You are here

Vì sao VN khó từ bỏ học thuyết Cộng sản?

Theo truyền thông nhà nước, tại cuộc họp báo công bố chương trình kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, sáng 19/10, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: "Quốc hội sẽ bàn nhiều luật liên quan đến xã hội dân sự, với mục đích là để triển khai thực hiện các nội dung quan trọng của Hiến pháp.". Đây là một tin vui cho những người quan tâm đến ván đề cải cách chính trị ở Việt nam.

Như ta đã biết, trong một thể chế chính trị hiện hiện đại, sẽ bao gồm ba trụ cột chính, đó là: nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh; một Nhà nước pháp quyền và một hệ thống các tổ chức xã hội dân sự. Thì thông tin trên cho thấy thể chế chính trị của Việt nam đang dần lột xác để tiến tới các tiêu chí đó. Và điều đó cũng có nghĩa là học thuyết Marx-Lenin và vấn đề Chủ nghĩa Xã hội (CNXH) mà Đảng CSVN đã theo đuổi hàng mấy chục năm nay đã phải lùi bước để nhường chỗ cho một thể chế chính trị mang tính khoa học và phù hợp với thực tiễn của Việt nam hơn.

Từ CNXH...

Theo định nghĩa, Chủ nghĩa cộng sản là một khái niệm của một phong trào xã hội rộng lớn nhằm xóa bỏ hình thái kinh tế-xã hội của chủ nghĩa tư bản để xây dựng một xã hội không giai cấp, không chấp nhận quyền tư hữu đối với tư liệu sản xuất. Và Chủ nghĩa xã hội là hệ thống tư tưởng ủng hộ một nền kinh tế trong đó mọi tư liệu sản xuất thuộc sở hữu chung. Tựu chung đặc trưng cơ bản nhất của CNCS và CNXH về kinh tế là mọi tư liệu sản xuất đều thuộc về sở hữu của toàn dân và trái với quy luật đặc trưng này thì không còn gì là cộng sản.

Ở Việt nam, trong một thời gian dài công cuộc tiến lên CNXH bắt đầu ở miền Bắc từ sau năm 1954 và ở miền Nam là sau 1975. Khi ấy kinh tế tư bản tư nhân bị nhà nước xóa bỏ triệt để để thay vào đó là các cơ sở kinh tế quốc doanh hay hợp tác xã. Tình trạng đó kéo dài cho tới năm 1986, khi nền kinh tế đất nước lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng và đứng bên bờ vực của sự đổ vỡ, đã buộc Đảng CSVN phải tiến hành đổi mới đường lối kinh tế, chuyển từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Kể từ đó, chính quyền đã chấp nhận sự tồn tại của nhiều thành phần kinh tế khác nhau bên cạnh nền kinh tế quốc doanh, đây là nguyên nhân đã khiến nền kinh tế của Việt nam khởi sắc và thoát khỏi khủng hoảng. Kết quả là từ một quốc gia thiếu ăn triền miên, Việt nam trở thành một quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới và bộ mặt của đất nước được thay đổi một cách nhanh chóng.

Qua đó cho thấy CNXH là một đường lối sai lầm mà Đảng CSVN đã vấp phải và sự đổi mới theo cách nói của họ thực chất là trở về với cái cũ, điều đã tồn tại trong xã hội loài người nói chung và ở Việt nam nói riêng đã hàng ngàn năm nay. Đó là công nhận và coi trọng sở hữu tư nhân.

Tuy Đảng CSVN đã nhận ra sai lầm và đã có sự thay đổi về đường lối kinh tế, đó là chuyển từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đây là điều mà các nhân vật bảo thủ trong đảng cho rằng đã vi phạm nguyên tắc cơ bản của CNCS và CNXH. Tuy vậy, người ta cho rằng, vấn đề khẳng định rằng Đảng CSVN kiên định với Chủ nghĩa Marx-Lenin và CNXH chỉ với một mục đích duy nhất hòng đánh lừa dân chúng, những người vẫn còn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng CSVN.

