You are here

Việt Nam sau bước ngoặt Formosa (tiếp theo)

Ảnh của nguyenvubinh

 

       ... Thứ ba, tập trung mũi nhọn vào Công giáo, lực lượng lớn có tổ chức và quan tâm tới môi trường. Trong vòng chục năm trở lại đây, các tôn giáo đều đứng lên đòi tự do tôn giáo cho đạo của mình và chung cho cả đất nước. Công giáo nổi lên như một lực lượng đáng gờm nhất của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Với một số lương tín đồ lên tới hơn 6 triệu người, có tổ chức chặt chẽ và trải khắp đất nước. Không cần nói thì nhà cầm quyền Việt Nam cũng biết rõ sức mạnh của họ. Với các thủ đoạn khủng bố, mua chuộc và làm biến chất các tôn giáo, cộng sản Việt Nam đã thực hiện suốt 72 năm ở miền bắc, và 42 năm trên cả nước đã làm triệt tiêu phần nào tinh thần phản kháng của các tôn giáo. Nhưng gần đây, với nhận thức được nâng cao do cuộc cách mạng công nghệ thông tin, sự mở cửa hội nhập của đất nước, đồng thời do sự tham lam, o ép của nhà cầm quyền Việt Nam trong việc cướp đất đai các cơ sở tôn giáo, các tôn giáo đã vươn mình đứng dậy đòi quyền lợi chính đáng và quyền tự do tôn giáo của mình. Bước ngoặt Formosa một lần nữa thử thách bản lĩnh, quyết tâm và khả năng ứng biến của các vị chủ chăn Công giáo. Việc lãnh đạo giáo dân đòi quyền lợi chính đáng cho mình phù hợp với nguyện vọng chung của nhân dân các tỉnh miền trung bị thảm họa môi trường tàn phá, cũng là nguyện vọng chung của giáo dân và nhân dân cả nước đòi đóng cửa Formosa và làm sạch môi trường. Tuy nhiên, mấu chốt là quyết tâm và sự đồng lòng của hàng ngũ giáo phẩm khu vực cũng như cả nước. Chắc chắn mũi nhọn của nhà cầm quyền sẽ tập trung vào Công giáo nói chung và giáo phận Vinh nói riêng. Nếu vượt qua được những đòn phép này của cộng sản, Công giáo sẽ ghi tên mình vào lịch sử chói lọi của dân tộc.

       Thứ tư, trấn áp khốc liệt nhằm ngăn chặn và xóa bỏ các cuộc biểu tình, tưởng niệm. Trong thời gian hơn nửa năm qua, việc biểu tình, xuống đường và tưởng niệm của các hội nhóm XHDS đã và đang bị nhà cầm quyền đàn áp nặng nề. Sau một cuộc xuống đường vì môi trường ngày 01/5/2016 tại Hà Nội và Sài Gòn có mấy ngàn người tham dự, dần dần nhà cầm quyền đã nhận ra tính chất nghiêm trọng của các cuộc biểu tình vì môi trường đòi đóng cửa Formosa. Các cuộc biểu tình  vì môi trường sau đó bị ngăn chặn cả ở Hà Nội và Sài Gòn, nhưng lại xuất hiện cuộc xuống đường, nộp đơn khiếu kiện của bà con miền trung, ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Các cuộc xuống đường, đưa đơn kiện tập thể của bà con miền trung thực sự là một thách thức cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Lý do là, bà con ngư dân, những người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thảm họa môi trường Formosa, mất công ăn việc làm, không còn thu nhập, đời sống bị ảnh hưởng nặng nề. Đây là việc người dân đứng lên vì sinh kế, vì cái dạ dày và cuộc sống thực tế của họ, chứ không còn vì quyền con người chung chung nữa. Điều đặc biệt đáng ngại cho nhà cầm quyền là những người dân này phần lớn là giáo dân Công giáo, được hỗ trợ bởi các linh mục xót thương cho hoàn cảnh của người giáo dân bị bần cùng hóa, không còn kế sinh nhai. Bản thân đạo Công giáo là đạo có tổ chức chặt chẽ, đức tin lớn và sẵn sàng hi sinh cho đức tin của mình. Nếu nhà cầm quyền đứng về phía người dân, sẽ xử lý vấn đề Formosa triệt để và động viên khuyến khích người dân miền trung kiện Formosa, nhưng họ đã làm ngược lại. Việc đàn áp người dân giáo xứ Song Ngọc ngày 14/02 vừa qua đã chứng tỏ quyết tâm đối đầu với người dân và bảo vệ Formosa đến cùng của nhà cầm quyền Việt Nam. Họ sẽ xử lý việc xuống đường, đưa đơn kiện Formosa của người dân bằng một chiến lược, có thể gồm ba bước: 1- cô lập, khoanh vùng cuộc đấu tranh của người dân miền trung, không cho liên hệ với phong trào đấu tranh của cả nước; 2- tác động nhằm phá hoại sự đồng lòng và quyết tâm của các vị chủ chăn miền trung và cả nước; 3- đe dọa, khống chế và cần thiết sẽ trấn áp người dân, thậm chí cả các vị linh mục. Mục tiêu cụ thể của họ, là không để người dân, giáo dân xuống đường đi khiếu kiện tập thể nữa.

