You are here

Cần phân biệt giữa đấu tranh dân chủ và hoạt động (làm) chính trị (Bài 2)

Ảnh của nguyenvubinh

     ...

     2/ Động viên, khuyến khích người dân tham gia vào công cuộc đấu tranh dân chủ

     Khi chúng ta phân biệt được việc đấu tranh dân chủ không phải là làm chính trị, không phải tham gia vào hoạt động chính trị thì chúng ta có thể động viên được nhiều người tham gia vào công cuộc vận động dân chủ ở Việt Nam. Thông thường, nếu coi đấu tranh dân chủ là hoạt động chính trị thì một mặt người dân không đủ tự tin để tham gia, mặt khác lại đánh đồng chính trị với những thủ đoạn đê tiện, hèn hạ nên cũng không muốn tham gia. Chúng ta cần xác định rõ, hiểu theo nghĩa rộng nhất, đấu tranh dân chủ bao hàm các phương diện hoạt động sau đây.

     - Nói lên sự thật

     - Lên án, đấu tranh với cái sai, cái gian dối, cái xấu, cái bất công và cái ác

     - Tham gia vào các hoạt động của xã hội dân sự, bao gồm tham gia vào các hội nhóm để chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống và giúp đỡ người khác; các tổ chức bảo vệ môi trường, tổ chức thiện nguyện

     - Thực thi các quyền con người của cá nhân, đấu tranh cho các quyền con người đó

      - Đấu tranh để thay đổi chế độ độc tài toàn trị, xây dựng thể chế dân chủ ở việt nam.

     Căn cứ vào các nội dung này, bất cứ ai cũng có thể tham gia ở từng khía cạnh, mức độ phù hợp với mong muốn và điều kiện hoàn cảnh của mình. Mỗi người, bằng nhận thức và quyết tâm của mình đều có thể tham gia vào công cuộc chung của phong trào dân chủ.

     Việc phân biết rõ hoạt động đấu tranh dân chủ với hoạt động chính trị không chỉ giải tỏa những băn khoăn của những người mong muốn tham gia vào phong trào dân chủ mà còn giúp vạch trần những âm mưu, luận điểm đánh tráo khái niệm để vu khống những người đấu tranh. Các vị chức sắc tôn giáo khi tham gia đấu tranh cho tự do tôn giáo nói riêng, và tự do dân chủ nói chung đã bị các luận điệu xuyên tạc và gây chia rẽ. Ví dụ có quan điểm cho rằng những người có chức sắc tôn giáo không nên tham gia vào các hoạt động chính trị, chỉ nên lo phần đạo, đừng can thiệp vào phần đời. Khi đã hiểu đúng vấn đề, chúng ta dễ dàng phản bác lại luận điệu xuyên tạc đó. Những vị chức sắc tôn giáo, lên tiếng để nói sự thật, lên án những cái xấu, cái bất công và cái ác chứ hoàn toàn không phải hoạt động chính trị bởi vì các vị đó đâu có thành lập tổ chức, đảng phái để tranh cử bầu bán hưởng lợi từ việc đó. Đồng thời, không có một giáo lý tôn giáo nào cấm hoặc lên án những người lên tiếng đấu tranh chống lại cái xấu, cái bất công và cái ác. Xét đến cùng, những hoạt động của những người tham gia vào phong trào dân chủ chính là thực hiện nghĩa vụ công dân của mình, nói lên sự thật, lên án cái xấu, cái bất công và cái ác.

     Có một số quan điểm của người đấu tranh, chưa phân biệt được đấu tranh dân chủ và làm chính trị, nhưng lại đi xa tới mức cho rằng xác định đấu tranh dân chủ (làm chính trị) là một nghề chuyên nghiệp. Điều này không đúng, căn cứ vào những phân tích ở trên. Hơn nữa, khi xác định là nghề, thì cần có sự đào tạo, cần có bằng cấp, có chuyên môn mới tham gia được, mới đóng góp được. Điều này vô hình chung đã hạn chế đi khả năng tham gia của tất cả mọi người ở bất kỳ trình độ, điều kiện và hoàn cảnh nào. Tất nhiên, trong nhiều thành phần tham gia vào công cuộc đấu tranh dân chủ, luôn có một bộ phận những người xác định việc đấu tranh dân chủ giai đoạn hiện nay làm tiền đề cho những hoạt động chính trị sau này của họ.

