You are here

Về các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam (Bài 2: Tính chất đặc thù, quy mô và các loại hình tổ chức XHDS)

Ảnh của nguyenvubinh

     Tính chất đặc thù của các tổ chức XHDS ở Việt Nam

     Trong bài viết trước, chúng ta đã đề cập tới sự khác biệt giữa tổ chức XHDS ở Việt Nam và các tổ chức XHDS thông thường, tức là ở các nước có thể chế dân chủ. Nhưng chúng ta chưa nêu được hết tính chất đặc thù của các tổ chức XHDS ở Việt Nam. Tính chất đặc thù của các tổ chức XHDS ở Việt Nam được thể hiện trên những phương diện sau.

     - Hầu như tất cả các hoạt động của các tổ chức XHDS ở Việt nam đều nhằm, hoặc có tính chất phản kháng lại đối với nhà cầm quyền Việt Nam. Những hoạt động của các tổ chức XHDS có tính chất chính trị như Con Đường Việt Nam, Hội Anh Em Dân Chủ, Mạng lưới Blogger Việt Nam, vv...có những hoạt động nhằm bảo vệ quyền con người, chia sẻ hiểu biết về quyền con người, về tự do và dân chủ thì sự phản kháng lại nhà cầm quyền là điều đương nhiên. Nhưng những tổ chức như FC NO-U, tuy là phản đối Trung Quốc, nhưng xét đến cùng cũng chính là phản đối lại nhà cầm quyền Việt Nam, vì muốn duy trì độc tài toàn trị mà đảng cộng sản Việt Nam đã hợp tác toàn diện với Trung Quốc và luôn nhân nhượng, yếu hèn về chủ quyền biển đảo, là nguyên nhân cho việc Trung Quốc chèn ép và xâm lấn lãnh thổ, lãnh hải...sau đó lại ra tay đàn áp những người lên tiếng, biểu tình vì chủ quyền biển đảo. Tương tự như vậy, là các tổ chức thiện nguyện, những tổ chức giúp đỡ dân oan, nạn nhân của nhà cầm quyền Việt Nam, trong hoàn cảnh nhà cầm quyền Việt Nam tối kỵ người dân yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Chính vì vậy, xét đến cùng, các tổ chức XHDS ở Việt Nam đều có tính chất phản kháng lại nhà cầm quyền Việt Nam.

     - Các hoạt động của các tổ chức XHDSVN, trong phạm vi nào đó, chính là một hình thức kết hợp của những người đấu tranh dân chủ Việt Nam. Điều này không khó để nhận ra, bởi hầu hết những người đấu tranh dân chủ ở Việt Nam đều nằm trong một hoặc một vài tổ chức XHDS nào đó. Sau những cố gắng, thử nghiệm kết hợp với hình thức cao nhất về chính trị, đó là đảng phái, hoặc các tổ chức có tính chất chính trị nhưng chưa thành công, những người đấu tranh dân chủ đã tìm ra con đường kết hợp thông qua các tổ chức XHDS hiện nay. Tuy không trực diện và hiệu quả như các tổ chức chính trị chính thống, nhưng các tổ chức XHDS ít nhiều vẫn có không gian cho những người đấu tranh hoạt động và giao lưu.

     - Các tổ chức XHDS ở Việt Nam cũng là nơi học hỏi, thực hành các hoạt động kết hợp, làm việc chung giữa các cá nhân đấu tranh. Một hạn chế lớn của  các cá nhân và phong trào dân chủ Việt Nam đó là khả năng làm việc chung vô cùng yếu kém. Họ chưa được đào tạo và chưa hề trải nghiệm, chưa có kinh nghiệm trong vấn đề kết hợp, làm việc chung mà đây lại là vấn đề vô cùng quan trọng. Đi xa hơn nữa, đó còn là sự kết hợp, liên minh làm việc chung giữa các tổ chức XHDS với nhau. Chính vì vậy, giai đoạn làm việc trong các tổ chức XHDS này vô cùng quan trọng, cần thiết đối với các cá nhân và tổ chức của phong trào dân chủ.