       Đối với các cuộc xuống đường, biểu tình và tưởng niệm của các hội nhóm XHDS, của người dân quan tâm đến tình hình đất nước, họ đã ra tay đàn áp dã man. Các cuộc biểu tình, xuống đường và tưởng niệm trong vòng một tháng trở lại đây đã bị đàn áp một cách không thương tiếc. Ngoài việc canh giữ những người trong giới đấu tranh, họ đã ra tay rất nặng nề với người biểu tình, nhất là ở Sài Gòn. Chính vì vậy mà chỉ có cuộc kêu gọi biểu tình lần đầu mà linh mục Nguyễn Văn Lý và Tập Hợp Quốc Dân Việt kêu gọi còn có được một số người tham gia, những cũng chỉ diễn ra được vài chục phút là bị dập tắt. Hai cuộc biểu tình sau, ngày 12 và ngày 19/3 vừa qua đã không thể nổ ra do sự đàn áp nặng nề của nhà cầm quyền Việt Nam. Mục đích cuối cùng của nhà cầm quyền hướng đến trong việc đàn áp người biểu tình là bằng mọi cách và bằng mọi giá ngăn chặn, không để xảy ra các cuộc biểu tình có quy mô lớn, được nhén nhóm và nuôi dưỡng bằng các cuộc biểu tình nhỏ lẻ ban đầu.

       3/ Phong trào dân chủ đã, đang và cần làm gì trong tình hình mới  

       a - Những hoạt động hiệu quả của phong trào dân chủ (PTDC) trong thời gian qua. Mặc dù PTDC bị đàn áp khốc liệt, bằng việc bắt bớ người yêu nước và trấn áp biểu tình, nhưng PTDC trong thời gian qua đã có những hoạt động tích cực và hiệu quả.

       - Nắm vững được truyền thông, định hướng dư luận, tố cáo lên án chế độ. PTDC đã và đang nắm vững được truyền thông, lĩnh vực quan trọng hàng đầu trong cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ. Mạng xã hội Facebooks chính là trận địa quan trọng những người đấu tranh dân chủ và nhân dân tiến bộ đang làm chủ và định hướng dư luận. Điều này hình thành và duy trì một cách hoàn toàn tự nhiên, bởi vì họ là những người đưa tin trung thực, bảo vệ quyền lợi cho người dân, đồng thời phản biện lại hệ thống công quyền thối nát hiện nay. PTDC đã làm được điều này bằng những việc sau đây...

(còn nữa)

Hà Nội, ngày 24/3/2017