You are here

Phiên tòa vụ Đỗ Đăng Dư: Người “trốn” vào tòa kể chuyện

Mẹ, anh trai và chị gái của em Dư đang chờ kết quả khám nghiệm tử thi. Ảnh chụp tại tại sân nhà tang lễ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trưa ngày 11/10/2015. Ảnh: Nguyễn Đình Hà.

Ngày 22/9/2016, ngoài vụ án Ba Sàm, còn một vụ khác nữa cũng được dư luận rất quan tâm vì tính khuất tất của nó. Đó là vụ Vũ Văn Bình đánh chết Đỗ Đăng Dư cùng là can phạm trong trại tạm giam. Tuy nhiên, hầu hết đổ về phiên tòa Ba Sàm, chỉ có vài người đến 43 Hai Bà Trưng (HN) vì vụ Đỗ Đăng Dư, trong đó có anh Trương Văn Dũng. Một điều rất hiếm khi xảy ra, không biết bằng cách nào, anh lại “lẻn” được vào tòa và ngồi dự từ đầu đến cuối.

Vụ Đỗ Đăng Dư từng tốn khá nhiều tâm sức của giới báo chí, xung quanh vấn đề tại sao Dư chết dễ dàng như vậy, tại sao Dư bị đá vào đầu mà trên cơ thể lại có nhiều vết thương ở những chỗ khác? Tại sao Bình ở bên trái, lại có thể dùng gót chân với qua đánh được vào bên phải đầu Đỗ Đăng Dư? v.v… 

Ai dung túng cho Bình và ngoài Bình ra còn ai nữa không, hoặc người khác đánh mà Bình phải đứng ra nhận tội? (câu hỏi nghi vấn này hướng vào công an trong trại giam). Những vấn đề không được Hội đồng xét xử tôn trọng như kết luận giám định chỉ có chữ ký của một giám định viên trong khi theo qui định thì phải có 2 chữ ký giám định viên mới hợp pháp. Hai nhân chứng quan trọng là hai can phạm chứng kiến vụ việc vắng mặt nhưng Hội đồng xét xử vẫn cứ bỏ qua, bất chấp yêu cầu của luật sư là hoãn phiên tòa, trả hồ sơ, điều tra lại làm rõ những nghi vấn. 

Bà Đỗ Thị Mai mẹ Đỗ Đăng Dư viết trong đơn gửi Cao ủy Liên Hợp Quốc: “Cái chết của con trai tôi quá nhiều uẩn khúc, gia đình tôi không tin rằng con trai tôi bị bạn tù đánh chết.” 

Các luật sư cho rằng Bình đã phạm tội “Giết người” nhưng Hội đồng xét xử kết án Bình theo tội “cố ý gây thương tích”. Cuối cùng thì mình Vũ Văn Bình chịu tội với bản án quá nhẹ là 10 năm tù. 

Bà Đỗ Thị Mai đau đớn khóc tại phiên tòa. Luật sư Lê Văn Luân nói, tôi cũng cảm thấy đau xót khi chỉ vì hai triệu thôi mà xảy ra sự việc như vậy, với những vết thương bị đánh đến như vậy. Mạng người không thể rẻ như vậy được. 

Anh Trương Văn Dũng là người quan tâm đến nạn nhân Đỗ Đăng Dư ngay từ khi Dư đang được cấp cứu trong bệnh viện. Anh bám sát sự kiện đưa tin kịp thời, an ủi, tư vấn cho gia đình. Chính vì vậy, trong buổi đến thăm gia đình Đỗ Đăng Dư ngày 16/10/2015, anh bị chúng nhận mặt đánh trả thù. Cùng với việc hai luật sư Lê Văn Luân và Trần Thu Nam bị đánh sau đó (ngày 3/11/2015) cũng tại đất Chương Mỹ, ta có thể hiểu được kẻ nào, thế lực nào bố trí trả thù anh Dũng và dằn mặt luật sư? 

Như đã nói, anh Trương Văn Dũng đã có mặt từ đầu đến cuối phiên tòa. Xin giới thiệu clip anh kể về những gì anh chứng kiến tại phiên tòa này:

24/9/2016

Nguyễn Tường Thụy

Bài liên quan: 

Kẻ nào đang run sợ sau cái chết của cháu Đỗ Đăng Dư?