You are here

Công cuộc vận động dân chủ ở Việt Nam (Bài 3: Hiện tình phong trào dân chủ)

Ảnh của nguyenvubinh

Phong trào dân chủ Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm, biến động. Từ những tiếng nói đơn lẻ, những bài viết bằng tay truyền cho nhau đọc đến giai đoạn nở rộ trên mạng xã hội facebooks như hiện nay. Đã có sự đóng góp của bao lớp người, các thể hệ âm thầm chia sẻ, lan tỏa quan điểm khác biệt đến lớp thanh niên sử dụng thành thạo máy vi tính, điện thoại thông minh để nói lên suy nghĩ của mình. Đến ngày hôm nay, dù chông gai còn nhiều, dù mục tiêu cốt tử của phong trào dân chủ vẫn chưa đạt được, chúng ta vẫn phải thừa nhận, sự phát triển của phong trào dân chủ Việt Nam là rất đáng khích lệ và trân trọng.
Có những nôi dung chúng ta chưa thực hiện được nhiều, có những mục tiêu phong trào dân chủ đã có thành tựu xuất sắc. Bức tranh đan xen của phong trào dân chủ Việt Nam trải rộng trên hai phương diện nội dung và hình thức.
Nội dung hoạt động của phong trào dân chủ được biết đến với ba mục tiêu cơ bản, chúng ta sẽ đánh giá phong trào dân chủ thông qua từng mục tiêu.
1- Nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời khích lệ tinh thần yêu nước. Đây là mục tiêu, nội dung quan trọng xuyên suốt của phong trào dân chủ. Ngay từ những ngày đầu, giai đoạn sơ khởi của phong trào dân chủ, mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân luôn là ưu tiên số một bởi người dân sống trong chế độ cộng sản, độc tài toàn trị với bộ máy tuyên truyền dối trá, hệ thống giáo dục giáo điều chỉ với mục đích tha hóa con người, tạo ra những con người khuyết tật trong cả nhận thức và nhân phẩm. Phong trào dân chủ đã bền bỉ, kiên cường trong hoàn cảnh khắc nghiệt của chế độ cộng sản, đưa nhận thức đúng đắn, chân lý từng bước tiếp cận người dân. Sau này, kể từ năm 2005-2006 trở đi, khi hệ thống Internet bắt đầu phát triển, nhận thức của người dân từng bước thay đổi rất đáng khích lệ. Gần đây nhất, hệ thống mạng xã hội, đặc biệt mạng facebooks đã làm bùng nổ thông tin, người dân được tiếp xúc với tất cả sự thật về chế độ cộng sản nói chung và cộng sản Việt Nam nói riêng. Có thể nói, cùng với sự phát triển của hệ thống Internet và mạng xã hội facebooks, phong trào dân chủ Việt Nam đã nâng cao nhận thức của người dân, nâng cao dân trí của Việt Nam lên một tầm cao mới. Đây chính là thành tựu quan trọng nhất của phong trào dân chủ trong hơn chục năm qua.
Để có được thành tựu nâng cao dân trí, ngoài nỗ lực chủ quan của những thành viên phong trào dân chủ, chúng ta cần nhấn mạnh vai trò của hệ thống Internet và mạng xã hội facebooks đã có những ưu thế tuyệt đối sau: a. Tính công khai và tốc độ lan truyền của thông tin. Bất kể thông tin nào, khi được đưa lên mạng xã hội facebooks đều trở thành công khai, một quá trình công khai hóa tự động đã diễn ra. Bức màn bưng bít thông tin của chế độ cộng sản đã bị phá tan bởi tính công khai này. Tốc độ lan truyền thông tin, được thực hiện bởi sự chia sẻ trên mạng xã hội cũng là yếu tố vô cùng quan trọng để thông tin tới được người dân. Chỉ một thông tin, một trạng thái của một cá nhân đăng lên facebooks, đã có hàng ngàn người biết được, và trong số đó lại có sự chia sẻ, ngay lập tức thông tin đã tới với hàng chục ngàn, trăm ngàn người khắp hang cùng ngõ hẻm ở Việt Nam; b. Tính phản biện của diễn đàn mạng xã hội. Không chỉ có công khai, lan tỏa, mạng xã hội facebooks còn là một diễn đàn để người dân tham gia phản biện, trao đổi các ý tưởng, quan điểm. Chính vì các thông tin, kiến thức, ý tưởng, quan điểm được trao đổi, được phản biện, nhận thức của người tham gia mới càng ngày càng được nâng cao. Tính năng trao đổi và phản biện của facebooks có vai trò quan trọng để tìm ra sự thật, chân lý, từ đó dân trí của người dân cũng được nâng cao.
Với những ưu thế tuyệt đối của hệ thống Internet và mạng xã hội facebooks như vậy, phong trào dân chủ đã khéo léo hướng tới các nội dung quan trọng trong nhận thức của nhân dân. Đó là việc vạch trần bản chất của chế độ cộng sản nói chung và cộng sản Việt Nam nói riêng. Đồng thời, giải ảo những thần tượng, lãnh tụ cùng với những thành tích, thành tựu dối trá mà chế độ cộng sản đã tô vẽ. Trình bày, tố cáo những tội ác của chế độ trong quá khứ, giải thích, lý giải cho những sự kiện trong quá khứ và hiện tại có liên hệ với quá khứ. Không những vậy, phong trào dân chủ còn vạch trần những âm mưu, những dối trá của nhà cầm quyền Việt Nam trong hiện tại, phong trào dân chủ cũng đang dần chiếm lĩnh vai trò định hướng dư luận trong nhân dân. Tóm lại, vạch trần bản chất chế độ trong quá khứ và hiện tại, chiếm lĩnh vai trò định hướng dư luận, định hướng nhân dân là thành tựu quan trọng của phong trào dân chủ Việt Nam.
