lên xe rồi, lại thấy gần chục y bác sĩ bên khoa vật lý trị liệu- phục hồi chức năng phía bên kia sân đứng vẫy tay.

21 ngày với bệnh viện này là 21 ngày tôi nhận đón đầy ắp tấm tình đặc biệt từ tập thể mấy chục y bác sĩ, điều dưỡng viên. 

"Ôi chú Nhất, chú nhà báo Nhất. Chú vẫn nhớ khoa cơ à?"- Những câu chào của mấy o điều dưỡng viên trẻ khiến mình cảm động. 

Cảm ơn. Một lần nữa, cho tôi gửi lời cảm ơn chân thành đến các anh chị, những y bác sĩ, điều dưỡng viên đặc biệt của tôi, của một bệnh nhân đặc biệt 21 ngày ngồi xe lăn với bộ sắc phục "Juventus".

Thăm lại các y bác sĩ, điều dưỡng khoa châm cứu, Bệnh viện y học cổ truyền Nghệ An, nơi tôi nằm điều trị 21 ngày.