You are here

Làm thế nào để người có tài có cơ hội cống hiến?

Báo chí và mạng xã hội đang ầm ĩ chuyện ông Vũ Quang Hải, con trai cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng sau khi du học ở nước ngoài về, dù còn rất trẻ và mới chỉ làm việc trong thời gia ngắn, nhưng liên tục được sắp xếp và bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo có nhiều bổng lộc trong các cơ quan và doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương. 

Cụ thể là lúc mới 25 tuổi ông Hải đã được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam (PVFI) và đã làm công ty này lỗ hơn 220 tỷ đồng. Khi PVFI hoạt động đình trệ và có nguy cơ phá sản, thì ông Hải lại được điều về Cục Xúc tiến thương mại của Bộ, nhận chức Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu (cấp Vụ Phó). Và chỉ sau một thời gian ngắn, theo đề nghị của ông Phan Đăng Tuất - nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn-Sabeco, ông Vũ Quang Hải đã trở thành thành viên HĐQT kiêm chức Phó tổng giám đốc Sabeco - một doanh nghiệp nhà nước có vốn chủ sở hữu tới 12.000 tỷ đồng, khi mới có 28 tuổi. Sự việc này có liên quan đến ông Võ Thanh Hà-Chủ tịch HĐQT Sabeco, sinh năm 1974 nguyên là thư ký của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Trước khi về Sabeco, ông Võ Thanh Hà giữ vị trí Chánh Văn phòng Bộ Công Thương từ tháng 2/2015. Toàn bộ việc bê bối này lđược giao cho tân Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Tuấn Anh là người chủ trì giải quyết.

Chỉ một vụ việc "bé bằng móng tay" như thế, mà thấy xuất hiện hàng loạt gương mặt con ông, cháu cha. Đó là các ông Vũ Quang Hải - con trai cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng; ông Võ Thanh Hà - con trai Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc; ông Phan Đăng Tuất - chú vợ ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai Thủ tướng Dũng và ông Trần Tuấn Anh con trai Chủ tịch Nước Trần Đức Lương.

Phải chăng dư luận giận dữ bởi lý do này?

Câu trả lời là không! Vì thực ra trong một xã hội còn mang nặng tư tưởng "một người làm quan, cả họ được nhờ" như Việt nam hiện nay, thì việc các lãnh đạo cất nhắc con cái vào các vị trí béo bở thì cũng là chuyện bình thường. Vì mỗi chúng ta nếu ở cương vị lãnh đạo, thì cũng tìm mọi cách lách luật để thu vén cho lợi ích của cá nhân mình mà thôi. Khó mà làm khác được. Nhất là cơ chế hiện tại không chỉ thiếu chặt chẽ, mà họ không cấm hay ngăn chặn tình trạng này. 

Vì thế trong nhiều năm trở lại đây, việc các cán bộ cao cấp bố trí, cất nhắc cho con cái của họ vào những vị trí thăng tiến tốt mặc nhiên trở thành một cái quyền của họ và chả riêng gì các ông lớn mà ai cũng vậy. Nếu nhìn lên trên người ta sẽ thấy, những cái tên của các cô cậu "tuổi trẻ tài cao" như: Nông Quốc Tuấn, Nguyễn Thanh Nghị, Tô Linh Hương, Lê Trương Hải Hiếu, Nguyễn Xuân Anh... trùng trùng, điệp điệp kể không hết. Nếu kể đến cả cấp lãnh đạo cỡ cấp huyện và tương đương, thì có đến hàng ngàn, hàng vạn trường hợp. Nếu nhìn xuống dưới thì không chỉ có con cái các sếp lớn nhỏ, mà cả con cháu của bạn bè sếp (đôi khi cũng chả cần), miễn là có tiền thì cũng được nhận vào làm viên chức nhà nước hay mấy chỗ dễ kiếm tiền. Chỉ lạ một điều, những người ấy không phải những người có tài cán đặc biệt, ngoài việc là có bố mẹ làm to. 