2 - Tố cáo, lên án chế độ kết hợp với vận động sự ủng hộ của quốc tế đối với phong trào dân chủ Việt Nam. Đối với chế độ cộng sản, độc tài toàn trị thì việc vi phạm nhân quyền đối với người dân là điều hoàn toàn tự nhiên. Đồng thời, trong quá trình phát triển, đi lên của phong trào dân chủ, đã có rất nhiều sự đàn áp, vi phạm từ phía nhà cầm quyền Việt Nam với phong trào dân chủ. Chính vì vậy, nội dung, mục tiêu quan trọng của phong trào dân chủ là lên án, tố cáo nhà cầm quyền Việt Nam tới dư luận quốc tế, tới các tổ chức của Liên hợp quốc và các chính phủ dân chủ. Quá trình tố cáo, lên án những vi phạm nhân quyền cũng đồng thời là quá trình vận động quốc tế ủng hộ phong trào dân chủ Việt Nam. Với mục tiêu này, phong trào dân chủ đã có những thành công đáng kể, thu hút được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế cũng như các chính phủ dân chủ.
Nội dung tố cáo các vi phạm của nhà cầm quyền Việt Nam bao gồm vấn đề vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo, đàn áp phong trào dân chủ và nhà cầm quyền Việt Nam đã tạo ra thảm trạng dân oan, thảm họa môi trường.
Việc vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Việt Nam là liên tục và nghiêm trọng. Vi phạm ngay từ trong pháp luật, đến hành xử đời thường. Chúng ta đã tố cáo những văn bản, điều luật vi phạm quyền con người như các điều luật dùng để bắt giam, xử tù những người đấu tranh dân chủ...còn việc vi phạm nhân quyền trên thực tế thì không sao đếm xuể, không thể kể hết được những vi phạm nghiêm trọng về quyền con người của nhà cầm quyền Việt Nam. Gần đây nhất, việc canh giữ, bắt người, đánh đập, đàn áp những người lên tiếng, tuần hành bảo vệ môi trường trước thảm họa biển chết, cá chết là những minh chứng hùng hồn nhất.
Quá trình đàn áp các tôn giáo ở Việt Nam đã có từ năm 1945 và hầu như không hề thuyên giảm, chỉ thay đổi thủ đoạn và cách thức đàn áp. Từ việc đập phá nhà thờ, thánh giá, đánh đập giáo dân công giáo đến bắt bớ, giam cầm những người tin lành, phật giáo, phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài... đã liên tục xảy ra và ngày càng khốc liệt. Tất cả những hành vi đàn áp tôn giáo đều được ghi nhận và tố cáo lên các cơ quan hữu trách của Liên hợp quốc, dư luận quốc tế.
Trong khoảng vài chục năm trở lại đây, khi nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường, nhất là khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã diễn ra tình trạng người dân của Việt Nam bị cướp đất. Quá trình này diễn ra bởi nhà cầm quyền Việt Nam đã căn cứ vào luật sở hữu công cộng về đất đai, đồng thời bày ra các quy hoạch phát triển của từng địa phương để thu hồi đất giá rẻ mạt, sau đó bán đi kiếm chênh lệch giá. Quá trình cướp đất diễn ra trên toàn quốc, đã tạo ra hàng triệu người dân mất đất đai, được đền bù rẻ mạt và một số lớn trở thành dân oan mất đất. Gần đây nhất, nhà cầm quyền Việt nam đã để các nhà đầu tư xả chất độc hại xuống biển miền trung tạo ra thảm họa cá chết, biển chết. Cả một vùng biển miền trung trải dài bốn tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp, các tỉnh khác bị ảnh hưởng gián tiếp đã làm cho ngư dân, ngành thủy hải sản, du lịch biển Việt Nam phá sản. Điều đặc biệt là nhà cầm quyền đã thiếu trách nhiệm trong việc công bố nguyên nhân thảm họa môi trường và bỏ qua việc xử lý ô nhiễm ven biển các tỉnh miền trung. Điều này đã làm người dân hết sức phẫn nộ. Khi họ xuống đường bày tỏ sự quan tâm bảo vệ môi trường thì bị nhà cầm quyền đàn áp, đánh đập hết sức dã man.
Các tổ chức của Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế đã quan tâm giúp đỡ người dân bị đàn áp nhân quyền, đàn áp tôn giáo. Họ đã có những sự giúp đỡ hết sức thiết thực, hiệu quả như xem xét cho người tỵ nạn, kêu gọi, tác động và tạo sức ép lên nhà cầm quyền, giảm nhẹ các án tù, nhận người từ lao tù đi tỵ nạn...mối liên hệ mật thiết với cộng đồng quốc tế cũng là một thành công của phong trào dân chủ...
(còn nữa)
Hà Nội, ngày 24/6/2016
N.V.B