     3/ Xác định chiến tuyến cho hoạt động đấu tranh dân chủ

     Phân biệt đấu tranh dân chủ và làm chính trị không chỉ góp phần xác định tâm thế khi tham gia đấu tranh, không chỉ động viên khuyến khích được nhiều người dân tham gia vào phong trào dân chủ mà còn góp phần xác định chiến tuyến cho hoạt động đấu tranh dân chủ, cho phong trào dân chủ. Chúng ta biết rằng, khi đã tham gia vào phong trào dân chủ là chúng ta đối đầu với cả một bộ máy hùng hậu liên ngành của chế độ cộng sản. Cả hệ thống chính trị của cộng sản, đại diện là bộ máy tuyên truyền và bộ máy đàn áp sẽ vào cuộc và ra tay với chúng ta. Chính vì vậy, việc liên kết, hợp tác giữa những người thuộc phong trào dân chủ là yêu cầu tất yếu. Nhưng liên kết, hợp tác chưa đủ, chúng ta cần xác định và xây dựng chiến tuyến để bảo vệ nhau trước sự đánh phá, đàn áp và khủng bố của nhà cầm quyền. Nhưng vấn đề này, trên thực tế, phong trào dân chủ Việt Nam còn rất yếu. Nguyên do một phần, những người đấu tranh dân chủ chưa hiểu rốt ráo về sự khác nhau giữa đấu tranh dân chủ và làm chính trị.

     Nếu chúng ta nhầm lẫn giữa đấu tranh dân chủ và làm chính trị, chúng ta sẽ cho rằng không có chiến tuyến hay ranh giới nào giữa những người đấu tranh dân chủ với những người thuộc hệ thống cai trị hiện nay. Bất kể ai sai cái gì, sai như thế nào cũng cần lên án, phê phán; đấu tranh chống độc tài nói chung chứ không chỉ là độc tài toàn trị cộng sản; cần bạch hóa tất cả để mọi người thấy chúng ta trong sạch...đây chính là quan điểm về hoạt động chính trị, trong môi trường bình đẳng giữa các cá nhân, đảng phái và lực lượng xã hội. Những quan điểm như trên mới nghe không phải không đúng, không có lý nhưng chỉ có một vấn đề, môi trường của chúng ta chưa phải môi trường hoạt động, làm chính trị như vậy.

     Những người đấu tranh dân chủ, tham gia vào phong trào dân chủ trước hết đều là con người. Đã là con người thì không thể tránh được những sai lầm, khiếm khuyết hơn nữa lại ở trong môi trường cộng sản từ nhỏ tới lớn, với sự giáo dục và chuẩn mực đạo đức bị băng hoại hoàn toàn. Nếu chúng ta xác định được chiến tuyến, ranh giới thì việc châm trước, bảo vệ nhau, đoàn kết sẽ tạo ra sức mạnh. Những người đấu tranh xác định phương thức đấu tranh bất bạo động, lại không ở trong guồng máy nhà nước thì không thể phạm những tội ác tày trời không thể tha thứ được. Có chăng cũng chỉ là những sai lầm, những khiếm khuyết trong sinh hoạt. Chính vì vậy, về nguyên tắc, chúng ta cần bảo vệ nhau, cần sự đoàn kết. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta bao che, không có sự góp ý, đấu tranh với những sai trái, khiếm khuyết của nhau. Khi những sai trái vượt ra ngoài những điều thông thường, sinh hoạt chúng ta cũng cần có thái độ góp ý, thậm chí phê phán, lên án. Nhưng chúng ta cần lưu ý, chỉ tập trung góp ý, phê phán hoặc lên án những sai trái trong công việc, tránh đi vào đời tư, và tránh công kích, nhục mạ nhau. Có những người nói rằng, giai đoạn hiện nay chưa phải là giai đoạn bình công xét tội khi mà độc tài toàn trị còn đang gây tang thương cho cả đất nước hàng ngày, hàng giờ như vậy.

     Khi đã xác định rõ, đấu tranh dân chủ là sự dấn thân trong một môi trường độc tài toàn trị cộng sản với một quyết tâm và lý tưởng không lay chuyển, chúng ta sẽ vượt qua được những thử thách khốc liệt, và những cạm bẫy (tưởng chừng rất có lý) như việc đánh đồng hoạt động đấu tranh dân chủ với hoạt động chính trị hiện nay./.

Hà Nội, ngày 16/01/2017

N.V.B