... đến xa rời và từ bỏ

Nhưng cho đến nay thì "chiếc kim trong bọc rồi cũng phải lòi ra", sau gần 30 năm đổi mới về kinh tế thì đến nay, Đảng CSVN một lần nữa thừa nhận vai trò của nền kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, thậm chí còn có thể thay thế vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Không chỉ thế, người ta còn phát hiện rằng lâu nay các khái niệm về Chủ nghĩa Marx-Lenin, CNXH hay XHCN đã âm thầm biến mất trên báo chí, thậm chí vắng bóng trong các báo cáo hay diễn văn của các nhà lãnh đạo hàng đầu.

Dưới nhan đề "‘Chủ nghĩa xã hội’ biến mất tại Hội nghị trung ương 12", tác giả Phạm Chí Dũng đã khẳng định rằng "Một hiện tượng “lạ” đã diễn ra khi trong cả diễn văn khai mạc lẫn thông báo bế mạc của Hội nghị trung ương 12 đảng Cộng sản Việt Nam, kéo dài suốt một tuần từ ngày 5 đến ngày 11/10/2015 giữa những người bên đảng và phía chính phủ tranh nhau các vị trí trong “tứ trụ” cùng chức vụ tổng bí thư, đã chỉ một lần tính từ “xã hội chủ nghĩa” được nhắc đến mà không xuất hiện bất kỳ danh từ “chủ nghĩa xã hội” nào trong các đoạn văn chính trị. Ngay cả cụm từ trước đây rất thường thấy là “xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”, nay cũng được lược bớt phần đuôi tại Hội nghị trung ương 12. Duy nhất một lần “xã hội chủ nghĩa” được dùng trong thông báo của Hội nghị trung ương 12 khi đề cập đến vấn đề “tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”"

Một thực tế cần phải thừa nhận đó là, CNCS nói chung hay CNXH theo đường lối của CN Marx-Lenin nói riêng đến nay đã trở nên lạc hậu và suy tàn, nó đi ngược với xu hướng phát triển của nhân loại. Bằng chứng là tất cả các nước vốn được coi là cộng sản như Trung quốc, Việt nam, Lào, Cu ba, thậm chí kể cả Bắc Triều tiên đến nay cũng đã chấp nhận và chuyển đổi nền kinh tế của mình sang kinh tế thị trường TBCN.

Điều đó đã được các nhà lãnh đạo Việt nam chính thức thừa nhận, ví dụ như khi nói chuyện về các vấn đề kinh tế ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Thính giả là các lãnh đạo của hầu hết các tỉnh, thành phố, nhiều người hỏi Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Ông đáp: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”. Cũng như việc mới nhất, tại Diễn đàn đầu tư toàn cầu Việt Nam 2015 ở Hà Nội ngày 3/09/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh với các đại diện cấp cao của các tập đoàn nước ngoài rằng "VN đang hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho các nhà đầu tư nước ngoài". Thậm chí ngay cả ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng phải buột miệng thừa nhận rằng "Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?".

Hơn nữa, sự thất bại và phá sản của cái gọi là Chủ nghĩa Xã hội theo học thuyết Marx-Lenine trên toàn cầu,. Mà những cái tàn dư của nó chỉ còn sót lại ở Cuba, Bắc Triều tiên..., kể cả ở Việt nam và Trung quốc trên thực tế đã là Tư bản nhà nước rồi, thì coi như cái chủ nghĩa ấy đã được những người cộng sản tự tay mình vứt vào sọt rác rồi.

Tuy rằng trên thực tế cho thấy, ban lãnh đạo Đảng CSVN hiện nay dẫu đã gián tiếp thừa nhận sai lầm của học thuyết Marx-Lenin và họ đã từng bước chuyển sang con đường Tư bản nhà nước. Song họ không công khai thừa nhận, cũng vì nếu họ thừa nhận sự phá sản của học thuyết này sẽ làm cho thế hệ các đảng viên kỳ cựu trong đảng - những người đã chấp nhận hy sinh tất cả để theo đuổi, nay nếu như họ phải chứng kiến sự phản bội lý tưởng cộng sản  thì sự giận dữ của họ sẽ có ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng CSVN.

Pháo đài cố thủ

Có thể khẳng định, nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến cho đất nước tụt hậu như hiện nay là do hệ tư tưởng cộng sản với Chủ nghĩa Marx-Lenine làm nền tảng tư tưởng của Đảng CSVN, điều mà đến nay chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa và duy nhất ở Việt nam.

