You are here

Việt Nam sau bước ngoặt Formosa

Ảnh của nguyenvubinh

       Sắp tới ngày 06/4, tức một năm sau sự cố Formosa xả thải gây ra việc hủy hoại môi trường biển Việt Nam, làm hàng loạt cá tôm chết dọc bờ biển miền Trung và các tỉnh lân cận. Đến ngày hôm nay, chúng ta có thể có một đánh giá, một cái nhìn toàn diện về sự kiện này. Chúng ta không biết được, tương lai của đất nước, của dân tộc sẽ có mối liên hệ nào với sự kiện này, nhưng sự kiện này đã cho thấy nó là một bước ngoặt của Việt Nam trên nhiều phương diện.

       1/ Tại sao nói Formosa là bước ngoặt của đất nước

       Trước hết, sự cố Formosa đã tạo ra một sự hủy hoại môi trường ở mức độ khủng khiếp. Những kết luận có tính chính thống về phân tích độc tố nước biển chưa được chính thức công bố trung thực nhưng chỉ nhìn vào hậu quả toàn bộ dải bờ biển miền Trung cá tôm, hải sản chết hàng loạt trắng bãi biển, chúng ta cũng có thể kết luận được nồng độ và tính chất những chất độc mà công ty Formosa thải ra. Gần đây dải nước biển màu đỏ xuất hiện kéo dài các tỉnh miền Trung cũng chứng tỏ lượng độc tố xả ra là vô cùng lớn. Môi trường nước biển có khả năng hòa tan các tạp chất rất lớn, thậm chí độc chất nhưng cuối cùng cũng tác động được vào hệ sinh thái làm cá tôm chết hàng loạt như vậy chứng tỏ lượng  độc tố mạnh và vô cùng lớn đã được xả ra biển.

       Người dân các tỉnh miền Trung bị dồn tới đường cùng sau sự cố Formosa. Toàn bộ dải đất miền trung, nơi đất nước bị thu hẹp và khí hậu khắc nghiệt, địa hình đồi núi trùng điệp không có ngành nghề kinh tế nào được gọi là thế mạnh ngoài đánh bắt hải sản và du lịch. Có thể nói, đó là hai ngành nghề cứu cánh của toàn bộ khu vực miền Trung. Vậy mà ngày nay, với nước biển bị ô nhiễm nặng nề, cá tôm chết hàng loạt, cả hai ngành nghề đều rơi vào khủng hoảng nặng nề. Bởi vì hai ngành này là mũi nhọn kinh tế của khu vực, liên quan rất nhiều tới các ngành nghề khác, nên khi hai ngành khủng hoảng, thì hầu như toàn bộ kinh tế khu vực bị khủng hoảng theo. Người ngư dân, chỉ biết nghề chài lưới, nay không còn cá tôm để đánh bắt, chuyển đổi nghề nghiệp không được thực sự rơi vào bước đường cùng. Trong tình thế như vậy, họ lại được chứng kiến những cảnh bất công, ngang trái trong việc phân chia chút tiền đền bù, việc nhà cầm quyền đàn áp người dân nộp đơn khiếu kiện Formosa, cảnh đàn áp những người lên tiếng cho môi trường biển Việt Nam thì việc người dân cùng đường đứng lên đòi quyền lợi cho bản thân, phản đối và yêu cầu đóng cửa Formosa là việc đương nhiên. Vấn đề chỉ là thời gian để hậu quả vụ việc tác động tới người dân đủ để bùng lên tinh thần phản kháng nữa mà thôi.

       Một yếu tố quan trọng, đó là ứng xử của nhà cầm quyền Việt Nam đối với toàn bộ vụ việc Formosa. Có thể nói, bước ngoặt lớn nhất, quan trọng nhất chính là sự bưng bít, bao che và bênh vực cho Formosa bất chấp mọi hậu quả đối với môt trường biển và đời sống người dân của nhà cầm quyền Việt Nam. Ngược ngạo hơn nữa là sự đàn áp người dân các tỉnh miền Trung và cả nước lên tiếng về vấn đề môi trường, về Formosa. Chính từ thái độ này, người dân đã thực sự thức tỉnh, đã thực sự hiểu rõ bản chất của chế độ cộng sản và nhà cầm quyền. Không hiểu sao được khi người dân chỉ đi gửi đơn kiện Formosa mà nhà nước đã huy động cảnh sát tới đàn áp, đánh đập dã man những người dân này. Những người biểu tình, lên tiếng về sự kiện Formosa ở Hà Nội, Sài Gòn và cả nước đều bị bắt bớ, đánh đập và đàn áp. Có lẽ những chiếc mặt nạ cuối cùng của nhà cầm quyền cộng sản Việt nam đã rơi nốt, rơi hết qua vụ việc Formosa này.

       Trong toàn bộ sự cố Formosa vừa qua, chúng ta cần hiểu rõ một điều. Sự cố này, và cách ứng xử của nhà cầm quyền Việt Nam không phải là điều gì xa lạ, mới mẻ. Tất cả các dự án trên đất nước này đều là Formosa với quy mô nhỏ hơn mà thôi. Điều đó có nghĩa là, các doanh nghiệp đầu tư bất chấp môi trường, chỉ cần đút lót cho quan chức, nhà cầm quyền các cấp là đều được cấp phép hoạt động, xả thải ra môi trường, không cần quan tâm môi trường. Các con sông Nhuệ, sông Đáy,...và một số con sông trên cả nước đã trở thành các con sông chết do ô nhiễm môi trường của các nhà máy xí nghiệp. Formosa chỉ trở thành điểm nóng, bước ngoặt khi tác hại môi trường của nó quá khủng khiếp, ảnh hưởng nặng nề lên đời sống người dân một khu vực rộng lớn. Chính vì vậy, sự cố formosa đã làm nảy sinh hai vấn đề có tính quy luật.

       - Người dân bị dồn đến đường cùng bắt buộc phải vùng dậy. Cần nhìn nhận việc này dưới hai góc độ. Thứ nhất, người dân bị mất kế sinh nhai, không còn công việc và thu nhập trong hoàn cảnh nền kinh tế tan hoang khó chuyển đổi nghề nghiệp, cũng như tạo ra thu nhập mới. Thứ hai, cách ứng xử của nhà cầm quyền qua sự cố Formosa khiến cho họ thấy, người dân bị bỏ mặc và không có quyền sống, quyền con người. Nếu họ không vùng lên, cũng không thể sống nổi.

       - Cơ hội để các lực lượng tiến bộ, dân chủ dồn ép nhà cầm quyền phải nhượng bộ, trước hết là bồi thường thỏa đáng thiệt hại cho nhân dân, làm trong sạch môi trường biển. Trên cơ sở đó đòi hỏi các quyền con người, quyền sống, quyền môi trường trong sạch cho người dân. Chúng ta cũng nên hiểu rằng, đây là những đòi hỏi chính đáng, đúng pháp luật và công ước quốc tế về quyền con người. Nhưng đối với nhà cầm quyền độc tài cộng sản, điều đó đồng nghĩa với việc gây rối, bạo loạn và kích động lật đổ. Chúng ta không lạ gì và hoàn toàn không sợ luận điểm chụp mũ này của nhà cầm quyền, bởi vì tất cả hành xử của họ hoàn toàn bất chấp yêu cầu, nguyện vọng cũng như quyền sống, quyền con người của nhân dân...

(còn nữa)

Hà Nội, ngày 22/3/2017

N.V.B