You are here

Quân đội đánh golf khi sân bay tắc nghẽn

Không phải chỉ gần đây dư luận mới râm ran về việc quân đội dùng 157ha đất trong sân bay Tân Sơn Nhất để xây dựng một tổ hợp sân golf, nhà hàng, khách sạn, biệt thự, khu vui chơi giải trí. Cách đây 2 năm, ngay trên diễn đàn Quốc Hội, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã gặp phải những chất vấn về việc sử dụng khu đất vàng này, mà như ông giải trình, quân đội chỉ đang 'tận dụng đất'.

Nay thì sự việc được hâm nóng trở lại khi sân bay Tân Sơn Nhất đã hoạt động quá công suất thiết kế nhưng không còn đất để mở rộng thêm được nữa.

Đại tướng tâm tư Phùng Quang Thanh và nhóm lợi ích khổng lồ khoác áo lính của ông chứng tỏ họ vẫn là một tập đoàn cứ điểm không dễ xâm phạm, khi kiên quyết giữ khu đất vàng kể trên làm sân golf, nhà hàng, khách sạn, biệt thự, mặc cho sân bay này đang bị tắc nghẽn nghiêm trọng cả trên trời lẫn dưới đất, ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn bộ quốc gia.

Hình ảnh tương phản giữa người lính khi tử nạn vẫn nghèo khó trong khi tướng tá hậu phương (kể cả những cấp cao nhất) thì cổ phần cổ phiếu công ty nọ, tập đoàn kia, mải mê đầu tư sân golf, khách sạn, biệt thự... khiến quân đội hiện nay yếu về chính trị hơn bao giờ hết.

Những phi công tử nạn mới đây, trước kia đã nghĩ gì khi thấy Phùng Đại tướng đứng sau cho Công ty 319 của con trai ông, Phùng Quang Hải, đi gom dự án khắp trong nam ngoài bắc?

Việc quân đội làm kinh tế chẳng những không giảm mà còn được mở rộng những năm gần đây chắc chắn trong tương lai gần sẽ đặt Việt Nam trước nguy cơ của chủ nghĩa quân phiệt kiểu mới đến từ những người vừa cầm súng vừa tự làm ra tiền.

Đưa một quân huấn viên như Ngô Xuân Lịch làm Bộ trưởng Quốc phòng có thể giúp hệ thống níu kéo chút ảnh hưởng ý thức hệ đối với quân đội nhưng không thể nào ngăn chặn được xu hướng nó đang dần trở thành một bộ máy tự quản, đến khi nào nó vẫn vừa cầm súng vừa làm ra tiền.

Nguy cơ này chỉ có thể bị ngăn chặn khi chấm dứt việc quân đội tự làm ra tiền bằng cách chuyển các công ty thuộc các lãnh vực phi quốc phòng sang ngạch dân sự, một việc được cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố rình rang ngay sau khi nhậm chức, nhưng đã nhanh chóng tỏ ra bất khả thi. 

Sẽ có người lo cho những công ty quân đội đang hoạt động hiệu quả như Viettel. Nhưng đừng lo, nó chẳng mất đi đâu cả, chỉ là những mảng kinh doanh dân sự của nó sẽ không thuộc về quân đội nữa mà thôi. Quốc phòng cho ra quốc phòng, kinh doanh cho ra kinh doanh.

Điều này chẳng những hứa hẹn đem đến hiệu quả lớn hơn (Viettel vẫn có thể duy trì văn hoá công ty kiểu nhà binh nếu họ muốn) mà còn giúp nền kinh tế thị trường của Việt Nam được công nhận nhiều hơn bởi quốc tế.

Tóm lại, muốn tự làm ra tiền thì buông súng giải ngũ, còn đã cầm súng thì phải nhận cấp phát tiền từ thuế dân mới không nảy sinh ý định một ngày nào đó biến đất nước thành trại lính.