     - Một tính chất đặc thù nữa, hầu như chưa có tổ chức XHDS nào ở Việt Nam có trụ sở hoạt động, tất cả đều được sinh hoạt, và giao lưu trên không gian mạng, không gian ảo, hệ thống Internet và mạng xã hội facebooks. Nhà cầm quyền Việt nam không thể cấm được các hoạt động trên không gian mạng, mặc dù vẫn ra sức đánh phá. Các tổ chức XHDS họp bàn, phân công phân nhiệm, bầu cử, đại hội hầu như đều diễn ra trên không gian mạng. Đó cũng là một nét rất đặc trưng.

     Quy mô và các loại hình tổ chức XHDS

     Các tổ chức XHDS ở Việt Nam có quy mô rất đa dạng, phong phú. Có tổ chức chỉ có 2-3 người, nhưng có tổ chức theo thống kê số lượng tham gia vòng ngoài, tức là phạm vi rộng nhất của tổ chức lên tới hơn 2000 người (Hội AEDC). Nhưng quy mô trung bình của các tổ chức thường là từ 20-50 người và có thêm các cộng tác viên. Về hình thức tổ chức, có những tổ chức rất lỏng lẻo, nhưng có những tổ chức lại có kết cấu rất chặt chẽ. Có tổ chức việc tham gia, thậm chí hoạt động rất đơn giản, nhưng cũng có tổ chức việc tham gia được kiểm soát rất chặt chẽ. Một vấn đề nữa là vấn đề đóng mở của các hội, nhóm. Có hội nhóm có tính chất nghề nghiệp, ví dụ như Hội Giáo chức Chu Văn An, chỉ kết nạp những giáo viên. Có nhưng hội nhóm chỉ có một số lượng người nhất định là tham gia được, ví dụ như Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm. Nhưng phần lớn các hội là hội mở, tức là số lượng người tham gia đa thành phần và không hạn chế số lượng.

     Trong số hơn 20 tổ chức XHDS đang hoạt động ở Việt Nam hiện nay, có thể phân chia thành các loại hình hội, nhóm phụ thuộc vào tính chất hoạt động của các tổ chức đó.

     + Các tổ chức XHDS có tính chất chính trị bao gồm: Con Đường Việt Nam, Hội Anh Em Dân Chủ, Mạng lưới Blogger Việt Nam, Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm, Lao Động Việt, Phụ Nữ Nhân Quyền...đây là những tổ chức công khai đấu tranh cho quyền con người, cho tự do của người dân, và cũng đấu tranh cho một thể chế dân chủ của Việt nam trong tương lai.

     + Các tổ chức XHDS có tính chất nghề nghiệp: Văn Đoàn Độc Lập, Hội Nhà Báo Độc Lập, Hội Giáo Chức Chu Văn An...các hội nhóm này đều hoạt động dựa trên tính chất ngành nghề, cũng như đấu tranh trực diện với nhà cầm quyền Việt Nam dựa theo tính chất ngành nghề của họ.

     + Các tổ chức XHDS có tính chất thiện nguyện: Hội Bầu Bí Tương Thân, trước đây có nhóm Cứu Lấy dân Oan, sau chia tách thành hai nhóm (Vì Ngày Mai Tươi Sáng và nhóm Mai infor). Ngoài ra còn một số nhóm như Cứu trợ dân oan, nhóm Hoàng Thái Hồng...đây là những nhóm thiện nguyện, quy mô không lớn và chủ yếu thực hiện việc làm cầu nối giúp đỡ những tù nhân lương tâm, dân oan và người dân có hoàn cảnh khó khăn, khổ sở.

     + Các tổ chức XHDS là kết quả của những phản kháng trực tiếp: nhóm FC NO-U, nhóm Vì Hà Nội Xanh, vv...những nhóm này xuất phát từ sự phản kháng về một sự kiện nào đó, kết hợp với nhau để lập thành một hội, nhóm.

     + Các nhóm Dân Oan: Dân Oan Dương Nội, Dân Oan Ba Miền...đây là những nhóm mà người tham gia là nạn nhân trực tiếp của nhà cầm quyền Việt Nam. Những người này bị mất đất, mất nhà, đền bù không thỏa đáng,  hoặc những người gia đình vướng vòng lao lý một cách bất công, oan khiên. Các nhóm dân oan có hai nguồn gốc hợp thành, cùng một địa phương và cùng một vụ việc (Dân Oan Dương Nội), những người không cùng địa phương, không cùng vụ việc, tập hợp nhau tại những nơi khiếu kiện của nhà cầm quyền Việt Nam (Dân oan Ba Miền)./.

Hà Nội, ngày 15/9/2016

N.V.B