Vậy mà, ông Vũ Quang Hải vẫn nói với báo chí rằng "Tôi được xin về Sabeco đúng quy trình". không chỉ thế, ông Hải còn khẳng định rằng: “Trong một đất nước do Đảng lãnh đạo, mọi thứ bình đẳng hết, cơ hội của mọi người là như nhau. Thật sự tôi không nghĩ đây là sự ưu ái, vì tất cả chúng ta đều bình đẳng hết”. Cũng như thế, ông bố của ông - cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, việc bổ nhiệm con trai của mình là ông Vũ Quang Hải và thư ký - ông Võ Thanh Hà không phải ông đề xuất mà là do Sabeco có công văn thiết tha xin đích danh và Đảng ủy cơ quan bộ đã xem xét theo đúng quy trình. Thậm chí Cựu Chủ tịch HĐQT Sabeco Phan Đăng Tuất giải thích rằng ông Vũ Quang Hải được chọn làm phó tổng giám đốc vì là người "trẻ tuổi, tài cao, nói tiếng Anh câu nào hiểu câu ấy". Người ta đã đặt ngay câu hỏi rằng "Nếu như người khác có tiêu chuẩn như ông Vũ Quang Hải nhưng không có bố là Bộ trưởng thì liệu có được quan tâm như thế hay không?"

Dư luận xã hội hết sức phẫn nộ vì những cái đó, họ coi đó là sự biện minh của những kẻ tham lam và vô liêm sỉ, là điều không  thể chấp nhận được và thấy rằng chính quyền đã quá coi thường dân chúng trong việc chia chác quyền lực. Tiến sĩ Hà Văn Thịnh, Trường Đại học Khoa học Huế tỏ ra hết sức bức xúc khi viết trên trang facebook cá nhân rằng: "Tàn tệ hơn cả thời phong kiến, mục ruỗng hơn cả ngôi nhà mục nát nhất, là sự thật không thể nào chối cãi!". Đây là nhận xét hoàn toàn chính xác.

Dưới thời phong kiến, khi mà sự thừa kế "cha truyền con nối" được coi trọng, thì việc tuyển người làm quan có thể lệ gọi là tập ấm, tức là các con cái quan lại thì có tiêu chuẩn để bổ nhiệm làm quan, mà không phải qua thi cử. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này chỉ mang tính động viên, chứ không phải nguồn chính để tuyển dụng người vào bộ máy nhà nước. Để phát hiện và sử dụng nhân tài, các triều đại phong kiến thường áp dụng hai phương thức chính là tiến cử và thi cử và chế độ thi cử là chủ yếu. Đồng thời trong chế độ phong kiến bên cạnh chức vị thì còn có tước vị để dành cho những người có công nhưng không có đủ năng lực làm quan, giúp họ có một tước vị cho rạng ranh với xã hội. Những kẻ có tiền thì cũng có thể công khai mua tước. Nhưng ở chế độ hiện nay, người có chức quyền là đi kèm theo hàng loạt các quyền lực, quyền lợi và được đa số các quan chức tận dụng để đục khoét núi ngân sách (vốn đã vô chủ) từ tiền thuế của người dân. Trong khi ấy, không có đủ các thiết chết giám sát và điều chỉnh quyền lực cần thiết. Khi quyền lực được trao cho những người không đủ nhân cách, thì đã trở thành công cụ phục vụ cho việc tìm kiếm lợi ích cá nhân và lợi ích phe nhóm.

Việc một số người được giữ các chức vụ cao từ lúc còn ít tuổi, điều mà những công chức mẫn cán, có tài và có quá trình công tác trên dưới 40 năm cũng không dám mơ đến là điều bất hợp lý. Với cơ chế như hiện nay đã không khuyến khích và tạo điều kiện cho người có tài có điều kiện đóng góp cho đất nước. Đây là sự bất bình đẳng về cơ hội. Vấn đề đặt ra là, chúng ta cần phải xây dựng được một một thể chế chính trị mà trong đó cơ chế giám sát và điều chỉnh quyền lực với những cơ quan giám sát hoàn toàn độc lập phải được hoàn thiện. Với thiết chế tam quyền phân lập rõ ràng, cộng với việc thừa nhận đa nguyên và cạnh tranh chính trị. Và chỉ có như thế thì mới ngăn chặn và đi tới chấm dứt được tình trạng những kẻ có chức có quyền nhưng thiếu nhân cách lộng quyền và bất chấp pháp luật như hiện nay. Có như thế mới có thể tạo điều kiện cho người có tài có được cơ hội để cống hiến cho xã hội.

Ngày 15/06/2015

© Kami

* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.