Ở Việt nam, chính trị luôn được coi là thống soái và đảng CSVN là cơ quan quyền lực cao nhất. Theo đó mọi nghị quyết và chủ trương của đảng có tầm quan trọng đặc biệt và người giữ chức vụ cao nhất (số 1) ở Việt nam là ông Tổng Bí thư Đảng chứ không phải là Chủ tịch nước. Lời của TBT Nguyễn Phú Trọng khi nói về Hiến pháp - luật pháp cao nhất của quốc gia cũng cho rằng "Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng" là bằng chứng để khẳng định điều đó.

Muốn làm lãnh đạo ở Việt nam thì bắt buộc phải có bằng lý luận chính trị, tùy theo mức độ quan trọng của từng chức vụ mà người ta đòi hỏi các bằng lý luận chính trị đó ở các mức khác nhau, như: sơ cấp, trung cấp hay cao cấp chính trị. Lãnh đạo các cấp tỉnh thành (hoặc tương đương) trở lên bắt buộc phải có bằng lý luận chính trị cao cấp, được đào tạo từ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nơi giảng dạy các vấn đề lý luận liên quan đến Chủ nghĩa Marx-Lenin, Chủ nghĩa Xã hội... Tất cả những cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở Việt nam hiện nay được trang bị một mớ lý luận giáo điều, lạc hậu về kinh tế kế hoạch hóa XHCN rồi để ra vận hành một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh như hiện nay thì đây là một điều hoàn toàn vô lý.

Tuy vậy, những cán bộ lãnh đạo được đào tạo lý luận chính trị cao cấp không phải là lực cản cơ bản và quan trọng trong việc thoát khỏi ý thức hệ cộng sản. Vì trên thực tế đa phần trong số họ cũng đã biết sự sai lầm của thứ học thuyết này, song vì để tiến thân thì họ vẫn phải chịu chấp nhận học để cho có bằng. Song lực lượng níu kéo quan trọng nhất đó là: những nhà lý luận; những cán bộ tuyên giáo trong bộ máy tuyên truyền; đặc biệt là những lãnh đạo cao cấp đi lên từ công tác tuyên giáo hiện đang đang nắm giữ các trọng trách trong Đảng. Những người này họ sẽ kiên quyết cố thủ để bảo vệ cái học thuyết Chủ nghĩa Marx-Lenin cho dù đã lạc hậu và đã bị thực tế đào thải. Với lý do vì, nếu một khi Chủ nghĩa Marx-Lenin không còn giá trị thực tiễn nữa thì đồng nghĩa với việc họ trở thành những kẻ vô công rồi nghề. Như người dân thường bảo nhau rằng, khi đó "Mấy ông GS-TS khả kính ấy muốn xin chân trông xe đạp cũng khó, vì lý do đơn giản: họ có biết làm cái gì đâu?"

Kết:

Việc ông Hồ Chí Minh lựa chọn cho mình con đường cộng sản và mang nó về áp đặt cho nền chính trị Việt nam trong thế kỷ XX để tiến hành một cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và đã giành được độc lập cho Việt nam từ tay thực dân Pháp, phát xít Nhật là điều không thể chối bỏ. Nếu nói đây là sự lựa chọn sai lầm thì đó là sự phủ nhận lịch sử và là điều không đúng đắn. Dù rằng cái hệ tư tưởng Cộng sản ấy đã gây biết bao hệ lụy cho cả dân tộc này trong nhiều chục năm qua, song vào thời điểm đó thì ông Hồ Chí Minh không còn các lựa chọn nào khác, một khi chủ thuyết ấy đang là trào lưu. Sự thất bại của các ông Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh trong giai đoạn đó là những bằng chứng.

Tuy vậy vấn đề quan trọng của những người làm chính trị là phải biết sai để sửa và nếu sửa không được thì phải từ bỏ, thậm chí là phải vứt bỏ. Đối với học thuyết Cộng sản cũng như vậy, đó là việc làm của những người có hiểu biết và tỉnh táo.

Tiếc rằng về cơ bản, có lẽ việc triệt tiêu hoàn toàn học thuyết Cộng sản ra khỏi đời sống chính trị ở Việt nam có lẽ phải mất thời gian khoảng chừng 20 năm nữa. Khi những kẻ ăn bám vào học thuyết Cộng sản đã từ giã khỏi cõi đời này. Lúc đó dân tộc này mới hết nợ.

Ngày 20/10/2015

© Kami

* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.